Từ xưa đến nay đã có biết bao văn nhân, thi sĩ nói lên niềm vui sống giữa thiên nhiên qua các tác phẩm ca mình. Nếu Nguyễn Trãi xưa đã từng đắm mình trong cảnh Côn Sơn đẹp, từng thả hồn trong tiếng suối, trong bóng trúc râm của cảnh thiên nhiên kì thú, thơ mộng; thì Hồ Chí Minh nay chưa ngủ được cũng vì cảnh khuya như vẽ với tiếng suối trong như "tiếng hát xa" và bóng trăng lồng vào cây, hoa lung linh huyền ảo, và khi bàn xong việc quân thì người nghệ sĩ ấy lại đắm mình trong ánh trăng bát ngát đầy thuyền. Còn Lý Bạch ngắm thác núi Lư mà tưởng như dòng thác treo giữa trời, như sông Ngân rơi tự chín tầng mây xuống.
Mỗi người đến với thiên nhiên theo cái cách riêng và thưởng thức thiên nhiên bằng tâm hồn của mình. Nguyễn Trãi gần như giao hoà tuyệt đối với cảnh trí Côn Sơn bằng tâm hồn nghệ sĩ; Hồ Chí Minh lại đắm say trong cảnh rừng khuya trăng sáng và đêm rằm tháng giêng trăng lồng lộng đầy trời với hồn thơ lai láng dâng trào; còn Lý Bạch ngắm thác núi Lư mà thấy được cái nét vừa hùng vĩ vừa thư mộng thì đó là cốt cách của một tâm hồn phóng khoáng, mạnh mẽ trước cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước. Cả ba thi nhân đều đem đến cho ta những bức tranh thơ dạt dào niềm vui sống giữa thiên nhiên.
Nhưng cũng từ các bức tranh thơ đó, ta có thể rút ra cái ý nghĩa đích thực và cao đẹp của niềm vui sống giữa thiên nhiên. Có phải Nguyễn Trãi giao hoà với thiên nhiên để quên cuộc đời không, và "ta ngân thơ nhàn" ở đây có phải là tiếng nói của một ẩn sĩ lánh đời, thoát tục? Có phải Hồ Chí Minh chỉ có đắm say trong cảnh trăng đẹp của rừng khuya và rằm tháng giêng giữa cuộc kháng chiến còn gian khổ lúc bấy giờ? Và đằng sau bức tranh thác núi Lư hùng vĩ, còn có nét đẹp gì của tâm hồn thơ Lý Bạch? Rõ ràng do hoàn cành bức bách mà Nguyễn Trãi phải lánh về Côn Sơn để vui sống giữa thiên nhiên chứ con người ấy có bao giờ là ẩn sĩ như chính ông đã nói:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
Ở nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh, niềm vui sống giữa thiên nhiên bao giờ cũng hài hoà thống nhất với nhiệm vụ cách mạng, với trách nhiệm cao cả vì nước vì dân của mình. Vì vậy, chưa ngủ vì cảnh khuya như vẽ, nhưng chưa ngủ còn vì lo nỗi nước nhà và đây mới là nét cao đẹp nhất của lãnh tụ. Và trong đêm Nguyên tiêu trăng sáng đầy trời, người chiến sĩ cách mạng ấy cũng chỉ thả hồn theo ánh trăng bát ngát đầy thuyền khi đã bàn bạc xong việc quân. Còn ở vị tiên thi kiếm khách Lý Bạch thì thác núi Lư đâu chỉ có nét phóng khoáng mạnh mẽ của một tâm hồn lãng tử tài hoa mà đằng sau đó là một tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của một thi nhân đã sớm phải xa nhà từ lức thiếu thời. Tất cả, phải chăng đã cho ta thấy: niềm vui sống giữa thiên nhiên là điều cần phải có của con người, nhưng không phải chỉ đơn thuần là hưởng thụ mà chính là để cho cuộc sống được hài hoà tốt đẹp hơn.
