Bài 5. Nhà nước Văn Lang, Nhà nước Âu Lạc

Khởi động (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 25)

Hướng dẫn giải

- Chia sẻ hiểu biết:

+ Nước Văn Lang ra đời cách ngày nay khoảng 2700 năm, kinh đô đặt tại Phong Châu (Phú Thọ ngày nay).

+ Nhà nước Văn Lang được chia thành 15 bộ. Đứng dầu nhà nước là Vua Hùng, giúp việc cho Vua Hùng là các Lạc hầu, Lạc tướng…

(Trả lời bởi Người Già)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 25)

Hướng dẫn giải

- Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang

+ Khoảng thế kỉ VII trước Công nguyên (TCN), ở lưu vực các dòng sông thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay, Nhà nước Văn Lang đã ra đời.

+ Sự ra đời của nhà nước này được phản ánh thông qua truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và nhiều bằng chứng khảo cổ học thuộc nền văn hoá Đông Sơn. Các hiện vật đã được tìm thấy như: lưỡi cày, rìu, đồ gốm, trống đồng,

- Sự ra đời của Nhà nước Âu Lạc:

+ Năm 208 TCN, sau khi lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán lên làm vua, xưng là An Dương Vương, lập ra Nhà nước Âu Lạc.

+ Kinh đô được dời xuống Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

(Trả lời bởi Người Già)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 25)

Hướng dẫn giải

♦ Yêu cầu số 1: Đời sống vật chất của cư dân Văn Lang – Âu Lạc:

- Nghề chính của cư dân Văn Lang, Âu Lạc là làm ruộng. Họ trồng lúa, khoai, đỗ, cây ăn quả,... Ngoài ra, họ còn biết trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải...

- Cư dân Văn Lang, Âu Lạc biết đúc đồng để làm công cụ lao động, vũ khí và đổ trang sức. Họ cũng biết làm đồ gốm, đan lát, đóng thuyền,...

♦ Yêu cầu số 2: Truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh phản ánh sự nỗ lực chế ngự lũ lụt để phát triển sản xuất, xây dựng đất nước của người Việt cổ.

(Trả lời bởi Người Già)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 3 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 27)

Hướng dẫn giải

♦ Yêu cầu số 1:

- Từ rất sớm, cư dân Văn Lang, Âu Lạc đã phải đấu tranh chống ngoại xâm.

- Cuối thế kỉ III TCN, vua Tần cho quân sang xâm lược Văn Lang. Người Việt đã tôn Thục Phán lên làm tướng lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Cuộc chiến đấu kiên cường, quyết liệt của người Việt đã buộc quân Tần phải rút về nước. Cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi.

- Công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của Nhà nước Văn Lang và Nhà nước Âu Lạc còn được phản ánh sinh động qua một số truyền thuyết như: Thánh Gióng, Sự tích nỏ thần,…

♦ Yêu cầu số 2: Câu chuyện “Sự tích Nỏ thần”

Sau khi lập ra Nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa, nhưng xây đến đâu thì đổ đến đó. Về sau, nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy, thành đã xây xong. Thần Kim Quy còn cho nhà vua một cái móng vuốt để làm nỏ thần. Khi Triệu Đà đưa quân sang xâm lược Âu Lạc, An Dương Vương đã dùng nỏ thần đánh bại. Triệu Đà bèn dùng kế xin hoãn binh, cho con trai là Trọng Thuỷ kết hôn với con gái An Dương Vương là My Châu và ở rể tại Âu Lạc. Khi lấy được lòng tin của Mỵ Châu, Trọng Thuỷ đánh cắp nỏ thần rồi lấy cớ về thăm cha. Có nỏ thần trong tay, Triệu Đà đem quân đánh Âu Lạc. An Dương Vương ỷ thế có nỏ thần nên không tổ chức phòng bị dẫn đến thua trận.

Cuộc kháng chiến chống Triệu Đà của An Dương Vương thất bại. Từ đây, đất nước rơi vào ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.

(Trả lời bởi Người Già)
Thảo luận (1)

Luyện tập 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 28)

Luyện tập 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 28)

Hướng dẫn giải

(*) Tham khảo: sự tích Bánh chưng, bánh dày

Vua Hùng Vương thứ sáu có hai mươi người con trai, vua muốn tìm một người nối được chí của mình lên làm vua. Vua hạ lệnh, trong lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý mình vua sẽ truyền ngôi cho.

Các lang ai nấy đều tất bật sai người tìm của ngon vật lạ để dâng vua, chỉ có Lang Liêu là buồn nhất. Lang Liêu là người con thứ mười tám, chỉ quen với việc trồng trọt nên trong nhà chàng chẳng có gì ngoài lúa gạo, ngô khoai nên không biết dâng gì trong ngày lễ Tiên Vương. Một hôm có vị thần đến báo mộng cho chàng rằng hãy đem những hạt gạo quý giá mà chàng có dâng lên vua. Nghe lời thần, chàng đã chọn ra thứ gạo nếp ngon nhất để làm ra hai thứ bánh có hình vuông và hình tròn.

Đến hôm lễ, vua rất hài lòng với mâm bánh của Lang Liêu, bèn đặt tên bánh hình vuông là bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh tròn là bánh dày tượng trưng cho trời. Vua dùng bánh của Lang Liêu để lễ Trời, Đất và Tiên Vương. Lang Liêu được lên làm vua. Kể từ đó, nhân dân ta có truyền thống làm bánh chưng, bánh dày trong ngày Tết.

(Trả lời bởi Người Già)
Thảo luận (1)

Vận dụng (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 28)

Hướng dẫn giải

- Thực hiện nhiệm vụ 2: một số hoạt động kinh tế có từ thời Văn Lang - Âu Lạc còn đến ngày nay là:

+ Trồng lúa nước, khoai, đỗ, cây ăn quả,…

+ Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải…

+ Làm đồ gốm, đan lát,…

+ Đánh bắt cá,…

(Trả lời bởi Người Già)
Thảo luận (1)