Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 0
Số lượng câu trả lời 66
Điểm GP 3
Điểm SP 14

Người theo dõi (2)

Trần Mạnh Hòa
Dương Như

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Mở Bài:

Cách 1:

Chiếc nón lá rất thân thuộc với dân tộc ta. Đi cùng tà áo dài, chiếc nón lá làm tăng thêm vẻ dịu dàng, duyên dáng cho người phụ nữ Việt Nam.

Cách 2:

"Sao anh không về thăm quê em

Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên

Bàn tay xây lá, tay xuyên nón

Mười sáu vành, mười sáu trăng lên"

(Bài thơ đan nón – Nguyễn Khoa Điềm)

Đã từ lâu chiếc nón lá đã đi vào nhiều bài thơ, bài ca Việt Nam và trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Vẻ thanh mảnh, nhẹ nhàng của chiếc nón bài thơ, cùng với tá áo dài bay trong gió đã làm tôn lên vẻ đẹp của người con gái.

Cách 3:

"Người xứ Huế yêu thơ và nhạc lễ

Tà áo dài trắng nhẹ nhàng bay

Nón bài thơ e lệ trong tay

Thầm bước lặng, những khi trời dịu nắng"

Ai đã từng qua miền Trung nắng lửa không thể không biết đến nón bài thơ xứ Huế. Chiếc nón lá ấy đã trở thành biểu tượng văn hóa của một vùng đất nhiều truyền thống. Và cũng từ lâu, chiếc nón lá trở thành biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với chiếc nón lá nhẹ nhàng và tà áo dài tha thướt đã đi vào thơ ca, nhạc họa của biết bao thế hệ.

Thân Bài:

1/ Nguồn gốc chiếc nón lá Việt Nam:

Chiếc nón lá có lịch sử rất lâu đời. Hình ảnh tiền thân của chiếc nón lá đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lữ, thạp đồng Đào Thịch vào khoảng 2500 – 3000 năm trước công nguyên.

Từ xa xưa, nón lá đã hiện diện trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam trong cuộc chiến đấu giữ nước, qua nhiều chuyện kể và tiểu thuyết. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, nghề chằm nón vẫn được duy trì và tồn tại đến ngày nay. Ở Huế hiện nay có một số làng nghề chằm nón truyền thống như làng Đồng Di (Phú Vang), Dạ Lê (Hương Thủy) đặc biệt là làng nón Phủ Cam (Huế),..Những làng nghề này đã tạo ra các sản phẩm công phu cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch.

2/ Nguyên vật liệu, cách làm nón lá Việt Nam:

a/ Chọn lá, sấy lá, ủi lá:

Để làm được một chiếc nón lá đẹp, người làm nón phải tỉ mỉ từ khâu chọn lá, phơi lá, chọn chỉ đến độ tinh xảo trong từng đường kim mũi chỉ. Lá có thể dùng lá dừa hoặc lá cọ.

Lá dừa: để có được lá dừa làm nón phải mua từ trong Nam. Lá chuyển về chỉ là lá thô. Để lá có độ bền về thời gian cũng như màu sắc phải chọn lọc, phân loại lá và đem xử lí qua lưu huỳnh. Dẫu chọn lá có công phu nhưng nón làm bằng lá dừa vẫn không thể tinh xảo và đẹp bằng nón làm bằng lá cọ. Lá cọ: làm nón bằng lá cọ phải công phu hơn, lá phải non vừa độ, gân lá phải xanh, màu lá phải trắng xanh. Nếu lá trắng và gân lá cũng trắng thì lá đã già làm nón không đẹp. Một chiếc nón đạt tiêu chuẩn phải có màu trắng xanh với những gân lá vẫn còn màu xanh nhẹ, mặt lá phải bóng, khi nón đan lên phải nổi những gân lá màu xanh đẹp mắt. Để đạt được tiêu chuẩn ấy thì phải tuân thủ đúng qui trình. Sấy khô phải đúng kĩ thuật, sấy trên bếp than (không phơi nắng). Sau đó lại phải phơi sương tiếp từ 2 đến 4 giờ cho lá mềm. Rồi dùng một búi vải và một miếng gang đặt trên bếp than có độ nóng vừa phải để ủi sao cho từng chiếc lá được phẳng. Mỗi chiếc lá đều được chọn lựa kĩ càng và cắt với cùng độ dài là 50cm (lá cọ).