"Nguyên tiêu" ra đời trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi Hồ Chủ tịch đi trên thuyền giữa đêm rằm tháng Giêng, nhưng qua những vần thơ ấy ta nhìn thấy chân dung cao đẹp của một nhà cách mạng, một nhà văn hóa với bản lĩnh nghệ thuật và bản lĩnh sống cao đẹp. Bài thơ đẹp như một bức tranh lụa mềm, nhưng cũng đầy chất thép, ngời nghĩa khí và tự tin : "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền " Trăng rừng Việt Bắc ánh lên niềm vui, soi tỏ một sức sống rạo rực trong tâm hồn người làm thơ đang cùng những người đồng chí bàn quân cơ quốc kế. Nhà thơ Xuân Thủy có mặt trên thuyền xúc động vì bài thơ Bác vừa ứng khẩu, lập tức dịch sang tiếng Việt. Bản dịch giờ đây vẫn nóng hổi cảm xúc, nhạc xuân còn ngân trong lòng người :"Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền " Đây là Việt Bắc những ngày kháng chiến, nơi đại ngàn xanh thẫm, lọc ánh trăng thêm xanh, tiếng thầm thì của lá hoa thêm huyền ảo, bức tranh thiên nhiên vào thơ thêm gợi cảm. Trăng-trời-nước cùng bao la, trăng ngự giữa đỉnh trời, vằng vặc sáng, dưới bầu trời là sông mênh mang phản chiếu vẻ đẹp trước một tâm hồn rộng mở, hào phóng, tràn ngập ánh xuân tươi kết tinh trong câu thơ "Rằm xuân lồng lộng trăng soi". Nhưng hai chữ "lồng lộng" ấy đã chuyển chức năng câu tự sự thể hiện sự mong chờ, hồi hộp thành câu thơ miêu tả. Trong thơ Bác "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên" có nghĩa là "đêm nay rằm tháng giêng chính là lúc trăng tròn" là khi vầng trăng vào độ sáng nhất. Trăng thả đường tơ ánh sáng xuống trời xuân, sông xuân. Câu thơ như chứa đựng một bầu tâm sự, một nỗi niềm. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, trăng như một người bạn tri kỷ, tri ân luôn song hành cùng với Người. Sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, mới trở lại đất Cao Bằng, Bác đã trò chuyện cùng trăng, Bác hỏi và trăng trả lời : Nước Việt bao giờ thì giải phóng
Nói cho nghe thử, hỡi cô Hằng
Trăng rằng "Tôi kính trả lời ông" Khi Bác bị bắt giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, vầng trăng lặng lẽ bên Người trong đêm lạnh :" Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ " Trăng gần gũi, thân mật đến độ bước thẳng vào cuộc sống sinh hoạt của con người, đẩy cửa sổ cất tiếng hỏi rằng thơ đã xong chưa ("Thi thành vị ?") "Rằm tháng Giêng", sức gợi của vầng trăng thật đặc biệt. Bởi rằm tháng Giêng là đêm trăng tròn đầu tiên, là vẻ đẹp tinh khôi, e ấp đáng được thưởng ngoạn. Câu thơ của Bác được khởi nguồn từ cảm hứng đặc biệt đó, dẫn ta lạc vào một đêm trăng rất đẹp. Hương vị mùa xuân bắt đầu từ dòng sông, tràn ra mặt nước, nhuộm cả mầu trời : "Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên". Sống động và sôi trào, sắc xuân phủ kín cả vũ trụ, sức xuân trỗi dậy với nội lực phi thường. Một mùa xuân căng tràn nhựa sống, thật khác xa với cảnh sắc thiên nhiên nẩy nở trong tư thế tĩnh tại, an nhàn của thơ xưa trong thơ ca cổ điển phương Đông. Cái vui, cái đẹp trong câu thơ biểu thị một sức mạnh bình thản, tự tin trong tâm hồn Bác. Cảm hứng chủ đạo của câu thơ tả cảnh rất hài hoa kia khởi phát từ một tâm hồn thơ và một bản lĩnh thép trong nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh. Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc còn bao khó khăn, nhiệm vụ cách mạng còn rất nặng nề, vậy mà Bác vẫn thưởng ngoạn vẻ đẹp đêm xuân, vui với ánh trăng, say với mây trời sông nước. Tâm hồn Bác hòa hợp với thiên nhiên, nhưng không hòa tan, đắm chìm trong cảnh đẹp mà vươn cao hơn, rộng hơn, bao trùm tất cả. Phong thái của Bác thật ung dung, thanh tao và tự tin. Đối diện với vầng trăng, cảm xúc thi ca cũng dâng đầy lên trong Bác. Nhưng Bác còn phải lo cho an nguy của đất nước. Thế là không chỉ một lần, nhà thơ Hồ Chí Minh đành phải lỗi hẹn với vầng trăng tri kỷ để trở về với công việc, cái khung cảnh đẹp như trong mộng ảo, rộng mở và say đắm nước xuân và trời xuân, đó là "bàn bạc việc quân". Kỳ diệu là ở chỗ giữa dòng sông xuân ấy xuất hiện việc "đàm quân sự" trên một con thuyền náu mình sau khói sóng mà không hề lạc lõng chút nào. Hình tượng thơ chuyển hóa vừa táo bạo, bất ngờ, vừa linh hoạt và rất uyển chuyển ấy là nhờ những thi liệu đậm màu cổ điển, khiến đêm trăng Việt Bắc mang đầy phong vị Đường thi : " Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền ""Yên ba thâm xứ" là ở sâu giữa nơi "khói sóng" (sông nước) mở ra một không gian thơ mộng, khi tỏ khi mờ. Trong đêm trăng còn đầy hơi nước ấy con thuyền như lướt đi trong lan tỏa khói sương. Phảng phất đâu đây những câu thơ còn mang nỗi u hoài một thuở, bao bọc trong huyền bí mơ màng là bóng hình ẩn sĩ cô đơn :" Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu".
