Giao thừa là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. giữa điều cũ và điều mới. Bởi vậy, mọi người vẫn xem đây là thời khắc đầy ý nghĩa, là thời khắc mà mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những dự định và ước muốn trong một năm mới. Và giao thừa là điều mà em mong chờ nhất, bởi gia đình em ai cũng vui vẻ và hào hứng.
Khi tiếng chuông đồng hồ điểm báo thời khắc giao thừa, khi tiếng hò hét, reo vui của những gia đình xung quanh vang lên, khi trên bầu trời có những màn bắn pháo hoa lẻ tẻ. Lúc đó em biết thời khắc quan trọng đã đến.
Vì nhà em ở một vùng quê nên bắn pháo hoa không quy mô như ở thành phố lớn, chỉ có một ít nhà có pháo hoa để bắn mà thôi. Đất trời lúc đó bỗng nhiên sáng rực lên, cái lạnh căm căm và những hạt mưa xuân lất phất bay khiến cho trái tim của mỗi người cảm thấy nhẹ nhõm và bình yên đến lạ kì.
Gia đình em lại quây quần bên nhau, mẹ dỡ mâm xôi gà cúng tổ tiên xuống và chúng em cùng nhau ăn bữa ăn đầu tiên của ngày mới, năm mới. Mùi xôi nếp thơm lừng, mùi bánh chưng và mùi thịt gà hòa quyện với nhau tạo nên không khí tết đặc biệt. Khoảnh khắc ấy có lẽ là khoảnh khắc mà mọi người cảm thấy ấm áp và yên lành hơn bao giờ hết.
Trên bàn thờ nhà em bày biện biết bao nhiêu thứ, được trang trí rất đẹp mắt để cúng ông bà tổ tiên, hi vọng ông bà tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đình em một năm nhiều sức khỏe, niềm vui. Giờ giao thừa đến, ba nhẹ nhàng đốt một cây nhang dài, mùi hương thơm dịu nhẹ xông vào cánh mũi. Em rất thích được hít hà mùi hương ấy, nó như hòa quyện vào đất trời tạo nên mùi hương đặc trưng của ngày tết.
Ngoài trời mưa bay lất phất, những cánh hoa đào ở trong nhà bỗng nhiên bừng sắc xuân, lộng lẫy và kiêu sa. Những ánh đèn điện nhấp nháy đầy đủ các màu sắc tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt vời. Bầu trời dù đang đêm nhưng đều sáng rực lên những màu sáng của màn bắn pháo hoa, hay lòng người đang rạo rực nên thấy bầu trời rực sáng lạ kì như vậy.
Mẹ bảo rằng giao thừa là thời gian mọi người trong gia đình nên ở cạnh nhau, vì đó là thời khắc ý nghĩa, quan trọng. Nó sẽ gắn bó hơn nữa tình cảm của mọi người với nhau thêm mặn nồng hơn.
Ba gọi những đứa con đến bên và lì xì đầu năm, hi vọng các con ai cũng chăm ngoan và học giỏi. Đó là điều mà ba mẹ vẫn mong muốn trong năm mới này.
Những tiếng cười nói, tiếng vỗ tay vang lên cả khu xóm. Đêm giao thừa là đêm mà mọi người không ngủ, thức để tận hưởng không khí của một năm mới, mùa mới đang rạo rực đất trời.
Giao thừa là khoảnh khắc tuyệt vời của gia đình em, vì được quây quần bên nhau, lắng nghe tiếng cười và tiếng nói thân quen của nhau.
Tết đến xuân về nhà nhà sum họp bên nhau, cùng nhau chăm sóc nhà cửa, tổ chức những bữa tiệc, tụ tập. Đặc biệt là vào đêm giao thừa, đây chính là thời khắc quan trọng nhất trong năm, lúc nào gia đình tôi cũng coi đây là thời điểm hạnh phúc, thời điểm nhìn lại những gì đã làm trong năm qua và dự định trong năm mới. Chúng tôi dành cho nhau những lời chúc, nhưng phong bao lì xì, để mong muốn năm mới tới sẽ gặp được nhiều điều may mắn hơn.
