Gửi người hùng của tôi!
Khi viết lá thư này tôi tự hỏi người anh hùng trong tôi là gì, là ai và tôi chỉ duy nhất có câu trả lời đó là người anh hùng của tôi là mẹ.
Mẹ tôi là người phụ nữ nhiễm HIV, đã 14 năm trôi qua từ ngày sinh ra đời cũng là ngày mà cả khu phố tất cả mọi người đều tránh xa hai mẹ con tôi.
Tôi chỉ nghe bà ngoại kể, mẹ yêu bố, bố tôi con nhà giàu nhưng gia đình chê gia đình của mẹ nghèo nên không cho lấy. Mẹ tôi và bố vẫn yêu nhau rồi khi xã gửi thông báo bố tôi bị nhiễm HIV. Dù giấu diếm nhưng cả khu ai cũng biết bố mắc bệnh. Cái án bệnh HIV lại lan sang mẹ tôi. Mẹ kể suốt những năm tháng đó bố mẹ tôi vẫn bên nhau và rồi sinh ra tôi. Ngày mẹ mang thai tôi, cả xã tránh xa mẹ. Mẹ lên tận Bệnh viện tỉnh cách nhà tôi 40 km để sinh ra tôi. Tôi ra đời, tất cả mọi người cũng xa lánh cả hai mẹ con tôi. Ông bà nội kiên quyết không đón nhận mẹ con tôi vì họ bảo “chỉ làm được 1 đám ma, không làm ba cái đám ma”
Theo lời bà ngoại, tôi không được ai bế, ai đến gần. Người ta sợ lây nhiễm HIV. Đến năm tôi 3 tuổi dù tôi được thông báo không nhiễm HIV nhưng không ai tin. Năm đó, bố tôi cũng qua đời vì bị tai nạn giao thông. Khi bố còn sống, bố là người rất có trách nhiệm nên chuyển đến ở cùng mẹ con tôi và nuôi hai mẹ con. Bố mất đi, mẹ con tôi mất chỗ dựa.
Bà ngoại kể hồi đó mẹ tôi khổ lắm, để kiếm tiền nuôi tôi, mẹ đi xin việc rất nhiều nơi nhưng đến đâu kiểm tra sức khoẻ rồi người ta lại trả về vì nhiễm HIV, ai nhận? Mẹ đã khóc rất nhiều nhưng vì tôi mẹ cố gắng. Mọi dư luận xung quanh mẹ nhận hết. Hai mẹ con tôi đi đâu người ta cũng xa lánh thậm chí tôi đi học học cũng không có con họ đến gần tôi.
Năm tôi học lớp 1, bạn ngồi cạnh tôi nói tôi “con nhà Ết”. Tôi chưa hiểu Ết là gì, tôi ghét cay ghét đắng. Tôi đã khóc và kể cho bà ngoại. Mẹ tôi phải đi làm tận Hải Phòng. Mẹ làm cho một tổ chức về tuyên truyền phòng chống HIV và cũng chính là phòng cho tôi. Mỗi lần về thăm tôi mẹ đều mang cho tôi ít đồ ăn ngon, ít quần áo và đặc biệt là mẹ luôn nói tôi phải cố gắng, đừng tự ti khi các bạn cười.
Năm tôi học, mẹ đưa tôi ra thành phố Hải Phòng vừa học và ở cùng mẹ. Mẹ đi tuyên truyền khắp nơi. Qua các cuộc điện thoại tôi biết mẹ đang nói về những người nhiễm HIV giống như mẹ. Có lần, mẹ về tới nhà ôm chặt lấy tôi khóc và kể hôm nay tý thì mẹ chết vì mẹ cùng các cô trong hội đi vận động một xóm nhiều cô chú cũng giống mẹ và bị đuổi đánh thậm tệ. Tay mẹ bầm tím nhưng mẹ nghĩ đến tôi vẫn vượt qua tất cả.
