-Điêu khắc đá Champa là một bộ môn nổi tiếng được nghiên cứu từ cuối thế kỷ XIX. Các nhà nghiên cứu đã định ra được các phong cách tạo hình của Champa từ giai đoạn trước TK VII (chịu ảnh hưởng nghệ thuật Amaravati của Ấn Độ) cho tới giai đoạn nửa sau TK VII trở đi, đã tạo ra được những nét riêng của điêu khắc đá Champa qua 8 loại phong cách: Mỹ Sơn E1, Hòa Lai, Đồng Dương, Khương Mỹ, Chánh Lộ, Tháp Mắm, Yang Mun, Pô Rô Mê. Hiện nay sưu tập điêu khắc Champa tập trung ở các Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Tổng hợp Huế, Bảo tàng Bình Định và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam –Tp. HCM. Nghệ thuật điêu khắc Champa rất phong phú với nhiều tác phẩm phù điêu, tượng tròn gắn với sinh hoạt tôn giáo Bà la môn, trên những tác phẩm này thường bắt gặp nét chủng tộc, y phục, trang sức Chăm hòa trộn với hình ảnh các vị thần Bà la môn, hoặc những nét tả thực cũng như cách điệu thể hiện trong hình ảnh con người, loài vật… hết sức sinh động.