Bài 5 : Yêu thương con người

Nguyễn Ngọc Khả Nguyên

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Phân tích ý nghĩa câu này giúp e ạ.

Trịnh Thị Thúy Vân
25 tháng 9 2016 lúc 9:24

Từ lâu người Việt đã có truyền thống yêu thương đùm bọc lẫn nhau, truyền thống đó càng được thể hiện rõ nếu một cá nhân trong một tập thể, một cộng đồng gặp khó khăn. Để con cháu mãi mãi giữ được truyền thống quý báu đó ông cha ta đã truyền lại câu ca dao mà không con người mang dòng máu Việt Nam quên được:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Chúng ta có thể hiểu rằng, nhiễu điều là một tấm vải màu đỏ, có thể nói là vô cùng quí giá và sang trọng trong xã hội thời xưa. Và vật quí giá đó được dùng để phủ lên tấm bài vị của tổ tiên. Tấm vải che chở, đùm bọc cho “giá gương” khỏi những bụi bặm, nhơ bẩn trong cuộc đời. Chính hình ảnh này đã khơi gợi lên hình ảnh yêu thương, sự đùm bọc sẽ chia của nhân dân ta, mà đời đời kiếp kiếp nhân dân giữ gìn, coi trọng nó như một phần của trái tim, một phần của tâm hồn của mình.

Truyền thuyết Con Rồng cháu tiên đã nói cho chúng ta biết chúng ta được sinh ra cùng một tổ tiên. Chúng ta, mỗi người con đất Việt, đều là con cháu của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, chúng ta cùng sinh ra trong một bọc trăm trứng thần kì. Điều đó có nghĩa là mỗi người, dù ở nơi đâu trên trái đất bao la và rộng lớn này, dù trong bộ phận nhỏ nhất, cũng chảy chung một dòng máu, đó là dòng máu Việt Nam. Chúng ta là anh em, nên yêu thương và che chở cho nhau là một điều tự nhiên và không bao giờ thay đổi. Truyền thuyết là vậy, nhưng cũng từ đó mà nhân dân ta đã tạo nên một sợi dây gắn kết bền chặt, một sợi dây gắn kết những tầm hồn, những tình yêu thương chúng ta dành cho nhau.

Cuộc sống ngày nay đã phát triển, con người được sống sung sướng hơn nhưng vẫn còn đây đó những cảnh đời bất hạnh, đau thương. Dòng đường đời lắm gian truân, nhiều phong ba bão táp, nên sẽ luôn có người ngã xuống, có người thất bại, có người biết tự mình đứng lên, cũng có người sẽ không bao giờ muốn gượng dậy. Nói thì dễ, nhưng để tự đứng dậy khi đã ngã xuống, thì không phải ai cũng làm được. Khi đó, chúng ta sẽ mong mỏi có một bàn tay ấm áp nắm lấy tay ta, kéo ta lên để ta bước tiếp trên con đường phía trước. Và bàn tay đó, không hoa mĩ, không trừu tượng như trong văn thơ đâu, đơn giản: đó là tình yêu. Tình yêu thương con người, tình yêu đồng loại, tất cả, đều là sức mạnh giúp ta đứng lên. Tất nhiên, không phải tình yêu đó sẽ làm cho bạn bất tử, làm cho bạn không bao giờ vấp ngã, nhưng nó sẽ mãi che chở cho ta, làm cho ta ấm lòng, làm cho ta có thêm niềm tin vào cuộc sống này hơn. Để có được tình yêu đó, không phải là điều khó. Nếu ta biết trao sự giúp đỡ, tình yêu của mình cho người khác, thì sẽ có người khác lại giúp đỡ ta, san sẻ tình yêu cho ta. Nếu ai cũng biết chia sẻ tình yêu thương, thì cái thế giới này sẽ thật đầm ấm biết bao.

Sự che chở đùm bọc lẫn nhau sẽ làm cho xã hội ngày càng phát triển, xã hội ngày càng tiến đến sự công bằng, bình đẳng. Nếu như ta coi xã hội này là một vòng xích khổng lồ, thì mỗi cá nhân sẽ là một mắt xích. Một mắt xích bị tách rời, là vòng xích sẽ đứt, nghĩa là một con người không biết gắn kết, thì sẽ là cả một tập thể, cả một xã hội sẽ phần nào bị ảnh hưởng. Thế nên, để cho xã hội có thể phát triển, thì cần phải biết gắn kết người dân lại với nhau, và thứ gắn chặt nhất, chính là tình yêu thương. Vượt lên trên cả điều này, tất cả những điều mà câu ca dao nhắc nhở chúng ta còn là cơ sở cho sự đoàn kết, mà có đoàn kết, chính là có tự do, có sức mạnh, là khẳng định của sự trường tồn vĩnh cửu.

