Trong xã hội hiện nay, có một bộ phận người “thùng rỗng kêu to”, luôn cho mình là người có kiến thức sâu rộng mà không coi trọng ý kiến của người khác. Câu truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng đã nhẹ nhàng phê phán những con người như thế.
Có một chú ếch do sống trong một chiếc giếng nhỏ bé nên ếch nghĩ bầu trời chỉ bé như một cái vung nhỏ, bởi xưa nay ếch chưa từng ra khỏi miệng giếng. Trong môi trường đó, chỉ có những con vật nhỏ bé hơn nó. Mỗi khi ếch kêu ộp ộp thì nhái, cua, ốc đều rất hoảng sợ. Bởi thế, nó nghĩ mình là người mạnh nhất, là chúa tể của các loài vật. Nó luôn ngạo mạn với tất cả mọi vật và cho mình là nhất. Một năm nọ, khi trời mưa to, miệng nước dâng lên cao đưa ếch ra ngoài. Vẫn quan thói cũ, ếch nhâng nháo đưa mắt nhìn lên trời, chẳng thèm để ý xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua giẫm bẹp.
Câu truyện tuy ngắn nhưng đã phê phán một cách nhẹ nhàng, hài hước những con người có tầm nhìn hạn hẹp nhưng lại huênh hoang, ngạo mạn, luôn cho mình là nhất. Đồng thời, câu truyện còn khuyên nhủ mọi người phải luôn luôn trau dồi kiến thức, mở mang hiểu biết của mình, không nên chủ quan vì kiến thức là vô tận, không bao giờ có thể học hết được.
Tác giả đã khéo léo miêu tả môi trường sống của chú ếch để nói rằng, môi trường sống cũng ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta. Từ dưới đáy giếng nhìn lên, đương nhiên bầu trời sẽ chỉ nhỏ xíu như cái vung. Ngày nào cũng thấy như vậy thì đương nhiên nó sẽ khẳng định trời chỉ to bằng chừng ấy. Hơn nữa, ở dưới giếng lại chỉ có những con vật nhỏ bé hơn nó, yếu đuối hơn nó nên việc tự đắc là hoàn toàn có thể. Sống trong môi trường không có sự va chạm, không có gì để học hỏi thật trái ngược với môi trường rộng lớn ngoài kia, bởi thế ếch đã phải nhận lấy hậu quả cho sự cao ngạo của mình. Chi tiết này có ý nghĩa hiện thực, lại có ý nghĩa tượng trưng.
Thông qua câu truyện, người xưa muốn khuyên chúng ta dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng học tập để mở rộng tầm hiểu biết. Chúng ta không thể chỉ ngồi im một chỗ mà phán đoán thế giới vạn vật luôn luôn chuyển biến xung quanh mình. Cuộc sống là để chúng ta học hỏi. Ngoài trường học, chúng ta còn có trường đời. Trường đời thì vô vàn kiến thức. Chúng ta phải biết đứng lên từ những lần vấp ngã để trưởng thành hơn, để biết mình còn nhiều điều thiếu sót và học được cách không chủ quan, kiêu ngạo.
Câu truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng là một bài học để chúng ta tự nhìn nhận, đánh giá lại bản thân. Đừng bao giờ trở thành “ếch ngồi đáy giếng”!
Truyện ngụ ngôn là những câu chuyện hài hước, châm biếm, nói bóng nói gió nhưng có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống của con người. Truyện “Ếch ngồi đáy giếng” là một câu chuyện như vậy. Mượn hình ảnh một con ếch sống ở đáy giếng để mỉa mai, châm biếm lối sống cạn của con người hiện nay. Đây là câu chuyện được lưu truyền từ nước này sang nước khác, có giá trị rất sâu sắc.