Mẹ luôn kể chuyện về bố cho tôi và kể rõ về căn bệnh mà cả bố mẹ tôi đều mắc. Mẹ nói, bệnh không đáng sợ và con đừng ngại khi bị mọi người xa lánh. Con phải tự lập và chiến thắng cuộc sống. Một lần, tôi bị phụ huynh của bạn đánh vì tôi đã lấy bút châm vào tay bạn. Họ sợ tôi lây HIV cho con họ và họ đánh tôi. Đúng lúc mẹ về, mẹ đỡ trận đòn roi cho tôi.
Thu nhập của mẹ chính từ chương trình mẹ đang làm không đủ mẹ con tôi sống. Đêm nào, mẹ cũng lấy thêm việc về nhà làm khi thì gấp phong bì, khi thì đính hạt cườm, thuê tay. Tối nào mẹ cũng làm tới 1 – 2 giờ sáng để hai mẹ con có đủ trang trải và gửi cho bà ngoại tôi một ít để bà mua thuốc vì bệnh thoái hoá.
Bị cả xóm trọ xa lánh vì mang bệnh thế kỷ, mẹ con tôi chuyển chỗ trọ thường xuyên. Mỗi lần chuyển chỗ, tôi thấy đôi vai mẹ gánh vác hết. Mẹ làm việc như người đàn ông. Khi ấy tôi ước có thể đỡ mẹ và tôi ước bố không chết biết đâu giờ ông vẫn còn sống cùng với mẹ dù mang bệnh thế kỷ. Có lúc, tôi nghĩ quẩn nếu mình cũng mang bệnh giống mẹ biết đâu tôi và mẹ sẽ đi cùng trên con đường dài hơn.
Năm ngoái, mẹ bị cảm cúm rồi qua đời vì suy giảm miễn dịch. Mẹ tôi ra đi sau 18 năm mắc HIV. Bà ngoại khóc hết nước mắt nhưng với bà thì đó là may mắn vì mẹ sống thêm 18 năm. Bà bảo ngày biết HIV bà tưởng mất con ngay vì xã hội dị nghị nhiều có lúc bà đã mua chai thuốc sâu về bảo mẹ : “hai mẹ cùng mình cũng chết” nhưng mẹ tôi đã mạnh mẽ xin bà ngoại tha thứ và sẽ sống thật tốt để vượt qua được sự xa lánh, dị nghị của mọi người. Mẹ tôi là thế từ khi mang bệnh, đẻ ra tôi rồi đến khi qua đời bà luôn là người anh hùng. Chưa một lần mẹ bỏ cuộc, bỏ qua dư luận mẹ vẫn nuôi tôi và chăm sóc bà. Khi mẹ đi xa, cuộc sống của tôi chỉ còn bà ngoại nhưng hai bà cháu vẫn kể về những câu chuyện mà mẹ đã làm đó là tuyên truyền về phòng chống HIV cho cộng đồng. Hai bà cháu tự hào về mẹ lắm. Người anh hùng trong tôi là mẹ.
Còn các bạn, những người hùng trong các bạn là ai và tôi chắc chắc không ít người tự viết về cha, mẹ, ông, bà mình.
Chào các bạn
Minh An hjhj
Chào các bạn, hôm nay là một ngày mưa, tôi bỗng thấy nhớ mẹ tôi quá, mẹ là người hùng trong lòng tôi. Có thể các bạn thấy lạ bởi khi nhắc về người hùng người ta thường mường tượng đến những người đàn ông vai dài sức rộng, một người nào đó vĩ đại lắm. Nhưng đối với tôi mẹ là người hùng duy nhất, chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi, trong cuộc đời tôi.
