Chuyện người con gái Nam Xương

Chuẩn bị đọc (SGK Chân trời sáng tạo trang 89)

Hướng dẫn giải

- Chi tiết kì ảo trong truyện kể dân gian:

+ Sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng

+ Thạch Sanh có niêu cơm thần mà 18 nước ăn mãi không hết,

+ Phép thần thông biến hoá của Sơn Tinh và Thuỷ Tinh

- Các chi tiết kì ảo trên thường được sử dụng trong các câu chuyện dân gian nhằm mục đích thể hiện tâm tư và nguyện vọng của nhân dân hay là lí giải quan niệm về thế giới của người xưa.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Suy ngẫm và phản hồi 1 (SGK Chân trời sáng tạo trang 95)

Hướng dẫn giải

- Nội dung bao quát của văn bản:

+ Câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương.

- Các sự việc chính trong truyện

+ Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) đẹp người đẹp nết, được Trương Sinh con nhà giàu nhưng thất học, hay ghen cưới về làm vợ

+ Chàng Trương Sinh phải đầu quân đi lính, để lại mẹ già và người vợ trẻ ở nhà.

+ Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng chu đáo và nuôi con thơ

+ Mẹ Trương Sinh ốm chết, Vũ Nương lo ma chay chu tất.

+ Giặc tan, Trương Sinh trở về nhà, đau buồn khi nghe tin mẹ mất

+ Con nhỏ chưa bao giờ gặp cha nên không nhận Trương Sinh.

+ Trương Sinh sẵn tính hay ghen, nghe lời con nhỏ khi nhận chiếc bóng trên tường là cha, nghi vợ không chung thuỷ.

+  Vũ Nương bị oan, bèn gieo mình xuống sông Hoàng giang tự vẫn.

+ Sau này, sự việc sáng tỏ, người cha mà đứa con nói lại chính là chiếc bóng của mẹ, Trương Sinh như hiểu ra, chàng ân hận.

+  Phan Lang là người cùng làng với Vũ Nương, do cứu mạng thần rùa Linh Phi, vợ vua Nam Hải, nên khi chạy nạn, chết đuối ở biển đã được Linh Phi cứu sống để trả ơn.

+ Phan Lang gặp lại Vũ Nương trong động của Linh Phi. Hai người nhận ra nhau. Phan Lang được trở về trần gian, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh.

+  Trương Sinh nghe Phan Lang kể, biết vợ bị oan, bèn lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang.

+ Vũ Nương trở về, ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, lúc ẩn, lúc hiện, rồi biến mất.

- Các sự kiện trên được sắp theo trật từ thời gian của cuộc đời Vũ Thị Thiết. Không gian hiện thực ở nhà và kỳ ảo khi ở dưới thuỷ phủ

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Suy ngẫm và phản hồi 2 (SGK Chân trời sáng tạo trang 95)

Hướng dẫn giải

- Hệ thống nhân vật trong truyện

+ Nhân vật chính: Vũ Thị Thiết

+ Nhân vật phụ: Trương Sinh, Mẹ Trương Sinh, bé Đản, Phan Lang, Linh Phi

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Suy ngẫm và phản hồi 3 (SGK Chân trời sáng tạo trang 95)

Hướng dẫn giải

- Tính cách của nhân vật Vũ Thị Thiết:

+ Thuỳ mị nết na vì vậy mà Trương Sinh xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ

+ Luôn luôn giữ gìn khuôn phép khi ở với Trương Sinh để tránh ghen tuông.

+ Hiếu thuận với mẹ chồng, lễ nghĩa chu toàn khi Trương Sinh đi lính.

+ Đảm đang, tận tuỵ, một mình chu đáo nuôi con nhỏ sợ con thiếu thốn tình cảm của cha nên trỏ cái bóng của mình trên tường nhận làm cha của bé Đản.

+ Giàu lòng tự trọng khi Vũ Thị Thiết bị dồn đẩy đến bước đường cùng, đành mượn dòng nước sông Hoàng Giang sâu thẳm để rửa sạch tiếng nhuốc nhơ oan ức.

+ Luôn hướng về gia đình, quê hương, coi trọng danh dự khi ở dưới thuỷ phủ

 

Ứng xử của nàng lúc còn sống với gia đình

Khi đã về thuỷ phủ của nàng

- Lời nói dịu dàng “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót…”.

