Sau nhiều năm trì trệ và khủng hoảng kéo dài, đến những năm 1989-1991, chế độ xã hội chủ nghĩa tan rã ở các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết. Ngày 28-6-1991. Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) tuyên bố giải thể; ngày 1-7-1991, Tổ chức Hiệp ước Vácsava cũng ngừng hoạt động. Với “cực” Liên Xô tan rã, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn tồn tại và trật tự thế giới hai cực Ianta sụp đổ. Thế “hai cực” của hai siêu cường không còn nữa và Mĩ là “cực” duy nhất còn lại.
Từ sau năm 1991, tình hình thế giới diễn ra những thay đổ to lớn và phức tạp, phát triển theo các xu thế chính sau đây:
Một là, trật tự thế giới “hai cực” đã sụp đổ, nhưng trật tự thế giới mới mang lại đang trong quá trình hình thành theo xu hướng “đa cực”, với sự vươn lên của các cường quốc như Mĩ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Liên bang Nga, Trung Quốc.
Hai là, sau Chiến tranh lạnh, hầu như các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tập trung vào phát triển kinh tế để xây dựng sức mạnh thực sự của mỗi quốc gia.
Ba là, sự tan rã của Liên Xô đã tạo ra cho Mĩ một lợi thế tạm thời, giới cầm quyền Mĩ ra sức thiết lập trật tự thế giới “một cực” để Mĩ làm bá chủ thế giới. Nhưng trong tương quan lực lượng giữa các cường quốc, Mĩ không dễ gì có thể thực hiện được tham vọng đó.
Bốn là, sau Chiến tranh lạnh, hào bình thế giới được củng cố, nhưng ở nhiều khu vực tình hình lại không ổn định với những cuộc nội chiến, xung đột quân sự đẫm máu kéo dài như ở bán đảo Bancăng, ở một số nước châu Phi và Trung Á.
Bước sang thế kỉ XXI, với sự tiến triển của xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, các dân tộc hi vọng về một tương lai tốt đẹp của loài người. Nhưng cuộc tấn công khủng bổ bất ngờ vào nước Mĩ ngày 11-9-2001 đã làm cả thế giới kinh hoàng.