Văn bản ngữ văn 9

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Khanh Quynh

Nỗi nhớ quê da diết không nuôi trong bài thơ Về thôi em.

Đỗ Ngọc Diệp
1 tháng 1 2019 lúc 9:47

Là một trong số tác phẩm được chọn đưa vào chương trình Ngữ văn địa phương cấp THCS ở tỉnh Quảng Nam, bài thơ Về thôi em của Dương Quang Anh không những đáp ứng được những tiêu chí cần có của một tác phẩm văn học giảng dạy trong nhà trường phổ thông mà còn là tác phẩm được các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh yêu thích.

VỀ THÔI EM

Em ra không, mai anh về đất Quảng.
Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao.
Thèm chi mô một chén rượu hồng đào,
Dẫu chưa uống – chỉ say từ câu hát.
Em ở biển ngọn khoai trườn nổng cát,
Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo
Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm.
Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm,
Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo,
Lận đận một đời quảy gánh gieo neo,
Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển
Đất dễ thấm – dễ mềm lòng quyến luyến,
Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay
Đờn Miếu Bông ai chọn phím so dây,
Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả ?
Về thôi em, bận lòng chi xứ lạ.
Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi,
Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi,
Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi.
Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải,
Cha mẹ trông ta – mòn Hòn Kẽm Đá Dừng !
Cuối năm 1997

(Dương Quang Anh, Tuyển tập thơ Quảng Nam Chưa mưa đà thấm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998)
Dương Quang Anh là người con của đất Quảng Nam. Ông sinh năm 1946, quê ở Bình Lâm, Hiệp Đức (Thăng Bình cũ). Ông có thơ đăng trên một số báo, tạp chí… Bài thơ Về thôi em được viết cuối năm 1997 và được chọn in trong tuyển tập thơ Chưa mưa đà thấm.- NXB Hội Nhà văn. Dương Quang Anh sáng tác không nhiều, tuy vậy, bài thơ Về thôi em của ông là một bài thơ để lại ấn tượng khá sâu đậm trong lòng bạn đọc, nhất là những người con đất Quảng xa quê.
Bài thơ mở ra bằng câu hỏi đi kèm với một thông báo:“Em ra không, mai anh về đất Quảng”. Thông báo được đưa ra ngay trong không khí miền Nam những ngày giáp tết, người Quảng xa xứ đang quay quắt nhớ cố hương và đau đáu một nỗi niềm quê kiểng. Chính cảm thức thời gian – không gian đó đã làm cho khổ thơ mở đầu nhuốm màu tâm trạng và dậy lên một nỗi khát thèm: “Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao/ Thèm chi mô một chén rượu hồng đào/ Dẫu chưa uống – chỉ say từ câu hát”. Nhắc đến quê nhà Quảng Nam là gợi nhớ về câu ca dao xưa: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa uống đà say”. Câu ca ấy như thấm vào trong máu thịt của người dân xứ Quảng, giờ chạm đến lại òa về làm say đắm lòng người.
Và cứ thế lời thơ tuôn chảy tự nhiên theo mạch nguồn cảm xúc, gợi thương, gợi nhớ về một miền quê trên dải đất miền Trung nắng đổ, mưa tràn. Người xa quê như thấy mình được sống lại với từng cảnh vật thân thiết của quê nhà:
Em ở biển ngọn khoai trườn nổng cát,
Anh trên nguồn đá chẹn củ mỳ eo

….
Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm,
Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo
Ngọn khoai, củ mỳ, con cá chuồn, trái mít, chưa hẳn đã là đặc sản của vùng đất Quảng Nam. Nhưng đây lại là những sản vật gắn với mảnh đất “chưa mưa đà thấm”, gắn với tâm thức của con người xứ Quảng. Nó không chỉ là hình ảnh biểu trưng của mảnh đất quê nhà mà còn là biểu trưng của cuộc sống người dân Quảng Nam với bao nỗi nhọc nhằn, gian nan, vất vả. Hình ảnh “ngọn khoai trườn nổng cát” hay “đá chẹn củ mỳ eo” gợi về những miền quê đất Quảng: dưới biển, cát trắng trải dài – chỉ cát và cát – ngọn khoai phải “trườn” mình trên cát nóng mà sống; trên nguồn, núi đồi cằn cỗi – chỉ đá và đá – củ mỳ bị đá “chẹn” đến dị dạng. Còn hình ảnh “con cá chuồn” dưới biển hay “trái mít” trên nguồn lại gắn với hoạt động trao đổi, buôn bán của người dân hai miền. Câu thơ làm ta nhớ về câu ca “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Ở đây, người viết như muốn gợi nhớ về một miền quê Quảng Nam với cả không khí sinh hoạt và lao động. Nơi ấy là quê nhà của anh và em, nặng nghĩa, nghĩa tình!

