Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Quoc Tran Anh Le

Trước ý kiến về một vấn đề đời sống được bàn luận (liên quan đến chủ đề Trải nghiệm để trưởng thành), người nghe có thể tán thành hay phản bác. Thói quen trao đổi như thế là rất cần thiết. Được tán thành, người nói sẽ thấy tự tin hơn vì những điều mình trình bày có sức thuyết phục. Gặp sự phản bác, người nói cần kiểm tra lại ý kiến của mình, biết điều chỉnh nếu thấy chưa đúng và biết cách bảo vệ nếu thấy xác đáng.

Hà Quang Minh
26 tháng 12 2023 lúc 22:05

Bài nói tham khảo: 

Thảo luận vấn đề “Nói chuyện riêng trong giờ học”

      Xã hội ngày càng phát triển thì giáo dục lại càng được coi trọng và đặt lên vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục hiện nay, bên cạnh những hiện tượng tiêu cực xảy ra như nói tục chửi bậy, quay cóp bài, bạo lực học đường… thì hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học của học sinh đã và đang trở thành mối quan tâm "đau đầu, nhức óc" .

      Nói chuyện riêng trong giờ học là việc trao đổi, bàn tán những câu chuyện ngoài lề trong cuộc sống, ngoài nội dung bài giảng mà học sinh đem lại bằng rất nhiều những hình thức khác nhau như truyền thư tay, trực tiếp nói bằng miệng hoặc thậm chí là tự độc thoại một mình... Đây là một hành vi xấu, tiêu cực xuất hiện trong môi trường học tập vì nó có tác hại rất lớn tới bản thân học sinh và người dạy, mở rộng ra là thành tích thi đua của tập thể nhà trường, tương lai của đất nước. 

      Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Đó trước hết là do ý thức học tập của học sinh còn kém, chưa đề cao việc học nên chưa chú trọng vào việc nghe giảng, thu nạp kiến thức. Tâm lí của các em ở mỗi lứa tuổi khác nhau và càng lên lớp cao hơn thì cái tôi của các em càng lớn. Các em có đủ mọi chuyện bên ngoài xã hội tác động vào nên không làm chủ được suy nghĩ, hành động của bản thân và tìm mọi cách để có thể giải tỏa ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong giờ học. Thậm chí còn do tính tò mò, tắt mắt, muốn hiểu chuyện người khác nên các em cảm thấy nội dung kiến thức bài học mới trên lớp không đủ hấp dẫn. Vì thế, một đòi hỏi tất yếu đặt ra là năng lực bản thân người dạy có đủ để lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích sự tìm hiểu bài học của học sinh hay không?. Đồng thời, việc nói chuyện riêng của học sinh còn do chương trình học tập của các cấp học còn quá nặng về kiến thức hàn lâm, ít có sự tương tác với ứng dụng thực tiễn bên ngoài nên vô hình chung dẫn tới tình trạng chán học, không có hứng thú học là điều dễ hiểu.

      Hậu quả của việc nói chuyện riêng trong giờ học là người học không theo kịp được kiến thức mà thầy cô giáo giảng, dẫn tới tình trạng không hiểu bài và không làm bài tập được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả thi cử, học tập của các em. Nếu để tình trạng đó tiếp diễn thì việc chán học, bỏ học rồi sa vào các tệ nạn như nghiện game, cờ bạc, rượu chè... là không thể tránh khỏi. Và tất nhiên, đất nước không những không thể phát triển mà bản thân họ còn trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Bản thân những cá nhân nói chuyện riêng ấy còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn trong lớp và bài giảng của thầy cô giáo. Các bạn xung quanh thì không tập trung học được, các thầy cô giáo thì không thể hoàn thành tốt bài giảng tâm huyết muốn gửi tới học trò của mình. Vì thế, nói chuyện riêng là một hành vi ích kỉ, bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người...

      Vậy, để có thể loại bỏ hiện tượng nói chuyện riêng này ra khỏi môi trường giáo dục, bản thân học sinh cần tự ý thức trong hoạt động giao tiếp của mình. Cần chia sẻ đúng lúc, đúng chỗ mà không ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Hơn nữa, người học cũng cần xác định cho mình phương pháp học tập hiệu quả, tập trung nghe giảng trên lớp, không làm việc và nói chuyện riêng trong giờ học. Đồng thời bản thân các thầy cô giáo cần nâng cao kĩ năng, phương pháp dạy học tích cực, kết hợp với nhà trường đề ra các qui định để xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm. Các em học sinh cần tích cực phê phán những hành vi, thói quen tiêu cực trong môi trường giáo dục, trong đó có hành vi nói chuyện riêng.

      Tóm lại, hành vi nói chuyện riêng trong giờ học là một việc làm xấu, không những không đem lại lợi ích cho bản thân mà còn gây mất trật tự, ảnh hưởng không tốt tới mọi người xung quanh. Vì thế, các em học sinh hãy góp sức loại bỏ một trong những thói xấu này để môi trường giáo dục trở nên tốt đẹp hơn.(st)