Tối trước khi thời khắc giao thừa, ai trong nhà tôi cũng luýnh quýnh cả lên, bố mẹ thì lo chuẩn bị mâm cũng tổ tiên, mâm cúng giao thừa, chị em tôi thì lo sắp xếp lại những thứ chưa gọn gàng, quét dọn thêm nhà cửa cho sạch sẽ, và đặc biệt là chuẩn bị sẵn những bộ quần áo mới, thơm tho để diện đón chào năm mới. Sau đó, bố mẹ tôi bắt đầu viết những lời chúc lên những tấm thiệp, nhưng phong bao lì xì, để dành tặng cho ông bà, các bác các cô, các em nhỏ. Chúng tôi cũng ngồi viết những lời chúc sức khỏe an lành dành cho bố mẹ, ông bà, và các bác….rồi bắt đầu mặc quần áo chỉnh tề và ngồi thưởng thức trái cây chờ đợi khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới sắp tới.
Và chỉ còn mười lăm phút nữa thôi, năm mới sẽ đến, khung cảnh trong nhà rực rỡ hẳn lên. Đèn nhấp nháy ở cây quất, cây cúc được bật sáng trưng. Xung quanh, nhà ai cũng đang bật sáng và mở những bài hát vui nhộn, những bài hát về mùa xuân, bài hát Happy New Year,…Làm cho không khí tết càng thêm rộn ràng. Các đứa nhỏ cũng háo hức chào đón năm mới mà không chịu ngủ, cứ chạy loanh quanh trên sân đùa nghịch. Ai nấy cũng vui vẻ hơn hẳn. Bố mẹ em cũng ra đứng trước cửa nhìn lũ trẻ mà cười tươi.
Đồng hồ điểm mười hai giờ, pháo bông bắn tung trời, bố tôi bắt đầu thắp nhang cúng giao thừa. Sau đó, cả nhà ngồi quay quần bên nhau và cùng xem ti vi nghe chủ tịch nước chúc tết, xem bắn pháo hoa. Và háo hức nhất đó chính là lúc bố mẹ lì xì cho chúng tôi những bao phong bì đỏ chói. Chúng tôi chúc bố mẹ sức khỏe và làm ăn phát đạt, đạt được những dự định cho năm mới và hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để làm vui lòng bố mẹ.
Sau đó, các bác hàng xóm sang nhà tôi, chúc tết gia đình chúng tôi và bố tôi cùng đi theo các bác để đi chúc tết các gia đình khác. Nhìn khủng cảnh này chao ôi sao ấm áp quá. Năm nào tôi cũng cố gắng thức để cùng hưởng trọn cái không khí vui vẻ và ấm cúng bên gia đình, cùng nhau đón giao thừa.
Tôi nghĩ, đêm giao thừa dù bạn có ở đâu xa thì cũng hãy về tụ họp bên gia đình vì đó là nơi ấm ấp nhất, hạnh phúc nhất luôn chào đón ta. Giao thừa là thời khắc đẹp nhất của năm mang lại nhiều điều may mắn và hương vị cho chúng ta.
Năm nay bố tôi quyết định sẽ cho chúng tôi đi về quê để đón tết phần vì chúng tôi chưa được đón tết ở quê bao giờ phần vì ông bà tôi đã cao tuổi. Chúng tôi vui lắm chỉ mong đến đêm giao thừa để có thể đón giao thừa tại không khí của một miền quê như thế nào. Đêm giao thừa ấy đã để lại trong tôi rất nhiều những ấn tượng khó quên.
Buổi chiều đêm ba mươi bố và ông nội tôi đi giết gà để cúng giao thừa ,còn mẹ tôi và bà thì chuẩn bị những món ăn để ăn tất niên. Riêng tôi và chị vì lâu rồi không được về thăm quê thế nên chúng tôi chạy đi sang mấy nhà hàng xóm để chơi đồng thời cũng là để rủ chúng nó tối nay đi xem giao thừa của làng. Chúng nó đồng ý ngay và nói sẽ dẫn chúng tôi đi những nơi có bắn pháo hoa đẹp nhất. Vậy là kế hoạch đi xem giao thừa đã được hoàn thành chúng tôi chỉ cân về nhà đợi bao giờ chúng nó rủ là đi thôi.
