a) Phải nói cha ông ta phải là những người tài giỏi lắm mới có thể sáng tác ra những câu tục ngữ vừa ngắn gọn lại vừa giàu ý nghĩa như vậy. Trong kho tàng văn học nước nhà, tục ngữ là một trong số những thể loại văn học dân gian cho đến nay vẫn được nhiều người ứng dụng trong lời nói, trong diễn đạt. Đặc biệt những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất là những câu tục ngữ được người nông dân Việt Nam sử dụng nhiều khi nói đến nông nghiệp sản xuất.
Nói về tục ngữ thiên nhiên ta có những câu như “Đêm tháng năm chưa năm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Gói gọn ý nghĩa trong hai câu, tác giả dân gian muốn thể hiện kinh nghiệm của người Việt xưa trong cách nhìn về thời gian bốn mùa. Một ngày có hai tư giờ nhưng không phải mười hai giờ giữa đêm và ngày luôn đều nhau. Tháng năm đêm sẽ ngắn hơn ngày còn tháng mười thì ngược lại. Hay những câu như “Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa”, “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy/ Cơn đằng nam vừa làm vừa chơi” “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Đó là những câu tục ngữ vô cùng gần gũi thân thương. Câu từ rất ngắn gọn và dễ hiểu. Những hiện tượng về thiên nhiên thời tiết đều được đúc kết lại một cách khúc chiết, súc tích nhất.
b) Trong kho tàng văn học Việt Nam tồn tại từ xưa đến nay, mỗi câu chuyện, mỗi câu ca dao, tục ngữ, mỗi bài thơ luôn đề cập đến một truyền thống quý báu của dân tộc. Đó là truyền thống “Thương người như thể thương thân”, ca ngợi lòng thương người và phê phán những kẻ thờ ơ với người khác.
Là một câu tục ngữ đầy ý nghĩa, “thương người như thể thương thân” đề cao việc yêu thương mọi người xung quanh như chính bản thân mình. Ta quí trọng, yêu thương bản thân bao nhiêu thì càng phải quí trọng, yêu thương những đồng bào quanh ta bấy nhiêu. Truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta đã được truyền lại qua nhiều thế hệ bằng các câu ca dao tục ngữ hay qua các câu chuyện, bài thơ. Đây là một nghĩa cử dẹp, thể hiện nhân cách của con người.