- Xa chồng, Vũ nương “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết” sắt son, chung thủy

- khi mẹ chồng ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ bái và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”, mẹ chồng mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ sinh ra”.

⇒ mẹ chồng yêu quý

- Sợ con thiếu tình cảm mà trỏ vào cái bóng của mình nhận là cha Đản

- Khi nàng và Trương Sinh bất hoà vì lời nói của bé Đản nàng xưng hô đúng mực, hạ giọng, phân trần có ý muốn hoà giải.

- Vũ Thị Thiết sống sung sướng nhưng không cảm thấy hạnh phúc.

- Khi nói chuyện với Phan Lang: Lúc đầu nàng cảm thấy đau buồn khi bị chồng ruồng bỏ, không còn mặt mũi để trở về

-  Về sau nàng thay đổi thái độ khóc thương và mong muốn có dịp trở về quê cũ.

- Nàng đã dặn dò Phan Lang và đưa ra tín vật của nàng với Trương Sinh lập đàn giải oan thì mới có thể trở về

⇒ Nhận thức về danh dự của mình

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Suy ngẫm và phản hồi 4 (SGK Chân trời sáng tạo trang 95)

Hướng dẫn giải

- Nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Trương Sinh:

+ Gia trưởng, độc đoán, đa nghi hay ghen tuông vô cớ: 

 Vì mến dung hạnh của Vũ Nương, Trương Sinh đã xin mẹ đem trăm lượng vàng cưới nàng về làm vợ. Nhưng đối với vợ, Trương Sinh lại “phòng ngừa quá mức”.  Dù Vũ Nương hết sức giữ gìn khuôn phép, vợ chồng chưa bao giờ thất hòa nhưng lại luôn thấy tù túng trong một gia đình thiếu lòng tin tưởng. Có ngờ đâu chính sự đa nghi của Trương Sinh lại gây ra mối tai họa lớn. 

+  Chỉ vì nghe một câu nói của đứa trẻ thơ mà lòng nghi ngờ, ghen tuông của chàng trỗi dậy lấn át cả tình thương khiến chàng mù quáng. Trương Sinh đã dùng những lời nói thô bạo thậm chí đánh đập vợ mình để thỏa nỗi hoài nghi bấy lâu mặc cho vợ có biện minh bộc bạch. 

+ Trương Sinh là người hết sức cố chấp, bảo thủ: 

 Khi Vũ Nương van nài muốn hiểu rõ nguồn cơn sự việc, chàng đã không nói. Bởi Trương Sinh tin tưởng chắc chắn vào điều mình nghĩ là sự thật và sợ nói ra Vũ Nương sẽ thoái thác, phủ lấp sự việc. 

+ Trương Sinh là người vô tình, bạc nghĩa:

 Khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tuy giận nhưng cũng động lòng thương, tìm vớt thây nàng nhưng không thấy. 

+ Tính tình hay ghen, đa nghi quá mực (vì vừa mất mẹ, giờ lại nghe tin mình không phải cha của bé Đản cảm thấy bị nhục nhã, liên tiếp hai nối đau khiến chàng giận quá đã áp bức Vũ Thị Thiết. ⇒ Gián tiếp gây nên cái chết của nàng

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Suy ngẫm và phản hồi 5 (SGK Chân trời sáng tạo trang 95)

Hướng dẫn giải

- Các chi tiết kì ảo trong truyện: 

+ Vũ Nương được Linh Phi, vợ vua Nam Hải, cứu và về sống tại thủy cung. 

+ Khi Phan Lang nằm mộng, thả con rùa và lạc vào động Rùa của Linh Phi, được đãi yến tiệc và gặp Vũ Nương – người cùng làng đã chết oan, được sứ giả Xích Hỗn do Linh Phi sai đưa trở về. 

+ Vũ Nương trở về dương thế. 

+ Yếu tố kì ảo đặc sắc nhất của tác phẩm là hình ảnh Vũ Nương hiện ra khi Trương Sinh lập đàn giải oan ở bến Hoàng Giang: lung linh huyền ảo với kiệu hoa, võng lọng rực rỡ, lúc ẩn lúc hiện rồi loang loáng, mờ nhạt dần.

- Tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm:

+ Hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của Vũ Nương, một người dù đã ở thế giới khác, vẫn quan tâm đến chồng con, nhà cửa, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.

+ Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng: người tốt dù có phải trải qua bao oan khuất, cuối cùng sẽ được minh oan.

