Văn bản ngữ văn 9

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Đức Phúc

Viết đoạn văn theo cách tổng phân hợp nêu cảm nhận của em về khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người trong 6 câu thơ cuối của bài cảnh ngày xuân

( giúp mik vs ạ ) huhu😭😭

Đỗ Ngọc Diệp
12 tháng 11 2018 lúc 21:03
Mở bài:

Truyện Kiều là kiệt tác bất hủ của nền văn học dân tộc và thế giới. Nguyễn Du không những thành công ở phương diện nội dung mà còn đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật biểu hiện. Thủ pháp tả cảnh ngụ tình đạt đến trình độ điêu luyện xưa nay hiếm có. Sáu câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân thể hiện sâu sắc tài năng nghệ thuật ấy.

Tà tà bóng ngã về tây
Chị em thơ thẩn giang tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Thân bài:

Cảnh vật được gợi tả nhẹ nhàng mà vô cùng tinh tế. Đất trời buổi chiều thanh thanh thật dễ chịu. Mọi âm thanh náo động của ngày hội xuân đã nhường chỗ cho sự yên ắng lạ thường. Âm thanh đã bị gạt lọc, chỉ còn lại sự im lặng khiến con người ta thêm phần dễ chịu.

Thời gian buổi chiều tà được khéo léo gợi tả qua hai chữ “tà tà” và hình ảnh “bóng ngã về tây”. Nguyễn Du đã sử dụng từ láy “tà tà” vừa gợi ra hình ảnh mặt trời đã xế chiều, lại vừa gợi ra nhịp vận động chậm rãi của thời gian. Con người như muốn níu kéo thêm một chút khoảnh khắc tươi đẹp của ngày xuân trước khi bầu trời chìm hẳn vào bóng đêm. Cụm từ “Bóng ngã về tây” khắc hoạ rõ ràng hơn bước đi chậm rãi của thời gian. Chữ “bóng” ở đây không phải chỉ cái bóng của con người trên mặt đất mà đó chính là mặt trời. Đó là lúc thời gian và không gian thay đổi, chiều muộn, ác tà buông xuống.

Trong cùng một câu thơ, Nguyễn Du đã dùng nhiều biểu tượng để nói về thời gian quả thực là có dụng ý. Bóng chiều lặng lẽ buông xuống trong khi cuộc vui vẫn còn sôi nổi, chị em Thuý Kiều chưa muốn rời gót ra về. Họ vẫn còn muốn lưu lại thêm chút nữa, muốn thời gian ngừmg trôi. Thế nên, hình ảnh mặt trời “bóng ngả về tây” khiến họ thấy buồn buồn vô cớ.

Bức tranh vào lúc chiều tà nhẹ nhàng khép lại một ngày du xuân. Sau một ngày đi hội và du xuân, chị em Thúy Kiều “thơ thẩn giang tay ra về”. “Thơ thẩn” là tâm trạng bần thần, lưu luyến, tiếc nuối cảnh vật, tiếc nuối lễ hội đông vui đã không còn, tiếc nuối những phút giây gặp gỡ đầy ấn tượng. Họ tiếc cho ngày vui chóng tàn nên cứ “thơ thẩn” không vội về ngay.

Nguyễn Du đã vận dụng tài tình thủ pháp tả cảnh ngụ tình của thi pháp trung đại. Ông không dùng một từ ngữ miêu tả tâm trạng nào trong đoạn thơ, chỉ miêu tả chân thực, vậy mà có thể làm cho cảnh vật trở nên hư ảo, thấm đượm tâm trạng con người. Cảnh vật không còn cái không khí rộn ràng, sắc thái trong sáng và tinh khôi như ở bốn câu thơ đầu nữa. Khi con người đắm mình trong cảnh xuân đẹp đẽ, hội xuân rộn ràng thì thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Nó bất chấp khát vọng níu kéo thời gian của con người.

Câu thơ ẩn chứa một nỗi niềm sâu xa. Cảnh xuân dù có đẹp thế nào cũng có lúc tàn phai. Hội xuân dẫu có vui thế nào rồi cũng sẽ tan rã. Một ngày chơi xuân ngắn ngủi gợi lên sự hối hả của lòng người mong muốn tận hưởng được hết cái đẹp trước khi nó tàn phai, khô héo.

Cảnh vật lúc về chiều không còn nhộn nhịp, rộn ràng như buổi sớm nữa. Tất cả bỗng trở nên nhỏ nhắn, mềm mại. lắng lại, nhạt dần, hoang vắng, êm ả, yên tĩnh hơn với hình ảnh dòng suối nhỏ:

Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Bốn bề thanh thanh, yên ắng. Dòng suối êm ả chảy qua những hòn đá nhỏ “nao nao” mặt nước. Nao nao” là trạng thái của dòng nước đồng cảm với tâm trạng con người. Cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày xuân đang còn mà nhiều linh cảm về điều sắp xảy ra đã xuất hiện (Kiều gặp mộ Đạm Tiên, gặp chàng thư sinh Kim Trọng)

Dịp cầu nho nhỏ xinh xinh bắc ngang dòng suối tạo nên vẻ đẹp thơ mộng. Các từ lấy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” không chỉ miêu tả cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Cảnh đi vào chiều sâu của sự yên tĩnh, vắng lặng.