(Thôi Hiệu)" Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ".Hay câu thơ của Cao Bá Quát :" Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm sứ hữu ngư châu"
(Cuộc đời lên xuống anh đừng hỏi
Trong khói sóng có một con thuyền)
Con thuyền bồng bềnh trong sương khói mông lung là dấu hiệu của thơ cổ điển, nhưng câu thơ của Bác được sáng tạo với nét tạo hình đặc sắc, rất tài tình. Cái giá lạnh u uẩn của khói sóng bỗng tan đi khi chốn thâm nghiêm tĩnh mịch ấy được Bác chọn làm địa điểm lý tưởng cho việc "đàm quân sự". Câu thơ tạo nên một bước ngoặt, một từ trường cảm xúc mạnh và sâu, một bầu không khí vừa rất hiện thực, vừa như chốn tiên cảnh bồng lai. Đó là vẻ đẹp đặc biệt toát lên từ tâm hồn Bác, một tâm hồn tràn đầylạc quan, tự tin, cốt cách phong lưu, vô cùng bình dị mà cũng cao cả đến vô cùng.
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh lộng lẫy: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền". Trăng và người quả là có sự hòa đồng, tương cảm tuyệt đối. Trăng thấu hiểu Người bận việc quân, nên lui lại phía sau, lặng lẽ tỏa ánh sáng huyền diệu xuống dòng sông, mặt nước, con thuyền. Giờ việc quân đã xong, Người chợt nhận ra trăng vẫn quấn quýt, đợi chờ. Việc nước và trăng xuân hòa đồng tạo lên một ý nghĩa sâu xa : sắc xuân, ý xuân, sức xuân trên dòng sông xuân đêm Nguyên tiêu chính là màu sắc, âm thanh náo nức của mùa xuân tiến quân lịch sử toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến với niềm tin mãnh liệt :" Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập, nhất định thành công !"
Sự lạc quan phơi phới chính là vẻ đẹp của bài thơ đầy chất thép trong hồn thơ xuân của Bác. Khi công việc đã xong, con thuyền chở những chiến sĩ cách mạng trở về, cùng với họ là "Bát ngát trăng ngân đầy thuyền". Một hình ảnh thật nên thơ, nên họa, vừa gợi con thuyền chở đầy dải trăng lóng lánh như bạc, vừa có ý nghĩa trăng ngân nga khúc hát mê say. Hiểu cách nào cũng đẹp, và chấp chới giữa dòng sông xuân, con thuyền chở đầy trăng càng đẹp hơn. Bác đã biến cái ảo thành cái thực, vật thể hóa luồng ánh sáng thành những thoi bạc chất đầy vào lòng thuyền. Người làm thơ đã thu cả vũ trụ vào ngọn bút tài hoa của mình, hiển hiện lên một cốt cách, một tâm hồn cao cả. Vằng trăng là nguồn cảm hứng cho nhà thơ ngây ngất đắm say nhưng việc quân mới là thi hứng đích thực cho ngôn từ phát sáng. Con thuyền chở Bác đi giữa đêm xuân "đàm quân sự" trên sông trăng cũng thơ mộng như thuyền thơ chở thi nhân đi tìm thi hứng. Tư tưởng lớn, tình cảm lớn thấm đượm trong từng câu, từng chữ, trong từ trường cảm xúc đằm thắm, trong trẻo. Sức xuân trong trang thơ toát lên từ sự hội tụ, gặp gỡ của ánh trăng lộng lẫy đêm rằm. Sự hài hòa giữa thi hứng của thi nhân và trách nhiệm đối với đất nước, giữa hồn thơ và chất thép, giữa con người thi sĩ và con người chiến sĩ trong bài thơ "Nguyên tiêu" thực sự là một tuyệt tác.