b/ Chuốc vành, lên khung lá, xếp nón:

Với cây mác sắt, người thợ làm nón (thường là đàn ông làm ở khâu này) chuốt từng nan tre sao cho tròn đều và có đường kính rất nhỏ, thường chỉ nhỉnh hơn đường kính que tăm một chút. Sau đó uốn những nan tre này thành những vòng tròn thật tròn đều và bóng bẩy từ nhỏ đến lớn. Mỗi cái nón sẽ cần 16 nan tre uốn thành vòng tròn này đặt từ nhỏ đến lớn vào một cái khung bằng gỗ có hình chóp. Sau đó người thợ sẽ xếp lá lên khung, người xếp lá phải khéo và đều tay không để các phiến lá chồng lên nhau hay xô lệch.

Kể về quá trình làm nón lá mà không kể đến nón bài thơ xứ Huế là một thiếu xót. Đặc biệt nón bài thơ của xứ Huế rất mỏng vì chỉ có hai lớp: lớp lá trong gồm 20 lá, lớp lá ngoài cùng gồm 30 lá và lớp bài thơ được đặt nằm ở giữa. Khi xây lá lợp lá, người thợ phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp hay xô lệch để nón đạt được sự thanh và mỏng. Khi soi lên ánh nắng, ta đọc được bài thơ, nhìn thấy rõ hình cầu Tràng Tiền hay chùa Thiên Mụ. Chính những chi tiết này đã tạo nên nét đặc trưng cho nón bài thơ xứ Huế.

c/ Chằm nón:

Sau khi xếp lá cho đều và ngay ngắn lên vành, người ta bắt đầu chằm nón. Nón được chằm bằng sợi nilông dẻo, dai, săn chắc và phải có màu trắng trong suốt. Các lá nón không được xộc xệch, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp. Khi nón đã chằm hoàn tất người ta đính thêm vào chớp nón một cái "xoài" được làm bằng chỉ bóng láng để làm duyên cho chiếc nón. Sau đó mới phủ lên nón lớp dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền.

Ở vòng tròn lớn bằng nan tre dưới đáy hình chóp, khoảng nan thứ ba và thứ tư, người thợ sẽ dùng chỉ kết đối xứng hai bên để buộc quai. Quai nón thường được làm bằng lụa, the, nhung,...với màu sắc tươi tắn như tím, hồng đào, xanh thiên lí,..càng làm tăng thêm nét duyên cho người đội nón.

Chiếc nón đẹp không chỉ ở đường kim, mũi chỉ mà còn ở dáng nón. Chiếc nón còn đẹp bởi đây là sản phẩm đặc trưng mang nét văn hóa truyền thống được tạo nên bởi đôi tay khéo léo của những người thợ ở các làng nghề.

3/ Công dụng:

Từ làng Chuông ở Tây Hồ đến Ba Đồn những chiếc nón lá trải đi khắp nẻo đường và trở thành thân quen trong đời sống thường nhật của người phụ nữ. Chiếc nón lá không chỉ là vật dụng thiết thân, người bạn thủy chung với người lao động dùng để đội đầu che mưa, che nắng khi ra đồng, đi chợ, là chiếc quạt xua đi những giọt mồ hôi dưới nắng hè gay gắt mà còn là vật làm duyên, tăng nét nữ tính của người phụ nữ. Buổi tan trường, hình ảnh những cô nữ sinh với tà áo trăng tinh khôi, nghiêng nghiêng dưới vành nón lá là lúm đồng tiền làm duyên đã làm say lòng, là cảm hứng nghệ thuật của bao văn nhân, nghệ sĩ,...