Đến bữa cơm chúng tôi về giúp bà và mẹ dọn cơm. Chúng tôi quây quần bên mâm cơm và đây cũng là lúc chúng tôi nói về những chuyện đã làm được trong năm nay và nói chuyện năm mới cần làm được những gì. Bữa cơm hôm nay kéo dài lâu hơn mọi khi phần vì đây là bữa cơm cuối cùng của năm cũ phần vì đã lâu rồi chúng tôi mới có dịp được về thăm quê như thế nên có rất nhiều chuyện để nói. Sau khi dọn cơm xong ông pha một ấm trà cho chúng tôi uống và để xua đi cái lạnh giá ở quê. Chẳng mấy chốc mà đồng hồ đã điểm mười một giờ,khi ấy chị tôi đã ngủ ,tôi cố lay chị dậy bởi đã sắp đến giờ đi xem pháo hoa. Ấy cũng là lúc bọn trẻ con hàng xóm sang gọi chúng tôi đi xem bắn pháo hoa. Chúng tôi đi ra đến đường hôm nay là đêm giao thừa có khác nên đâu đâu ánh điện đều sáng choáng ,đi qua một vài nhà tôi còn thấy những hình ảnh trang trí cho ngày tết rất thú vị. Đêm giao thừa đi trên đường quê,mười một rưỡi rồi mà ngỡ như bây giờ đang là ban ngày. Hòa chung không khí rộn ràng ấy tôi bỗng ngân nga một câu hát chào xuân. Bọn trẻ con ở đó đứa nào cũng vỗ tay và dường như chính những câu hát đó khiến chúng tôi lại gần nhau hơn.
Thế là những câu chuyện trẻ con của chúng tôi lại được bắt đầu. Lúc này không khí đã rộn ràng hơn hẳn khi nãy ,mọi người đổ ra đường đông hơn rất nhiều,chúng tôi chen chúc vào nhau tôi rất sợ bị lạc giữa đám đông ấy nên cứ nắm tay chị tôi mãi. Gần đến mười hai giờ những màn bắn pháo hoa đầu tiên đã được bắt đầu. Những màn pháo hoa cực kì hấp dẫn khiến chúng tôi đứa nào cũng reo hò lên ầm ĩ cả lên. Thấy bọn trẻ ở đây nói rằng trước đây chúng nó cũng chơi cả pháo nổ thế nhưng bây giờ nhà nước cấm rồi nen chúng nó chỉ chơi pháo bông thôi. Chúng tôi đứng ngay giữa chỗ ngã tư của làng xem hết màn bắn pháo hoa này đến màn bắn khác. Thế rồi đến đúng mười hai giờ những màn pháo hoa liên tiếp được bắn lên khỏi không trung trông rất lộng lẫy và hoành tráng. Mọi người ai nấy mang điện thoại ra để chụp những màn pháo hoa đó để làm kỉ niệm.
Thế rồi khi những màn pháo hoa kết thúc chúng tôi lại cùng dòng người đi về hướng của đền làng. Bước vào nơi đây đầu tiên tôi cảm nhận được đó là một mùi hương nồng nặc làm tôi chảy cả nước mắt. Tôi đang không biết làm gì ở đây thì một thằng trong nhóm đã nhanh chân chạy lại trong tay cầm một nắm hương đang cháy rực rồi chia cho chúng tôi mỗi đứa một nắm nó nói là vào trong thấy các bàn thờ nào cũng thắp rồi cầu nguyện những điều trong năm mới được tốt đẹp.