Trong không khí rộn ràng của mùa xuân mới , chúng ta hãy ngược dòng thời gian để đọc lại bài thơ Bác viết về mùa xuân cách đây 60 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho hôm nay vẻ đẹp đầy chất thép trong hồn thơ xuân của Bác.
Bài tham khảo 3
Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, người cũng là một thi nhân có tài. Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy phải bận bề trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn có thể sáng tác ra những vần thơ tuyện vời, trong đó có tuyện tác về cảnh trăng xuân: “Nguyên tiêu”:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Bài thơ được Bác sáng tác nguyên văn theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, một thể thơ nổi tiếng của thời Đường ở Trung Quốc. Sau này bài thơ được nhà thơ Xuân Thủy dịch và mang tên là “Rằm tháng giêng”. Bài thơ được dịch theo thể thơ lục bát, vốn là thể thơ cổ truyền của dân tộc Việt Nam:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Song xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Mở đầu bài thơ là cảnh trăng xuân tuyện đẹp ở chiến khu Việt Bắc:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Song xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Hình ảnh “trăng” lại xuất hiện trong hai câu thơ này. Trăng là người bạn tri âm tri kỉ của Bác, vì thế, trăng trở đi trở lại trong thơ của Bác. Ngay cả trong ngục tù, hình ảnh “ánh trăng” vẫn được Bác sử dụng:
Trong tù không rượu củng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
( Ngắm trăng - Nhật kí trong tù )
Từ “xuân” được điệp lại hai lần để chỉ sự khì thế, vui tươi của mọi vật ở đây. Sông xuân, nước xuân, trời xuân và mọi vật đang hòa quyện vào nhau, cùng nhau căng tràn sức xuân. Một không gian bao lt, bát ngát tràn ngập ánh trăng và sức xuân.
Nếu ở hai câu đầu là cảnh thiên nhiên, cảnh trăng xuân ở chiến khu Việt Bắc thì ở hai câu thơ cuối, hình ảnh Bác Hồ hiện ra trong tư thế một người chiến sĩ bận lo việc nước, việc quân:
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Bác phải họp tổng kết việc kháng chiến trên dòng song trăng. Tuy là một cuộc họp quan trọng nhưng Bác vẫn không căng thẳng, vẫn ung dung, tự tại để cảm nhận nên cảnh trăng xuân tuyệt đẹp ở Việt Bắc vào đêm khuya:
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Cuộc họp kết thúc vào lúc nửa đêm, khi về, chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ trên dòng song trăng, ánh trăng ngập tràn lòng thuyền. Một không gian bao la ngập tràn ánh trăng. Trước hoàn cảnh khó khăn như vậy mà Bác vẫn có thể sáng tác ra những vần thơ tuyệt cú như thế đủ để thấy phong thào ung dung, lạc quan của Bác.
Bài thơ vừa mang tính cổ điển, vừa mang tình thời đại, tính lịch sử. Tuy chỉ có bốn câu, mỗi câu bảy chữ nhưng bài thơ đã thể hiện hết tình cảm với thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng, phong thài ung dung, lạc quan, cốt cách thi sĩ lồng trong tâm thế chiến sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Chúc bn học tốt
“Nguyên tiêu” nằm trong chùm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh viết trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc: “Nguyên tiêu”, “Báo Tiệp”, “Thu dạ”,…Sau chiến thắng Việt Bắc, thu đông năm 1947, sang xuân hè 1948, quân ta lại thắng lớn trên đường số bốn. Niềm vui thắng trận tràn ngập tiền tuyến hậu phương. Trong không khi sôi động và phấn chấn ấy, bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ xuất hiện trên báo “Cứu quốc” như một đoá hoa xuân ngào ngạt và rực rỡ sắc hương.
Xuân Thuỷ đã dịch khá hay bài thơ này. Nguyên tắc bằng chữ Hán, viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền”.
Đêm nguyên tiêu trăng sáng ngời trên một không gian bao la. Bài thơ nói lên cảm xúc và niềm vui dào đạt trong tâm hồn lãnh tụ đêm nguyên tiêu lịch sử.
