Chuyện người con gái Nam Xương- Nguyễn Dữ

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Nguyễn Dữ (chưa rõ năm sinh năm mất).

- Quê: Hải Dương.

-Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỷ XVI, là thời kỳ triều đình nhà Lê bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trịnh tranh giành quyền lực, gây ra những cuộc chiến kéo dài.

- Ông học rộng tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi cáo về, sống ẩn dật vùng núi Thanh Hóa.

@91365@

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

- Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong số 20 truyện trong tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Dữ "Truyền kì mạn lục". Truyện có nguồn gốc từ một truyện cổ dân gian trong kho tàng cổ tích Việt Nam "Vợ chàng Trương".

b. Thể loại

- Truyền kì mạn lục: Ghi chép tản mạn những truyện kì lạ được lưu truyền. Viết bằng chữ Hán.

c. Chủ đề: Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, "Chuyện người con gái Nam Xương" thể hiện niềm thương cảm đối với số phận oan nghiệt, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến.

d. Tóm tắt truyện

Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) là người phụ nữ nhan sắc, đức hạnh. Chồng nàng là Trương Sinh phải đi lính sau khi cưới ít lâu. Nàng ở nhà, một mình vừa nuôi con nhỏ vừa chăm sóc mẹ chồng đau ốm, rồi làm ma chu đáo khi bà mất. Trương Sinh trở về, nghe lời con, nghi vợ thất tiết nên đánh đuổi đi. Vũ Nương uất ức gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn,nàng được thần rùa Linh Phi và các tiên nữ cứu. Sau đó, vào một buổi tuổi ngồi với con trai, Trương Sinh mới biết mình đã đổ oan cho vợ. Ít lâu sau, Vũ Nương gặp Phan Lang, người cùng làng chết đuối được Linh Phi cứu. Khi Phan Lang trở về, Vũ Nương nhờ gửi chiếc hoa vàng nhắn chàng Trương lập đàn giải oan cho nàng. Trương Sinh nghe theo, lập đàn giải oan cho Vũ Nương, Vũ Nương ẩn hiện giữa dòng, nói vọng vào bờ lời tạ từ rồi biến mất.

e. Đại ý

Đây là câu chuyện về số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ phụ quyền phong kiến, chỉ vì một lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị nghi oan, bị đẩy đến bước đường cùng phải tự kết liễu cuộc đời của mình để chứng tỏ tấm lòng trong sạch. Tác phẩm thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân: người tốt bao giờ cũng được đền trả xứng đáng, dù chỉ là ở một thế giới huyền bí.

g. Bố cục: 3 đoạn

    - Đoạn 1: Từ đầu - của mình: Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh và phẩm hạnh của nàng trong thời gian xa cách.

    - Đoạn 2: Tiếp - qua rồi: Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương.

    - Đoạn 3: Còn lại: Cuộc gặp gỡ giữa Vũ Nương và Phan Lang tại thủy cung.

@91366@@91368@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Nhân vật Vũ Nương

a. Khi chồng còn ở nhà.

Trước bản tính hay ghen của chồng, Vũ Nương đã “Giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.

b.Khi chồng đi lính.

- Khi tiễn chồng đi lính.

“Chàng đi lần này......cánh hồng bay bổng”.

+ Nàng không trông mong vinh hiển, chỉ cầu mong hai chữ bình an khi trở về.

+ Nàng thấu hiểu cho những gian nan, vất vả của người chồng, cho cả những nỗi lo của người mẹ.

+ Nàng bày tỏ niềm nhớ nhung khi phải xa cách.

c.Khi xa chồng.

+ Vũ Nương là người vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết.

 + Một người mẹ hiền, dâu thảo.

=> Lời chăng chối của bà mẹ chồng “Trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn. Xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã không phụ mẹ” – Là lời khẳng định cho nhân cách cũng như những hi sinh mà Vũ Nương đã dành cho mẹ chồng cũng như gia đình nhà chồng.

- Hai tình huống đầu cho thấy Vũ Nương là người phụ nữ đảm đang, thương yêu chồng hết mực.

d. Bị chồng nghi oan.

- Trương Sinh thăm mộ mẹ cũng đứa con nhỏ (Đản).

- Lời nói của đứa con: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít... Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến...”

- Trương Sinh nghi ngờ lòng chung thủy của vợ chàng.

- Câu nói phản ánh đúng ý nghĩ ngây thơ của trẻ em: “nín thin thít, đi cũng đi, ngồi cũng ngồi (đúng như sự thực, giống như một câu đố giấu đi lời giải.Người cha nghi ngờ, người đọc cũng không đoán được).