Trong nghệ thuật, tiết mục múa nón của các cô gái với chiếc áo dài duyên dáng thể hiện nét dịu dàng, mềm mại kín đáo của người phụ nữ Việt Nam đã nhiều lần xuất hiện và đều nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

4/ Bảo quản:

Muốn nón lá được bền lâu chỉ nên đội khi trời nắng, tránh đi mưa. Sau khi dùng nên cất vào chỗ bóng râm, không phơi ngoài nắng sẽ làm cong vành, lá nón giòn và ố vàng làm làm mất tính thẩm mĩ và giảm tuổi thọ của nón.

Kết Bài:

Chiếc nón lá là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, là một sản phẩm truyền thống và phổ biến trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều người Việt xa nước, nơi đất khách quê người trông thấy hình ảnh chiếc nón lá họ có cảm giác quê hương đang hiện ra trước mắt.

Câu trả lời:

Một năm học vất vả đã qua, và đến kì nghỉ hè này, gia đình tôi tổ chức đi chơi biển Đồ Sơn. Tôi vô cùng thích thú vì đây là nơi mà tôi chưa từng đặt chân đến.

Bốn rưỡi sáng, lơ mơ ngái ngủ, tôi đã bị bác đồng hồ chăm chỉ nhưng đôi khi hơi khó tính gọi dậy cho bằng được. Tôi uể oải dụi mắt đi chầm chậm vào nhà tắm vệ sinh cá nhân. Cả nhà tôi đã thức dậy từ bao giờ, đang lục cục sắp lại đồ. Đánh răng rửa mặt xong, tôi thay quần áo rồi theo bố mẹ ra cửa. Ở đó có một chiếc ô tô chễm chệ chờ đợi. Bố tôi xách va li, mở cốp xe rồi để vào đấy. Mẹ tôi, chị tôi, bố tôi và tôi cùng leo lên xe. Chiếc xe bon bon chạy luôn. Nhà cửa, cây cối như những thước phim quay nhanh cứ vùn vụt. Thích nhất là lúc qua cầu, được xem phim từ trên cao. Sau đó tôi ngủ lúc nào chẳng biết. Đánh một giấc dài dậy mà vẫn chưa tới nơi, tôi đâm sốt ruột. Nhưng... khoan, tôi nghe thấy tiếng nước àooo...oo, mùi mằn mặn mang đặc chất biển. Thôi, đúng rồi, đúng là tới biển thật rồi! Tôi sung sướng lâng lâng. Nắng vàng nhè nhẹ vươn từ mặt trời đi khắp nơi. Tôi nhảy phốc xuống xe ngay khi đến khách sạn. Gia đình tôi bước vào tiền sảnh. Bố tôi lấy chìa khoá phòng rồi dẫn cả nhà lên tầng. Căn phòng thật rộng, tôi ra ban công phóng tầm mắt ngắm biển. Long lanh một màu nắng trên mặt nước. Người đi tắm chi chít trên bờ. Những quán nước trên cát dựng từ cột, lợp lá thật thơ mộng. Tôi vào phòng nghỉ ngơi đã. Chiều tôi thức dậy gọi bố mẹ đi bơi. Băng qua con đường nhựa là đến bãi cát. Người đi tắm tấp nập. Có mấy người tắm xong, khoác khăn lên bờ, người ướt dượt. Có mấy người lại nằm dài tắm nắng. Còn dưới biển, đủ người già trẻ.. tắm táp, bơi lội. Có mấy bạn nhỏ cũng mặc áo phao như tôi, bố mẹ đang dạy bơi. Tôi ngâm mình xuống nước, mát lắm, bơi lội thoả thuê, tôi lên bờ xây lâu đài cát và cùng bố mẹ ngồi quán uống nước. Sau đó tôi về tắm sạch, mặc quần áo mới rồi xuống nhà ăn. Trời đã sẩm tối. Tôi ngồi vào bàn ăn. Nào là cua, nào là mực, nào là tôm... Chao ôi, bao nhiêu món đồ biển bày ra đây. Tôi ăn rất nhiều nhưng vẫn lên phòng trước mọi người. Tôi ngồi xem vô tuyến một lúc thì mẹ tôi lên gọi tôi ra biển chơi. Cả nhà tôi ra biển, thuê ghế nghỉ, nghe tiếng sóng vỗ ào ạt. Mặt trăng ở biển sao mà khác với thành phố thế, nó to, tròn và hơi đỏ như mặt trời. Sóng tung bọt lấp loáng một dải dọc vàng vàng. Tôi đang mơ màng thì bị chị tôi kéo đi. Ra khỏi bãi cát là đến mặt đường nhựa. Hai bên vỉa hè, hàng đồ lưu niệm mọc như nấm. Gia đình tôi đi dạo và mua luôn quà cho ông bà và hàng xóm. Đèn đường vàng vàng như làm tăng bầu không khí náo nhiệt ở đây. Người đi đường cũng có thể là khách du lịch, mua hàng trao đổi thật là sôi nổi. Mua xong gia đình tôi trở lại khách sạn, để ngày mai còn lên đường về thủ đô Hà Nội.

