Bài 15: Công pháp quốc tế về dân cư, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia

Mở đầu (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 111)

Hướng dẫn giải

 - Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là công ước quốc tế quan trọng nhất thường được các quốc gia viện dẫn khi có tranh chấp với nhau về lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia.

- Chia sẻ hiểu biết:

+ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được mở kí chính thức ngày 10/12/1982.

+ Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1994.

+ Từ khi được thông qua cho tới nay, UNCLOS luôn được coi là một trong những điều ước quốc tế phổ quát, mang tính nền tảng nhất trong quan hệ giữa các quốc gia. UNCLOS đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác quốc tế và sự phát triển bền vững của các quốc gia về các vấn đề biển, đại dương vốn chiếm tới 70% diện tích toàn cầu, cùng rất nhiều nguồn lợi, tài nguyên lớn.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 1.a (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 111)

Hướng dẫn giải

1/

- Dân cư của quốc gia là tổng hợp những người cư trú và sinh sống trên lãnh thổ quốc gia, cùng chịu sự quản lí của Nhà nước, sự tác động điều chỉnh của pháp luật quốc gia và bao gồm ba bộ phận là:

+ Công dân (người mang quốc tịch của quốc gia);

+ Công dân nước ngoài (người mang quốc tịch của quốc gia khác);

+ Người không quốc tịch (người không mang quốc tịch của quốc gia nào).

- Chế độ pháp lí của công dân một quốc gia thường được quy định trong Hiến pháp hoặc luật cơ bản của quốc gia dựa trên điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể của quốc gia và phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế đã được quốc gia đó kí kết hoặc công nhận.

- Chế độ pháp lí của công dân khác với các bộ phận khác của dân cư trong quốc gia ở chỗ: Có nhiều quyền và nghĩa vụ pháp lí mà chỉ công dân mới có, người nước ngoài, người không có quốc tịch không có. Ví dụ: công dân Việt Nam có quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc nhưng công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú và sinh sống ở nước ta không có các quyền và nghĩa vụ này.

- Các chế độ pháp lí dành cho người nước ngoài gồm:

+ Chế độ đãi ngộ quốc gia áp dụng trong các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá;

+ Chế độ đãi ngộ tối huệ quốc chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực thương mại và hàng hải;

+ Chế độ đãi ngộ đặc biệt được áp dụng đối với các cơ quan và nhân viên ngoại giao và lãnh sự ở nước ngoài.

- Chế độ pháp lí của người không quốc tịch cư trú và sinh sống ở một quốc gia về cơ bản tương tự như của người nước ngoài cư trú và sinh sống tại quốc gia đó.

2/

- Khi sinh sống và cư trú hợp pháp ở nước M, ông A có thể có những quyền con người được nước M công nhận, có thể có những quyền và nghĩa vụ theo chế độ đãi ngộ quốc gia của nước M; nếu là doanh nhân, ông có thể được hưởng chế độ đãi ngộ tối huệ quốc theo hiệp định thương mại giữa Việt Nam và nước M.

- Bên cạnh đó, ông A có những nghĩa vụ như: phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật nước sở tại, phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nước này, ...

3/ Hành vi của những người quá khích được nêu trong trường hợp này là vi phạm pháp luật quốc tế, bởi vì, đó là hành vi xâm phạm quyền con người và phân biệt đối xử về nguồn gốc dân tộc đã bị pháp luật quốc tế cấm.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 1.b.1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 114)

Hướng dẫn giải

1/

Trong trường hợp 1, việc nước V chấp nhận cho ông T cư trú chính trị là phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, bởi vì, Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 quy định:

+ Quyền cư trú chính trị cần được trao cho những người đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

+ Các nước cần phải giúp đỡ những người này để họ có thể nhập cảnh, không trục xuất họ hoặc cưỡng bức họ trở về nước mà họ đang bị truy nã.

2/ Việc các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết định trục xuất một số đối tượng là người nước ngoài được nêu trong trường hợp 2 không trái với quy định của pháp luật quốc tế, bởi vì, theo quy định của Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 thì:

+ Các nước không được trao quyền cư trú cho những kẻ phạm tội ác quốc tế, trước hết là tội ác chống hoà bình và tội ác chiến tranh.

+ Những người bị truy nã quốc tế là những người phạm tội, nguy hiểm cho xã hội nên không thể cho cư trú chính trị mà phải bị trục xuất khỏi Việt Nam.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 1.b.2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 116)

Hướng dẫn giải

- Việc các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp để đưa công dân Việt Nam từ Myanmar về nước là bảo hộ công dân, bởi vì, đây là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở Myanmar cũng như đại diện cho Nhà nước thực hiện sự giúp đỡ về mọi mặt cho công dân Việt Nam đang ở Myanmar.

