Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi
…
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao
Qua những hình ảnh có tính ước lệ, cường điệu giương buồm giong gió, lướt bể chơi trăng, sớm gõ thuyền, chiều lần thăm khách hiện lên trong dáng vẻ của một con người có tâm hồn khoáng đạt, thích ngao du. Vị mặc khách ấy như thể đang vi vu với gió trăng, trởi bể suốt tháng ngày. Hai từ láy chơi vơi, mải miết càng tô đậm thêm sự say mê, đắm chìm trong giấc mộng hải hồ. Phép liệt kê đã đưa khách viễn du đến những cảnh đẹp của Trung Quốc, rồi lại trở về lướt thuyền tới sông Bạch Đằng. Những vùng đất bắc phương kia, dẫu khách chưa từng đặt chân đến, có khi chỉ biết qua sách vở nhưng đã thể hiện sự hiểu biết rộng của một bậc nho sĩ và cái tráng trí bốn phương của kẻ lãng du. Đi để khám phá thiên nhiên, để mở mang tri thức. Vì thế cứ nơi có người đi, đâu mà chẳng biết, dù vài trăm trong dạ cũng nhiều nhưng tráng trí bốn phương vẫn còn tha thiết. Khát vọng, hoài bão được thưởng ngoạn, ngao du cứ thế mà bay bổng. Nên điển tích Tử Trường không phải để học cách ghi chép sử kí, mà là học cái thú tiêu dao. Sự học ấy là để hòa mình vào thắng cảnh, nghiên cứu lịch sử, trau dồi học thức và cũng để giãi bày tâm sự.
Gợi ý
1. Hình tượng khách với những cuộc ngao du.
- Khách là hình tượng quen thuộc trong thể phú bởi thể loại này thường có lối đáp chủ - khách. Khách chính là sự phân thân của tác giả để thể hiện tâm hồn, tình cảm, tư tưởng.
- Tâm hồn tự do, phóng khoáng: Giương buồm, giong gió, lướt bể, chơi trăng, mải miết.
- Có vốn hiểu biết phong phú, sâu rộng: Các địa danh Trung Quốc - Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, đầm Vân Mộng đều được tác giả biết đến qua sách vở, qua sự tưởng tượng.
- Có tình yêu thiên nhiên, thiết tha với quê hương, đất nước với quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc: Một loạt các danh lam thắng cảnh của Đại Việt - Đại Than, Đông Triều và dừng chân ở Bạch Đằng, dòng sông của chiến công lịch sử vẻ vang của dân tộc.
- Tâm hồn say mê, chủ động đến với thiên nhiên: Cách nói cường điệu “sớm Nguyên Tương – chiều Vũ Huyệt”, hành trình dài được khách thực hiện trong một ngày. Không gian, thời gian của cuộc hành trình đã nâng cao tầm vóc của khách.
2. Hình tượng khách qua những cảm xúc trước cảnh sông Bạch Đằng.
- Cảnh sắc thiên nhiên trên sông Bạch Đằng: Hùng vĩ, tráng lệ “sóng kình muôn dặm, đuôi trĩ một màu”, thơ mộng, trữ tình “ba thu, nước trời một sắc”, hoang vu, hiu hắt “san sát, đìu hiu, giáo gãy, xương khô”.
- Tâm trạng của khách:
+ Phấn khởi, thích thú khi đứng trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng mà thơ mộng
+ Buồn thương, tiếc nuối trước cảnh vật đổi thay, cho những người đã ngã xuống
+ Tư thế “đứng lặng giờ lâu” cho thấy tâm thế đắm chìm vào cảm xúc buồn thương, tiếc nuối của khách.
→Khách có những phát hiện tinh tế, cụ thể vẻ đẹp cảnh sắc phong phú, đa dạng của sông Bạch Đằng
→Là con người yêu thiên nhiên, tự hào về những cảnh sắc hào hùng gắn với lịch sử dân tộc
3. Hình tượng khách và niềm tự hào về những chiến công của quá khứ.
- Khách không trực tiếp tham gia vào câu chuyện của các vị bô lão nhưng câu chuyện về những chiến công vẻ vang của một thời lịch sử oanh liệt gắn với con sông Bạch Đằng đã gieo vào trong đầu khách niềm tự hào, niềm kiêu hãnh về quá khứ hào hùng của dân tộc.
- Khách đồng tình với các vị bô lão trong việc lí giải nguyên nhân của chiến thắng do thiên thời – địa lợi – nhân hòa và đặc biệt nhấn mạnh yếu tố con người. Cho thấy cái nhìn xa trông rộng đậm màu nhân văn của các bô lão và khách.
4. Hình tượng khách qua sự suy ngẫm về hưng vong của đất nước.
- Khách đã trực tiếp bày tỏ suy nghĩ của mình
- Ca ngợi dòng sông Bạch Đằng – chứng nhân lịch sử
- Ca ngợi hai vị thánh quân tài năng, đức độ
- Ca ngợi cuộc sống thanh bình của dân tộc
→Khẳng định tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước của khách.