Mẹ tôi là một nông dân chính hiệu, cuộc đời mẹ tôi đã hứng chịu mọi gian nan, vất vả, ngay từ thời mẹ còn tấm bé đã chịu đủ mọi khổ cực. Mẹ không có một gia đình hoàn chỉnh, bởi từ ngày mẹ tôi 4 tuổi ông bà ngoại đã ly hôn, rồi cả hai lại nhanh chóng đi bước nữa, có những người con của riêng mình, mẹ trở thành một đứa trẻ mồ côi trong chính ngôi nhà của mình. Mẹ lớn lên dưới sự chăm sóc bảo bọc của cụ ngoại, nhưng cuộc sống nghèo khó vất vả, đã khiến mẹ phải liên tục bươn chải để kiếm sống, ăn không đủ no mặc không đủ ấm, việc học cũng vì thế mà dang dở, mẹ tôi phải nghỉ học từ năm lớp 5. Năm 18 tuổi, mẹ đi lấy chồng, thú thật bố tôi đã ly hôn một lần rồi mới đến với mẹ, ngày cưới mẹ không được mặc váy cưới, tiệc đãi cũng chỉ tầm chục mâm, có lẽ đó là nuối tiếc lớn nhất trong cuộc đời của mẹ, bởi mẹ luôn lâm vào trầm tư mỗi khi nhắc về kỷ niệm ấy.
Ngày mới cưới bố, mẹ phải chịu sự ấm ức bởi bà nội tôi vốn là người khó tính, cuộc sống mẹ chồng nàng dâu quả thật không hề dễ chịu. Bố tôi vì thương mẹ tôi, quyết tâm vào Nam đi làm kinh tế mới với hai bàn tay trắng, cuộc đời mẹ cũng vì thế mà cũng bước sang một trang mới. Vào miền Nam cũng là lúc mẹ có thai tôi, chẳng như những bà bầu khác được nghỉ ngơi, chân ướt chân ráo đi lập nghiệp, mẹ chỉ còn còn cách cố gắng đi làm thuê cho người ta để kiếm miếng cơm manh áo, công việc nào cũng nặng nhọc, mãi tận đến ngày sinh. Bữa cơm thường chỉ là những ngọn rau dại mọc quanh túp lều đi mượn, cùng đôi con cá khô, bố kể có những hôm mẹ thèm miếng thịt mà bố cũng không có tiền để mua, thương lắm. Nghèo khó hành hạ con người ta, bố mẹ không thể đi bệnh viện mà chỉ nhờ một bà mụ gần đó về đỡ, qua bao đau đớn, cuối cùng tôi cũng ra đời, nhưng mẹ tôi yếu đi rất nhiều, vì không được kiêng cữ đúng cách. Tôi thương mẹ tôi nhiều lắm, mỗi lần nghe bố kể chuyện thuở hàn vi, tôi chỉ chực trào nước mắt vì thấy mẹ khổ quá, hi sinh nhiều vì gia đình, vì cuộc sống mà phải lam lũ vất vả.
Cuộc sống gia đình tôi có khởi sắc khi cuối cùng bố mẹ cũng dành dụm được một số tiền tậu lấy mảnh đất nhỏ, trên mảnh đất đầy cỏ tranh cùng với những bụi lồ ô rậm rạp, cũng một tay bố mẹ tôi khai khẩn rồi trồng lên những cây cà phê đầu tiên. Nhưng trời không chiều lòng người, khi đến vụ thu hoạch thì cà phê mất giá chỉ còn ba ngàn đồng trên một ký, mẹ tôi với sự kiên cường của một người đàn bà thép đã bàn bạc với bố, quyết tâm trồng rau đém bán, lấy ngắn nuôi dài. Hằng ngày cứ ba rưỡi sáng bố mẹ lại lọ mọ đi cắt rau chất đầy vào hai cái thúng để mẹ đem bán. Lúc ấy cả xã ai cũng biết mặt mẹ tôi, giờ gặp lại họ vẫn thốt lên "Ơ, Lệ bán rau ngày xưa đây mà!" đầy hoài niệm, dấu chân của mẹ đã in mòn khắp mọi nẻo đường, đôi vai gầy guộc vẫn ngày ngày gánh rau đi bán, chắt chiu từng đồng để nuôi cả gia đình. Có những lúc tôi nghĩ liệu có khi nào đôi vai ấy sụp xuống, liệu có bao lần mẹ đã khóc thầm mà tôi không biết?