Thế là chúng tôi đi vào trong ,mùi hương khói cũng phần nào xua tan cái không khí rét đậm bên ngoài. Tôi thắp hương và đứng khá lâu mong ước mọi đều tốt đẹp đến với những người thân của tôi. Sau khi thắp hương xong chúng tôi ra ngoài hòa vào dòng người trở về nhà. Vì nhà ông bà ở tận cuối xóm nên chúng tôi đưa bọn trẻ con về đến nhà chúng tôi mới về. Trên đường về nhà tôi và chị không nói nhiều chuyện mà chúng tôi chỉ cảm nhận về đêm giao thừa hôm nay mà chúng tôi được tham dự. Chúng tôi cảm thấy rất vui bì được về quê vì được cảm nhận không khí bước sang năm mới ở đây. Về đến nhà chúng tôi chúc tất cả mọi ngươi một năm mới tốt lành vạn sự như ý. Tuy vui nhưng chúng tôi vẫn không quên nhiệm vụ là phải khai bút đầu xuân để hy vọng năm nay chuyện học hành của chúng tôi sẽ tốt hơn năm ngoái.
Đêm giao thừa đã đem lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc khó quên. Được đón giao thừa ở quê hương mình thật sự làm cho tôi có rất nhiều cảm xúc. Đón giao thừa ở quê hương mình mới khiến chúng tôi cảm thấy đó mới chính là giao thừa đó mới chính là tết theo đúng nghĩa của nó
Có lẽ… mà không phải có lẽ, chắc chắn, với mình, đêm giao thừa luôn khiến mình háo hức, hồi hộp, hân hoan như chờ đợi một điều mình chưa biết là gì, chỉ biết là nó mang điều gì đó thiêng liêng, quan trọng và luôn mới mẻ với mình . Từ khi còn là nhóc con, đến giờ đã hơn băm, còn bốn mùa xuân nữa là sang bốn mươi cái xuân xanh, thì sự háo hức ấy vẫn nguyên vẹn như vậy. Mình cũng không thể diễn tả hết cái háo hức ấy cụ thể là gì, mình không thể nói rõ tên, chỉ biết là năm nào cũng thế, bắt đầu từ những năm còn chưa lấy chồng đón giao thừa với bố mẹ…
Thường là chiều ba mươi Tết, khi nhỏ thì mình chịu trách nhiệm dọn nhà cùng các anh chị, khi lớn thì sau khi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng ,mình làm thêm việc lăng xăng chuẩn bị ngâm gạo, đỗ, để tối mẹ nấu xôi, chè. Khi các anh chị ngủ tít thò lò, mình quanh quẩn bên cạnh mẹ dưới bếp. Thường là mình hiếm khi ngủ trước giao thừa, nếu có khi nào buồn ngủ quá thì vẫn dặn mẹ nhớ đánh thức dậy để đón giao thừa cùng cả nhà. Còn thường thì cứ khoảng 9h30, mình ngồi cạnh mẹ xem mẹ nấu chè, đơm xôi cúng Trời, Phật , rồi ngắm bàn thờ bày đủ thứ hơn ngày bình thường, bánh kẹo, hoa quả, với bánh chưng một cặp đủ hai bên. Thấy mùi hương thắp đêm giao thừa hình như cũng thơm tho, nhẹ nhàng hơn ngày khác.
Mẹ mình năm nào cũng nói về ông cai quản năm mới, mỗi năm một ông có tên khác nhau, như Việt Vương, Tề Vương, Sở Vương , (nghe giống đông chu liệt quốc nhưng mình không dám thắc mắc gì, sợ mẹ buồn vì mất công mẹ hồ hởi giải thích, vả lại, chắc mẹ ngại ông ấy phật ý khi có đứa thắc mắc về lịch sử tên ông ấy). Và mỗi ông một tính cách, mẹ nắm rất rõ cách làm việc của từng ông. Mình thường tưởng tượng ra đấy là một người đầy uy quyền, nghiêm khắc với trẻ con. Nhưng ông ấy chắc là người rất tháo vát , vì nhà nào cũng có vẻ nể ông ấy, ai cũng biếu ông ấy một bộ quần áo dài kiểu lễ phục của quan triều đình, có kèm theo mũ cùng đôi hài rất đẹp màu đỏ, và kèm theo là một đĩa xôi cùng một gà trống luộc, nhất định phải là gà trống, không thể là gà mái được, mình cũng không biết tại sao, vì là mình chưa thấy ai cúng gà mái bao giờ.