Chuyến đi đã kết thúc, nhưng những suy nghĩ của tôi về thành phố cảng này chưa dừng lại cuộc vui chơi với biển này đã mở đầu cho một mùa hè xanh tươi trẻ. Tôi yêu thiên nhiên, nhất là biển cả bao la.

Câu trả lời:

Hải Phòng, ngày 10/12/2018,

Gửi lời chào tới tất cả mọi người đọc được bức thư này!

Gửi lời chào tới người bố của con!

Tôi luôn cho rằng mỗi người trong chúng ta đều có những người hùng riêng của lòng mình. Người hùng ấy có thể là một người có sức mạnh phi thường như siêu nhân,... Nhưng cũng có những người hùng chỉ là một người bình thường như bao người khác. Với tôi, người hùng trong lòng tôi chẳng có gì đặc biệt cũng chẳng có sức mạnh siêu nhiên, to lớn, phi thường, ông chỉ là một người hùng thật nhỏ bé, thật thầm lặng giữa cuộc sống bận rộn, quay cuồng này. Người hùng của tôi chính là bố.

Tôi được lớn lên trong một gia đình với mẹ là giáo viên còn bố là một bác sĩ thú y. Chẳng có gì đặc biệt hơn bao bạn khác. Thế nhưng, tôi luôn cho rằng, công việc của cả bố và mẹ đều là những công việc khiến cho người khác phải khâm phục biết nhường nào. Nếu như mẹ là một người lái đò, một người đưa dẫn con thuyền tri thức để trồng nên bao lớp người thì bố lại là một bác sĩ với công việc chuyên dành cho những chú cún cưng của người khác.

Cũng giống như các bác sĩ bận rộn ở bệnh viện lo cho từng bệnh nhân, bố tôi cũng bận rộn lo cho những con vật nuôi đến thăm khám bệnh. Vậy nên công việc của bố luôn luôn bận bịu mỗi ngày. Công việc ấy tưởng chừng như vô cùng nhẹ nhàng, không hề có sự mệt nhọc. Thế nhưng không phải ai cũng biết nỗi vất vả mà bố phải chịu hàng ngày.

Mỗi chú cún tới nhà của tôi để khám đều là những chú cún cưng của người khác, được nuôi trong nhà và đã quen với hơi người thế nhưng không phải thế mà việc tiếp cận chúng dễ dàng hơn. Chúng vẫn sẵn sàng xù lông và cắn người mỗi khi người lạ tới gần. Thế nên, công việc của bố là từ từ làm quen với từng em rồi thăm khám cho các em ấy. Bản tính của các em ấy giống như một em bé vậy nên bố phải rất tỉ mỉ và rất nhẹ nhàng mới có thể chạm vào các em ấy được. Có khi bố vừa đùa vui vừa cắt lông cho một em chó xù, có khi bố lại thăm khám cho một em mèo Ba Tư lông xù đáng yêu. Nhưng cũng có khi là những em chú Bull hung hăng khiến bố phải vất vả một hồi mới khám được cho em ấy. Công việc của bố tôi tưởng như chẳng có chút nguy hiểm nào, vậy mà không, cũng nguy hiểm lắm các bạn ạ!