Mẹ tôi là một người vô cùng nghiêm khắc, mẹ sống rất tiết kiệm, công việc trong ngoài gia đình đều do một tay mẹ chu toàn, bởi bố tôi vốn là một người không cẩn thận. Mẹ rất yêu thương chị em tôi, tôi vẫn nhớ như in từng lời dạy, từng cái nắm tay khi mẹ dạy tôi viết những con chữ đầu tiên, ký ức chỉ như mới vừa hôm qua. Ôi, sao ấm áp đến thế! Tuổi thơ tôi là bóng dáng mẹ đi chợ về, tôi lúc nào cũng ngóng trông để được cái bánh rán, cái kẹo mút, thứ quà quý giá của tuổi thơ. Rồi là những hôm trời mưa gió mẹ đưa chúng tôi đi tiêm phòng, khắp nơi nước lũ dâng lên tới bắp chân, mẹ đặt chị em tôi vào đôi quang gánh của mẹ, rồi gánh đi, vượt cả chục cây số để đến được trạm xá. Tôi sợ tiêm, mẹ lại ôm tôi vào lòng dỗ dành, lời mẹ như liều thuốc tê ngọt ngào làm tôi quên hết tất cả đau đớn.
Sau này khi lớn lên, mẹ lại nghiêm khắc dạy dỗ chúng tôi, mẹ không muốn tôi ỷ lại, mà phải biết cách tự lập và lo cho bản thân từ sớm, nhờ công của mẹ mà từ năm học lớp 2 tôi đã biết bắc một nồi cơm hoàn chỉnh, lớp 3 đã có thể nấu bữa cơm đơn giản, lớn hơn xíu nữa tôi đã có thể phụ bố mẹ công việc vườn tược, so với bè bạn trang lứa tôi là đứa tự lập nhất. Cho đến hôm nay tôi đã 14 tuổi, mẹ tôi cũng già đi nhiều, cuộc sống cũng đã khá giả hơn trước, nhưng chưa khi nào tôi thấy mẹ ngơi nghỉ và sống cho bản thân. Mẹ vẫn luôn như thế, quần quật lao động, không quản mưa nắng, mẹ bảo: "Những gì mẹ cố gắng hôm nay đều là vì tương lai của các con, mẹ không muốn sau này con phải cực khổ như mẹ ngày xưa, tủi lắm con ạ", rồi mẹ rơi nước mắt, lần đầu tôi thấy mẹ khóc, thật đúng "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ", cũng chẳng ai hi sinh nhiều như mẹ.
Mỗi lúc tôi gặp khó khăn, hay có những vấn đề nan giải, mẹ như là một vị quân sư tài ba luôn cho tôi những phương hướng, gợi ý để tôi có thể tự giải quyết được. Lúc tôi lớn lên, học lớp lớn hơn, mẹ không còn giúp đỡ cho việc học của tôi được nữa, mẹ trầm tư ánh mắt buồn buồn, vuốt đầu tôi: "Mẹ ít chữ, chẳng giúp gì con được, con hãy cố gắng nghe thầy nghe thầy, hỏi bạn để học tập cho tốt". Từ đôi mắt ấy của mẹ, tôi thấy nỗi xót xa tràn ngập trong đáy mắt, khóe mắt mẹ nay đã thêm vài nếp nhăn, làn da mẹ cũng sạm đen vì mưa nắng, đôi tay vốn thon gầy, nay trở nên gân guốc, thô ráp, xù xì. Nhưng tôi thích nắm đôi bàn ấy nhất, khi những mảng chai sần miết vào tay tôi, lòng tôi lại càng thêm quyết tâm học hành thành người, để mai sau đủ sức cho mẹ một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc. Cuộc sống vất vả khiến cơ thể mẹ mang nhiều bệnh tật, nhưng mẹ chưa bao giờ cho chị em tôi biết, mẹ cứ chịu đựng một mình như thế, có lẽ mẹ sợ chúng tôi lo lắng, càng như vậy tôi lại càng thương mẹ nhiều hơn. Cả cuộc đời mẹ vất vả nhiều, nhưng chưa bao giờ mẹ oán than