Hướng Dẫn
1.Ngay sau khi nêu gương các anh hùng nghĩa sĩ đã xả thân vì đất nước trong những thời kì loạn lạc, tác giả đã viết những lời hết sức tâm huyết kể tội ác của giặc. Bằng cái nhìn sáng suốt, sâu rộng và cảnh giác của vị Tiết chế thống lĩnh, Trần Quốc Tuấn đã vạch trần tà tâm và bộ mặt tham lam, tàn bạo của quân xâm lược phương Bắc qua hình ảnh của những tên sứ giặc.
2.Đoạn văn nói về nỗi lòng, tâm trạng của Trần Quốc Tuấn trước tội ác của giặc được đánh giá là đoạn đặc sắc, hay nhất của bài hịch. Tác giả đã sử dụng những lời văn hết sức thống thiết, cách nói thậm xưng để diễn tả nỗi đau, sự uất hận của một vị tướng lĩnh phải chứng kiến cảnh quốc thế bị sỉ nhục, nhân dân bị chà đạp. Nỗi đau ấy luôn thường trực, kéo dài dằng dặc theo dòng chảy thời gian (ngày, nửa đêm…) thấu vào tận xương tủy: “như dao cắt, nước mắt đầm đìa”. Càng đau xót càng uất hận, căm thù lên đến tột đỉnh biến thành mong muốn mạnh mẽ: “xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”. Tác giả đã sử dụng cách nói cụ thế đầy ấn tượng để biểu thị một thái độ kiên quyết không dung tha lũ giặc cướp nước. Câu văn chia thành nhiều vế đối nhau tạo cho giọng văn sự đanh thép, hùng hồn, mạnh mẽ.
3.Tác giả cũng chỉ ra một sự thật dù phũ phàng song rất hiển nhiên, tất yếu: Tiền không mua được đầu giặc, chó săn không đuổi được quân thù, rượu ngon không thế làm cho giặc say chết… Và người phải chịu hậu quả đau xót không chi là triều đình, là tướng lĩnh mà chính là bản thân người lính và những người thân yêu của họ.
Tác giả vẽ ra viễn cảnh hết sức bi thương sẽ xảv ra với những điều thiêng liêng, tôn kính nhất của mỗi con người: gia quyến bị tan, phần mộ cha mẹ bị quật lên, tiếng dơ khôn rửa… Còn gì đau xót hơn?
4.Tác giả là một vị thống lĩnh, lại trong một văn bản chính luận, không thể tránh khỏi nhừng lời lẽ khẳng khái, nghiêm khắc phê phán khi nói về thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của nhiều tướng sĩ trước vận mệnh đất nước “không biết lo, mà không biết thẹn, không biết tức…”. Nhiều lúc sắc thái đó còn được tăng lên thành nhừng lời khẳng định một chân lí duy nhất, không thể khác: “Nếu các ngươi… thì mới phải; nhược bằng khinh bỏ… tức là kẻ nghịch thù”. Đối với Trần Quốc Tuấn, đó cũng là tư tưởng chung của hệ ý thức phong kiến “ái quốc”, thống nhất với “trung quân”. Thiết nghĩ trung thành với một triều đại thân dân, có những vị tướng kiệt xuất, hết lòng vì giang sơn xã tắc thì cũng là thuận ý trời, hợp lòng dân. Như vậy, lời lẽ và thái độ của Trần Quốc Tuấn cũng là hết sức hợp lí.
Nhưng có nhiều khi muốn bày tỏ sự ân tình hay khuyên răn thiệt hơn, tác giả lấy giọng gần gũi, chân tình của người cùng chung cảnh ngộ: “Các ngươi ở cùng ta…”, “lúc bấy giờ ta cùng các ngươi sẽ bị đau xót biết chừng nào…”, “chẳng những… mà”.
Đặc biệt là đoạn văn miêu tả tâm trạng xót xa, uất hận đến tột cùng của vị thống lĩnh đã tạo cho bài hịch có sắc thái chân tình, gần gũi, thắm thiết.
Tham khảo:
Để diễn đạt một nội dung vừa có tính cách thuyết phục, vừa có tính cách phê phán, tác giả đã lập luận rất chặt chẽ như chúng ta đã thấy ở phần kết cấu và bố cục – lời lẽ có tình, có lý, khi thì thiết tha, khi thì đanh thép, chuyển từ đầu đến cuối một cách logic.
Để phân rõ lẽ phải – trái, chính – tà, tác giả đi từ xa đến gần, từ vấn đề chung đến vấn đề cụ thể trước mất. Mở đầu, tác giả dẫn chứng trong sử sách đời xưa để nói khả năng của tướng sĩ đời nay, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Tác giả chuyển xuống phân tích nỗi giặc tàn ác như thế nào, nỗi mình thâm giao như thế nào, tiếp đó tác giả vạch ra hai viễn cảnh trái ngược nhau, rồi kết thúc bằng lời kêu gọi đanh thép; hoặc theo ta, hoặc theo giặc, hoặc là bạn, hoặc là thù, hoặc là danh thơm muôn thuở, hoặc là tiếng xấu nghìn thu. Phương pháp tương phản, đi đôi với lối văn biền ngẫu trong bài này thật là “đắc dụng”.
