Thế kỉ XIII, đất nước Đại Việt liên tục đứng trước mối đe doạ của giặc Nguyên. Chiến đấu để độc lập, tự chủ, hay đầu hàng để chịu mất nước, nô lệ? Vua tôi nhà Trần đã quyết chọn con đường chiến đấu. Nhưng làm sao để có thể chọn được con đường ấy? Trần Quốc Tuấn đã đưa ra một lời giải đáp vừa thấu lí vừa đạt tình trong bài ‘Hịch tướng sĩ ‘ bất hủ của mình. Bài hịch, mặc dầu là một bài văn chính luận, nhưng có những đoạn văn đọc lên nghe rất thống nhất, tràn đầy tình cảm nhưđoạn ông viết về lòng căm thù đối với quân giặc.
Trần Quốc Tuấn viết:
‘...Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời rối ren, lớn lên gặp buổi khó nhọc’.
Không phải riêng ta hay riêng các ngươi, mà ta ‘cùng các ngươi’. Nói thế Trần Quốc Tuấn đã chia sẻ tâm sự của mình cùng với các tướng sĩ, cũng là chia một chân lí của thời đại: trong thời bình, cương vị của mọi người có thể khác nhau, nhưng khi đất nước bị lâm nguy, nền tự chủ của đất nước bị đe doạ hoặc nếu mất nước thì tất cả mọi người, không trừ ai, sẽ giông nhau trước nỗi nhục chung, nỗi khổ chung của kẻ mất nước.
Bởi vậy, nỗi nhục sau đây không phải của riêng ai:
ngó thấy sứ giặc đi lại nghêng ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ... ‘
Những sự việc như thế có thể nhiều người đã biết một cách riêng biệt và cụ thể, đã được vị tướng họ Trần hệ thống lại, dựng thành một bức tranh sinh động về hành động láo xược của sứ nhà Nguyên. Ông chỉ nêu lên ba sự việc của bọn chúng: đi lại nghênh ngang, sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ (tức là bậc đứng đầu trong các quan), kèm theo những hình ảnh diễn tả đầy căm giận: ‘uốn lưỡi cú diều’, ‘đem thân dê chó’. Những sự việc đó nhằm nói lên điều gì? Danh dự của đất nước bị sỉ nhục, chủ quyền của đất nước xâm phạm. Làm sao có thể không cảm thấy chính mình bị nhục, làm sao có thể không cảm thấy lòng đầy căm giận khi chính mắt mình nhìn thấy những sự việc nhưthế.
Tác giả bài hịch lại kể tiếp về bọn giặc:
'... lại thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng để vét của kho có hạn’.
Không chỉ dừng lại ở những hành động láo xược, bọn xứ giặc còn có những đòi hỏi vô lý về của cải vật chất. Ý nghĩa toát ra từ việc trở nên rất sinh động khi tác giả đặt ra sự tương phản giữa ‘của kho có hạn’ với ‘lòng tham khôn cùng’ của bọn sứ Mông cổ. Thế thì, với những hành động ngông cuồng, sỉ nhục về mặt tinh thần, vơ vét về mặt vật chất, bọn sứ giặc đã lộ rõ bản chất tham tàn của kẻ xâm lược. Từ đó, thái độ nhìn xa trông rộng đầy tinh thần cảnh giác của tác giả đã hoàn toàn đúng đắn:
‘Thật khác nào ném thịt cho hổ đói, sao cho khỏi gây tai vạ về sau! ‘
Như thế có nghĩa là sự nhân nhượng đã đến chỗ tận cùng giới hạn. Không thể nhân nhượng hơn được nữa! Không thể nhẫn nhục hơn được nữa! Đến đầy, Trần Quốc Tuấn bày tỏ lòng căm giận của mình:
‘Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng’.
Trong văn thơ cổ, thật chưa có ở đâu, lòng căm thù giặc và ý chí quyến chiến được diễn tả một cách chân thành, thống thiết và mãnh liệt đến thế. Đây là lòng căm thù và ý chí riêng của một người nhưng cũng tiêu biểu cho lòng căm thù và ý chí của toàn thể nhân dân Đại Việt. Hay có thể nói: ý chí của cả một dân tộc, một đất nước dồn nén lại trong nỗi niềm của một con người.
Có một điều đáng lưu ý: ở đoạn trên tác giả nói đến hoàn cảnh chung của ‘ta’ và ‘các ngươi’, nhắc đến nguy cơ chung, nỗi nhục chung của ‘ta cùng các ngươi’ nhưng đến đoạn sau, nói lên ý chí căm thù giặc, tác giả chỉ nói ‘ta’. Vì sao vậy? Vì đó chính là điều mà vị tổng tư lệnh quân đội mong đợi ở tướng sĩ, đòi hỏi ở mỗi tướng sĩ của mình. Đằng sau đoạn văn là một câu hỏi bức bách: thời cuộc rối ren như vậy, đất nước gặp buổi khó khăn như vậy, nỗi lòng ta như vậy, còn lòng các ngươi ra sao? Các ngươi đã thấy nỗi nhục của nước, nhưng các ngươi đã có lòng căm hận đến như thế chăng?
Nếu ‘Hịch tướng sĩ’ của Trần Quốc Tuân là một trong những áng văn hay nhất thời cổ, thì đoạn văn trên là một trong những đoạn văn vừa hùng hồn vừa tình cảm nhất của bài hịch. Đọc đoạn văn, ta còn như nghe vang lên khí thế của cả một thời kì lịch sử oanh liệt.