Bài 18. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Hong Tran

Vai trò của nguyễn Ái Quốc trong hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyen
27 tháng 4 2019 lúc 13:56

Từ khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1-9-1858) đến những thập niên đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của các sĩ phu yêu nước đã liên tiếp nổi dậy chống ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, nhưng tất cả đều thất bại vì thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có một tổ chức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong bối cảnh lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam đó là con đường cách mạng vô sản.

Để biến mục tiêu, lý tưởng cách mạng thành hiện thực vấn đề được Người quan tâm hàng đầu là sớm lập ra Đảng Cộng sản, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì theo Người, cách mạng: “Trước hết phải có đảng cách mệnh”[1]

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Người vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu học tập, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập một Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam.

Về tư tưởng: Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân.

Nội dung truyền bá là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được cụ thể hóa cho phù hợp với trình độ của các giai tầng trong xã hội. Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam không phải bằng các tác phẩm kinh điển, những cuốn sách lý luận đồ sộ mà bằng các tác phẩm ngắn gọn, dể hiểu, phù hợp với trình độ quần chúng. Những bài viết, bài giảng với lời văn giản dị, nội dung thiết thực đã nhanh chóng được truyền thụ đến quần chúng. Người đã vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa, nhân dân Việt Nam; nêu lên mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc.

Người đã sử dụng những phương pháp thích hợp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam: từ chỗ thức tỉnh đến định hướng hành động, rồi đào tạo đội ngũ những người tuyên truyền thông qua một tổ chức vừa tầm thích hợp. Những phương pháp tuyên truyền từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Về chính trị: Người phác thảo những vấn đề cơ bản của đường lối cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1927, được in thành sách lấy tên là “Đường Cách mệnh”. Những vấn đề then chốt trong tác phẩm có tác dụng lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa Phương Đông. Những vấn đề đó là: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông, vì vậy phải tổ chức quần chúng lại; cách mạng muốn thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo; phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới…Người chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền; phải bền gan, phải hy sinh; phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[2].

Người nêu lên những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam như tính chất giải phóng dân tộc của cách mạng, những động lực chủ yếu của nó - công nhân và nông dân là “gốc cách mệnh”, “học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ” là bầu bạn cách mệnh của công nông. Những luận điểm đó là nền tảng hình thành liên minh công nông và mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng dân tộc giải phóng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Người còn nêu quan điểm cực kỳ quan trọng: Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.

Người xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ”[3] và “ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”[4]. Luận điểm trên là cụ thể hóa và phát triển quan điểm của Người đã nêu trước đây về tính chủ động và khả năng thắng lợi trước của cách mạng thuộc địa đối với cách mạng chính quốc. Những nội dung đó đem đến cho quần chúng niềm tin, quyết tâm chủ động đứng lên làm cách mạng cứu nước, cứu nhà.

Tác phẩm Đường cách mệnh có giá trị rất lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn. Nó đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng của Người vào Việt Nam, chỉ rõ con đường và biện pháp để nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do; đặt cơ sở khoa học cho việc hình thành đường lối chiến lược của cách mạng nước ta. Nó là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam, vạch ra phương hướng cho cách mạng nước ta đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới, góp phần chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho việc thành lập Đảng; là thành công nổi bật của Người trong chuẩn bị về chính trị và tư tưởng.

Về tổ chức: cùng với việc truyền bá lý luận chính trị để chuẩn bị cho sự ra đời của một chính Đảng, Người đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6-1925) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là một tổ chức tiền thân có tính chất quá độ, vừa tầm, thích hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam bấy giờ. Nó giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Người, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Người trong chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đảng ra đời.

Chính những thanh niên yêu nước và sục sôi hoài bão cách mạng trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã thực hiện phong trào “vô sản hoá” để đi sâu vào phong trào đấu tranh của quần chúng, truyền bá lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Đồng thời, thông qua “vô sản hoá” lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp qui luật cho sự ra đời của Đảng.

Như vậy, có thể thấy rằng Người đã chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, chính trị và tổ chức, là một sáng tạo lớn và vững chắc cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giữ vai trò là người kiến tạo và sáng lập. Điều đó càng làm sáng tỏ thêm vai trò to lớn của tầm cao tư tưởng và phương pháp hoạt động thực tiễn của Người trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, chúng ta càng thấy công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Tưởng nhớ Người, chúng ta càng khắc sâu công lao của Người, mỗi cán bộ đảng viên của Đảng, đặc biệt những người hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng lý luận tự hào luôn có Đảng lãnh đạo, càng ra sức học tập để thấm nhuần đạo đức cách mạng của Người, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[5], tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, học tập đạo đức và phong cách của Người để vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công cuộc đổi mới, đấu tranh chống các quan điểm sai trái phủ nhận vai trò của Đảng, hạ thấp uy tín của Người đối với cách mạng Việt Nam, góp phần tích cực hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng trong cuộc sống.


Các câu hỏi tương tự
Xuân Hoà
Xem chi tiết
Anh Đào
Xem chi tiết
Bùi Quỳnh Hương
Xem chi tiết
Thu Thư
Xem chi tiết
Huỳnh Thị Đông Thi
Xem chi tiết
lê quốc huy
Xem chi tiết
Hiệp Hòa Lê Huỳnh
Xem chi tiết
Trần Minh Hiếu
Xem chi tiết
Andromeda Galaxy
Xem chi tiết