Nội dung lý thuyết
Hệ phương trình bậc nhất hai ẩn có dạng:
\(\left\{{}\begin{matrix}ax+by=c\\a'x+b'y=c'\end{matrix}\right.\qquad\left(I\right)\)
trong đó: \(ax+by=c\) và \(a'x+b'y=c'\) là các phương trình bậc nhất hai ẩn.
- Chú ý: Do \(ax+by=c\) và \(a'x+b'y=c'\) là các phương trình bậc nhất hai ẩn nên \(a\) và \(b\) không đồng thời bằng 0; \(a'\) và \(b'\) không đồng thời bằng 0.
Ví dụ: \(\left\{{}\begin{matrix}2x-y=1\\x+3y=-2\end{matrix}\right.\), \(\left\{{}\begin{matrix}\dfrac{1}{2}x-3y=\dfrac{4}{3}\\0y+\dfrac{5}{2}y=5\end{matrix}\right.\), \(\left\{{}\begin{matrix}\sqrt{2}x+\sqrt{3}y=1\\\dfrac{1}{\sqrt{2}}x+0y=\sqrt{3}\end{matrix}\right.\) là các hệ phương trình bậc nhất hai ẩn.
- Nếu hai phương trình \(ax+by=c\) và \(a'x+b'y=c'\) có nghiệm chung là \(\left(x_0;y_0\right)\) thì ta nói \(\left(x_0;y_0\right)\) là một nghiệm của hệ phương trình \(\left(I\right)\).
Ví dụ: Cặp số \(\left(2;-1\right)\) vừa là nghiệm của phương trình \(2x+y=3\), vừa là nghiệm của phương trình \(x-2y=4\), nên cặp số \(\left(2;-1\right)\) là một nghiệm của hệ phương trình \(\left\{{}\begin{matrix}2x+y=3\\x-2y=4\end{matrix}\right.\).
- Nếu hai phương trình \(ax+by=c\) và \(a'x+b'y=c'\) không có nghiệm chung thì ta nói hệ phương trình \(\left(I\right)\) vô nghiệm.
- Giải hệ phương trình chính là đi tìm tất cả các nghiệm (tập nghiệm) của nó.
- Ở bài trước ta đã biết: Nếu điểm \(M\left(x_0;y_0\right)\) là một điểm thuộc đường thẳng \(ax+by=c\) thì \(\left(x_0;y_0\right)\) là một nghiệm của phương trình \(ax+by=c\).
Từ đó ta suy ra: Trên mặt phẳng tọa độ, nếu gọi \(\left(d\right)\) là đường thẳng \(ax+by=c\) và \(\left(d'\right)\) là đường thẳng \(a'x+b'y=c'\) thì điểm chung (nếu có) của hai đường thẳng ấy là nghiệm chung của hai của hai phương trình của \(\left(I\right)\). Do đó:
Tập nghiệm của hệ phương trình \(\left(I\right)\) được biểu diễn bởi tập hợp các điểm chung của \(\left(d\right)\) và \(\left(d'\right)\).
- Ta có thể biết số nghiệm của hệ phương trình \(\left(I\right)\) bằng cách xét vị trí tương đối của hai đường thẳng \(\left(d\right):ax+by=c\) và \(\left(d'\right):a'x+b'y=c'\)
+) Nếu \(\left(d\right)\) và \(\left(d'\right)\) cắt nhau thì hệ phương trình \(\left(I\right)\) có một nghiệm duy nhất.
Ví dụ: Xét hệ phương trình \(\left\{{}\begin{matrix}x+y=3\\x-2y=0\end{matrix}\right.\)
Gọi \(\left(d_1\right)\) là đường thẳng \(x+y=3\), \(\left(d_2\right)\) là đường thẳng \(x-2y=0\).
Vẽ hai đường thẳng \(\left(d_1\right)\) và \(\left(d_2\right)\) trên cùng một mặt phẳng tọa độ, ta thấy chúng cắt nhau tại duy nhất điểm \(M\left(2;1\right)\). (Thử lại ta thấy \(\left(2;1\right)\) là một nghiệm của hệ).
Vậy hệ phương trình có nghiệm duy nhất \(\left(x;y\right)=\left(2;1\right)\).
+) Nếu \(\left(d\right)\) và \(\left(d'\right)\) song song thì hệ phương trình \(\left(I\right)\) vô nghiệm.
Ví dụ: Xét hệ phương trình \(\left\{{}\begin{matrix}3x-2y=-6\\3x-2y=3\end{matrix}\right.\)
Do \(3x-2y=-6\Leftrightarrow y=\dfrac{3}{2}x+3\) nên tập nghiệm của phương trình thứ nhất được biểu diễn bởi đường thẳng \(\left(d_1\right):y=\dfrac{3}{2}x+3\).
Tương tự ta cũng có: tập nghiệm của phương trình thứ hai được biểu diễn bởi đường thẳng \(\left(d_2\right):y=\dfrac{3}{2}x-\dfrac{3}{2}\).
Hai đường thẳng này có cùng hệ số góc và có tung độ gốc khác nhau nên chúng song song với nhau.
Vậy hệ phương trình trên vô nghiệm.
+) Nếu \(\left(d\right)\) và \(\left(d'\right)\) trùng nhau thì hệ phương trình \(\left(I\right)\) có vô số nghiệm.
Ví dụ: Xét hệ phương trình \(\left\{{}\begin{matrix}2x-y=3\\-2x+y=-3\end{matrix}\right.\)
Do cả hai phương trình của hệ đều được biểu diễn bởi đường thẳng \(\left(d\right):y=2x-3\) nên hệ phương trình trên vô số nghiệm.
Hai hệ phương trình được gọi là tương đương nếu chúng có chung tập nghiệm.
- Muốn biến đổi tương đương một hệ phương trình, ta dùng các phép biến đổi tương đương cho các phương trình của hệ (chuyển vế, cộng 2 vế của một phương trình với một hằng số, nhân 2 vế của một phương trình với một hằng số khác 0, cộng (trừ) 2 vế của hệ phương trình ...).
Ví dụ: \(\left\{{}\begin{matrix}2x-y=1\\x-2y=-1\end{matrix}\right.\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}2x-y=1\\3x-3y=0\end{matrix}\right.\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}2x-y=1\\x-y=0\end{matrix}\right.\)