Hai câu đầu vẽ lên cảnh đẹp tuyệt vời đêm nguyên tiêu. Trên bầu trời, vầng trăng vừa tròn (nguyệt chính viên). Trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp tươi xinh khác thường vì mùa xuân làm cho trăng thêm đẹp. Và trăng cũng làm cho cảnh vật mang vẻ đẹp hữu tình. Đất nước quê hương bao la một màu xanh bát ngát. Màu xanh lấp lánh của “xuân giang”. Màu xanh ngọc bích của “xuân thuỷ” tiếp nối với màu xanh thanh thiên của “xuân thiên”. Ba từ “xuân” trong câu thơ thứ hai là những nét vẽ đặc sắc làm nổi bật cái “thần” của cảnh vật sông, nước và bầu trời.
“Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên”.
(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)
“Xuân” trong câu thơ chữ Hán của Bác là mùa xuân, là tuổi trẻ, là vẻ đẹp xinh tươi. Nó còn gợi tả mùa xuân, của sông nước, đất trời vào xuân. Nó thể hiện vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của đất nước ta: trong lửa đạn vẫn dạt dào một sức sống trẻ trung, tiềm tàng. Ngoài giá trị miêu tả cảnh đẹp đêm nguyên tiêu, vần thơ còn biểu hiện tinh tế cảm xúc tự hào, niềm vui sướng mênh mông của một hồn thơ đang rung động giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử, đất nước đang anh dũng kháng chiến.
Với Bác Hồ, yêu vẻ đẹp đêm nguyên tiêu, yêu thiên nhiên cũng là yêu đời tha thiết. Bác yêu thiên nhiên nên sông, núi, cỏ cây, hoa lá, tạo vật trong thơ Bác rất hữu tình. Có “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. Có “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” trong niềm vui thắng trận. Bác yêu hoa núi, chim rừng Việt Bắc: “Xem sách, chim rừng vào cửa đậu – Phê văn hoá núi ghé nghiên soi”; yêu ngọn núi, chim rừng báo mùa thu chợt đến… Thiên nhiên trong thơ Hồ chí Minh là một trong những yếu tố tạo nên sắc điệu trữ tình và màu sắc cổ điển.
Hai câu thơ cuối nói về dòng sông, khói sóng và con thuyền trăng:
“Yêu ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.
Ánh trăng ngày trước (1942-1943) chiếu vào ngục lạnh nơi đất khách quê người, thì đêm nguyên tiêu này là (1948), trăng lại soi xuống con thuyền trong đó Bác đang “đàm quân sự” (bàn bạc việc quân). Trăng nguyên tiêu là trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm, được nhân dân đón đợi với bao hy vọng, bao tình cảm nồng hậu. Lại nữa, trường hợp thưởng trăng không phải là trường hợp bình thường diễn ra trên sân nhà, ngõ xóm, hay “đăng lâu vọng nguyệt”, … mà là thưởng trăng trên khói sóng, nơi “yên ba thâm xứ” – cõi sâu kín, bí mật trên dòng sông, giữa núi rừng chiến khu bao la!
Người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các tao nhân mặc khách ngày xưa, mà còn là con người hành động, người chiến sĩ đánh giặc, vị lãnh tụ đang “bàn bạc việc quân” để lãnh đạo nhân dân kháng chiến, bảo vệ non sông đất nước.
Quả thật, đây là một trường hợp thưởng trăng rất đặc biệt: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”. “Yên ba” là khói sóng, một thi liệu cổ được Bác vận dụng rất sáng tạo làm hco bài thơ “Nguyên tiêu” mang phong vị Đường thi. Ba chữ đàm quân sự” đã khu biệt thơ Bác với thơ của người xưa, làm cho vần thơ mang màu sắc hiện đại và không khí lịch sử của thời đại.
Sau những canh dài bàn bạc việc quân căng thẳng nơi khói sóng sâu kín, trời đã về khuya. Nửa đêm (dạ bán), Bác trở về bến, tâm hồn sảng khoái vô cùng. Con thuyền của vị thống soái, con thuyền kháng chiến trở thành con thuyền trăng của thi nhân nhẹ bơi trên sông nước mênh mông, chở đầy ánh trăng vàng:
“Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền”.
(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền).