Và hơn thế nữa, nơi ấy còn có hình bóng của cha ta “cả đời cha cày bới lượm đói nghèo/ vẫn khen đất mình chưa mưa đã thấm”, của mẹ ta“lận đận một đời quảy gánh gieo neo/ Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển”. Bằng cách nói hình tượng, với những hình ảnh biểu trưng, người thơ đã cho ta một hình dung về cuộc đời của mẹ cha ta. Nhớ và thương biết mấy cha mẹ ngày xưa đã vất vả gian nan, vật lộn với cái đói, cái nghèo của đất quê ! Không chỉ thương mà còn tự hào bởi người dân quê ta giàu tình cảm, yêu quê hương, cần cù, chịu thương, chịu khó. Lời thơ ẩn chứa một nỗi niềm xa xót, day dứt, quặn thắt làm nát lòng người xa xứ. Nhớ lắm và thương lắm!

Trong cảm thức ly hương, chủ thể trữ tình dường như đã không kìm nén được cảm xúc đã phải dụng đến lý lẽ để giãi bày cho sự “mềm lòng” của mình: “Đất dễ thấm – dễ mềm lòng quyến luyến/ người đi xa nhớ muối mặn gừng cay”. Ta có cảm giác, lúc này, tình cảm giống như một cái gì đó mong manh, dễ vỡ. Chỉ khẽ chạm cũng đủ òa vỡ. Và sự thật “giọt nước đã tràn ly”, tiếng lòng ấy đã rung lên cùng tiếng đàn dội về trong cõi nhớ và theo chuyến tàu hối hả rời ga để rồi bật lên thành tiếng khóc:

Đờn Miếu Bông ai chọn phím so dây,
Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả ?

Trong ngậm ngùi luyến nhớ, hình ảnh quê nhà cứ dồn dập hiện về trong tâm trí người xa xứ làm nên những đợt sóng tình cảm xô đẩy, va đập, cuộn xoáy và trào dâng thành tiếng gọi về tha thiết: “Về thôi em, bận lòng chi xứ lạ”. Vâng! Như một lời hối thúc quay về: về đi, về với quê hương thân thiết dấu yêu, về với mẹ cha ta một đời khốn khó, dẫu con sông quê “bên lở bên bồi”, dẫu quê ta “Mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi”, dẫu quê ta còn vô vàn khó khăn, vất vả! Không chỉ thấu hiểu và sẻ chia, người thơ còn như muốn nói đến nghĩa tình sau trước, sắt son chung thủy của người dân Quảng Nam trong việc bám đất giữa làng khi ông đưa ra một hình ảnh có tính ẩn dụ “Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi”. Làm sao người Quảng xa quê không thấy xót, thấy đau và không khỏi nghĩ về quê nhà khi đọc được những câu thơ như thế!

Trong sự thôi thúc quay về, người thơ như mường tượng thấy bóng dáng quê nhà trong những ngày giáp tết và cảm nhận được nỗi mong ngóng cháy lòng của cha mẹ nơi phương trời xưa cũ. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh thơ thật đẹp, thật ấn tượng làm nao lòng người đọc, dẫu đó chỉ là hình ảnh được tạo nên bởi một dự cảm ngậm ngùi:

Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải,
Cha mẹ trông ta – mòn Hòn Kẽm Đá Dừng !

Người thơ đã vận dụng một cách sáng tạo linh hồn câu ca dao “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!” để cụ thể hóa không gian vời vợi, thời gian đằng đẵng, mòn mỏi ngóng trông của cha mẹ bằng hình ảnh “mòn Hòn Kẽm Đá Dừng. Câu thơ ám ảnh lạ thường!

Dương Quang Anh đã thật tinh tế trong việc chọn lựa và đưa vào bài thơ những hình ảnh lẫn ý tình của những câu ca dao thân thuộc tự bao đời của người dân xứ Quảng. Có thể nói, chất dân gian, hơi thở của cuộc sống, cái hồn đất Quảng như thấm sâu trong từng câu, từng chữ của bài thơ.


Các câu hỏi tương tự
thao nguyen
Xem chi tiết
Nguyễn Vũ Kỳ Anh
Xem chi tiết
hung nguyen
Xem chi tiết
Hoàng Văn Nam
Xem chi tiết
Hg Ngoc
Xem chi tiết
tran duc huy
Xem chi tiết
Min군대
Xem chi tiết
Lê Nhật Anh
Xem chi tiết
Nguyễn Trang
Xem chi tiết