Ngành Thân mềm (còn gọi là nhuyễn thể hay thân nhuyễn, danh pháp khoa học: Mollusca) là một ngành trong phân loại sinh học có các đặc điểm như cơ thể mềm, có thể có vỏ đá vôi che chở và nâng đỡ, tùy lối sống mà vỏ và cấu tạo cơ thể có thể thay đổi.
Ngành Thân mềm có nhiều chủng loại rất đa dạng, phong phú và là nhóm động vật biển lớn nhất chiếm khoảng 23% tổng số các sinh vật biển đã được đặt tên. Trong các khu vực nhiệt đới, bao gồm Việt Nam, ngành này có hơn 90 nghìn loài hiện hữu, trong đó có các loài như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc. Chúng phân bố ở các môi trường như biển, sông, suối, ao, hồ và nước lợ. Một số sống trên cạn. Một số nhỏ chuyển qua lối sống chui rúc, đục ruỗng các vỏ gỗ của tàu thuyền như con hà. Có độ đa dạng cao, không chỉ về kích thước mà còn về cấu trúc giải phẫu học, bên cạnh sự đa dạng về ứng xử và môi trường sống. Ngành này được chia thành 9 hoặc 10 lớp, trong đó 2 lớp tuyệt chủng hoàn toàn. Cephalopoda như mực, mực nang và bạch tuộc là các nhóm có thần kinh cao cấp trong tất cả các loài động vật không xương sống, và mực khổng lồ hay mực ống khổng lồlà những loài động vật không xương sống lớn nhất đã được biết đến. Động vật chân bụng (ốc sên và ốc) là nhóm có số loài nhiều nhất đã được phân loại, chúng chiếm khoảng 80% trong tổng số loài động vật thân mềm. Nghiên cứu khoa học về động vật thân mềm được gọi là nhuyễn thể học.[1]