“Nguyệt mãn thuyền” là một hình ảnh rất đẹp và trữ tình, nó làm ta nhớ đến nhưng vần thơ hoa lệ:
“Bạn chơi năm ngoái nào đâu tá?
Trăng nước như xưa chín với mười”.
(Triệu Hỗ – Đường thi)
“Thuyền mấy là đông, tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông…”
(Bạch Cư Dị)
“Nước biếc non xanh thuyền gối bãi,
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu”
(Nguyễn Trãi)
.v.v….
Trở lại bài thơ Hồ Chí Minh, ta thấy con thuyền đang trôi nhẹ trên sông, ẩn hiện trong màn khói sóng, mang theo bao ánh trăng, hiện lên một thủ lĩnh quân sự giàu hồn thơ đang lãnh đạo quân dân ta kháng chiến để giành lại độc lập, tự do, để giữ mãi những đêm nguyên tiêu trăng đầy trời của đất nước quê hương thanh bình. Hình ảnh con thuyền trăng trong bài thơ này cho thấy tâm hồn Bác giàu tình yêu thiên nhiên, trong kháng chiến gian khổ vẫn lạc quan yêu đời.
Qua bài thơ “Nguyên tiêu”, ta có thể nói, trăng nước trong thơ Bác rất đẹp. Chính vầng trăng ấy đã thể hiện phong thái ung dung, tâm hồn thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc mang cốt cách nghệ sĩ, nhà hiền triết phương Đông.
“Nguyên tiêu” được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, man mác phong vị Đường thi. Bài thơ có đầy đủ những yếu tố của bài thơ cổ: một con thuyền, một vầng trăng, có sông xuân, nước xuân, trời xuân, có khói sóng. Điệu thơ thanh nhẹ. Không gian bao la, yên tĩnh… Chỉ khác một điều, ở giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình ấy, nhà thơ không có rượu và hoa để thưởng trăng, không đàm đạo thi phú từ chương, mà chỉ “đàm quân sự”. Bài thơ như một đoá hoa xuân đẹp trong vườn hoa dân tộc, là tinh hoa kết tụ từ tâm hồn, trí tuệ, đạo đức của Hồ Chí Minh.
Văn tức là người. Thơ là tấm lòng, là tiếng lòng cộng hưởng từ một người đến với muôn người. Thơ Bác Hồ tuy nói đến “trăng, hoa, tuyết, nguyệt…” nhưng đã phản ánh tâm tư, tình cảm, lẽ sống cao đẹp của Bác. Bác yêu nước, thương dân tha thiết nên Bác càng yêu đêm nguyên tiêu với vầng trăng xuân thơ mộng. Trong kháng chiến gian khổ, Bác đã hướng tới vầng trăng rằm tháng giêng, hướng tới bầu trời xuân với tâm hồn trong sáng và phong thái ung dung. Cuộc đời không thể thiếu vầng trăng. Biết yêu trăng cũng là biết sống đẹp.
“Nguyên tiêu” là một bài thơ trăng tuyệt tác của nhà thơ Hồ Chí Minh. Con thuyền chở đầy ánh trăng cũng là con thuyền kháng chiến đang hướng tới chiến công và niềm vui thắng trận …
Mỗi dòng sông, ngon cỏ, nhành hoa, ánh trăng…gần gũi, mộc mạc đi vào thơ Hồ Chí Minh lại trở nên có hồn và ấm áp yêu thương. Đọc thơ Bác chúng ta yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu những gì bình dị nhất. Bài thơ “Rằm tháng giêng” ra đời trong một đêm trăng tháng Giêng, giữa khung cảnh trời mây hữu tình, nên thơ và trong không khí bàn việc quân căng thẳng. Tuy nhiên người đọc vẫn nhận ra được chữ “tình” thật đầy, thật dạt dào qua từng câu thơ Người viết.
“Rằm tháng giêng” có tiếng Hán là “Nguyên tiêu” được Xuân Thủy dịch thành thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển. Có lẽ dịch giả Xuân Thủy đã khiến cho người đọc như đang ở trong khung cảnh lãng mạn giữa sông nước mênh mông tràn đầy ánh trăng đó. Không phải là ánh trăng của những ngày thường mà là ánh trăng ngày rằm tháng giêng, ánh trăng giữa không gian cuộc chiến tranh đang ác liệt.
