I. Mở bài
- Trong ca dao, bên cạnh những bài thể hiện tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương, đất nước... còn có những bài hát than thân.
- Ngoài nội dung than trách số phận khổ sở, bất hạnh, những câu hát đó còn chứa đựng ý nghĩa phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến đầy áp bức, bất công.
- Sau đây là một số câu hát tiêu biểu.
II. Thân bài
+ Câu thứ nhất: Nước non lận đận một mình... cho gầy cò con?
- Hình ảnh con cò mang ý nghĩa tượng trưng thường xuất hiện trong ca dao.
- Người nông dân lam lũ, vất vả... hay mượn hình ảnh con cò để diễn tả về thân phận nhỏ bé, khổ cực của mình.
- Nghệ thuật đối rất chỉnh (Nước non: gợi không gian mênh mông >< lận đận một mình: thân cò nhỏ bé, cô độc, lủi thủi kiếm miếng ăn. Thân cò: yếu đuối >< lên thác xuống ghềnh bấy nay: chịu đựng cuộc sống gian nan, khó nhọc).
- Câu hỏi tu từ: Ai làm cho bể kia đầy; Cho ao kia cạn, cho gầy cò con? => âm hưởng ngậm ngùi, đau xót pha lẫn oán trách, căm giận. Cò con đã cam chịu số kiếp bé mọn, hẩm hiu, vậy mà vẫn bị những kẻ độc ác, bất nhân cố tình đẩy vào cảnh bể đầy, ao cạn khiến cho cuộc sống càng cơ cực, khổ sở.
- Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị hiện lên thấp thoáng sau từng câu, từng chữ, từng hình ảnh. Nội dung câu hát mang ý nghĩa tố cáo hiện thực xã hội rất cao.
+ Câu thứ hai: Thương thay thân phận con tằm... có người nào nghe?
- Là một loạt hình ảnh so sánh giữa thân phận thấp kém của người nông dân với những loài vật bé nhỏ, tầm thường như con tằm, con kiến, con chim...
- Từ cảm thán Thương thay lặp lại ở đầu câu tạo âm hưởng ngậm ngùi, chua xót, mang nỗi sầu thân phận hẩm hiu, bất hạnh.
- Điệp ngữ: kiếm ăn được mấy và từ phải nhấn mạnh ý cuộc sống của người nghèo quá lầm than, cơ cực.
- Hình ảnh chim bay mỏi cánh, cuốc kêu ra máu và các câu hỏi tu từ biết ngày nào thôi? Có người nào nghe? Đặc tả thân phận lênh đênh, đầy tủi hờn, oan ức giữa xã hội phong kiến bất công, ngang trái...
+ Câu thứ ba: Thân em như trái bần trôi...
- Phản ánh số phận lênh đênh khốn khổ của người phụ nữ nghèo trong xã hội cũ.
- Hình ảnh so sánh: Thân em như trái bần trôi có sức gợi cảm lớn. Cây bần mọc ven sông, rạch, trái rụng trôi theo dòng nước. Giữa hình ảnh trái bần trôi chịu bao gió dập sóng dồi với số phận hoàn toàn phụ thuộc, bị tước mất quyền tự do, quyền làm chủ bản thân của người phụ nữ nghèo có những nét giống nhau.
- Ý nghĩa tố cáo: Xã hội phong kiến với nhiều áp bức, bất công... luôn tìm cách ràng buộc, nhấn chìm vai trò của người phụ nữ.
III. Kết bài
- Những câu hát than thân giờ đã lùi vào dĩ vãng.
- Cách mạng đã giải phóng con người, đem lại quyền tự do, bình đẳng cho người phụ nữ trong xã hội.
- Đọc những câu hát than thân, chúng ta càng thấm thía nỗi khổ của ông bà, cha mẹ ngày xưa, càng hiểu thêm giá trị cuộc sống tốt đẹp ngày nay.