Có một lần bố thăm khám và chữa cho một em mèo bị bệnh. Em ấy đã gầm gừ và quay lại cắn bố tôi khiến bố bị thương ở tay. Vì điều này mà phải mất một thời gian sau bố mới có thể quay lại công việc của mình vì vết cắn của em mèo kia để lại vết thương khá sâu trên tay của bố.

Tuy công việc chăm sóc các chú cún cưng bận rộn là vậy nhưng chưa bao giờ bố lơ là hay không quan tâm tới chị em tôi. Chỉ một chút thời gian trong ngày, nhưng ông vẫn dành thời gian nói chuyện, hỏi han chị em tôi đủ thứ trên đời. Mỗi câu chuyện của bố dường như luôn chứa đựng niềm vui, những bài học nhỏ mà bố muốn dạy chúng tôi.

Có một điều đặc biệt trong nhà chúng tôi đó là có rất nhiều những con vật nhỏ nhỏ, đặc biệt là mèo và chó. Chính bố là người đem chúng về. Có lẽ điều đã khiến tôi tôn sùng bố tôi nhiều như vậy, đó là bởi vì ông luôn là người giang tay, cứu cánh cho những con vật nhỏ bé khốn khổ kia. Bất cứ khi nào, bất cứ giờ nào lúc nào, chỉ cần có một cuộc gọi là ông lại bỏ đó tất cả mọi việc và đến xem xét tình hình của chúng. Có lẽ ý thức trách nhiệm và tình thương yêu động vật chính là động lực để bố bố lúc nào cũng luôn thực hiện đúng những trọng trách của mình đối với những con vật, bao gồm cả việc cứu chúng.

Tôi nhớ rõ có một lần khi tan học về nhà. Tôi thấy bố cũng đã kết thúc công việc của mình và chuẩn bị vào bếp vì hôm đó mẹ tôi về khá muộn. Ngay lúc ấy, một cuộc điện thoại gọi tới. Vậy là bố tôi nhanh chóng thay đồ rồi vội vàng chạy ra khỏi nhà. Tôi rất tò mò nên chạy theo bố. Thì ra cuộc điện thoại đó là của một bạn của bố - người đã phát hiện ra những chú mèo con nhỏ vừa mới sinh bị bỏ rơi ở lề đường. Chú ấy biết bố tôi là người hay cứu giúp động vật nên đã gọi cho bố tôi. Nhìn thấy những con mèo con nhỏ nằm trong chiếc thùng carton, ánh mắt bố như trở lên rạng ngời và kèm theo là một tiếng thở phảo nhẹ nhõm khi cả thảy bốn chú mèo con đều khỏe mạnh. Bố đã bế chúng lên, cưng nựng chúng như một con mèo mẹ thực thụ vậy. Và bố đã mang về nhà chúng, chăm sóc chúng cẩn thận như chăm những đứa con nhỏ vừa mới sinh của mình. Vậy nên, đôi khi tôi thấy thật ghen tỵ với những con vật nuôi của bố. Không chỉ lần đó, bố đã không biết bao lần đem về nhà những con vật nuôi nhỏ bị bỏ rơi ngoài đường. Và với tình thương và sự chăm sóc hết lòng của bố, những con vật đó lớn lên và ngày càng khỏe mạnh. Tình yêu thương của bố dành cho chúng đã khiến chúng trở nên hạnh phúc hơn. Có lẽ cũng chính vì thế mà tôi luôn cảm thấy bố của mình là một con người thật vĩ đại, bố là thiên thần đã cứu lấy rất nhiều sinh mạng giữa cuộc đời này. Khi mà ngoài kia, bao nhiêu người vẫn đang tay hành hạ, vứt bỏ những con vật nhỏ bé đáng thương, thì bố lại là người đem cho chúng hi vọng mới về một tổ ấm đầy tình yêu thương. Vậy đó, bố cứ thế làm nên bao điều kì diệu, gây dựng lên trong lòng chúng tôi tình yêu thương đối với những con vật quanh mình.