Lúc chờ mẹ cúng ông cai quản năm mới, mình tranh thủ ra hiên nhà, nhìn lên bầu trời đen đặc , mình thích ngắm nhìn trời đất để xem thời khắc giao thừa, có gì xảy ra .Đêm ba mươi thường mưa nhỏ, và tối thui, kèm với lạnh. Mẹ nói có mưa là tốt đấy, báo hiệu một năm mùa màng cho bà con , và nhiều tài lộc cho mọi người, nên năm nào thấy mưa, mình cũng khấp khởi mừng. Không biết có phải khi trời đất sắp chuyển giao thời khắc mới, mọi sinh linh cũng cảm nhận sự thay đổi đó không mà mình thấy dường như mọi thứ cũng đang hồi hộp đón chờ. Tiếng mưa giỏ lộp bộp từ cành cây trước nhà, tiếng lá rơi lao xao qua mỗi cơn gió, tiếng cành khô gãy lách tách, khiến mấy chú cóc hoảng hốt nhảy cả lên đám lá khô. Còn mình không thể nghĩ được gì mà im lặng để hít đầy ngực hơi thở của trời đất nơi vùng núi, hơi lạnh thấu vào xương thịt, nhưng tinh khiết, nhẹ nhàng, làm tim đập rộn ràng, khỏe khoắn, chỉ có bàn tay và chân thì lạnh toát.
Khi mẹ mình cúng xong, thì bố đã chuẩn bị sẵn bánh kẹo,mứt, một ít đồ ăn khô , và tất nhiên là rượu, nghèo cũng phải là rượu vang Đà Lạt,còn có điều kiện thì là sambanh Pháp .Và chỉ đợi mẹ hô: Lan, hóa vàng cho mẹ, là bố đã khua các anh chị dậy .Có lần mình cũng ngủ rồi mới dậy đón giao thừa,và mình nhớ như in là cảm giác: lạnh. Nên mình chả lạ gì khi thấy anh chị mình ngồi như tượng trên ghế, chỉ thấy hứng khởi hơn khi nghe thấy tiếng pháo nhà hàng xóm, rồi mẹ hoặc bố bắt đầu đếm tiền loạt xoạt chuẩn bị lì xì.
Đúng 12h đêm, tiếng pháo nổ râm ran khắp nơi, thời gian cấm nổ pháo thì mình vẫn nghe thấy tiếng pháo, không râm ran, nhưng cũng lẹt đẹt. Mấy chú khuyển mọi đêm còn đi chơi loăng quăng, nhưng đêm ba mươi đều nằm im trong nhà hoặc gầm giường, đến khi hết tiếng pháo mới mò ra cổng sủa vài tràng cho oai. Thời gian trước ,năm mình 4 đến 8 tuổi, mình nhớ ở Lào Cai chính quyền vẫn cho phép dùng súng, sau năm 1979, năm Trung Quốc và Việt Nam xảy ra chiến tranh, ở Lào Cai, mỗi dân quân đều được trang bị một khẩu K54, và bố mình cũng có, và giao thừa năm nào, những ai có súng đều bắn một băng đạn chào mừng năm mới, mình nhớ như in, hòa lẫn tiếng pháo, là những lằn lửa cả một băng đạn bay vun vút lên trời, đan chéo vào nhau, khiến bầu trời đêm ba mươi sáng rực. Sau khi xem xong bắn pháo hoặc súng, thường là mọi người bàn luận xem nhà ai bắn đẹp, hoặc pháo nhà ai nổ giòn nhất, để ngày hôm sau, bọn trẻ con có chuyện mà kể.
