Nội dung lý thuyết
Xét tam giác \(ABC\) vuông tại \(A\), đường cao \(AH\).
Đặt cạnh huyền \(BC=a\), các cạnh góc vuông \(AB=c;AC=b\); đường cao ứng với cạnh huyền \(AH=h\); các đoạn \(BH=c';CH=b'\) lần lượt là hình chiếu của \(AB,AC\) trên cạnh huyền.
Xét tam giác \(ABH\) và tam giác \(CBA\) có:
\(\widehat{B}\) chung;
\(\widehat{AHB}=\widehat{CAB}=90^0\)
\(\Rightarrow\Delta ABH\) đồng dạng với \(\Delta CBA\) (góc - góc)
\(\Rightarrow\dfrac{AB}{BH}=\dfrac{BC}{AB}\Rightarrow AB^2=BC.BH\Rightarrow c^2=ac'\).
Hoàn toàn tương tự, ta chứng minh được \(\Delta ACH\) đồng dạng với \(\Delta BCA\) (góc - góc)
\(\Rightarrow\dfrac{AC}{CH}=\dfrac{BC}{AC}\Rightarrow AC^2=CH.BC\Rightarrow b^2=ab'\).
Như vậy, ta có Định lí 1:
Trong một tam giác vuông, bình phương mỗi cạnh góc vuông bằng tích của cạnh huyền và hình chiếu tương ứng của cạnh góc vuông đó trên cạnh huyền.
\(b^2=ab';c^2=ac'\)
Ví dụ: Tam giác \(ABC\) vuông tại \(A\), cạnh huyền \(BC=8\). Kẻ \(AH\) vuông góc \(BC\). Biết \(BH=3\). Tính độ dài các cạnh \(AB,AC\)?
Lời giải:
Ta có: \(BH+CH=BC\Rightarrow CH=BC-BH=8-3=5\).
Áp dụng hệ thức về cạnh và đường cao trong tam giác vuông, ta có:
\(\left\{{}\begin{matrix}AB^2=BH.BC\\AC^2=CH.BC\end{matrix}\right.\Rightarrow\left\{{}\begin{matrix}AB^2=8.3=24\\AC^2=8.5=40\end{matrix}\right.\)
\(\Rightarrow\left\{{}\begin{matrix}AB=\sqrt{24}=2\sqrt{6}\\AC=\sqrt{40}=2\sqrt{10}\end{matrix}\right.\).
Xét tam giác \(AHB\) và tam giác \(CHA\) có:
\(\widehat{AHB}=\widehat{CHA}=90^0\);
\(\widehat{BAH}=\widehat{ACH}\) (cùng phụ với góc \(ABH\))
\(\Rightarrow\Delta AHB\) đồng dạng \(\Delta CHA\) (góc - góc)
\(\Rightarrow\dfrac{AH}{HB}=\dfrac{CH}{AH}\Rightarrow AH^2=BH.CH\Rightarrow h^2=b'.c'\).
Như vậy ta có Định lí 2:
Trong một tam giác vuông, bình phương đường cao ứng với cạnh huyền bằng tích hai hình chiếu của hai cạnh góc vuông trên cạnh huyền.
\(h^2=b'.c'\)
Mặt khác, ta lại có:
\(\left\{{}\begin{matrix}S_{ABC}=\dfrac{1}{2}AB.AC\\S_{ABC}=\dfrac{1}{2}AH.BC\end{matrix}\right.\Rightarrow AB.AC=AH.BC\Rightarrow bc=ah\)
Do đó, ta có Định lí 3:
Trong một tam giác vuông, tích hai cạnh góc vuông bằng tích của cạnh huyền và đường cao tương ứng với nó.
\(bc=ah\)
Từ định lí 3, ta có: \(ah=bc\Rightarrow a^2h^2=b^2c^2\)
Mà \(a^2=b^2+c^2\) (theo định lí Pytago) \(\Rightarrow\left(b^2+c^2\right)h^2=b^2c^2\)
\(\Rightarrow\dfrac{1}{h^2}=\dfrac{b^2+c^2}{b^2c^2}\Rightarrow\dfrac{1}{h^2}=\dfrac{1}{b^2}+\dfrac{1}{c^2}\).
Như vậy, ta có Định lí 4:
Trong một tam giác vuông, nghịch đảo của bình phương đường cao ứng với cạnh huyền bằng tổng các nghịch đảo của bình phương hai cạnh góc vuông.
\(\dfrac{1}{h^2}=\dfrac{1}{b^2}+\dfrac{1}{c^2}\)
Ví dụ: Xác định các giá trị \(x\) và \(y\) trong hình vẽ sau
Lời giải:
Áp dụng hệ thức về cạnh và đường cao trong tam giác vuông, ta có:
\(\dfrac{1}{x^2}=\dfrac{1}{7^2}+\dfrac{1}{9^2}\Rightarrow\dfrac{1}{x^2}=\dfrac{130}{3969}\)
\(\Rightarrow x^2=\dfrac{3969}{130}\Rightarrow x=\dfrac{63}{\sqrt{130}}\).
Mặt khác: \(xy=7.9\Rightarrow y=\dfrac{7.9}{x}=\dfrac{63}{\dfrac{63}{\sqrt{130}}}\Rightarrow y=\sqrt{130}\).
Vậy \(x=\dfrac{63}{\sqrt{130}};y=\sqrt{130}\).