nửa lời, mỗi lần mẹ nhìn tôi trìu mến, tôi lại càng hiểu rằng mẹ tin tưởng và đặt hi vọng ở tôi rất nhiều, mong đứa con gái lớn của mẹ sẽ nên người, có một cuộc sống hạnh phúc, chẳng phải bôn ba lo nghĩ nhiều như mẹ, vậy thì mẹ mới có thể yên tâm. Tôi dặn lòng mình không được phép để cho mẹ thất vọng, bởi mẹ đã khổ nhiều, tôi khống muốn thành mối lo trong lòng mẹ thêm nữa. Mẹ tôi, người hùng tuyệt vời, người hùng duy nhất, mẹ là tượng đài không ai có thể thay thế trong lòng tôi, niềm tin của mẹ sẽ là ngọn đèn soi sáng dẫn bước tôi vào tương lai.
Xin chào các bạn và hẹn gặp lại!
Hải Phòng, ngày 10/12/2018,
Gửi lời chào tới tất cả mọi người đọc được bức thư này!
Gửi lời chào tới người bố của con!
Tôi luôn cho rằng mỗi người trong chúng ta đều có những người hùng riêng của lòng mình. Người hùng ấy có thể là một người có sức mạnh phi thường như siêu nhân,... Nhưng cũng có những người hùng chỉ là một người bình thường như bao người khác. Với tôi, người hùng trong lòng tôi chẳng có gì đặc biệt cũng chẳng có sức mạnh siêu nhiên, to lớn, phi thường, ông chỉ là một người hùng thật nhỏ bé, thật thầm lặng giữa cuộc sống bận rộn, quay cuồng này. Người hùng của tôi chính là bố.
Tôi được lớn lên trong một gia đình với mẹ là giáo viên còn bố là một bác sĩ thú y. Chẳng có gì đặc biệt hơn bao bạn khác. Thế nhưng, tôi luôn cho rằng, công việc của cả bố và mẹ đều là những công việc khiến cho người khác phải khâm phục biết nhường nào. Nếu như mẹ là một người lái đò, một người đưa dẫn con thuyền tri thức để trồng nên bao lớp người thì bố lại là một bác sĩ với công việc chuyên dành cho những chú cún cưng của người khác.
Cũng giống như các bác sĩ bận rộn ở bệnh viện lo cho từng bệnh nhân, bố tôi cũng bận rộn lo cho những con vật nuôi đến thăm khám bệnh. Vậy nên công việc của bố luôn luôn bận bịu mỗi ngày. Công việc ấy tưởng chừng như vô cùng nhẹ nhàng, không hề có sự mệt nhọc. Thế nhưng không phải ai cũng biết nỗi vất vả mà bố phải chịu hàng ngày.
Mỗi chú cún tới nhà của tôi để khám đều là những chú cún cưng của người khác, được nuôi trong nhà và đã quen với hơi người thế nhưng không phải thế mà việc tiếp cận chúng dễ dàng hơn. Chúng vẫn sẵn sàng xù lông và cắn người mỗi khi người lạ tới gần. Thế nên, công việc của bố là từ từ làm quen với từng em rồi thăm khám cho các em ấy. Bản tính của các em ấy giống như một em bé vậy nên bố phải rất tỉ mỉ và rất nhẹ nhàng mới có thể chạm vào các em ấy được. Có khi bố vừa đùa vui vừa cắt lông cho một em chó xù, có khi bố lại thăm khám cho một em mèo Ba Tư lông xù đáng yêu. Nhưng cũng có khi là những em chú Bull hung hăng khiến bố phải vất vả một hồi mới khám được cho em ấy. Công việc của bố tôi tưởng như chẳng có chút nguy hiểm nào, vậy mà không, cũng nguy hiểm lắm các bạn ạ!