Tiếng chúc tết của chủ tịch nước trên truyền hình bắt đầu,cũng là lúc cả nhà mình quây quần ngồi nhâm nhi bánh kẹo cùng rượu vang, hay nước chè xanh. Bố hoặc mẹ lì xì cho mấy chị em, đều như nhau, kèm theo lời chúc thân mật, như học giỏi hơn, ít cãi nhau hơn… Sau đó là cả nhà quay sang bình về một ai đó trong mấy chị em mình, thường là người có thành tích nổi bật trong năm qua, ví dụ, mấy năm trước thì có những câu chuyện như: mình có bài thơ cho các anh chị đọc được, đại thể là:
Quê hương em đẹp tuyệt vời
…
Lúa xanh phấp phới như hàng phi lao
…
Mình thì không thấy có buồn cười gì về việc lúa không thể phấp phới như phi lao, nhưng các anh chị mình thì không thể hiểu nổi việc so sánh lúa và phi lao, nên đến giờ, mỗi khi nhắc lại, anh chị mình lại cười ngặt ngẽo. Hay chuyện anh trai mình thích ô tô quá, liền đẽo một đội xe để chơi, chị cả được đỗ đại học, hoặc chị hai mình bị anh trai mách bố mẹ, thường xuyên mất hút sau khi nghe thấy tiếng huýt sáo ở cổng, mình thì biết tỏng là ai huýt sáo,nhưng không nói, vì có thể mình sẽ được đi xem phim ké cùng chị hai… Sau này lớn hơn thì là chuyện sinh viên của mấy chị em, chuyện miền xuôi miền ngược. Sau khi có chuyện này chuyện nọ, dù là tốt hay chưa tốt, thì cả nhà đều kể lại rồi cười với nhau , và mình thích nhất điều này, năm mới ai lại bóc mẽ nhau..
Rồi khi mình lấy chồng, mình không được đón giao thừa cùng gia đình, nhưng năm nào mẹ mình cũng gọi cho hai vợ chồng mình hỏi thăm, chả có việc gì quan trọng, như con ăn cơm chưa, bọn trẻ đâu rồi, cúng giao thừa chưa, và… hôm nào về Lào Cai. Nhưng giao thừa nào mình cũng ngóng mẹ gọi, để nói chuyện với bố và anh vài câu, rồi mới đi ngủ được . Chị cả mình năm đầu tiên lấy chồng, chị có em bé nên không về được, khóc sưng cả mắt, mình sang nhà chị lấy quà Tết chị gửi cho bố mẹ mà thương chị quá chừng .
Những năm gần đây, mình và chị cả thường về với bố mẹ vào ngày mùng 2 tết, mặc dù không phải giao thừa,nhưng cả nhà mình vẫn lại thế, ngồi kể lại những câu chuyện xưa, khi cả nhà mâm cơm chỉ có cơm và canh, khi đứa này thế này thế kia, và luôn có một màn châm chích ai đó để cả nhà cùng cười, có mới hơn là thêm mấy chàng rể, cháu, danh sách chuyện được thêm…
Bây giờ mẹ đã thôi không nói về ông cai quản của năm mà thay vào đó là nói về nhân quả. Mỗi đứa con của mẹ đều đã lớn, vui buồn có, nhưng mẹ vẫn yêu cả mấy đứa như nhau .
Bây giờ mỗi khi sắp đến giao thừa ở nhà mình hay nhà ông bà nội bọn trẻ, mình lại lay bọn trẻ dậy đón giao thừa.
