Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.

Nội dung lý thuyết

I. Tìm hiểu đề và lập dàn ý

Đề bài: 

Đề 1: Phân tích bài thơ sau của Hồ Chí Minh:

CẢNH KHUYA

    Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

    Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

            Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,

Chẳng ngủ vì lo nỗi nước nhà.

1947

Đề 2: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đó đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về.

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

1. Tìm hiểu đề

a. Đề 1

+ Hoàn cảnh ra đời bài thơ: trong những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Cuối năm 1947, quân Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng chủ yếu và cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến. Chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta đã làm thất bại ý đồ của địch và tiêu diệt nhiều lực lượng của chúng. Bài thơ Cảnh khuya đã được Hồ Chí Minh viết trong những đêm sống tại núi rừng Việt Bắc để lãnh đạo chiến dịch.

+ Phân tích tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ trong hoàn cảnh lớn và hoàn cảnh nhỏ của bài thơ để thấy hết giá trị.

b. Đề 2

Khí thế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dũng mãnh, hào hùng (thể hiện qua lực lượng tham gia, những con đường và thời điểm tổng tiến công sôi nổi,…).

2. Lập dàn ý

a. Đề 1

* Mở bài:

Giới thiệu khái quát hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

* Thân bài:

+ Vẻ đẹp huyền ảo, lung linh của núi rừng đêm trăng (trăng, hoa, cây cổ thụ, tiếng suối).

+ Nhân vật trữ tình mải mê lo việc nước đến tận khuya, tình cờ bắt gặp tiếng suối dưới trăng (khác các ẩn sĩ tìm đến thiên nhiên để lánh đời, dưỡng tính).

+ Bài thơ hiện đại ở chỗ con người nổi bật giữa bức tranh thiên nhiên, cổ điển ở bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình.

* Kết bài:

Khẳng định vẻ đẹp hài hòa giữa tâm hồn nghệ sĩ và ý chí chiến sĩ trong bài thơ.

b. Đề 2

* Mở bài: 

Giới thiệu đoạn thơ (xuất xứ, trích dẫn nguyên văn đoạn thơ).

* Thân bài:

+ Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Bắc: 8 câu đầu.

+ Khí thế chiến thắng của các chiến trường khác: 4 câu sau.

+ Nghệ thuật sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ tài tình của tác giả trong đoạn thơ.

* Kết bài:

Đoạn thơ thể hiện thành công cảm hứng ngợi ca cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

@1648245@

II. Ghi nhớ

1. Đối tượng của bài nghị luận về thơ rất đa dạng (một bài thơ, một đoạn thơ, hình tượng thơ,...). Với kiểu bài này, cần tìm hiểu từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu, cấu tứ,... của bài thơ, đoạn thơ đó.

2. Bài viết thường có các nội dung sau:

- Giới thiệu khái quát về bài thơ, đoạn thơ.

- Bàn về những giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.

- Đánh giá chung về bài thơ, đoạn thơ.

@1648459@@1648656@