Câu chuyện xoay quanh cuộc sống và suy nghĩ của chú ếch nhỏ sống ở đáy giếng và sau khi bước ra ngắm nhìn cuộc sống bên ngoài. Đó là hai cách sống, hai lối suy nghĩ trái ngược nhau nhưng tạo nên một thể thống nhất, thành bài học quý giá cho những ai có cách nhìn phiến diện, không chịu mở mang bản thân và mở mang suy nghĩ của mình ra bên ngoài.
“Ếch ngồi đáy giếng” là một câu chuyện rất ngắn nhưng lại có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người. Thứ nhất là kể về cuộc sống của chú ếch sống ở đáy giếng và thứ hai là kể về cuộc sống của chú sau khi phải bước ra khỏi cuộc sống nhỏ hẹp ở đó. Bài học mà câu chuyện này để lại khiến cho mọi người phải suy nghĩ và nhìn nhận lại bản thân.
Cha ông ta đã khéo léo mượn chuyện loài vật để nói nên chuyện của con người. Đây là sự tinh tế và thông minh của con người, rằng ngay từ xa xưa con người đã biết nhìn nhận cuộc sống theo nhiều chiều, chứ không phải chỉ theo một chiều nhất định. Đó là lối sống cần phát huy, trái ngược với lối sống của chú ếch chỉ quanh năm sống ở đáy giêng như vậy.
Khi sống một mình dưới giếng, ếch nhìn trời thật bé nhỏ, chỉ “bé bằng cái vung, còn nó thì oai như một vị chua tể”. Thái độ nghênh ngang, coi thường mọi vật xung quanh đã phần nào đánh giá thái độ sống phiến diện, có suy nghĩ thiển cận như vậy. CHính điều kiện sống đã khiến cho chú ếch có lối sống và suy nghĩ quá lạc hậu.
Tuy nhiên tình huống vào một năm mua to gió lớn, nước giếng dâng cao khiến cho chú ếch phải trôi ra ngoài. Cuộc sống lúc bấy giờ mới khiến chú ếch hoang mang. Nhưng vì giữ thói quen và lối suy nghĩ thiển cận ở dưới đáy giếng quá lâu nên chú ếch vẫn huênh hoang và không xem ai ra gì. Chú vẫn khư khư giữ cái suy nghĩ lạc hậu đó nên đã dẫn đến kết cục thê thảm: bị một con trâu đi qua dẫm bẹp.
Như vậy chỉ với vài tình huống truyện như vậy nhưng phần nào đã gợi nhắc và thức tỉnh những người đang có lối sống thu hẹp bản thân; sống không quan tâm đến những người xung quanh. Khi chúng ta chỉ ở một mình, chúng ta thấy mình là nhất, là số 1 và không xem ai ra gì. Nhưng khi cuộc sống hiện đại đặt ra nhiều yêu cầu, cần phải hòa nhập, cần phải hòa đồng thì lối sống kia không còn phù hợp nữa. Khi đó buộc chúng ta cần phải sống thoáng, biết nhìn nhận sự vật sự việc xung quanh. Đánh giá mọi việc bằng cái nhìn tổng quát chứ không bằng cái nhìn phiến diện như thế.
Thế giới con người cũng như vậy, khi chúng ta đủ lông đủ cánh bay nhảy thì chúng ta cần phải biết nhìn nhận mọi thứ một cách đa chiều để không bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta muốn tồn tại trong xã hội này thì yêu cầu phải có cách nhìn sâu sắc, nhìn mở rộng hơn để không trở nên lạc hậu và bị đẩy lùi phía sau.
Câu chuyện ngụ ngôn này lên án, phê phán những người luôn coi mình là nhất, không xem ai ra gì. Chắc chắn tương lai của họ sẽ không mấy tốt đẹp gì. Nếu nhận ra những điều này sớm thì cần thiết phải sữa chữa để giúp cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
Chúng ta cần phải học tập ở người khác nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm để trau dồi thêm vốn sống của mình. Đây là điều cần thiết mà câu chuyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” muốn nhắn gửi đến cho mọi người.