Đêm giao thừa nào mình cũng dành ít phút ngắm bầu trời đêm ba mươi một mình, dù ở đâu, ở bầu trời khu vực Hà Nội hay quê chồng ,mình cũng đều cảm thấy có bầu trời đấy na ná nhau, mình đều thấy có gì đó chậm lại khi hít vào lồng ngực khí trời mùa xuân lành lạnh ,lắng nge tiếng mưa xuân lộp bộp trên đất
Giao thừa năm nay, nhìn bầu trời sáng hơn bởi pháo hoa và đèn điện, nhưng trên cao,bầu trời vẫn mênh mông. Đôi khi có nhiều chuyện đã xảy ra với mình, khiến mình có cảm giác mình không có gì còn háo hức, cứ như mọi chuyện đã hoàn thành, lúc đó mình lại nhớ đến đêm giao thừa, và cảm giác như đã về nhà khiến mình lại tiếp tục đón chờ, lại tiếp tục háo hức. Như lúc này, cảm giác đã về nhà khi khoảng khắc giao thừa đến, mình bỗng thấy không biết sau thời khắc này mình sẽ thế nào, và điều đó lại làm mình háo hức đón chờ, mình ngắm những cành đào phai đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, có vẻ như nụ trên cành đang đợi thời khắc để đâm lá, trổ quả, cầu mong năm nay mưa thuận gió hòa …
Học tốt !VƯƠN CAO VIỆT NAM
Năm nào cũng vậy, khoảng 29 Tết sau khi sắp xếp dọn dẹp nhà cửa xong, cả gia đình em lên xe về quê nội ở Đức Hòa ăn Tết. Thời gian trôi nhanh quá! Mới hôm nào em về quê ở ăn Tết cùng ông bà và họ hàng bên nội, thế mà hôm nay những ngày cuối cùng của năm lại đến rồi.
Chiều ba mươi tháng chạp, không khí Tết đã ngập tràn khắp nẻo. Làng quê rộn rã những âm thanh trong trẻo, tươi vui đón mừng một mùa xuân mới. Những nếp nhà đông vui, náo nức lạ thường bởi tiếng reo vui của những đứa con xa quê lâu ngày mới trở về, tiếng cụ già kể những chuyện năm cũ, tiếng trẻ em nô đùa... Và những chái bếp nghi ngút khói bay lên, mùi bánh tét, mùi thức ăn xào nấu thơm lừng khắp ngõ. Mọi nhà đang háo hức chuẩn bị cho bữa cơm tất niên sum họp.
Nhà nội em, phòng khách được trang hoàng đẹp đẽ. Trên bàn thờ bày bộ lư đồng sáng choang. Mùi nhang thơm ngát. Đèn, nến, rượu, trà, bánh tét, mứt, hoa quả . . . được ông em sắp xếp thật trang trọng. Cây mai khá lớn xen kẽ với nhưng chùm hoa vạn thọ đặt trên chiếc đôn sứ cạnh bộ trường kỹ bằng gõ đang nở những bông hoa tươi thắm chào đón xuân về.
Và bà nội luôn là người vui mừng nhất. Nội tất tả quét tước lại nhà cửa. Nội vào bếp nấu những món ăn quen thuộc cho ngày sum họp. Nội đã chờ mong ngày này lâu lắm rồi. Bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết luôn là một bữa cơm đặc biệt. Từ sáng sớm, bà nội và mẹ đã đi chợ mua sắm những thứ cần thiết để nấu. Mẹ em là “bếp trưởng” phụ trách các món chính. Còn bà nội và cô Út cùng với em làm “phụ bếp”. Mấy mẹ con, bà cháu vừa làm vừa trò chuyện thật vui. Em tranh thủ học cách tỉa rau củ thành những bông hoa, những con vật ngộ nghĩnh, xinh xinh để trang trí cho các món ăn thêm hấp dẫn. Ba và chú năm di ra vuon gan nha hái môt số cây trái tươi để cúng ông bà. Bé Hà thì quanh quần bên ông nội bắt sâu tỉa lá cho hàng cây kiểng.
Những giai điệu quen thuộc “Tết, tết, tết đến rồi….”lại vang lên đâu đây. Ngồi cạnh bếp than hồng đỏ rực em thấy lòng rộn rã, rạo rực làm sao! Tiếng trống múa lân tùng tùng. Nồi bánh chưng đã dậy mùi, chỉ còn chờ ba về là vớt ra thôi. Thức ăn đã nấu xong, bà nội sắp mâm cỗ cúng. Đỡ mâm cỗ từ tay bà, ba em đặt trước bàn thờ để ông nội thắp nhang khấn vái tổ tiên về sum họp cùng con cháu trong ba ngày Tết. Sau mấy tuần nhang, mâm cỗ được bưng xuống để con cháu hưởng lộc của tổ tiên. Thức ăn được dọn ra bàn: bánh tét xanh, xôi gấc đỏ, thịt gà luộc vàng ươm trộn với rau răm và bắp cải, canh ổ qua dồn thịt xanh thẫm đặt bên cạnh đĩa xào gồm thịt bò, cà rốt, khoai tây, nấm hương, mộc nhĩ, thịt kho hột vịt . . . Rồi bánh tráng thịt ram . . . món nào cũng ngon và vô cùng hấp dẫn.