Có một lần bố thăm khám và chữa cho một em mèo bị bệnh. Em ấy đã gầm gừ và quay lại cắn bố tôi khiến bố bị thương ở tay. Vì điều này mà phải mất một thời gian sau bố mới có thể quay lại công việc của mình vì vết cắn của em mèo kia để lại vết thương khá sâu trên tay của bố.
Tuy công việc chăm sóc các chú cún cưng bận rộn là vậy nhưng chưa bao giờ bố lơ là hay không quan tâm tới chị em tôi. Chỉ một chút thời gian trong ngày, nhưng ông vẫn dành thời gian nói chuyện, hỏi han chị em tôi đủ thứ trên đời. Mỗi câu chuyện của bố dường như luôn chứa đựng niềm vui, những bài học nhỏ mà bố muốn dạy chúng tôi.
Có một điều đặc biệt trong nhà chúng tôi đó là có rất nhiều những con vật nhỏ nhỏ, đặc biệt là mèo và chó. Chính bố là người đem chúng về. Có lẽ điều đã khiến tôi tôn sùng bố tôi nhiều như vậy, đó là bởi vì ông luôn là người giang tay, cứu cánh cho những con vật nhỏ bé khốn khổ kia. Bất cứ khi nào, bất cứ giờ nào lúc nào, chỉ cần có một cuộc gọi là ông lại bỏ đó tất cả mọi việc và đến xem xét tình hình của chúng. Có lẽ ý thức trách nhiệm và tình thương yêu động vật chính là động lực để bố bố lúc nào cũng luôn thực hiện đúng những trọng trách của mình đối với những con vật, bao gồm cả việc cứu chúng.
Tôi nhớ rõ có một lần khi tan học về nhà. Tôi thấy bố cũng đã kết thúc công việc của mình và chuẩn bị vào bếp vì hôm đó mẹ tôi về khá muộn. Ngay lúc ấy, một cuộc điện thoại gọi tới. Vậy là bố tôi nhanh chóng thay đồ rồi vội vàng chạy ra khỏi nhà. Tôi rất tò mò nên chạy theo bố. Thì ra cuộc điện thoại đó là của một bạn của bố - người đã phát hiện ra những chú mèo con nhỏ vừa mới sinh bị bỏ rơi ở lề đường. Chú ấy biết bố tôi là người hay cứu giúp động vật nên đã gọi cho bố tôi. Nhìn thấy những con mèo con nhỏ nằm trong chiếc thùng carton, ánh mắt bố như trở lên rạng ngời và kèm theo là một tiếng thở phảo nhẹ nhõm khi cả thảy bốn chú mèo con đều khỏe mạnh. Bố đã bế chúng lên, cưng nựng chúng như một con mèo mẹ thực thụ vậy. Và bố đã mang về nhà chúng, chăm sóc chúng cẩn thận như chăm những đứa con nhỏ vừa mới sinh của mình. Vậy nên, đôi khi tôi thấy thật ghen tỵ với những con vật nuôi của bố. Không chỉ lần đó, bố đã không biết bao lần đem về nhà những con vật nuôi nhỏ bị bỏ rơi ngoài đường. Và với tình thương và sự chăm sóc hết lòng của bố, những con vật đó lớn lên và ngày càng khỏe mạnh. Tình yêu thương của bố dành cho chúng đã khiến chúng trở nên hạnh phúc hơn. Có lẽ cũng chính vì thế mà tôi luôn cảm thấy bố của mình là một con người thật vĩ đại, bố là thiên thần đã cứu lấy rất nhiều sinh mạng giữa cuộc đời này. Khi mà ngoài kia, bao nhiêu người vẫn đang tay hành hạ, vứt bỏ những con vật nhỏ bé đáng thương, thì bố lại là người đem cho chúng hi vọng mới về một tổ ấm đầy tình yêu thương. Vậy đó, bố cứ thế làm nên bao điều kì diệu, gây dựng lên trong lòng chúng tôi tình yêu thương đối với những con vật quanh mình.