- Tài kể chuyện “(khéo thắt nút mở nút) khiến câu chuyện đột ngột, căng thẳng, mâu thuẫn xuất hiện.

- La um lên, không kể lời con nói.Mắng nhiếc, đánh đuổi vợ đi.Hậu quả là Vũ Nương tự vẫn.

- Trương Sinh giấu không kể lời con nói: khéo léo kể chuyên, cách thắt nút câu chuyện làm phát triển mâu thuẫn.

- Ngay trong lời nói của Đản đã có ý mở ra để giải quyết mâu thuẫn: “Người gì mà lạ vậy, chỉ nín thin thít”.

- Phân trần để chồng hiểu rõ nỗi oan của mình. Những lời nói thể hiện sự đau đớn thất vọng khi không hiểu vì sao bị đối xử bất công. Vũ Nương không có quyền tự bảo vệ.

- Hạnh phúc gia đình tan vỡ, thất vọng tột cùng, Vũ Nương tự vẫn. Đó là hành động quyết liệt cuối cùng.

- Lời than thống thiết, thể hiện sự bất công đối với người phụ nữ đức hạnh.

e. Khi ở dưới thủy cung.

- Đó là một thế giới đẹp từ y phục, con người đến quang cảnh lâu đài. Nhưng đẹp nhất là mối quan hệ nhân nghĩa.

- Cuộc sống dưới thủy cung đẹp, có tình người.

- Tác giả miêu tả cuộc sống dưới thủy cung đối lập với cuộc sống bạc bẽo nơi trần thế nhằm mục đích tố cáo hiện thực.

- Vũ Nương gặp Phan Lang, yếu tố kỳ lạ, hoang đường.

- Nhớ quê hương, không muốn mang tiếng xấu.

=> Thể hiện ước mơ khát vọng một xã hội công bằng tốt đẹp hơn, phù hợp với tâm lý người đọc, tăng giá trị tố cáo.

- Thể hiện thái độ dứt khoát từ bỏ cuộc sống oan ức. Điều đó cho thấy cái nhìn nhân đạo của tác giả.

- Vũ Nương được chồng lập đàn giải oan - còn tình nghĩa với chồng, nàng cảm kích, đa tạ tình chàng nhưng không thể trở về trần gian được nữa. Vũ Nương muốn trả ơn nghĩa cho Linh Phi, muốn trở về với chồng con mà không được nữa.

@91369@@91370@@91371@

2. Nỗi oan khuất của Vũ Nương

- Nỗi oan khuất của Vũ Nương có nhiều nguyên nhân và được diễn tả rất sinh động, như một vở kịch ngắn, có tạo tình huống, xung đột, thắt nút và mở nút.

a. Nguyên nhân trực tiếp

- Do lời nói thơ ngây của bé Đản. Đêm đêm, ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, Vũ Nương thường " trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản". Vậy nên Đản mới ngộ nhận đó là cha mình, khi người cha thật trở về thì không chịu nhận và vô tình khiến mẹ bị oan.

b. Nguyên nhân gián tiếp

* Từ người chồng:

- Trương Sinh là con nhà giàu, ít học và có tính đa nghi.

- Tâm trạng của chàng khi trở về nhà cũng có phần nặng nề, không vui: " Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn lắm rồi".

- Cách ứng xử hồ đồ và độc đoán của Trương Sinh: Chàng không đủ bình tĩnh để phán đoán, phân tích, bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ, không tin cả những nhân chứng bênh vực cho nàng, cũng nhất quyết không nói duyên cớ để cho vợ con mình có một cơ hội để minh oan.

- Nút thắt ngày càng chặt, Trương Sinh trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo: " mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi", dẫn đến cái chết oan nghiệt của Vũ Nương.

* Do cuộc hôn nhân không bình đẳng:

- Cuộc hôn nhân của Trương Sinh và Vũ Nương có phần không bình đẳng. Vũ Nương là con nhà nghèo khó, còn Trương Sinh lại là con nhà hào phú (chi tiết Trương Sinh " xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về"; lời nói của Vũ Nương "Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu"). Sự cách bức ấy đã cộng thêm một cái thế cho Trương Sinh, bên cạnh cái thế của người chồng, người đàn ông trong chế độ gia trưởng phong kiến.

* Do lễ giáo hà khắc:

- Người phụ nữ không có quyền được nói, có quyền được bảo vệ mình. Trong lễ giáo ấy, trinh tiết là quan trọng hàng đầu, người phụ nữ khi đã bị mang tiếng thất tiết với chồng thì sẽ bị cả xã hội hắt hủi, chỉ còn con đường tự trẫm mình để giải thoát và bảo vệ sự trong sạch của mình.

