Dùng từ Hán-Việt để đặt tên riêng (người, địa danh) ở Việt Nam là do hai nguyên nhân:
- Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa: Việt Nam cùng với Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, do đó tên riêng thường được đặt bằng từ gốc Hán, mang một ý nghĩa nào đó.
- Nghe trang trọng hơn: Cùng một ngữ nghĩa, nhưng khi dùng từ Hán-Việt thì sẽ trang trọng hơn.
Trong vùng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa: Không riêng gì Việt Nam mà Hàn Quốc và Nhật Bản cũng dùng nhiều từ Hán. So với tiếng Nhật và tiếng Hàn thì tỷ lệ từ không phải Hán (thuần Việt) của ta còn nhiều hơn.
Ví dụ: Người Hàn có từ "kijia" (ký giả), còn người Việt gọi là "nhà báo". Người Hàn gọi các đô thị lớn như Pusan, Daegu, v.v... là "gwangyeoksi" (quảng vực thị), còn người Việt gọi là "thành phố lớn, thuộc trung ương" (ít yếu tố Hán, nhiều yếu tố Việt hơn).
Điều này cũng tương tự như các tên gọi phương Tây trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Latin - Hy Lạp - Do Thái, rất nhiều danh từ có nguồn gốc từ những thứ tiếng này. Chẳng hạn như người Anh có tên riêng là "James", người Pháp có tên "Jaques", người Nga có tên "Yakov", tất cả đều có nguồn gốc từ tên "Jacob" trong tiếng Do Thái.
Từ Hán-Việt còn làm cho tên gọi nghe trang trọng hơn. Ví dụ như có người đặt tên con là "Đẹp", nhưng người khác lại thích đặt tên con là "Mỹ". Cái này tùy thuộc vào thẩm mỹ mỗi người.
Ngoài ra, người ta không nên dùng từ thuần Việt trong các ngữ cảnh trang trọng. Chẳng hạn như ta không thể nói "Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và bà xã đi thăm Chile" mà phải dùng từ "phu nhân".