Chính thế, chẳng cần có siêu năng lực, chẳng phải có sức mạnh phi thường, bố tôi là một người hùng thầm lặng như thế. Bao nhiêu sinh mạng đã được bố đem về và truyền cho chúng niềm tin về cuộc sống mới. Bố là người xây dựng lên cho chúng tôi một tấm lòng biết bao dung, biết yêu thương từ những vật nhỏ bé bên cạnh mình. Bố là một người hùng như thế trong lòng tôi và cả những con vật nuôi trong nhà tôi nữa.
Anh Thư
“Tấm lòng người Cha là tuyệt tác của tạo hóa” – một ai đó mà tôi không nhớ tên đã nói như vậy, và tôi tin rằng đó là sự thật. Tôi tin rằng, dù có đi tận đâu, gặp những ai, bố tôi đã, đang và sẽ mãi mãi là người đàn ông tuyệt vời nhất trên thế gian này.
Tôi yêu bố tôi. Đó là điều hiển nhiên từ khi tôi sinh ra. Nhưng ít khi tôi lại tỉ mỉ vẩn vơ mà ngắm bố cho thật kĩ. Cho nên đôi khi tôi chợt nhớ ra, chợt quay lại ngắm bố và tôi chợt giật mình, ngờ ngợ. Sao bố tôi đã lại khác đến thế kia? Bố gầy rạc hẳn đi, da sạm cả lại. Đâu rồi nước da mà mấy năm trước tôi còn trầm trồ, nửa ngưỡng mộ, nửa ghen tị vì sự trắng hồng bất chấp cái nắng gay gắt? Đâu rồi sự đầy đặn, khỏe mạnh của bố tôi? Tóc bố tôi lấm tấm bạc, những sợi bạc cứ ánh lên đầy ngạo mạn dưới ánh sáng đèn, mà có biết đâu, bố tôi đã vất vả bao nhiêu đến nỗi tóc bạc cả đi thế… Liệu có sợi tóc bạc nào là do lỗi của tôi chăng? Khuôn mặt bố nhiều nếp nhăn hơn, đôi mắt thâm lại do dạo này thiếu ngủ. Bàn tay, bàn chân bố chai cả lại, u thành cục thật cứng, có chỗ mất lớp da trên cùng do căn bệnh ngoài da không thể chữa khỏi. Tôi ngắm bố, và thấy thương bố quá! Nhìn qua, ai cũng khen bố tôi trẻ, thậm chí có người còn từng trêu rằng bố giống hệt anh trai của tôi. Vậy nhưng tôi biết, bố đã già đi nhiều, rất nhiều. Thế nhưng… Bố tôi già đi từ bao giờ? Bố già đi từ lúc nào? Tôi thực không hay, và nhận ra mình còn vô tâm quá…
Hồi nhỏ, tôi ngưỡng mộ lắm những siêu anh hùng, những ông tiên, bà phù thủy, những thế lực siêu nhiên… Lớn lên rồi, tôi dần hiểu ra rằng những thứ đó chỉ là viển vông, nhưng thay vào đó, tôi nhận ra một siêu nhân ngay trong gia đình tôi, người hùng vĩ đại mang tên: BỐ! Sao mà tôi khâm phục bố thế! Bố làm gì tôi cũng thấy hay, cũng thấy giỏi. Bố là một người đa năng, có thể sửa chữa mọi thứ trong nhà từ cái xe đạp đến điều hòa, máy hút bụi, đường ống nước. Bố cũng rất đảm đang, giỏi mọi việc nhà và nấu ăn cũng rất đỉnh. Món cơm rang tuyệt hảo của bố tôi làm tôi học mãi mà còn chưa xứng làm học trò, khiến nhiều khi tôi nghĩ bố mang món này đi thi nấu ăn cũng được. Bố biết nhiều, và bố là người giải đáp rất nhiều thắc mắc của tôi về cuộc sống xung quanh, nhất là cơ chế hoạt động của các loại máy móc. Không chỉ thế, tôi còn khâm phục bố về tài làm dao, sắp xếp đồ đạc trong nhà và xử lí mọi việc hợp tình hợp lí. Bố đúng là tấm gương mà tôi ngưỡng mộ suốt đời.