=> Bị kịch của Vũ Nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Người phụ nữ đức hạnh ở đây không những không được bênh vực, che chở mà còn bi đối xử một cách bất công, vô lí: vì lời nói của con thơ và sự vũ phu, hồ đồ của người chồng mà người phụ nữ đức hạnh phải tự kết liễu đời mình.

@91373@@91374@

III. Giá trị nghệ thuật

- Cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện của tác giả: Dựa trên câu chuyện có sẵn, tác giả đã sắp xếp lại một số tình tiết, thêm bớt hoặc tô đậm những tình tiết có ý nghĩa, có tính chất quyết định đến quá trình, diễn biến của câu chuyện cho hợp lý, tăng tính bi kịch và cũng làm chuyện trở nên hấp dẫn và sinh động hơn.

- Giá trị nghệ thuật của những đoạn đối thoại và những lời tự bạch của nhân vật: truyện có nhiều lời thoại và tự bạch của nhân vật, được sắp xếp rất đúng chỗ, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần không nhỏ vào việc khắc họa đúng tính cách và tâm lí nhân vật.

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặc biệt là chi tiết chiếc bóng. Đây là sự khái quát hóa tấm lòng, sự ngộ nhận và hiểu lầm của từng nhân vật. Chi tiết này hoạn thiện thêm vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương, đồng thời thể hiện rõ nét hơn số phận bi kịch của Vũ Nương nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

- Kết hợp các phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm (trữ tình) làm nên một áng văn xuôi tự sự còn sống mãi với thời gian.

IV. Ý nghĩa yếu tố kì ảo

* Các yếu tố kì ảo:

- Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.

- Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi tiệc yến và gặp Vũ Nương, rồi được sứ giả của Linh Phi rẽ nước đưa về dương thế.

- Hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang lung linh, huyền ảo với " kiệu hoa...cờ tán, võng lọng rực rỡ,..lúc ẩn lúc hiện", rồi bỗng chốc "bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất".

* Cách đưa những yếu tố kì ảo vào truyện của Nguyễn Dữ:

- Các yếu tố này được đưa vào xen kẽ với những yếu tố thực về địa danh (bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng); về thời điểm lịch sử (cuối đời Khai Đại nhà Hồ); nhân vật lịch sử (Trần Thiêm Bình); sự kiện lịch sử (quân Minh xâm lược nước ta; nhiều người phải chạy trốn kể bể, rồi bị đắm thuyền).

- Những chi tiết về trang phục của các mĩ nhân (quần áo thướt tha, mái tóc búi xễ, riêng Vũ Nương mặt chỉ hơi điểm qua một chút son phấn).

-> Cách thức này làm cho thế giới kì ảo lung linh, mơ hồ trở nên gần gũi với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy, khiến người đọc không cảm thấy ngỡ ngàng.

* Ý nghĩa của những yếu tố kì ảo:

- Nó làm hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của nhân vật vũ nương, một con người dù đã ở thế giới khác vẫn nặng tình với cuộc đời, quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, vẫn khao khát được phục hồi danh dự.

- Điều quan  trọng là những yếu tố kì ảo đó đã tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho tác phẩm, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng trong cuộc đời, người tốt dù có trải qua bao oan khuất, cuối cùng cũng sẽ được minh oan.

- Với chi tiết Vũ Nương trở về nhân gian, tất cả chỉ là ảo ảnh, là một chút an ủi cho người bạc phận, hạnh phúc thực sự đâu còn có thể làm lại được nữa. Và chàng Trương Sinh vẫn phải trả giá cho hành động "vũ phu" của mình. Tính bi kịch vẫn tiềm ẩn ngay trong cái lung linh kì ảo. Điều đó một lần nữa khẳng định niềm thương cảm của tác giả với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phong kiến​.

@91375@

V. Giá trị nội dung của tác phẩm

1. Giá trị hiện thực

- Chuyện phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công đối với chế độ nam quyền, chà đạp số phận người phụ nữ.

- Phản ánh số phận con người chủ yếu qua số phận phụ nữ: chịu nhiều oan khuất và bế tắc.

- Phản ánh xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa làm cho cuộc sống người dân càng rơi vào bế tắc.

2. Giá trị nhân đạo

- Ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Vũ Nương.

- Cảm thông với số phận người phụ nữ đức hạnh nhưng bị xã hội xưa bóc lột, chà đạp.