Nhà thơ đã không dùng từ chảy để miêu tả dóng nước mà chỉ gợi nên sự chảy ấy bằng từ“nao nao” vô cùng tinh tế. Đây là bức tranh tả cảnh ngụ tình mẫu mực, đặc sắc trong“Truyện Kiều”. Mỗi bức tranh thiên nhiên cũng là một bức tâm tình đầy xao xuyến. Nước luôn là hình ảnh biểu hiện cho dòng chảy của thời gian. Không có tiếng nước chảy. Dòng nước chuyển lưu âm thầm nhưng vội vã. Hai từ “nao nao” gợi lên tâm trạng buồn buồn của con người. Một nỗi buồn vô cớ. Một nỗi bồn chồn chợt đến từ đâu đó không thể lí giải được. Giống như Nguyễn Du đã từng nói:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Niềm háo hức, say mê của con người sáng nay cũng đã phai nhạt khi thời gian phủ xuống. Cảnh không buồn nhưng thời gian gợi buồn. Sắc xuân vẫn tươi nhưng cảnh vật yên ắng khiến cho lòng người thổn thức, nôn nao. Đó cũng là những cảm giác lo âu của tâm hồn thiếu nữ khi sắp bước vào cuộc đời lớn. Sau cuộc hội xuân năm nay, có thể các nàng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đối với gia đình. Có thể các nàng sẽ phải rời xa gia đình dựng xây tổ ấm. Có thể, điều đó khiến các nàng bâng khuân. Chưa biết điều gì sẽ xảy đến. Có thể đây sẽ là cuộc hội xuân cuối cùng lúc còn xuân trẻ.

Thủ pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc được thi nhân nhân vận dụng tinh tế. Mùa xuân đến rồi đi. Hội xuân hợp rồi tan. Ý thơ mở rồi đóng, đóng rồi lại mở một cách tự nhiên, linh hoạt đã dẫn độc giả đến với câu chuyện về cuộc đời nàng Kiều một cách chân thực, sống động và hợp lí.

Lời thơ bộc lộ cảm xúc nuối tiếc, vương vấn, bịn rịn của hai nàng Kiều khi phải rời khỏi cái náo nhiệt, rộn rã, tươi vui của không khí lễ hội. Với việc thể hiện những nét tâm trạng như thế, nhà thơ đã thể hiện chân thực vẻ đẹp tâm hồn của người con gái vốn sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”. Nay lần đầu được tiếp xúc với bầu không khí tươi vui, náo nhiệt chốn đông người không khỏi tránh được cảm giác hụt hẩng, luyến tiếc khi phải rời xa là điều hiển nhiên.

Kết bài:

Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên lễ hội, mùa xuân tươi đẹp trong sáng, là một trong những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nhất trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đoạn trích đã thể hiện bút pháp tả cảnh giàu chất tạo hình, chuyển từ miêu tả sang tả cảnh ngụ tình trong nghệ thuật miêu tả và ngôn ngữ trong sáng giàu chất thơ của Nguyễn Du.

thanh1
13 tháng 5 2018 lúc 6:25

Cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về được đại thi hào dân tộc Nguyễn Du thể hiện thật rõ nét qua 6 câu thơ cuối bài thơ" Cảnh ngày xuân ". Nhà thơ viết: " Tà tà bóng ngả về tây ": diễn tả ánh mặt trời đang lặn. Ánh mặt trời đang dần tắt khiến cho không gian mờ dần. " Chị em thơ thẩn dan tay ra về ": Gợi tả một không gian buồn, lặng lẽ cùng một tâm trạng tiếc nuối bâng khuâng của lòng người. " Bước dần theo ngọn tiểu khê - Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh ": Hai câu thơ diễn tả không gian như lắng vào chiều sâu. " Nao nao dòng nước uốn quanh - Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang ": Với hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm như: tà tà, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ Nguyễn Du đã gợi cho người đọc thấy một khung cảnh xinh xắn, tao nhã. Đồng thời ông còn gợi cho người đọc thấy tâm trạng tiếc nuối bâng khuâng, cảnh vật như có hồn phảng phất nỗi buồn. Hai chữ " thơ thẩn " có sức gợi rất lớn, chọ em Kiều ra về trong sự bần thần nuối tiếc, lặng buồn. " Dan tay" tưởng là vui nhưng thực ra là để chia sẻ cái buồn không nói hết. Cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui xuân đã tàn hé mở vẻ đẹp của một tâm hồn thiếu nữ tha thiết với niềm vui cuộc sống, nhạy cảm và sâu lắng. Với bút pháp cổ điển: tả cảnh ngụ tình và tình - cảnh tương hợp, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã gợi tả một cách rất chân thực cảnh chị em Kiều du xuân trở về, đồng thời diễn tả sự lắng đọng của cảm xúc trong các nhân vật trữ tình

BẠN THAM KHẢO NHÉ! CÓ THỂ SẼ KHÔNG ĐỦ Ý VÌ BÀI NÀY HỌC LÂU RỒI NÊN MÌNH HƠI QUÊN


Các câu hỏi tương tự
Trương Võ Thanh Ngân
Xem chi tiết
Vũ Thanh Thư
Xem chi tiết
Hoàng Văn Nam
Xem chi tiết
Nguyễn Ngọc Duy Khánh
Xem chi tiết
Phạm Thúy Ngự
Xem chi tiết
Ngọc kem
Xem chi tiết
Ngoc Tran
Xem chi tiết
Đỗ Thanh Tùng
Xem chi tiết
Yến Nguyễn
Xem chi tiết