Chính thế, chẳng cần có siêu năng lực, chẳng phải có sức mạnh phi thường, bố tôi là một người hùng thầm lặng như thế. Bao nhiêu sinh mạng đã được bố đem về và truyền cho chúng niềm tin về cuộc sống mới. Bố là người xây dựng lên cho chúng tôi một tấm lòng biết bao dung, biết yêu thương từ những vật nhỏ bé bên cạnh mình. Bố là một người hùng như thế trong lòng tôi và cả những con vật nuôi trong nhà tôi nữa.

Trang

Nguyễn Thị Thiên Trang

Câu trả lời:

Tuổi thơ của tôi gắn liền với thành phố sầm uất, với những khu nhà cao tầng và những con đường nườm nượp người qua lại. Vì thế, mỗi lần nghỉ hè được về quê với tôi thật hạnh phúc. Năm ngoái, tôi được học sinh giỏi nên bố mẹ cho về quê chơi một tháng với ông bà.

Đường về quê xa lắc, xa lơ. Tôi nhớ mãi câu nói ấy của Dế Mèn khi trở về nhà thăm mẹ và các anh. Mèn đã không quản ngại khó khăn mà thấy vui khi được trở về với quê hương của mình. Tôi lúc này cũng hăng hái như chàng Mèn vậy. Dù đi xa nhưng tôi cũng không thấy mệt, chỉ thấy háo hức mà thôi.

Về quê, tôi được sống trong một không gian trong lành, sảng khoái, khác hẳn nơi phố phường chật hẹp. Tôi về thăm, ông bà vui lắm. Ông bà rất thương tôi, đứa cháu nhỏ xa xôi không thường xuyên chăm sóc. Vì thế, tôi được ông bà rất cưng chiều. Ở quê không chỉ có ông bà tôi mà còn rất nhiều các chú, các cô của tôi nữa. Vừa về nhà, mấy đứa em họ tôi chạy sang kéo đi chơi. Đến đâu chúng nó cũng nhanh nhảu giới thiệu tôi là con gái bác ở ngoài Hà Nội làm tôi ngượng lắm. Tôi đến nhà các chú, các cô chào mọi người, ai cũng khen tôi lớn hơn trước và xinh xắn hơn. Những người dân quê thật thà lắm, sống giản dị và rất chân thành.

Những ngày ở quê, ngày nào tôi cũng được các em lập cho một kế hoạch hấp dẫn. Sáng sáng, tôi cùng các em đi cất vó tôm. Những con tôm trong chiếc giỏ nhảy lách tách. Buổi trưa trốn ngủ, chúng tôi vào vườn chơi, chơi ô ăn quan, chơi chuyền hay trốn tìm. Chiều đến, tôi cùng các em ra bờ đê lộng gió. Chiều, gió thổi mát rượi. Mấy chú trâu, chú bò nhởn nhơ gặm cỏ. Cảnh vật thanh bình biết bao. Chúng tôi cùng tổ chức thi thả diều. Những con diều nhiều màu sắc bay liệng trên không trung, chao đi chao lại thật thích. Tôi ước mình như con diều kia để có thể bay về quê nhà bất cứ lúc nào. Bên cạnh, diều của các bạn cũng bay cao không kém. Các bạn ấy còn hướng dẫn tôi cách làm diều nữa. Tuy đơn giản thôi nhưng rất cần kiên trì, chịu khó.

