Bún thang là một món ăn truyền thống của những gia đình khá giả Hà Nội xưa. Bún thang không được nổi tiếng như phở và bún chả vì hiếm có những gia đình còn biết cách làm bún thang. Hơn nữa, hầu hết các gia đình biết làm thì đều khá giả nên không phải làm nghề kinh doanh bún thang.
Hà Nội có quán bún thang nổi tiếng nhất là quán bà Âm ở khu phố cổ. Nhưng để có thể ăn được những bát bún thang ngon nhất, đầy đủ nhất thì ta phải tự làm tại gia.
Như cái tên đã cho ta biết, bún thang chắc chắn là phải có bún. Nhưng nếu thế thôi thì sẽ chẳng là gì cả, vì bún trắng chỉ là cái nền, như một tờ giấy trắng chờ đợi người hoạ sĩ vẽ lên cho các món ăn khác. Trứng gà đánh đều cho đến khi lòng đỏ quện đều với lòng trắng, rồi tráng thật mỏng, độ thành công của khâu tráng trứng tất cả phụ thuộc vào độ mỏng của trứng rán được. Tráng xong, trứng cùng với giò lợn được thái chỉ thật nhỏ ra, chỉ nhỉnh hơn sợi bún một chút thôi. Đùi gà luộc xé phay phần thịt ra (tuyệt đối không được dùng kéo). Củ cải khô ngâm trong nước ấm cho nở ra rồi chắt nước đi. Xếp các nguyên liệu vào bát rồi rắc lên một chút hành răm băm nhỏ, ta đã thấy bao nhiêu sắc màu rồi: vàng tươi của trứng, vàng ngậy của gà, màu nâu nâu của giò, màu xanh đậm của hành răm, rồi lại lấp ló màu trắng của bún. Nhưng không thể thiếu được mắm tôm vì nó là cái duyên thầm của bún thang, không có mắm tôm thì bún sẽ rất nhạt nhẽo. Thậm chí có người còn ví: “Bún thang mà không có mắm tôm thì khác gì phở không có nước”. Có người còn nói quá lên: “Bún thang mà không có mắm tôm thì khác gì phở gà không có gà”. Thật là uổng phí cho những ai không ăn được mắm tôm! Nước dùng của bún thang cũng quan trọng không kém gì! Nước dùng của bún thang khá độc đáo so với nước của các món bún, phở khác. Không chỉ có xương gà mà còn có cả tôm biển và nấm hương nữa. Vì vậy, nước dùng bỗng trở nên thanh tao và hấp dẫn hơn rất nhiều. Cho nước vào bát bún và múc vào một vài con tôm đỏ chót cung vài cọng nấm hương, ta thấy mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Nhưng hãy khoan! Còn phải chấm thêm một đầu tăm tinh dầu cà cuống vào nữa, để tạo ra một vẻ bí ẩn, bí ẩn đến quái đản nhưng lại quyến rũ!
Bún thang phải được thưởng thức ở một nơi lịch sự nếu không thì giá trị sẽ giảm đi nhiều. Bàn ghế phải vừa tầm với người ăn, bún phải đặt trong những chiếc bát sứ Bát Tràng và phải dùng đũa bằng gỗ (tuyệt đối không dùng đũa nhựa) để thưởng thức. Thực khách sẽ tự nêm vào bát bún của mình chanh, giấm, ớt,… tuỳ theo khẩu vị riêng. Để cảm nhận được cái ngon, ta phải ăn thật từ tốn và thanh lịch và không được cầm cả bát bún lên húp soàn soạt. Ăn xong, ta sẽ vừa ngồi uống trà, ăn trái cây, vừa nói chuyện. Một phần là để vui vẻ thân mật, một phần là để rửa trôi đi những phần tanh còn sót lại của thức ăn.