Nếu mỗi chúng ta đều có ý thức tự giác giúp đỡ những con người khó khăn, xã hội sẽ nhanh chóng giàu mạnh. Nhưng có một cái khó khăn, đó là làm sao để 80 triệu con người Việt Nam, 80 triệu con tim cùng hòa chung nhịp đập, cùng biết san sẻ, cùng biết yêu thương lẫn nhau. Để đạt được điều này, đầu tiên, chúng ta cần rèn luyện nhân cách của mình, làm cho bản thân ta biết “cho” và biết “chia sẻ”. Việc rèn luyện là cả một quá trình, ta không thể một sớm một chiều có thể đạt được, mà là phải cố gắng không ngừng, và phải áp dụng nó trong mỗi ngày. Đơn giản nhất, hãy biết đùm bọc, yêu thương những người trong gia đình, những người ta gắn bó nhất. Rồi dần dần, tình cảm đó sẽ nâng lên là yêu thương giúp đỡ người trong một xóm, một phố, một đất nước. Thế giời ngoài kia đang đầy rẫy nhưng bi thảm của những cuộc đời bất hạnh, đang có những bàn tay mong mỏi được giúp đỡ: từ những cơn lũ quét cuốn trôi một tỉnh thành, hay là những bàn tay của trẻ em đang trong độ tuổi đi học lại phải đi ăn xin vì bị bỏ rơi… Điều này đã thối thúc chúng ta cần phải giúp đỡ họ, bằng những công việc cụ thể như quyên góp tiền ủng hộ, hay xây những nhà tình nghĩa cho trẻ em khuyết tật, người già neo đơn, hoặc những chiến dịch hiến máu nhân đạo của các tổ chức, cộng đồng, xã hội. Nó sẽ phần nào đem lại nụ cười cho những người gặp hoạn nạn, một nụ cười hạnh phúc. Tuy nhiên, ngày nay, tình yêu đó còn vượt qua cả biên giới, đó là chúng ta cần phải biết giúp đỡ tất cả mọi người dù họ thuộc quốc gia nào. Điều đó được thể hiện trong chính những hoạt động xã hội như cứu giúp Nhật Bản sau thảm họa, hay việc bảo vệ quyền con người trên các quốc gia. Tất cả góp phần tạo nên sự gắn kết giữa các dân tộc với nhau, làm cho thế giới này trở nên văn minh hơn, tốt đẹp hơn

Truyền tụng câu ca dao trong dân gian không chỉ có ý răn dạy, khuyên nhủ, còn là một trách nhiệm của mỗi con người Việt Nam ta, đó là cần phải biết yêu thương đùm bọc, che chở, đoàn kết giúp đỡ lần nhau. Chúng ta cần phải biết giúp đỡ nhau cùng tiến lên, cùng vượt qua khó khăn để tạo nên một cuộc sống đầy những niềm vui, hạnh phúc và thành công.

Bình luận (0)
Nguyễn Trần Thành Đạt
25 tháng 9 2016 lúc 9:56

Câu này ý nghĩa là nêu lên sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Dùng để răn dạy thế hệ đi sau.

Bình luận (0)
Kẹo dẻo
24 tháng 9 2016 lúc 12:56

Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Để diễn đạt tình nghĩa tha thiết này, ca dao có câu:
 

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”​



Những hình ảnh trong câu ca dao thật dễ hiểu nhưng ý nghĩa của nó thì thật là sâu sắc. “Nhiễu điều” là tấm vải đỏ; “giá gương” là giá đỡ tấm gương. Hình ảnh “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” có nghĩa đen là tấm vải đỏ che phủ, giữ cho sạch và làm đẹp cho giá gương cùng cả tấm gương. Hai tiếng “phủ lấy” nhắc nhở, thể hiện sự gắn bó không tách rời giữa giá gương và nhiễu điều. Hình ảnh đó còn gợi lên nghĩa bóng đó là sự yêu thương, đùm bọc, che chở. Lấy nghĩa bóng đó, dân gian muốn nhắn nhủ mọi người trong cùng một cộng đồng cần phải biết yêu thương, đùm bọc, che chở cho nhau: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là một lời khuyên nhủ đậm đà tình nghĩa.

Vậy thì tại sao người trong một nước phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau? Trong tâm thức mỗi người Việt Nam đều tin các dân tộc trên đất nước ta là anh em. Con người cùng một nước, có cùng chung một nguồn gốc lịch sử. Mọi người trong cùng cộng đồng, cùng làng, cùng nước,… đời sống vật chất, tinh thần luôn gắn bó với nhau, rất cần đến sự quan tâm động viên giúp đỡ lẫn nhau; nhất là lúc có ai đó gặp khó khăn hoạn nạn. Hơn nữa, không ai có thể sống lẻ loi trong xã hội mà phải hoà nhập vào cộng đồng. Thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau là lẽ sống của mỗi người, nó đã trở thành một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta. Tình cảm yêu thương đoàn kết tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần sẽ giúp con người vượt qua bao khó khăn, chiến thắng kẻ thù và thiên tai, đi tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Có thể kể đến các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta. Rồi những tấm lòng hảo tâm đóng góp vào các quỹ từ thiện đã giúp nhiều người nghèo khó, bệnh tật khắc phục được hoàn cảnh, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo trở về với cuộc sống bình thường.