Tôi nhớ nhất là những hôm mưa được nghịch nước. Hôm đó, có cơn mưa rào rất to, kéo dài suốt mấy giờ đồng hồ. Bọn trẻ con trong xóm thấy mưa chạy ra lội bì bõm. Tôi ở trong nhà nhìn mưa, thấy như một tấm màn trắng giăng khắp không gian. Tạnh mưa, chúng tôi chạy ngay ra đồng bắt tôm, bắt tép. Nhưng muốn sang bên đồng phải đi qua cây cầu nhỏ. Tôi vốn không quen nên sợ chẳng dám bước qua. Bạn bè cổ vũ mãi, tôi liều lĩnh bước đi. Bỗng “ùm”, tôi sảy chân ngã nhào xuống con kênh phía dưới. Bọn trẻ kéo tôi lên. Chúng nó cười ầm ĩ. Mặc cho áo quần ướt, tôi cùng chúng rong ruổi khắp cánh đồng. Đâu đâu cũng xúc được tôm tép. Cảm giác lần đầu bắt được những con cá, con cua nhỏ xíu tôi rất vui sướng, như chính mình là người lao động thực thụ. Bỗng “oạch”, tôi lại bị ngã. Do đường đất trơn quá mà tôi lại bị té. Lũ trẻ con lại khúc khích cười. Chúng nói rằng, đây mới chính là con ếch to nhất của buổi đi “săn” này. Còn tôi, quần áo lấm lem, ngượng chín mặt...

Một tháng hè trôi qua thật nhanh chóng. Đã đến lúc tôi phải trở về thành phố, lại học thêm văn toán và âm nhạc... Bố mẹ về đón mà tự dưng tôi không muốn đi nữa, thấy nuối tiếc một cái gì, như khi phải xa một thứ mình yêu quí... Các cô, các chú tôi gửi cho bao nhiêu là quà. Các em tôi đứa nào cũng nắm tay giữ lại, những bạn hàng xóm cũng sang chia tay. Chúng còn tặng tôi rất nhiều quà nữa. Những món quà ấy tôi vẫn giữ đến tận bây giờ.

“Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày....” Những câu thơ thân thương ấy mỗi lần vang lên tôi lại thấy nhớ ông bà, nhớ lần về quê với bao kỉ niệm. Và lúc đó, tôi ước mình là một cánh diều để bay ngay về với quê hương.

Câu trả lời:

Có những chuyến đi khiến cho người đi cảm thấy nhung nhớ khi phải rời xa. Chuyến đi về thăm quê ngoại dịp hè vừa rồi khiến em nhớ mãi. Bởi nó có nhiều kỉ niệm với mảnh đất rất ít khi em có dịp trở về.

Giữa cái nắng mùa hè chói chang, em cùng ba mẹ trở về thăm bà ngoại. Đó là một vùng quê nghèo, nắng gắt, gió Lào cứ rít mạnh lên từng hổi. Nhà bà ngoại nằm bên cánh đồng, trước sân nhà có một cái ao rất to. Buổi tối ra đây hóng gió chắc chắn rất mát.

Khi được sống những ngày yên bình nơi quê nhà, em cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, không phải lo nghĩ đến chuyện học hành như lúc ở nhà. Em được hòa mình vào thiên nhiên, vui chơi với những đứa trẻ thôn quê mộc mạc, chân chất như vậy. Và cũng từ chuyến đi này em có thêm nhiều người bạn mới mà sau khi về nhà em vẫn luôn nhớ mãi.

Bà ngoại tươi cười hớn hở đón gia đình em. Trưa hôm đó bà và mẹ nấu món canh cá rô đồng thơm ngon tuyệt vời. Em ăn mãi không biết chán. Đây là bữa cơm đầu tiên tại quê ngoại. Ngoại còn bảo sẽ nấu cho em thêm nhiều món mang hương vị đồng quê khác nữa.