Văn hoá và tính cách của người Hà Nội được thể hiện qua bát bún thang: Sự đa dạng và kĩ càng của từng nguyên liệu thể hiện tính cẩn thận, hương vị thanh tao và trung tính nhường quyền cho thực khách nêm nếm theo khẩu vị riêng thể hiện tinh thần hòa nhã và cách thưởng thức bún thể hiện sự lịch sự của người Hà Nội.
Nhắc đến những món ăn được làm từ vịt: vịt quay Bắc Kinh, vịt quay Lạng Sơn, vịt nướng,... ai ai cũng nghĩ đến một món ăn béo ngậy. Nhưng có một món ăn cũng được chế biến từ vịt mà không hề gây cảm giác béo ngấy. Đó là món vịt quay me.
Nguyên liệu làm món vịt quay me khá cầu kì. Trước hết, ta cần có một con vịt cân nặng chừng 1,5 kg, chú ý mua vịt còn sống, tránh mua vịt làm sẵn; một miếng gừng khoảng 50 gram; ba thìa (muỗng) rượu trắng, hành ta, tỏi, tiêu, muối, đường, bột ngọt, dấm, hai thìa cà phê dầu mè, một quả dừa xiêm, hai thìa súp tương hột, một vắt me chín to, một muỗng súp bột năng, 100 gram xà lách xoong, hai quả cà chua, hai quả ớt, hành lá, một củ cà rốt, một củ cải trắng, hai chiếc bánh mì.
Khi đã có đủ những nguyên liệu cần thiết, ta tiến hành sơ chế. Trước hết, với hành và tỏi ta cần băm nhỏ. Với vịt, cần cắt tiết, làm sạch lông, rửa sạch rồi moi dưới bụng lấy bộ lòng ra. Gừng giã nhỏ, hoà với rượu, vắt lấy nước, tẩm vào vịt, để độ nửa giờ để vịt bớt tanh. Sau đó, rửa sạch vịt, để ráo, ướp vào vịt những gia vị sau: hành tỏi băm nhỏ, một chút tiêu, muối, đường, bột ngọt và dầu mè sao cho vừa ăn. Tiếp đến cho vịt vào chảo mỡ đã khử tỏi, rán (chiên) vàng. Vịt rán xong đem chặt miếng vừa ăn.
Me chín ta cho nước nóng vào, tán cho me ra chất chua. Với cà chua, ớt, hành lá thì tỉa hoa; riêng ớt ta để lại một chút đem băm nhỏ, lọc bỏ hạt. Cà rốt, củ cải trắng cũng tỉa hoa rồi đem ngâm dấm và đường.
Sau những việc trên, ta cho vịt đã chiên vàng vào xoong, chế nước dừa vào cho ngập, bắc lên bếp, nấu cho vịt mềm.
Tiếp theo, bắc chảo mỡ nóng, phi thơm hành tỏi, cho tương hột và nước me vào, nêm chút đường, bột ngọt, tiêu vừa ăn, cho vào đó vịt đang hầm, nấu tiếp cho vịt thật mềm là được, nếm lại cho vừa ăn. Bột năng hoà nước cho vào cho nước nấu được sanh sánh, nhắc xuống.
Vậy là công đoạn nấu nướng đã xong, để việc chuẩn bị thưởng thức món vịt quay me được trọn vẹn, ta cần trang trí món ăn sao cho đẹp mắt. Ta xẻ vịt ra đĩa sao cho giống hình dáng con vịt đang ngồi, miệng vịt cho ngậm hoa ớt, đùi vịt quấn giấy cắt tua, giữa để cà chua và ớt tỉa hoa, xung quanh để xà lách xoong và cà rốt, củ cải trắng tỉa hoa cho xen kẽ. Món ăn này nên dùng nóng với bánh mì.
Món vịt quay me thường được thấy trong thực đơn của những nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tự làm món ăn này trong những ngày nghỉ rảnh rỗi có nhiều thời gian. Khi ấy, cả gia đình quây quần cùng thưởng thức món ăn sang trọng này thì thật thú vị!
Không chép nhau bạn ơi