- Ví dụ về một trường hợp bảo hộ công dân khác của Việt Nam: Vào tháng 9 năm 2023, khi xảy ra cháy nổ nhà máy ở Đài Loan - nơi có nhiều lao động là công dân Việt Nam, làm một số người thương vong, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã công bố số điện thoại đường dây nóng của Tổng đài bảo hộ công dân và Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam ở Đài Bắc để lao động Việt Nam ở đây có thể liên hệ nếu cần giúp đỡ.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 2.1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 116)

Hướng dẫn giải

- Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và tuyệt đối với lãnh thổ của mình. Chủ quyền quốc gia của Việt Nam bao gồm nhiều nội dung, trong đó có các quyền cơ bản là: quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ, quyền tự quyết định những công việc của quốc gia, quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại. Quyền tối cao của Việt Nam đối với lãnh thổ, được thể hiện ở hai phương diện cơ bản là phương diện quyền lực và phương diện vật chất.

- Về phương diện quyền lực:

+ Quyền lực của Việt Nam được thực hiện bởi bộ máy nhà nước, là tối cao đối với mọi tổ chức, cá nhân sống trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và có tác động bao trùm tới tất cả các vùng lãnh thổ của Việt Nam, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

+ Quyền lực này mang tính hoàn toàn, riêng biệt, không chia sẻ với bất kì quốc gia nào khác và là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

+ Với quyền lực này, Việt Nam có thể tiến hành mọi hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của mình với điều kiện các hành vi đó không vi phạm các quy định pháp luật quốc tế mà nước ta đã kí kết hoặc công nhận. Cùng với việc thực hiện chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của quốc gia khác.

- Về phương diện vật chất: Chủ quyền của Việt Nam đối với lãnh thổ thể hiện qua việc Việt Nam có toàn quyền sở hữu đối với các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên của quốc gia mình như: đất đai, nước, không gian, rừng, khoáng sản, tài nguyên vùng lòng đất ;...

- Việc các nước đế quốc, thực dân xâm chiếm và đô hộ nước ta trước đây là vi phạm pháp luật quốc tế, bởi vì, đó là hành vi vi phạm quyền độc lập tự quyết và quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 2.2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 118)

Hướng dẫn giải

Việc Việt Nam ban hành Luật Biên giới quốc gia và tham gia kí kết các văn bản pháp luật với các nước láng giềng là nhằm mục đích xác định biên giới quốc gia trên đất liền, biên giới quốc gia trên biển, biên giới quốc gia trên không và biên giới quốc gia trong lòng đất của Việt Nam, qua đó, phân định ranh giới lãnh thổ của nước ta với các nước láng giềng và xác định phạm vi lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 3.a (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 119)

Hướng dẫn giải

1/

- Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng nội thuỷ thể hiện:

+ Quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với vùng nội thuỷ giống như trên đất liền.

+ Chủ quyền này bao trùm cả vùng trời bên trên, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển,

bên dưới vùng nước nội thuỷ.

+ Tất cả các tàu thuyền và các phương tiện bay của nước ngoài muốn ra vào hoặc bay trên vùng trời nội thuỷ của quốc gia ven biển đều phải xin phép và chỉ có thể lưu thông khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia này cho phép.

- Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng lãnh hải được thể hiện:

+ Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng nước lãnh hải không tuyệt đối như đối với vùng nước nội thuỷ, bởi vì tàu thuyền nước ngoài vẫn có quyền đi qua không gây hại trong vùng nước này và nghĩa vụ của quốc gia ven biển là không được cản trở quyền này.

+ Quốc gia ven biển có chủ quyền toàn vẹn và đầy đủ đối với tài nguyên sinh vật biển cũng như đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải. Đối với vùng trời trên lãnh hải, đáy và lòng đất của vùng biển này thì quốc gia ven biển có chủ quyền toàn vẹn và đầy đủ. Các phương tiện bay nước ngoài muốn vào vùng trời ở trên lãnh hải của quốc gia ven biển thì phải xin phép.

2/ Trong trường hợp được nêu trên:

+ Sự di chuyển của tàu thuỷ của nước A vào vùng lãnh hải và nội thuỷ của Việt Nam mà chỉ thông báo, không xin phép là vi phạm pháp luật quốc tế, vì: Theo quy định của luật quốc tế thì tàu thuỷ của nước A chỉ có thể đi vào vùng lãnh hải hay vùng nội thuỷ của nước ta khi đã xin phép và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ta cho phép.

