Bài 5: Cách thức vận động và phát triển của sự vật và hiện tượng

Nội dung lý thuyết

1. Thế nào là chất và lượng của sự vật, hiện tượng

Mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều có mặt chất và mặt lượng thống nhất với nhau.

a. Chất

- Khái niệm chất dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản, vốn có của sự vật và hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật và hiện tượng đó, phân biệt nó với các sự vật và hiện tượng khác.

Các kim loại khác nhau có tính chất và ứng dụng khác nhau trong cuộc sống.

b. Lượng

- Khái niệm lượng dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản, vốn có của sự vật và hiện tượng biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp), quy mô (lớn, nhỏ), tốc độ vận động (nhanh, chậm), số lượng (ít, nhiều)… của sự vật và hiện tượng.

2. Quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất

a. Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biền đổi về chất

- Sự biến đổi về chất của các sự vật, hiện tượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi dần dần (tiệm tiến) về lượng.

- Độ là giới hạn mà trong đó sự biến đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất của sự vật, hiện tượng.

- Điểm nút là điểm giới hạn mà tại đó sự biến đổi của lượng làm thay đổi chất của sự vật, hiện tượng. 

- Bước nhảy: Dùng để chí sự chuyển hóa về chất của sự vật do những thay đổi về lượng trước đó gây ra.

b. Chất mới ra đời lại bao hàm một lượng mới tương ứng

- Chất biến đổi sau và biến đổi nhanh chóng (đột biến).

- Chất mới ra đời thay thế chất cũ và lại bao hàm một lượng mới phù hợp với nó.

c. Ví dụ về sự thay đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất.

- Quá trình học tập học sinh là quá trình dài, khó khăn, cần sự cố gắng không biết mệt mỏi, không ngừng nghỉ của bản thân mỗi học sinh.

- Quy luật chuyển hóa từ sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất thể hiện ở chỗ: học sinh tích lũy lượng (kiến thức) cho mình bằng việc nghe các thầy cô giảng trên lớp, làm bài tập ở nhà, đọc thêm sách tham khảo,… thành quả của quá trình tích lũy đó được đánh giá qua những bài kiểm tra, những bài thi học kỳ và kỳ thi tốt nghiệp.

- Khi đã tích lũy đủ lượng tri thức cần thiết, học sinh sẽ được chuyển sang một cấp học mới cao hơn.  Như vậy, quá trình học tập, tích lũy kiến thức là độ, các bài kiểm tra, các kì thi là điểm nút và việc học sinh được sang một cấp học cao hơn là bước nhảy.

- Trong suốt 12 năm học, học sinh phải thực hiện nhiều bước nhảy khác nhau. Trước hết là bước nhảy để chuyển từ một học sinh trung học lên học sinh phổ thông và kỳ thi lên cấp 3 là điểm nút, đồng thời nó cũng là điểm khởi đầu mới trong việc tích lũy lượng mới (tri thức mới) để thực hiện một bước nhảy vô cùng quan trọng trong cuộc đời: vượt qua kì thi đại học để trở thành một sinh viên.

- Sau khi thực hiện được bước nhảy trên, chất mới trong mỗi người được hình thành và tác động trở lại lượng. Sự tác động đó thể hiện trong lối suy nghĩ cũng như cách hành động của mỗi sinh viên, đó là sự chín chắn, trưởng thành hơn so với một học sinh trung học hay một học sinh phổ thông.

- Và tại đây, một quá trình tích lũy về lượng (tích lũy kiến thức) mới lại bắt đầu, quá trình này khác hẳn so với quá trình tích lũy lượng ở bậc trung học hay phổ thông trung học. Bởi đó không đơn thuần là việc lên giảng đường để tiếp thu bài giảng của thầy cô mả phần lớn là sự tự nghiên cứu, tìm tòi, tích lũy kiến thức, bên cạnh những kiến thức trong sách vở là những kiến thức xã hội từ các công việc làm thêm hoặc từ các hoạt động trong những câu lạc bộ.

- Sau khi đã tích lũy được một lượng đầy đủ, các sinh viên sẽ thực hiện một bước nhảy mới, bước nhảy quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là vượt qua kì thi tốt nghiệp để nhận được tấm bằng cử nhân và tìm được một công việc.

@631023@@631105@@631183@

3. Bài học thực tiễn

- Trong học tập và rèn luyện, phải kiên trì, nhẫn nại, không coi thường việc nhỏ.

- Tránh hành động nóng vội, đốt cháy giai đoạn, hành động nửa vời không triệt để, vì đều không đem lại kết quả như mong muốn.

Trong quá trình học tập, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, các em hãy để lại câu hỏi ở mục hỏi đáp để cộng đồng Hoc24.vn cùng thảo luận và trả lời nhé . Chúc các em học tốt!