Hoạt động 2. Tìm hiểu về kế hoạch tài chính cá nhân

Nội dung lý thuyết

1. Thảo luận về kế hoạch tài chính cá nhân sau:

Em hãy đọc và thảo luận về "Kế hoạch tài chính ngắn hạn của Trang" theo các yếu tố được nêu ra.

Kế hoạch tài chính ngắn hạn của Trang

A. Phân tích các yếu tố trong kế hoạch của Trang:

- Mục tiêu: Mua một chiếc xe đạp mới. (Rất cụ thể).

- Dự kiến thời gian thực hiện: 6 tháng.

- Ước lượng số tiền cần thiết: 2.000.000 đồng.

- Số tiền tiết kiệm hiện có: 800.000 đồng.

- Cách thực hiện: Tiết kiệm mỗi tháng 200.000 đồng (mỗi tuần tiết kiệm 50.000 đồng).

- Nguồn tiền: Tiền tiêu vặt, tiền thưởng của bố mẹ.   

B. Đánh giá chung về kế hoạch:

- Theo em, kế hoạch của Trang có những ưu điểm và nhược điểm gì? Có điểm nào cần điều chỉnh không?

+ VD (Ưu điểm): Kế hoạch có đầy đủ các yếu tố cần thiết: mục tiêu rõ ràng, số tiền cụ thể, thời gian xác định, cách làm và nguồn tiền. Việc chia nhỏ số tiền cần tiết kiệm theo tháng/tuần giúp dễ thực hiện và theo dõi hơn.

+ VD (Nhược điểm/Điểm cần lưu ý): Cần đảm bảo nguồn tiền tiêu vặt/thưởng ổn định trong 6 tháng. Cần xem xét giá xe đạp thực tế có đúng 2 triệu không hay có thể thay đổi. Tính toán: Cần thêm 1.200.000 đồng, mỗi tháng tiết kiệm 200.000 đồng thì cần đúng 6 tháng -> Thời gian hợp lý nếu thực hiện đúng. Kế hoạch này khả thi.

2. Xác định các loại kế hoạch tài chính cá nhân.

Dựa vào gợi ý và hiểu biết của em, hãy nêu các loại kế hoạch tài chính cá nhân thường gặp và đặc điểm (thời gian) của mỗi loại.

- VD:

+ Kế hoạch ngắn hạn:

  • Thời gian: Thường dưới 1 năm (ví dụ: vài tháng đến 1 năm).
  • Mục tiêu: Mua một món đồ yêu thích (sách, quần áo, đồ dùng học tập đắt tiền một chút), tiết kiệm tiền đi xem phim, đi chơi cuối tuần, mua quà sinh nhật, tiết kiệm mua xe đạp (như bạn Trang)...

+ Kế hoạch trung hạn:

  • Thời gian: Thường từ 1 đến 5 năm.
  • Mục tiêu: Tiết kiệm mua xe máy, điện thoại xịn, máy tính xách tay, chuẩn bị một phần cho chi phí học ngoại ngữ/kỹ năng, một chuyến du lịch xa hơn...

Kế hoạch dài hạn:

  • Thời gian: Thường trên 5 năm.
  • Mục tiêu: Tiết kiệm tiền học đại học, du học, mua nhà, chuẩn bị cho tương lai xa hơn...

3. Thảo luận về cách xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân.

Em hãy thảo luận về các bước cần thực hiện để xây dựng một kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả, dựa trên 5 bước gợi ý.

các bước cần thực hiện để xây dựng một kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả

A. Trình bày các bước:

Bước 1: Phân tích tình hình tài chính hiện tại:

- Em cần xem xét những gì ở bước này?

- VD: Ghi lại số tiền hiện có (tiền mặt, tiền tiết kiệm nếu có). Liệt kê các khoản tiền em thường nhận được (tiền tiêu vặt hàng tuần/tháng, tiền thưởng, tiền mừng tuổi...). Liệt kê các khoản em thường chi tiêu (ăn sáng, mua đồ dùng học tập, giải trí...).

Bước 2: Đặt ra mục tiêu tài chính cần đạt được:

- Mục tiêu cần đảm bảo yếu tố gì? Em hãy đặt một mục tiêu tài chính cụ thể cho mình (ngắn hạn hoặc trung hạn).

- VD: Mục tiêu phải cụ thể, đo được, khả thi, có thời hạn. Ví dụ: "Tiết kiệm 300.000 đồng trong 2 tháng để mua một cuốn sách tham khảo mới".

Bước 3: Xác định và phân bổ các khoản thu – chi:

- Làm thế nào để biết tiền của mình đến từ đâu và đi đâu?

- VD: Dự kiến các khoản thu trong tháng tới (tiền tiêu vặt, tiền thưởng...). Lên danh sách các khoản dự định chi (ăn uống, đi lại, học tập, giải trí...).

Bước 4: Cân nhắc loại bỏ những chi tiêu không cần thiết:

Dựa vào danh sách chi tiêu đã liệt kê, làm sao để xác định khoản nào là không cần thiết và có thể cắt giảm?

- VD: Xem lại các khoản chi cho trà sữa, ăn vặt, mua đồ chơi, đồ trang trí... có thể giảm bớt hoặc cắt bỏ để dành tiền cho mục tiêu quan trọng hơn không?

Bước 5: Lập bản kế hoạch chi tiêu hợp lí:

- Kế hoạch chi tiêu cần thể hiện những gì?

- VD: Ghi rõ tổng thu dự kiến, tổng chi dự kiến (sau khi đã cắt giảm chi tiêu không cần thiết), số tiền dự kiến tiết kiệm được để đạt mục tiêu. Có thể chia cụ thể hạn mức chi cho từng loại (ví dụ: ăn uống bao nhiêu, đi lại bao nhiêu...).

4. Tìm kiếm và chia sẻ các phương pháp, công cụ giúp kiểm soát chi tiêu và thực hiện kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả.  

Để thực hiện tốt kế hoạch tài chính đã lập, chúng ta cần kiểm soát chi tiêu hiệu quả. Em hãy tìm kiếm và chia sẻ những phương pháp, công cụ có thể giúp chúng ta làm điều đó.

- VD:

  • Sử dụng ứng dụng (Apps) quản lý tài chính: Các app trên điện thoại như Money Lover, Sổ Thu Chi Misa... giúp ghi chép thu chi nhanh chóng, xem báo cáo, đặt hạn mức chi tiêu.
  • Lập bảng tính (Excel/Google Sheets): Kẻ bảng theo dõi thu chi theo ngày/tuần/tháng, tự tính toán tổng thu, tổng chi, số dư.
  • Làm sổ thu – chi thủ công: Dùng một cuốn sổ nhỏ để ghi lại tất cả các khoản tiền nhận được và chi ra hàng ngày.
  • Phương pháp chia lọ/phong bì: Chia tiền tiêu vặt vào các lọ/phong bì riêng cho từng mục đích (ăn uống, tiết kiệm, giải trí...) và chỉ tiêu trong phạm vi đó.
  • Đặt câu hỏi trước khi mua: "Mình có thực sự cần món đồ này không?", "Có thể đợi đến đợt giảm giá không?", "Có lựa chọn nào rẻ hơn không?".
  • Ghi lại nhật ký chi tiêu: Cuối ngày ghi lại tất cả những gì đã chi tiêu để nhận biết thói quen của mình.