Buổi chiều hôm đó em theo bác Hai ra đồng bắt cá rô. Vì mùa nước vừa cạn nên cá rô mắc kẹt ở giữa đồng. Em bì bõm lội theo sau bác và hai anh con trai bác. Bùn đất ở vùng quê khiến em có cảm giác gần gũi, thân thuộc đến lạ kì. Mặc dù mặt mũi lẫm lem nhưng em rất thích được lội bùn như thế này. Hôm đó em đã bắt được một con cá rô to bằng bàn tay của trẻ con. Mặc dù công lao không lớn nhưng ai cũng khen em giỏi.

Tối hôm đó có mấy đứa trẻ con trong xóm đến nhà ngoại chơi. Chúng nó mang theo ống bơ đong gạo và rủ em đi bắt đom đóm. Em chưa bao giờ được bắt đom đóm và cũng chưa bao giờ thấy đom đom bay nhiều như thế này trên cánh đồng. Một khung cảnh khiến cho em mê mẩn. Đúng là quê nhà mới có được những điều bình dị những tươi đẹp này.

Từng chú đom đóm nằm ngoan ngoãn trong ống bơ và lần lượt tỏa sáng. Đến sáng hôm sau thì không biết chúng đã kéo nhau đi đâu hết.

Những ngày sau ở quê ngoại, em chơi thân hơn với mấy đứa trong xóm. Chúng nó đi đâu em cũng đòi đi, đi thả diều, đi bắt cá, đi chơi trò trốn tìm, đi chăn trâu…

Ba mẹ vẫn bảo rằng mỗi lần về quê sẽ khiến cho em lớn và hòa đồng hơn. Em vẫn hi vọng sẽ được trở về quê ngoại trong thời gian sớm nhất.

Câu trả lời:

Cây cau thuộc họ cọ. Cau là loại cây lưu niên, một đời người, một đời cau. Trước nhà, dọc hai bên ngõ, hàng cau cao vút. Thân cau tròn có từng khoanh; có cây cau cao trên mươi mét. Tàu cau như tàu dừa, ngắn và nhỏ hơn, đu đưa trước gió, lựa như đuôi con chim xanh biếc.

Hoa cau trắng ngần, hương đưa thoang thoảng. Quả cau kết thành buồng; mỗi buồng có vài chục quả đến vài trăm quả. Quả cau hình trứng hoặc tròn hơi dài, màu cọ, bên trong có một hạt. Cau kết trái mỗi năm hai vụ. Cau lưu niên ra hoa, kết trái quanh năm. Khi bổ quả cau ra, hạt có hoa văn rất đẹp.

Có cau phải có trầu. Dân gian gọi trầu, cau là tân lang. Tục ăn trầu của dân ta đã có từ lâu đời. Truyện cổ tích Trầu cau rất cảm động. Khách đến nhà theo phong tục cổ truyền, chủ nhà mời khách ăn trầu, nên mới có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện". Bà Chúa thơ Nôm có bài thơ “Mời trầu". Cụ Tam Nguyên Yên Đổ có câu thơ:

"Đầu trò tiếp khách trầu không có,

Bác đến chơi đây, ta với ta"

(Bạn đến chơi nhà)

Gái trai ngày xưa ướm duyên, tỏ tình bằng cách mời trầu. Sính lễ nhất định phải có buồng cau, chai rượu. So người ăn trầu ngày một ít đi, nhưng buồng cau trong lễ cưới hỏi không thể thiếu.

Cau được bổ làm bốn, làm sáu, phơi khô dể ăn dần. Hạt cau là vị thuốc để diệt trừ giun, sán, tiêu đờm, khử độc.

Khi mua cau nên chọn buồng sai quả, quả tròn to xanh bóng, loại cau bánh tẻ, ăn vào vị chát hơi đắng là cau ngon.

“Vào vườn hái quả cau xanh

Bổ ra làm sáu, mời anh xơi trầu.

Trầu này têm những vôi tầu

Giữa têm cát cánh, hai đầu quế cay"