Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển, phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, xuất khẩu thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài[9]. Đây là nền kinh tế lớn thứ 6/11 ở khu vực Đông Nam Á; lớn thứ 44 trên thế giới xét theo quy mô GDP danh nghĩa hoặc lớn thứ 35 nếu xét GDP theo sức mua tương đương (theo các số liệu thống kê của năm 2019), đứng thứ 130 xét theo thu nhập bình quân đầu người[10] hoặc đứng thứ 122 nếu tính GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương. Tổng sản phẩm nội địa GDP năm 2019 đạt 261,6 tỷ USD theo danh nghĩa[11] hoặc 647,3 tỷ USD tính theo sức mua tương đương[12].
Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng ở Việt Nam một hệ thống kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tính đến tháng 11 năm 2007, đã có Trung Quốc, Nga, Venezuela, Nam Phi, ASEAN và Ukraina tuyên bố công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ, đến năm 2013, đã có 37 quốc gia công nhận Việt Nam đạt kinh tế thị trường (VCCI) trong đó có Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc.[13] Đến năm 2017, sau những nỗ lực đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và quốc tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông báo đã có 69 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường tại một phiên họp Chính phủ[14].Nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là một kinh tế thị trường.[15] Xét về mặt kinh tế, Việt Nam là quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhóm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, ASEAN. Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do đa phương với các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác. Việt Nam cũng đã ký với Nhật Bản một hiệp định đối tác kinh tế song phương.