Ở đây chẳng những ý từng đoạn đôi nhau, mà ý từng câu đối nhau, từng chữ đối nhau. Chúng ta đọc đến đâu là lẽ phải – trái nổi bật đến đấy; “Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn,, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức. Nghe nhạc Thái thường đãi yến ngụy sứ mà không biết căm…”,
Rõ ràng, chữ đập nhau, đối nhau chan chát, ai là người không nhận rõ chính – tà?
Tác giả lại biết phối hợp phương pháp điệp ngữ, điệp ý để làm tăng thêm tính thiết tha, tính bi tráng của câu văn. Để đập vào tư tưởng an hưởng thái bình trong tướng sĩ lúc đó, tác giả viết: hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc… hoặc…”. Tác giả nêu lên hình tượng cựa gà trống bên áo giáp, mẹo cờ bạc bên quân mưu. Sự vật có vẻ hài hước, nhưng ý nghĩa thật nghiêm trang. Bằng phương pháp tương phản kết hợp phương pháp so sánh, tác giả nêu ra hai viễn cảnh:
Viễn cảnh u ám Viễn cảnh tươi đẹp
Thái ấp của ta: Không Bổng lộc các ngươi: Mãi mãi vững còn + cũng mất bền + đời đời hưởng thụ
Gia quyến của ta: Bị tan + Vợ con các ngươi: Yên ấm gối chăn + cũng khốn Bách niên giai lão
Xã tắc tổ tông của ta: Bị Mồ mả cha mẹ các ngươi: Muôn đời giày xéo + bị quật lên tế lễ + Thờ cúng quanh năm
Để làm tăng thêm tính quan trọng của vấn đề, tác giả nhắc lại ý nghĩa đối với quần chúng nhân dân lúc bấy giờ và sự thanh nghị của người đời sau trong sử sách. Sau đó tác giả đặt một mệnh đề nghi vấn nhưng lại rất khẳng định:
Trong cảnh u ám: “Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không?”.
Trong cảnh huy hoàng: “Lúc bấy giờ, dẫu các người không muốn vui chơi phỏng có được không?”.
Đây là một đoạn văn hùng biện tài tình, khích lệ cao độ lòng căm thù, chí phấn đấu. Nhà văn Đặng Thai Mai có nhận xét về đoạn văn này: “Văn thể đoạn này, lời lẽ một bài thuyết pháp. Đập từng chữ, dằn từng câu, Hưng Đạo Vương đánh mạnh vào tình cảm tu ố của bộ hạ, để cho họ biết chán, biết ghét, biết khinh bỉ cái đời hưởng thụ và vô ích của bọn tín đồ chủ nghĩa khoái lạc”.
Đặc điểm bài văn này còn ở chỗ tác giả biết cấu tạo hình tượng sinh động, sử dụng lời văn thích đáng. Để nêu những hy sinh trong sử sách, tác giả nêu lên những hình tượng “đem mình chết thay”, “chìa lưng chịu giáo”, “nuốt than”, “chặt tay”… Đối với giặc, tác giả dùng những hình tượng “uốn lưỡi cú diều”, “đem thân dê chó”. Chỉ mấy chữ đó cũng nói lên bản chất của giặc là xảo quyệt và hèn hạ. Như vậy lòng căm thù mới đến độ: bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai. Hình tượng “bêu đầu”, “làm rữa thịt” nói lên được cái uất hận trào lên của mọi người, của tướng sĩ và của chính bản thân Trần Quốc Tuấn… Những hình tượng “quên ăn”, “vỗ gối”, “ruột đau”, “nước mắt đầm đìa” chứa đựng một nội dung, một tấm lòng; cùng quân thù không đội trời chung. “Xả thịt lột da, uống máu quân thù” tám chữ nhưng chỉ một tấm lòng yêu nước, chí căm thù vào tim gan tướng sĩ, có tác dụng đánh bại tư tưởng an hưởng thái bình trong đầu óc tướng sĩ.
Để làm nổi bật các hình tượng, tác giả chú ý sử dụng lời văn. Ngoài cách chọn chữ, chọn lời của tác giả rất thích đáng, để cách sử dụng tiếng đưa đẩy (hư từ) rất tài tình. Chẳng hạn: “…chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các người cũng mất…”. Những từ “chẳng những”, “mở” được lặp lại nhiều lần, làm tăng vẻ thiết tha, bi tráng, hùng biện của bài văn. Có khi chỉ là một ý (như ở đoạn trên đà phá tư tưởng hưởng lạc…), nhưng tác giả hết sức chú ý diễn xuôi đảo ngược, nói đi nói lại, lời lẽ tình ý thấm từng giọt vào đường gân thớ thịt, vào kẽ tóc chân tơ… Trần Quốc Tuấn đã có một ưu điểm nổi bật: Bộc lộ lòng mình, lòng yêu non sông đất nước thắm thiết của mình, và từ đó lời nói tâm can của ông mới thấm lòng người, lòng tướng sĩ và khích lệ được lòng yêu nước của mọi người, của tướng sĩ. Giá trị thuyết phục của bài hịch chính là ở chỗ đã kết hợp ở mức độ cao hai yếu tố tình cảm và lý tính.