Tập làm văn lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Trần Trà Giang

phân tích bài QUA ĐÈO NGANG

help me!!!!

Lưu Hạ Vy
24 tháng 10 2016 lúc 21:19

Có nơi đâu đẹp tuyệt vời

Như sông như núi, như người Việt Nam

Câu thơ thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào về non sông đất trời Việt Nam. Thiên nhiên trên quê hương ta có vẻ đẹp mộng mơ, chan hoà sức sống. Chính vì vậy, thiên nhiên luôn là dề tài bất tận của thi ca. Lúc thì lung linh, huyền diệu như trong mộng, lúc lại rực rỡ, kiêu sa tựa ánh mặt trời. Nhưng đồng thời, cảnh vật cũng sẽ nhuốm màu ảm đạm, thê lương dưới ánh mắt của các nhà thơ mang một tâm sự u hoài khi sáng tác một bài thơ tức cảnh. Vì thế, đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Câu thơ thật thích hợp khi ta liên tưởng đến bà Huyện Thanh Quan với bài thơ Qua đèo Ngang.

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà.

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa Lom khom dưới núi, tiều vài chú Lác đác bên sông, chợ mấy nhà Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại, trời non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Phải hiểu rõ và yêu quý bài thơ mới thấy hết được tài năng cũng như tư tưởng luôn hướng về quê hương đất nước và gia đình của bà Huyện Thanh Quan. Ai dám bảo rằng người phụ nữ trong xã hội phong kiến không có được những tình cảm thiêng liêng đó?

 

Chỉ mới đọc hai câu đầu của bài thơ thôi:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

là ta đã nhận ngay ra một nỗi buồn xa vắng.

Câu thơ xuất hiện cụm từ bóng xế tà và sự hiện diện của điệp từ chen cùng cách gieo vần lưng lá, đá đã tạo nên sự cô đơn, tĩnh mịch. Từ tà như diễn tả một khái niệm sắp tàn lụa, biến mất. Yếu tố thời gian làm cho câu thơ thêm phần buồn bã. Ca dao cũng đã có câu:

Vẳng nghe chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau

Thế mới biết, những tình cảm cao quý của mỗi người dường như gặp nhau ở một điểm. Đó chính là thời gian. Mà quãng thời gian thích hợp nhất để bộc lộ sự nhớ nhung khắc khoải chính là lúc chiều về. Ở bài thơ Qua đèo Ngang, tác giả bỗng dâng lên cảm xúc man mác khi bà bắt gặp ánh hoàng hôn bao phủ cảnh vật ở Hoành Sơn. Cảnh vật đã buồn lại trống vắng hơn bởi điệp từ chen ở câu thứ hai. Nó làm cho người đọc thơ bỗng cảm nhận được sự hoang vắng của đèo Ngang lúc chiều tà, bóng xế mặc dù nơi đây rất đẹp: có cỏ cây, đá, lá, hoa. Vì ở đây vắng vẻ quá nên thi sĩ đã phóng tầm mắt để tìm kiếm một chút gì gọi là sự sống linh động. Và kìa, phía xa xa dưới chân đèo xuất hiện hình ảnh:

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

Câu thơ gợi cho tả hình dung trong ánh hoàng hôn lạnh lẽo, mấy người tiều phu đang đốn củi, mấy quán chợ xiêu xiêu trong gió. Đảo ngữ đưa hai từ láy lom khom, lác đác lên đầu câu đã được tác giả sử dụng như nhấn mạnh thêm sự u hoài ở đây. Nhà thơ đi tìm một sự sống nhưng sự sống đó lại làm cho cảnh vật héo hắt, buồn bã hơn, xa vắng hơn. Sự đối lập vốn có của hai câu thực khiến cho cảnh trên sông, dưới núi thêm rời rạc, thưa thớt. Từ vài, mấy như càng nói rõ thêm sự vắng vẻ ở nơi này. Trong sự hiu quạnh đó, bỗng nhiên vẳng lên tiếng kêu đều đều, man mác của loài chim quốc quốc, chim gia gia trong bóng hoàng hôn đang buông xuống.

Từ ghép đau lòng, mỏi miệng khiến cho ta có cám giác tha thiết, ray rứt. Từ nhớ nước, thương nhà là nỗi niềm của con chim quốc, chim gia gia do tác giả cảm nhận được hay chính là nghệ thuật ẩn dụ để nói lên tâm sự từ trong sâu thẳm tâm hồn của nữ sĩ? Nghệ thuật chơi chữ quốc quốc gia gia phải chăng là Tổ quốc và gia đình của Bà Huyện Thanh Quan hồi đó?