+ Tàu thuỷ của nước B đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải của nước ta mà không xin phép là phù hợp với pháp luật quốc tế, bởi vì, theo quy định của luật quốc tế, tàu thuyền của nước khác có quyền đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải của nước ta và Việt Nam không được cản trở việc thực hiện quyền này của tàu thuyền nước ngoài.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 3.b (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 121)

Hướng dẫn giải

1/

- Quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng tiếp giáp lãnh hải thể hiện ở việc Việt Nam có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết, nhằm:

+ Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khoá, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình;

+ Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

+ Nhà nước Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền và các quyền khác ở vùng tiếp giáp lãnh hải như trong vùng đặc quyền về kinh tế.

- Trong vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam có các quyền thuộc chủ quyền về việc:

+ Thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lí các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió;

+ Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 quy định. Tất cả các quốc gia khác đều được hưởng ba quyền tự do cơ bản là: tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp ngầm (Điều 58 Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982).

Quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình thể hiện ở việc:

+ Việt Nam có toàn quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của vùng này, bao gồm các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vật nào, ở thời kì có thể đánh bắt được, hoặc nằm bất động ở đáy, hoặc lòng đất dưới đáy; hoặc là không có khả năng di chuyển nếu không có khả năng tiếp xúc với đáy hay lòng đáy dưới đáy biển. Đây là các đặc quyền riêng của Việt Nam, các quốc gia khác không được xâm phạm.

+ Việt Nam có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa vào bất kì mục đích gì. Tất cả các quốc gia khác có thể đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thểm lục địa của Việt Nam, riêng với tuyến ống dẫn đặt ở thềm lục địa cần được sự thoả thuận của Việt Nam. Tàu thuyền và phương tiện bay của tất cả các quốc gia khác đều có quyền tự do ra vào vùng nước và vùng trời thềm lục địa của Việt Nam.

+ Ngoài những quyền trên, trong các vùng biển này, Việt Nam có nghĩa vụ quốc tế là không gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các nước khác đã được Công ước thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được; Việt Nam không được cản trở việc lắp đặt hay bảo quản các ống dẫn và dây cáp của quốc gia khác đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Bởi vì, đó là các nghĩa vụ quốc tế đã được quy định tại các điều 58, 78 và 79 Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.

2/ Trong tình huống được nêu trên:

+ Hành vi của quốc gia P và những nước ủng hộ quốc gia P là phù hợp với pháp luật quốc tế vì đó là hành vi bảo vệ quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển đã được luật quốc tế thừa nhận.

+ Hành vi của quốc gia T là vi phạm pháp luật quốc tế, bởi vì, đó là hành vi xâm phạm quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia P.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 123)

Hướng dẫn giải

- Trường hợp a.

+ Trong dân cư của Việt Nam, bà E thuộc bộ phận công dân nước ngoài nên có thể được hưởng chế độ đãi ngộ tối huệ quốc nếu trong hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thừa nhận chế độ đó, nếu không thì bà có thể được hưởng chế độ đãi ngộ quốc gia.

+ Những người lao động trong doanh nghiệp của bà E nếu là công dân Việt Nam thì thuộc bộ phận công dân của quốc gia nên được hưởng chế độ pháp lí của công dân, nếu là công dân Nhật Bản thì thuộc bộ phận công dân nước ngoài và được hưởng chế độ đãi ngộ quốc gia, nếu là người không quốc tịch thì thuộc bộ phận người không quốc tịch và được hưởng chế độ pháp lí của người không quốc tịch.

- Trường hợp b. Ông P là nhân viên Đại sứ quán của Hàn Quốc ở Việt Nam và bà Q là nhân viên lãnh sự quán của Pháp tại Việt Nam, do vậy, trong dân cư của Việt Nam, cả ông P và bà Q đều thuộc bộ phận công dân nước ngoài và đều được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho người nước ngoài.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 123)

Hướng dẫn giải

- Trường hợp a. Hành vi của nước Đức chấp nhận cho ông M cư trú chính trị ở nước mình là phù hợp với pháp luật quốc tế, vì theo quy định của Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 thì:

+ Quyền cư trú chính trị cần được trao cho những người đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Các nước cần phải giúp đỡ những người này để họ có thể nhập cảnh, không trục xuất họ hoặc cưỡng bức họ trở về nước mà họ đang bị truy nã.

+ Ông M tích cực đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc do chế độ thực dân để lại ở nước N nên ông thuộc trường hợp được phép cư trú chính trị theo quy định của Công ước trên.

- Trường hợp b. Hành vi lén lút khai thác lâm thổ sản trong một khu rừng ven biên giới ở phía lãnh thổ của Việt Nam của ông A là vi phạm pháp luật quốc tế, vì trái với Điều 5 Hiệp định về quy chế quản lí biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)