Chỉ với 4 câu thơ lục bát, bằng nét bút tài tình Hồ CHí Minh đã vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh mùa xuân thật đẹp, thật trữ tình:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi)
Đêm trăng rằm tháng giêng là đêm trăng thiêng liêng, đêm trăng đẹp nhất trong năm vì nó mang hơi thở và sức sống của mùa xuân tươi mới, ấm áp. Đọc câu thơ Bác, chúng ta như đang chìm đắm trong sắc xuân, khí xuân, vị xuân nồng nàn và tràn đầy sức sống nhất. Ánh trăng xuân ‘lồng lộng” mang vẻ đẹp hữu tình, lung linh, rực rỡ. Với cách đảo từ láy “lồng lộng” trên trước đã nhấn mạnh vẻ đẹp rạng ngờ của đêm trăng rằm tháng giêng. Phải thật khéo, thật tinh tế Hồ CHí Minh mới có thể nhận ra vẻ đẹp mê hồn đó.
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)
Một câu thơ làm toát lên được thần thái của mùa xuân, người đọc có cảm giác như mùa xuân và ánh trăng ngày xuân bao trùm lên nơi đây. Mùa xuân có sự nối tiếp từ đất đến nước và đến trời thật hữu tình. Đây là cách diễn tả từ gần đến xa rất có dụng ý của Hồ Chí Minh. Ánh trăng đêm rằm tháng giêng như dát xuống mặt sông một màu sắc lung linh, mơ hồ. Mùa xuân toát lên qua câu thơ của Hồ Chí Minh tràn đầy sức sống mãnh liệt nhưng cũng không kém phần thi vị, nên thơ. Ở câu thơ này, đường nét của mùa xuân hiện nên thật rõ ràng, không còn mơ hồ nữa. Thật vậy, thiên nhiên trong thơ Người luôn có thần thái, có linh hồn như vậy. Những cảnh vật gần gũi trong thơ Bác cũng khiến người ta phải ngỡ ngàng. Cách điệp từ ‘xuân” trong câu thơ tiếng Hán của người dường như đã nhấn mạnh thêm vẻ đẹp thi vị của mùa xuân. Tuy dịch giả không dịch được sát ý tứ thơ của Người nhưng đã phần nào thổi vào đó linh hồn của mùa xuân.
Hai câu thơ đầu tiên không hề xuất hiện hình ảnh con người, nhưng chuyển tiếp đến câu thơ thứ ba, người đọc nhận ra có sự hiển hiện của những con người, hay nói đúng hơn là hình ảnh của Bác:
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bat ngát trăng ngân đầy thuyền
Câu thơ đã tái hiện lại khung cảnh “bàn việc quân” ngay giữa dòng sông tràn ngập ánh trăng. Một khung cảnh hữu tình và một công việc liên quan đến vận mệnh của đất nước. Dường như có vẻ trái ngược nhau nhưng thực ra chính sự đối lập này đã làm nổi bật lên hình ảnh của những con người đang ngày đêm cống hiến cho đất nước. Ánh trăng ngày xuân dường như đá “tràn” vào khoang thuyền, nơi Bác đang “bàn việc”. Dịch giả đã dùng từ “trăng ngân đầy thuyền” đã diễn tả được thần thái và nên thơ của khung cảnh nơi đây. Ánh trăng trong thơ Bác như được đẩy đến đỉnh điểm, một mức mà có lẽ cái đẹp đã thoát tục.
Con thuyền xuôi mái giữa dòng sông trăng, tựa mạn thuyền người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh đang đàm quân sự. Ánh trăng đêm này là ánh trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm được nhân dân đón đợi với bao tình cảm nồng hậu. Trăng đêm nay không phải là ánh trăng bình thường trước sân nhà, đầu ngõ. Bác thưởng trăng trên khói sóng, người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa mà còn là người đang hoạt động cách mạng với trọng trách nặng nề.
Đọc hai câu thơ cuối, người đọc lắng mình để cảm nhận về hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại. Dù việc quân bận rộn nhưng lòng bác luôn tràn đầy lòng yêu thiên nhiên, yêu sông núi Việt Nam. Những vần thơ chữ Hán của người khiến chúng ta liên tưởng đến thơ Đường của Trung Quốc, ý tại ngôn ngoại.
Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) thực sự là áng thơ hay tuyệt bút về mùa về, về trăng xuân, về tình yêu quê hương đất nước và yêu thiên nhiên nồng nàn. Giọng thơ nhẹ nhàng, tứ thơ uyển chuyển đã mở ra trước mắt người đọc khung cảnh xuân nên thơ nhất.