“Có công mài sắt có ngày nên kim”. Tại sao ư? Bởi lẽ cuộc sống có bao giờ là con đường bằng phẳng? Biết bao những chông gai, thử thách, ngã rẽ cuộc đời chỉ có thể vượt qua nhờ ý chí kiên định, kiên trì. Như An-be Anh-xtanh cũng đã từng tâm sự “Không phải vì tôi quá thông minh, chỉ là tôi chịu bỏ nhiều thời gian hơn với rắc rối”. Lòng quyết tâm và sự nhẫn nại là vô cùng quan trọng, là một đức tính cần phát huy, có ý nghĩa lớn lao quyết định cuộc đời mỗi con người. Người có lòng kiên trì và ý chí là người biết tự xác định mục tiêu cho bản thân, quyết tâm làm đến cùng, kiên quyết không lùi bước hay khuất phục trước khó khăn. Kiên trì đó là khi bạn cố gắng ngồi hàng giờ để hoàn thành hết bài tập cô giao. Kiên trì, khi ấy là khi bạn lao vào “chiến trường” bếp núc mặc dù đã thử bao nhiêu lần mà chiếc bánh vẫn đen thui! Kiên trì là khi trên con đường chỉ còn mình bạn nhưng bạn vẫn tiếp tục đi tiếp… Khi có lòng kiên trì, bạn sẽ dễ dàng thực hiện những ước mơ, khát vọng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Hơn nữa, đức tính kiên trì, bền bỉ còn là gốc rễ khởi nguồn cho những phẩm chất tốt đẹp khác. Khi bạn kiên trì theo đuổi một cái gì đó đến cùng, chắc hẳn bạn đã tự rèn luyện cho mình một sức chịu đựng dẻo dai, sự cần cù, siêng năng, dũng cảm.
(Trích bài viết của học sinh Nguyễn Thị Huyền Trang, lớp 8A1, THCS Mỹ Hưng, Mỹ Lộc, Nam Định, trong tổng tập Văn học và tuổi trẻ 2019)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?
Câu 2: Theo tác giả, vì sao phải kiên trì?
Câu 3: Để văn bản có sức thuyết phục, người viết đã sử dụng những lí lẽ và bằng chứng nào? Em hãy liệt kê và chỉ rõ. Em hãy nhận xét về cách sử dụng các lí lẽ và bằng chứng đó.
Câu 4. Chỉ ra tác dụng của hai câu hỏi “Tại sao ư? Bởi lẽ cuộc sống có bao giờ là con đường bằng phẳng?”. Từ đó, em học hỏi được điều gì về cách viết văn nghị luận.
Câu 5. Chỉ ra trạng ngữ trong câu văn sau và cho biết chức năng của trạng ngữ trong câu: “Khi có lòng kiên trì, bạn sẽ dễ dàng thực hiện những ước mơ, khát vọng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.”