Viết: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Định hướng

@2004255@ @2004324@

a. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ thực chất là trả lời câu hỏi: "Bài thơ gợi cho em những tình cảm, cảm xúc gì? Vì sao?". Đoạn văn có thể nêu cảm xúc của em về nội dung một dòng thơ, khổ thơ, đoạn thơ, bài thơ hoặc yếu tố nghệ thuật đặc sắc mà em yêu thích.

b. Để viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ, các em cần chú ý:

  • Đọc kĩ để hiểu nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Xác định các yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng và gợi cảm xúc cho em.
  • Viết đoạn văn, trong đó nêu rõ: Em có cảm xúc về vấn đề gì (nội dung hay hình thức nghệ thuật; một dòng, khổ, đoạn hay cả bài thơ)? Cảm xúc của em như thế nào (xúc động, vui, thích, buồn, hân hoan,...)? Điều gì đã mang lại cho em cảm xúc đó? Vì sao?...

2. Thực hành

Bài tập: Hãy viết đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc mọt trong các bài thơ: "Mẹ" (Đỗ Trung Lai), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh).

a. Chuẩn bị (về bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh)

  • Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ Tiếng gà trưa.
  • Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

b. Tìm ý và lập dàn ý

  • Tìm ý
    • Em thích nhất dòng, khổ, đoạn thơ nào hay cả bài thơ?
      • Ví dụ: Đoạn thơ nêu những kỉ niệm được gợi lại từ tiếng gà trưa.
    • Đoạn thơ có đặc sắc gì về nội dung hoặc nghệ thuật?
      • Nội dung: Những kỉ niệm được gợi ra: hình ảnh ổ trứng, con gà, hình ảnh người bà tảo tần, cần mẫn, tình yêu thương của bà dành cho cháu.
      • Nghệ thuật: Biện pháp điệp ngữ, so sánh.
    • Yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật ấy mang lại cho em những cảm xúc gì? 
      • Những hình ảnh đó gợi lên trong lòng người đọc những xúc động về tình bà cháu sâu sắc, niềm hạnh phúc giản dị, đầm ấm mà rất đỗi thiêng liêng.
  • Lập dàn ý
    • Mở đoạn: Giới thiệu bài thơ, tác giả và dẫn ra yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc ở trong đoạn thơ. 
      • Ví dụ: Bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh đã gợi ra những kỉ niệm tuổi thơ hạnh phúc của người cháu qua tiếng gà trưa trên đường hành quân.
    • Thân đoạn: Nêu cụ thể cảm xúc của em về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc đã xác định ở mở đoạn.
      • Nội dung: Những hình ảnh: ổ trứng, con gà... quen thuộc, gần gũi, bình dị nhưng có ý nghĩa lớn lao, gắn bó với tuổi thơ thiếu thốn nhưng hạnh phúc của cháu. Tình cảm yêu thương, sự chắt chiu, dành dụm của bà cho thấy tình cảm bà cháu sâu nặng, thắm thiết. Bà dành tất cả sự quan tâm, chăm sóc cho cháu. Cháu luôn kính trọng và nghĩ về bà. Những hình ảnh cho thấy tâm hồn hồn nhiên, trong sáng, tình cảm yêu mến của cháu đối với bà.
      • Nghệ thuật: Bài thơ sử dụng thể thơ năm chữ, cùng biện pháp tu từ điệp ngữ, so sánh để xây dựng các hình ảnh thơ gần gũi, sinh động, ngôn ngữ thơ giản dị, giàu sức biểu cảm....
    • Kết bài: Khái quát lại suy nghĩ của bản thân về yếu tố đã mang lại cảm xúc ấy.
      • Ví dụ: Tiếng gà trưa đã khơi gợi những kỉ niệm đẹp đẽ, tình cảm của cháu với bà. Đồng thời nó cũng khiến tôi trào dâng cảm xúc, bồi hồi nhớ về người bà yêu dấu của mình.

c. Viết

Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần sử dụng được các từ ngữ ghi lại một cách sinh động và chính xác cảm xúc của em.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa

  • Kiểm tra lại các ý của bài viết.
  • Phát hiện các lỗi: thiếu ý, chưa logic, lạc ý…; sai chính tả, ngữ pháp…