“Thầy bói xem voi” là truyện ngụ ngôn có ý nghĩa phản ảnh những con người chỉ đánh giá sự vật, hiện tượng phiến diện, không có cái nhìn bao quát. Câu chuyện để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ, cần phải hoàn thiện bản thân mình hơn, đặc biệt trong cách nhìn nhận cuộc sống này. Truyện tạo ra tiếng cười hài hước, dí dỏm nhưng có ý nghĩa châm biếm, mỉa mai sâu cay.
Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” kể về câu chuyện xem voi của 5 ông thầy bói. Cả 5 ông đều có sự khiếm khuyết của bản thân mình nên đánh giá con voi chỉ từ một phía, mà từ đó đã nói lên được tổng thể con voi như thế nào. Đây là một cách đánh giá không đúng bản chất, chỉ đi vào 1 khía cạnh, quá cục bộ, địa phương. Và cuối cùng chính là cuộc ẩu đả của 5 ông thầy, vì ai cũng nhận phần đúng về phía bản thân mình.Đây thực sự là một câu chuyện có ý nghĩa giáo dục con người ta, cần phải có cái nhìn tổng thể trước khi đánh giá một việc gì đó.
Cả 5 ông thầy bói đều bị mù khi mỗi ông sờ vào một bộ phận của con voi và bắt đầu đánh giá. Ông thì sờ vòi, ông sờ chân, ông sờ đuôi, ông sờ tai, ông sờ ngà. Mỗi ông một bộ phận nên đưa ra đánh giá, nhận xét cũng hoàn toàn khác nhau. Thầy sờ ngà thì bảo nó “chần chẫn như cái đòn càn”, thầy sờ tai bảo “bè bè như cái quạt thóc”, thầy xem chân bảo “sừng sững như cái cột đình”, thầy sờ đuôi bảo “chun chun”. Các ông đã lấy cái cụ thể để miêu tả cái tổng thể, như vậy là hoàn toàn sai lầm. Những lời nhận xét của các ông thầy bói đều phiến điện và không có ai có thể đánh giá chính xác con voi có hình dáng như thế nào. Những đặc tính bên ngoài không thể nào có thể nói lên được con voi trong mắt mọi người như thế này. Như vậy, những lời đánh giá này của các ông thầy bói chỉ mang tính chất phiến diện, hoàn toàn không có căn cứ.
Và câu chuyện thêm hứng thú và đầy kịch tính khi ông thầy nào cũng muốn bảo vệ ý kiến của mình, không ai chịu thua ai. Chính vì sự khiếm khuyết trên cơ thể mà các ông thầy bói đã dẫn đến sự khiếm khuyết về suy nghĩ áp đặt cho con voi của mình. Những tranh luận đó hoàn toàn sai lầm nhưng không ai nhận sai. Đó chính là sự bảo thủ. Cuộc tranh luận kết thúc bằng ẩu đá, đánh lộn lẫn nhau gây nên sứt đầu mẻ trán của 5 ông thầy bói.
Như vậy câu chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” với sự phán xét phiến diện, không có căn cứ của 5 ông thầy bói đã giúp cho người đọc nhận ra nhiều điều trong cuộc sống này. Khi muốn đánh giá một sự vật, hiện tượng nào đó, hay là một con người cụ thể thì cần có cái nhìn tổng quát nhất để có thể không bỏ sót bất kì một khía cạnh nhỏ nào.
Trong những bài học mà cha ông ta vẫn truyền lại cho thế hệ trẻ có bài học về sự đoàn kết giữa cá nhân và tập thể. Không có cá nhân tách biệt, cũng không có tập thể mà chỉ có một người. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể vẫn biểu hiện rất rõ trong cuộc sống của mỗi người. Câu chuyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” đã phản ánh được đúng đắn mối quan hệ gắn bó ấy. Cha ông ta đã kín đáo gửi gắm quan niệm sống cũng như bài học qua câu chuyện dân gian hàm chứa ý nghĩa sâu sắc này.
“Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” là câu chuyện hài hước, dí dỏm kể về cuộc sống của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng. Chỉ vì sự ganh ghét, đố kị của cô Mắt đã dẫn đến tình huống cả bọn cùng tẩy chay lão Miệng, vì nghĩ rằng lão Miệng không phải làm gì nhưng cũng được hưởng thụ mọi miếng ngon ở trên đời. Suy nghĩ của cô Mắt đã khiến cho cậu Chân, cậu Tay và bác Tai cùng đồng tình ủng hộ.
Và diễn biến câu chuyện cứ thế trở nên phức tạp hơn. Khi nghe sự giải thích của cô Mắt thì tất cả mọi người đều tìm đến lão Miệng và nói “Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay chúng tôi đã cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi”. Mặc dù câu nói thể hiện sự tức giận, bực mình, bức bội bấy lâu nay nhưng suy nghĩ của cô Mắt không phải là không có lí. Vì cô Mắt chỉ nghĩ rằng lão Miệng không phải làm việc vất vả gì, chỉ việc ăn nên gây ra sự ghen ăn tức ở là đúng. Nhưng cô Mắt đã không biết rằng lão Miệng cũng làm, việc mà lão làm hằng ngày chính là nhai thức ăn, giúp nuôi sống cơ thể, để cho các bộ phận khác trên cơ thể có thể khỏe mạnh để hoạt động được.
Tuy nhiên lời giải thích của lão Miệng không được ai lắng nghe và đồng cảm. Sự rạn nứt, tan vỡ của các bộ phận trên cơ thể người cũng từ đó mà hình thành. Một tập thể từng hòa thuận, đoàn kết với nhau giờ bị tách biệt, chia bè kéo cánh.
Và chính suy nghĩ phiến diện của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai đã dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, và cái giá mà họ phải trả cũng rất đắt. Vì không phải làm việc để nuôi lão Miệng nên các bộ phận đó trở nên uể oải, mệt nhọc, không có động lực và tinh thần làm việc. Cậu Chân, cậu Tay cũng không vận động, chạy nhảy nhiều như trước nữa. Cô Mắt không còn tinh anh, suốt ngày mệt mỏi. Tất cả mọi người đều rơi vào trạng thái mệt mỏi, không thiết tha làm việc. Đây chính là hậu quả mà cả bọn phải trả giá, và việc họp nhau bàn lại mọi chuyện cũng xuất phát từ đây.
Bác Tai là người lớn tuổi nhất, đã ngộ ra điều mà bấy lâu nay mọi người vẫn nghĩ không đúng. Bác đã giải thích cho mọi người “Chúng ta lầm rồi các cháu ạ….” Chính lời nói chí lí như thế này đã thuyết phục được cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cùng đi đến nói chuyện với lão Miệng.
Những ngày cô Mắt, cậu Chân, cậu tay và bác Tai không làm việc, không có gì để ăn nên lão Miệng cũng trở nên mệt mỏi và không còn sức sống.
Như vậy qua chi tiết này có thể thấy được nếu như trong một tập thể không có sự đồng lòng và hợp sức của tất cả mọi người thì tập thể đó sẽ rơi vào bệ rạc và không còn một thể thống nhất. Bởi vậy trách nhiệm của mỗi cá nhân là phải cố gắng vì tập thể chứ không phải vì chính bản thân mình.
Câu chuyện kết thúc trong sự hòa thuận, vui vẻ của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng. Sự hòa thuận này xuất phát từ sự thấu hiểu cho nhau, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
Từ câu chuyện hài hước, dí dỏm trên mà chúng ta mới ý thức được mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa cá nhân và tập thể, cách ứng xử của từng cá nhân trong một tập thể cũng hoàn toàn quan trọng, quyết định đến sự tồn tại của tập thể đó. Thật là một câu chuyện bổ ích.