Viết: Tập làm thơ bốn chữ, năm chữ

Nội dung lý thuyết

1. Định hướng

  • Đọc lại các văn bản thơ bốn chữ, năm chữ đã học trong Bài 2 và các bài Lượm, Đêm nay Bác không ngủ đã học ở lớp 6.
  • Khi làm bài thơ bốn chữ, năm chữ, các em cần chú ý cách gieo vần của bài thơ hoặc khổ thơ đã nêu ở mục Thơ bốn chữ, năm chữ trong phần Kiến thức ngữ văn.

2. Thực hành

a. Điền từ thích hợp trong ngoặc đơn vào những chỗ trống ... tương ứng với các khổ thơ sau. Từ đó, xác định cách gieo vần ở mỗi khổ thơ.

- (ngay, trong, đây)

Bóng bàng tròn lắm

Tròn như cái nong

Em ngồi vào ...

Mát ơi là mát!

(Xuân Quỳnh)

=> Ở vị trí này, ta điền trong vì từ trong sẽ bắt vần với từ nong ở câu trên. Đây là cách gieo vần chân.

- 1. (băm, cày, lao); 2. (mịt, sương, mờ)

Ngựa phăm phăm bốn vó

Như ... (1) xuống mặt đường

Mặc sớm rừng mù ... (2)

Mặc đêm đông buốt giá.

(Phan Thị Thanh Nhàn)

=> Ở vị trí (1), ta điền băm vì từ băm sẽ bắt vần với từ phăm ở câu trên. Đây là cách gieo vần lưng.

=> Ở vị trí (2), ta điền sương vì từ sương sẽ bắt vần với từ đường ở câu trên. Đây là cách gieo vần chân.

@2004134@ @2004204@

b. Viết bài thơ bốn chữ (về người thân trong gia đình hay một kỉ niệm của em với người thân, bạn bè) hoặc bài thơ năm chữ (về một loài vật, cây cối mà em yêu thích).

  • Chuẩn bị:
    • Em muốn viết về ai hay kỉ niệm nào, loài vật, loài cây nào?
      • Ví dụ: Mẹ
    • Tình cảm, cảm xúc của em với đối tượng ấy như thế nào?
      • Ví dụ: Biết ơn, trân trọng....
  • Viết bài thơ:
    • Kể hoặc miêu tả hình ảnh của đối tượng; qua đó, thể hiện cảm xúc, tình cảm của em dành cho đối tượng.
      • Ví dụ: Sự quan tâm, dạy dỗ của mẹ dành cho con.
    • Lựa chọn từ ngữ thích hợp để thể hiện đặc điểm của đối tượng. Hãy vận dụng các biện pháp tu từ như tương phản, so sánh, điệp cấu trúc,... để làm bài thơ.
    • Sắp xếp các từ ngữ trong dòng thơ và trong khổ thơ theo quy định về số tiếng, vần, nhịp của thơ bốn chữ, năm chữ.
  • Kiểm tra và chỉnh sửa:
    • Đọc lại bài thơ đã viết.
    • Bài thơ đã đảm bảo số tiếng, vần, nhịp của thơ bốn chữ, năm chữ chưa?
    • Bài thơ có tập trung thể hiện đối tượng mà em chọn viết và tình cảm của em với đối tượng đó không?
    • Có cần thay thế từ ngữ nào để bài thơ hay hơn không?

Gợi ý:

Suốt đời tần tảo

Dạy dỗ chỉ bảo

Cho con nên người

Tài đức vẹn mười.

=> Thể thơ bốn chữ.

=> Tiếng tảo bắt vần với tiếng bảo. Đây là cách gieo vần chân.

=> Tiếng người bắt vần tiếng mười. Đây là cách gieo vần chân.

=> Ngắt nhịp 2/2.