Ba em rót rượu kính mời ông bà. Mẹ, cô út, em và bé Hà uống nước ngọt. Mọi người nâng cốc chúc mừng ngày vui, ba thế hệ quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Trong bữa ăn, những câu chuyện về quê hương được ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe. Quay sang em, ông bảo:
Cháu Trúc này! Dù sống ở Sài Gòn nhưng cháu phải luôn luôn nhớ rằng cháu cũng có một quê hương. Ở đó có mồ mả tổ tiên, có ngôi nhà của ông bà, nơi ba cháu đã sinh ra và lớn lên. Sau này trưởng thành, dù đi đâu về đâu cũng đừng quên quê hương cháu nhé!
Giọng nói ấm áp, chân tình của ông khiến cho mọi người cảm động. Ba em kín đáo lau giọt nước mắt ứa trên mi. Ông nội với ánh mắt hiền từ tràn ắp tình yêu thương con cháu. Sau bữa cơm, cả nhà tiếp tục, ngồi uống trà ăn mứt trong phòng khách. Em khoe với ông bà là em đạt danh hiệu học sinh giỏi học kỳ 1. Bà khen em: Cháu Trúc của bà giỏi quá giống Ba hồi nhỏ. Bé Hà thấy em được Bà khen, bé vội chạy đến, phụng phịu : Con giỏi hơn chị. Bà cười xòa: Cả 2 cháu của Bà đều ngoan cả. Rồi Bà thong thả uống trà vừa kể cho em nghe những chuyện ở trong quê. Trên tivi chiếu chương trình đón tết. Mẹ em ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành xem tivi trên môi nở một nụ cười mãn nguyện khuôn mặt rạng ngời một niềm vui khôn tả.
Bữa sum họp gia đình là lúc ông bà cha mẹ, con cái, anh chị em quây quần bên nhau cùng ăn những món ăn ưa thích do bà và mẹ nấu, kể chuyện trường lớp, công việc cho nhau nghe rồi cùng cười, cùng bàn luận với không khí rất ấm cúng và thân mật. Bữa ăn làm gia đình đầm ấm, đó chính là sợi dây vô hình gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình.Truyền thống, nề nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa ăn đạm bạc mà đầm ấm đó. Trong bữa cơm mọi người không chỉ chuyện trò vui vẻ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ với nhau mà thông qua đó biết bao bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu. Cuộc sống công nghiệp bận rộn khiến nhiều gia đình ít có cơ hội được ngồi bên nhau trong bữa cơm thân mật, thế nhưng trong tiềm thức của mỗi người dân Việt khung cảnh mâm cơm gia đình vẫn thật đẹp. Phải chăng vì thế mà mỗi dịp Tết đến người người đều hối hả, mau chóng trở về quê với ông bà cha mẹ, bên mâm cơm ấm cúng để tận hưởng cảm giác bình yên, hạnh phúc.
Cứ năm nào cũng thế, gia đình em luôn có được những giờ phút sum họp, trò chuyện thân mật thật vui vẻ, đầm ấm sau mot thời gian dài xa cách. Hai chị em tôi thật hạnh phúc trong mái ấm gia đình, trong vòng tay yêu thương của ông bà, ba mẹ. Em yêu nhưng buổi sum họp ngày tết như thế này biết bao nhiêu! Luôn có bao điều thú vị đang chờ em trong năm mới.
Bạn tham khảo nha! Chúc bn hc tốt!