Chúng ta phải làm thế nào để phát huy được đạo lí tốt đẹp đó? Chúng ta cần tránh quan điểm : “Đèn nhà ai người ấy rạng.”, có thái độ dửng dưng đứng trước nỗi đau khổ của họ hàng, làng xóm, dân tộc. Và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau phải xuất phát từ lòng chân thành, tự nguyện thì đó mới là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Để phát huy được đạo lí tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, chúng ta phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn hoạn nạn với thái độ chân thành, kịp thời. Thương yêu, đùm bọc lẫn nhau là biểu hiện sự đoàn kết dân tộc. Mỗi người cần phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Ý nghĩa của câu ca dao đã trở nên muôn đời. Vì đó là bài học đã đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải biết phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó.

Bình luận (0)
Kẹo dẻo
24 tháng 9 2016 lúc 12:57

Ca dao của chúng ta đã có những câu đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức. Một trongnhững câu ca dao tiêu biểu ấy chính là câu “ Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng" .

Nhiễu điều là thứ vải xưa rất mềm , màu đỏ , người xưa thương phủ lên giá gương để vừa tôn thêm vẻ đẹp của gương , vừa để cho gương luôn được trong sáng , không bị bám bụi Giá gương là một chiêc khung bằng gỗ , trong có lồng gương có thể đặt trên bàn, hay trên trên tủ. Như vậy câu ca dao trên có ý nói : dù chỉ là vật vô tri, vô giác , vuông nhiễu điều kia còn có thể cho gương thêm đẹp, thêm trong , thì là người có nghĩa , có tình, đương nhiên ta phải biết thương yêu giúp đỡ người cùng trong một nước khi khó khăn, hoạn nạn. Nói khác đi, câu ca dao trên có ý nhấn mạnh vào sự thương yêu, giúp đơ cần có giữa những người cùng chung nòi giống. Còn “ Người trong một nước phải thương nhau cùng” là rất đúng vì người sống trong một nước đã có quan hệ mật thiết với nhau về mặt vật chất cũng như tinh thần. Cụ thể như khi lũ lụt tại nước ta , đâu có phải chỉ người ở vùng lũ lụt ấy bị thiệt thòi Khi bị thiệt hại nặng nề về của , về người , nhân dân địa phương đó đương nhiên phải ưu tiên lo dành tiền dựng lại nhà cửa, làm vốn canh tác thì đâu còn dư giả để mua sắm , mãi lực nhân đó đã giảm hẳn , ảnh hưởng lớn lao đến mọi người Mặt khác, khi nước nhà bị địch hoạ thì toàn dân đều lâm cảnh lầm than . Ta há chẳng nhớ đến câu “ Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây “ trong bài “ Chạy giặc “ của Nguyễn Đình Chiểu tả nỗi lầm than của nhân dân ta khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược hay sao. Chính vì vậy, câu ca dao trên không chỉ được đề cao để vận động nhân dân ta giúp đỡ đồng bào khi bị thiên tai mà còn từng là khẩu hiệu của Hai Bà Trưng dùng để tập hợp toàn dân vùng lên chống lại thái thú Tô Định bạo tàn.Câu ca dao trên còn đúng vì dân tộc ta còn là dân tộc có tình có nghĩa , luôn luôn nhớ mình cùng một mẹ Âu Cơ sinh ra nên đương nhiên phải “ Chị ngã, em nâng “ , “ Lá lành đùm lá rách “ , “ Thương người như thể thương thân “ 

Câu ca dao trên đã có giá trị tuyệt đối.nhưng nhận thức , tình cảm trên chỉ phát huy hết tác dụng khi chúng ta có được thái độ, hành vi cụ thể giúp đỡ người lâm nạn . Mặt khác, sự giúp đỡ của chúng ta đối với những người bất hạnh phải mang tính sáng suốt, triệt để để người được ta giúp đỡ thực sự thoát cảnh khổ đau, không vì sự giúp đỡ của ta mà thành kẻ ỷ lại.

Thấm nhuần nội dung, tinh thần của câu ca dao trên , nhân dân ta không những sống có tình , có nghĩa, biết đoàn kết gắn bó giúp nhau vượt qua thiên tai, đich hoạ khiến đất nước trường tồn và phát triển mà còn lên án nghiêm khắc những cá nhân, những tập thể nào còn thiển cận tối mắt vì lợi ích cục bộ quên lời dạy bảo của cha ông đang tâm tham nhũng , hối lộ, buôn lậu ,tiếp tay với các tệ nạn xã hội hoặc phá hoại môi trường thiên nhiên gây hậu quả tai hại cho dân, cho nước.

Hiểu rõ câu ca dao trên, ta càng hiểu thêm tấm lòng của nhân dân ta đối với đồng bào., hiểu thêm giá trị văn học dân gian .Chắc chắn chúng ta phải phấn đấu học tốt văn học dân gian hơn nữa và ứng dụng vào cuộc sống .

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
Trần Thị Oanh
Xem chi tiết
Nguyễn Kaori
Xem chi tiết
Phương Chi
Xem chi tiết
Quỳnh Như
Xem chi tiết
Hello Kitty
Xem chi tiết
Trần Quang Hiếu
Xem chi tiết
KT MC GAMER
Xem chi tiết
Dat Nguyen
Xem chi tiết
bê trần
Xem chi tiết