Dàn ý tham khảo:
1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật
2. Thân bài
- Khái quát chủ đề của truyện
+ “Dưới bóng hoàng lan” gửi gắm tình yêu gia đình, quê hương và mối tình đầu trong sáng của nhân vật Thanh.
- Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật
+ Nhân vật Thanh: yêu thương bà, yêu gia đình, trân trọng cô gái hàng xóm
+ Nhân vật bà: yêu thương cháu, nhân hậu, giàu đức hi sinh
+ Nhân vật Nga: hiền lành, thuỷ chung
- Phân tích vai trò cuả nhân vật trong việc thể hiện chủ đề
+ Mối quan hệ giữa các nhân vật góp phần làm nổi bật chủ đề
- Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra bài học cuộc sống
3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận
* Bài viết tham khảo:
Thạch Lam cây bút văn xuôi lãng mạn tiêu biểu của văn học 1930 – 1945, các sáng tác của ông tập trung đi sâu khai thác vào cuộc sống đời thường, bình dị. Với những tác phẩm thường “truyện không có truyện” nhưng lại để lại những dư âm sâu sắc trong lòng người đọc về vẻ đẹp cuộc sống, tâm hồn con người. Một trong những tác phẩm được đánh giá “truyện không có truyện” của Thạch Lam, không thể không kể đến truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”.
Câu chuyện kể về Thanh – một chàng trai mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Chàng lên tỉnh đi làm rồi hằng năm có dịp nghỉ phép sẽ về thăm quê. Lần trở về lần này đã cách kỉ nghỉ trước 2 năm, vì vậy Thanh mang trong mình nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.
Quê hương đối với mỗi con người là mái ấm không bao giờ có thể quên. Và Thanh cũng vậy! Dù xa nhà 2 năm nhưng khi trở về, chàng cảm thấy bình yên và quen thuộc đến lạ. Căn nhà với thửa vườn như một nơi mát mẻ và hiền lành luôn sẵn sàng dang tay đón chờ Thanh. Có thể nói, dù lên tỉnh làm việc nhưng cuộc sống chốn phồn hoa đô thị không khiến chàng trai ấy thay tính đổi nết. Vẫn là một con người hiền lành, trân quý những điều giản dị và yêu thương mái ấm gia đình mình dù còn nghèo khó. Đó chính là phẩm chất cao đẹp của Thanh. Quê hương không chỉ là nơi con người “đi để trở về” mà còn là như một làn suối thanh mát làm thanh sạch tâm hồn.
Hơn hết, vì mồ côi cha mẹ từ bé, Thanh rất yêu và hiếu thảo với bà của mình. Với bà, Thanh vẫn như một chàng trai bé bỏng, để bà săn sóc, vỗ về. Nghe tiếng bà đi vào. Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Thanh nằm yên cảm nhận bà ở bên mình quạt nhẹ trên mái tóc, cảm giác như được trở về những ngày thơ ấu. Chàng không dám động đậy, có lẽ để tận hưởng thêm những giây phút hạnh phúc ấy. Được bà yêu thương vỗ về, Thanh cảm động gần ứa nước mắt. Với Thanh, bà là tất cả. Chàng cố gắng học tập, làm việc cũng chỉ mong được báo đáp những tình cảm bag dành cho mình.
Ở quê hương, dưới bóng hoàng lan, không chỉ có bà, Thanh còn có một mối tình trong sáng, đơn sơ, giản dị. Đó là những tình cảm trong sáng đầu đời dành cho Nga – cô gái hàng xóm. Thấy Nga, Thanh vui vẻ gọi. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ. Đối với chàng, Nga như một người thân mật. Thanh rủ Nga đi nhặt hoàng lan rơi, hai người có không gian riêng tư để hoài niệm những kí ức tươi đẹp. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng. Trước sự bày tỏ của Nga, Thanh chẳng biết nói gì, chàng vít một cành lan hái cho Nga như thay cho lời muốn nói. Đoá hoa ấy phải chăng như một lời ước hẹn thầm kín giữa hai người? Thế nhưng, cuộc đoàn tự không được bao lâu, Thanh sớm phải quay lại thành phố. Khi rời đi, chàng còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn đầy lưu luyến. Chàng không trực tiếp chào Nga, có lẽ vì sợ sự lưu luyến khiến chàng không làm chủ được lòng mình. Chàng bước đi nửa buồn mà nửa vui. Buồn vì phải xa bà, xa quê và xa người con gái ấy. Nhưng cũng vui vì một chút tình cảm đã được nhen nhóm trong lòng. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Nơi ấy có bà, có Nga và có cây hoàng lan của hai người. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Đó là tình yêu và niềm tin mà Thanh dành cho Nga.
Bên cạnh nhân vật chính là Thanh, hình ảnh người bà trong truyện ngắn hiện lên mang theo bóng hình người phụ nữ Việt Nam. Một con người tần tảo, hi sinh, vị tha, hết lòng vì gia đình. Bà không chỉ là bà mà còn là cha, là mẹ, là trụ cột gia đình đối với Thanh. Trong mắt bà, Thanh vẫn luôn bé bỏng như ngày nào. Một mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc nhưng đã nuôi Thanh khôn lớn trưởng thành. Bà săn sóc Thanh từng chút một, thấy chàng ngủ, bà nhẹ buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Thanh có lẽ chính là động lực sống của bà.
Còn Thanh – một cô bé hàng xóm hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng là người đã thay Thanh ở bên bà những lúc Thanh vắng nhà. Nga dành cho Thanh một tình yêu chân thành mà kín đáo. Trong bữa cơm cùng bà và Thanh, cô gái ấy chỉ ăn nhỏ nhẹ, cầm chừng và buông đũa luôn để sới cơm cho Thanh. Người con gái ấy hồi hộp, căng thẳng như lần đầu về nhà chồng. Thỉnh thoàng, nàng nhìn Thanh mang theo bao yêu thương, trìu mến. Khi cùng Thanh đi nhặt hoa lan, Nga thẹn thùng nhưng cũng mạnh mẽ mà bày tỏ tình cảm của mình: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”. Mỗi lời bày tỏ nỗi nhớ nhưng cũng như một lời tỏ tình đối với Thanh. Nga nâng niu đoá hoa mà Thanh hái cho mình, khoe bà: “Anh con hái đấy ạ” đầy vui sướng, hạnh phúc. Đoá hoa ấy như chan chứa sự kết trái cho mối tình của Nga và Thanh. Để rồi, mỗi mùa hoa hoàng lan, cô lại giắt hoa trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương. Cũng là để nhớ về người mình yêu thương.
Như vậy, qua những nhân vật Thanh, bà và Nga, chúng ta thấy rằng cách xây dựng nhân vật của Thạch Lam không quá nổi bật, nhưng lại mang những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là câu chuyện về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước. Bóng hoàng lan là Kkông gian quen thuộc nơi con người bộc lộ tình cảm chân thành cho nhau, là không gian mát mẻ, tĩnh lặng, đối lập với cuộc sống phồn thị ngoài kia và cũng là nơi ươm mầm mối tình trong sáng, đẹp đẽ.