Bố ít nói, nhưng luôn thương yêu cả gia đình nhiều thật nhiều. Bố sẵn sàng dành cả buổi chiều cuối tuần để mài dao giúp bà hay dẫn cả nhà đi chơi. Mẹ hơi ho ốm sụt sịt, bố phi xe đến hiệu thuốc ngay mặc cho trời gió rét. Bố lo đến cả bữa ăn, việc ngủ đúng giờ, kể cả đồ chơi của ba chị em tôi. Bố và tôi cùng thích đọc sách, bố chọn lựa từng quyển sách hay, bản in đẹp mua về để cả hai bố con cùng nghiềm ngẫm. Nhiều lúc tôi nghĩ mà thương bố lắm, bởi cứ mải lo cho cả gia đình, trở thành trụ cột vững chãi, nhiều khi bố quên cả sức khỏe của mình. Tôi để ý dạo này bố ăn ít đi, hay mất ngủ, tối trằn trọc mãi rồi sáng lại dậy sớm, sức khỏe cũng kém đi nhiều. Có lúc, nhìn bố mệt mỏi như thế, tôi chỉ muốn hét lên thật to: “Bố ơi! Ba chị em con lớn rồi, bố đừng lo nhiều nữa. Bố phải ăn nhiều lên, ngủ nhiều lên thì mới có sức lo cho cả gia đình chứ, bố ơi!”. Có lẽ bố sẽ chỉ cười, nhưng tôi biết, bố chỉ gắng cười cho tôi đỡ lo mà thôi…
Bố tôi ít nói, ít to tiếng với tôi, luôn để tôi tự quyết định, bởi bố bảo: “Con lớn rồi, chuyện gì lo được thì phải tự lo dần cho quen”. Nhớ có lần, tôi đọc truyện trong giờ và phải viết bản kiểm điểm. Cả buổi tối mẹ tôi ngồi ca thán, dạy bảo tôi đủ điều, và tôi biết mẹ buồn lắm. Bố cũng buồn, nhưng trách tôi theo cách khác. Đợi mẹ nói xong, lúc chỉ còn hai bố con với nhau, bố nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng hỏi tôi:
- Thế… Có thật không con?
- Vâng…
- Thế… Tại sao hả con? Giờ ra chơi đâu rồi hả con?
Ôi! Thà bố cứ quát lên tôi còn thấy dễ chịu hơn. Nỗi buồn thăm thẳm trong đôi mắt bố và nỗi tuyệt vọng tột cùng trong giọng bố làm tim tôi quặn thắt, và tôi muốn khóc quá! Khóc không phải vì oan ức. Khóc không phải vì sợ bố. Mà tôi khóc vì thương bố, vì dằn vặt bản thân, vì không thể tin được, không thể chịu được lỗi lầm của mình… Bố ơi! Con xin hứa với bố, không bao giờ, không bao giờ con tái phạm nữa!
Bố tôi là như vậy đấy. Bố giỏi lắm, thực sự là anh hùng trong trái tim tôi. Bố thương tôi theo một cách rất khác mẹ, lặng lẽ hơn, sâu sắc hơn, và có chút gì đó ảnh hưởng tới tôi nhiều hơn. Ngắm bố, tôi tự nhủ phải tôn trọng những ngày còn được bên bố, đừng bao giờ làm bố phải phiền lòng, và trên hết, phải coi nỗi đau của bố khi tôi mắc lỗi như chính nỗi đau của tôi vậy.