+ Khẳng định niềm cảm thương của tác giả đối với sự bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Suy ngẫm và phản hồi 6 (SGK Chân trời sáng tạo trang 95)

Hướng dẫn giải

a. Ở đây, lời nói của Vũ Nương chính là lời thề trước thần linh về sự trong sạch của mình. Tuy về mặt hình thức, đây có vẻ như là lời đối thoại nhưng về nội dung là lời tỏ lòng của Vũ Nương, mang tính chất độc thoại. Người xưa thường mang thần linh ra để tỏ lòng khi họ có nỗi oan khuất, không biết tỏ cùng ai, không biết ai có thể lắng nghe và thấu hiểu cho mình. Đối tượng của nàng nói là vô hình, không hiện hữu ngay trước mặt nàng. Vì vậy, mặc dù vũ Nương như muốn đối thoại với thần linh, nhưng nàng cũng đang thề với chính mình, và chỉ có nàng cô độc nghe chính lời nàng nói. Lời của Vũ Nương là lời độc thoại của một tâm hồn cô độc khi bị Trương Sinh từ bỏ.

b. Các câu bé Đản nói với Trương Sinh trước và sau cái chết của Vũ Thị Thiết có vai trò như thế nào đối với diễn biến của sự việc, câu chuyện?

- Câu nói của bé Đản với Trương Sinh trước cái chết của Vũ Thị Thiết là lời nói ngây thơ của con trẻ, nói lên đúng suy nghĩ và nhận thức của bé Đản với Trương Sinh. Lời nói ngây thơ ấy đã vô tình làm bùng lên cơn ghen tuông đến mù quáng của Trương Sinh và đẩy Vũ Nương vào nỗi oan không thể hóa giải. Hành động ghen tuông của Trương Sinh sau lời nói ấy của bé Đản đã càng khẳng định được rằng Trương Sinh là một kẻ ghen tuông mù quáng, ít học 

- Câu nói của bé Đản với Trương Sinh sau cái chết của Vũ Thị Thiết là khởi nguồn để hóa giải nỗi oan cho Vũ Nương.

⇒ Cả hai lời nói của bé Đản đều góp phần làm nên giá trị của câu chuyện. Nếu như lời nói thứ nhất là nguồn cơn thắt nút câu chuyện thì lời nói thứ hai chính là khởi nguồn hóa giải mọi chuyện.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Suy ngẫm và phản hồi 7 (SGK Chân trời sáng tạo trang 95)

Hướng dẫn giải

- Truyện truyền kì là loại văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ Trung Quốc.

- Thường mô phỏng những cốt truyện dân gian hoặc dã sử. Sau đó, được tác giả sắp xếp lại tình tiết, bồi đắp thêm cho đời sống các nhân vật, xen lẫn những yếu tố kỳ ảo: Truyện được viết bằng chữ Hán, Nguyễn Dữ tái tạo trên cơ sở truyện cổ tích "Vợ chàng Trương".

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Suy ngẫm và phản hồi 8 (SGK Chân trời sáng tạo trang 95)

Hướng dẫn giải

- Em đồng tình với lời bình bởi: Lời bình trên đề cập đến ý nghĩa của việc trời xét tâm thành và sự trong sạch của người, so sánh với xương hoa vóc ngọc chôn vào họng cá dưới lòng sông. Một cách tổng quát, ý nghĩa này liên quan đến việc giữ cho tâm hồn người không bị ảnh hưởng bởi tình cảm tiêu cực, và nếu không, sẽ giống như việc xương hoa vóc ngọc bị chôn sâu dưới nước. Vũ Thị Thiết là người có lòng tự trọng cao nên sẽ không khuất phục trước sự vu oan ấy.

- Người phụ nữ trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” hội tụ những vẻ đẹp đáng quý nhất và cũng là đầy đủ những gì đau khổ, tủi nhục nhất của con người. Họ là đại diện tiêu biểu của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ. Họ không có quyền lợi, không có tự do, cũng chẳng có quyền được hạnh phúc - một cái quyền cơ bản nhất của con người. Họ bị hủ tục thối nát của xã hội phong kiến đẩy xuống vực sâu, chịu muôn vàn tủi hờn và đau thương. Dù họ cam chịu hay vùng vẫy, họ cũng chẳng bao giờ thoát được nanh vuốt của xã hội thối nát đó. Nhưng sau tất cả, họ vẫn giữ được cho mình vẻ đẹp đáng trân quý của tâm hồn thanh cao.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)