Sự song song về ý, về lời của hai câu thơ trong phần luận của bài thơ này nhằm nhấn mạnh tình cảm của bà Huyện Thanh Quan đối với Tổ quốc, gia đình trước cảnh thật là khéo léo và tài tình. Từ thực tại của xã hội đương đời mà bà đang sống cho đến cảnh thực của đèo Ngang đã khiến cho tác giả sực nhớ đến mình và tâm sự:

Dừng chân dứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Câu kết của bài, ta cảm thấy nhà thơ có tâm sự u hoài về quá khứ. Dừng lại và quan sát bà chỉ thấy: trời, non, nước. Vũ trụ thật rộng lớn, xung quanh bà là cả một bầu trời với núi, với sông khiến cho con người cảm thấy mình bé nhỏ lại, đơn độc, trống vắng, ở đây, chỉ có một mình bà ta với ta, lại thêm mảnh tình riêng cho nước, cho nhà trong huyết quản đã làm cho cõi lòng nhà thơ như tê tái. Vũ trụ bao la quá! Con người cô đơn quá! Tất cả lại được diễn tả dưới ngòi bút tài hoa của người nữ sĩ nên bài thơ là bức tranh đặc sắc. Từ ta với. ta như một minh chứng cho nghệ thuật điêu luyện trong sáng tác thơ ca của bà Huyện Thanh Quan. Bởi vì cũng ta với ta nhưng nhà thơ Nguyễn Khuyến lại nói:

Bác đến chơi đây ta với ta

lại là sự kết hợp của hai người: tuy hai mà một, tuy một mà hai. Còn bà Huyện lại:

Một mảnh tình riêng ta với ta.

đã tô đậm thêm sự lẻ loi, đơn chiếc của mình. Qua câu thơ, ta như cảm nhận sâu sắc hơn nỗi niềm tâm sự của tác giả trưức cảnh tình quê hương..

Phân tích bài thơ rồi, em hiểu sâu sắc hơn, thấm thía hơn tình cảm của một nhà thơ nữ trong xã hội thời xưa, giúp em thêm yêu quý đất nước và con người Việt Nam. Em cảm thấy vững vàng trong tư tưởng và có những suy nghĩ tích cực hơn góp phần xây dựng quê hương đất nước Việt Nam thêm giàu đẹp, để giữ mãi được những dấu tích mà người xưa để lại như gửi gắm, nhắc nhở và trao gởi cho chúng em.

Từ xưa đến nay, có nhiều nhà thơ tả cảnh đèo Ngang nhưng không ai thành công bằng bà Huyện Thanh Quan vì trong tác phẩm của bà có cả tâm hồn, tình cảm, nỗi lòng và tài năng của một cây bút tuyệt vời. Cả bài thơ được gieo vần "a" như chính tâm sự hoài cổ của tác giả. Chúng ta không tìm thấy dù chỉ một chút gọi là sự ồn ào trong cách miêu tả. Tất cả chỉ là sự trầm lắng, mênh mang như chính tâm sự của tác giả.

Lời thơ nghe xao xuyến, bồi hồi làm cho người đọc xúc động cũng chính là những cảm xúc sâu lắng của bà Huyện Thanh Quan khi đặt chân lên đèo Ngang trong khung cảnh miền núi khi hoàng hôn buông xuống. Cũng những cảm xúc ấy, ta sẽ gặp lại khi đọc bài Chiều hôm nhớ nhà của bà với câu:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống dồn.

Để tỏ lòng biết ơn đối với nhà thơ xưa đã cho ta những phút giây có được tình cảm tốt đẹp xuất phát từ đáy tâm hồn, từ sự rung cảm thật sự, người đời đã đặt một tên làng, một tên đường: Bà Huyện Thanh Quan để mãi mãi ghi nhớ tài năng cũng như tư tưởng tuyệt vời của người,nữ sĩ đối với non sông, đất nước một thời đã qua

Phương Thảo
24 tháng 10 2016 lúc 21:22

Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu khái quát tòan cảnh không gian và thời gian:

“ Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà”

Không gian là Đèo Ngang, thời gian là buổi xế tà. Nhà thơ đến với Đèo Ngang khi một ngày vừa lụi tắt. Anh tà dương đã khuất sau rặng núi phía Tây. Cụm từ “ bóng xế tà” lấy ý từ thành ngữ dân gian “chiều tà bóng xế” gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác buồn mênh mang. Cảm giác ấy cứ lan tỏa dần theo vần “ a” ngân dài ở cuối câu như một nốt nhạc trầm sâu lắng. Không biết từ bao giờ, cảnh hòang hôn luôn gợi lên trong lòng người một cảm giác buồn da diết. Cảm giác này cùng với không gian chiều tà luôn là bối cảnh nền trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“ Chiều trời bảng lảng bóng hòang hôn

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn”

( Chiều hôm nhớ nhà )

Hoặc trong bài “Thăng Long thành hoài cổ” ta cũng gặp hình ảnh tương tự:

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Trên cái nền trời “ xế tà”, tác giả tiếp tục ngắm nhìn khung cảnh Hòanh Sơn. Trong ánh mắt nhà thơ, cảnh vật hiện lên thật đẹp nhưng cũng thật hoang sơ:

Cỏ cây chen đa, lá chen hoa”

Cỏ cây chen với đá, lá xen lẫn với hoa. Phép liệt kê kết hợp với nghệ thuật điệp từ, nhân hóa “ chen” làm cho mọi vật vừa xô bồ lại vừa sống động. Chúng như có hồn, đang cố chen chúc nhau ngoi lên đón chút ánh sáng thừa còn sót lại ở trời Tây. Cảnh Đèo Ngang hoang vu vang lặng và đượm một cảm giác buồn khó tả.

Từ trên đỉnh đèo, tác giả phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Bức tranh Đèo Ngang lại xuất hiện thêm những hình ảnh mới qua nét bút của thi nhân:

“ Lom khom dưới núi tiều vài chu

Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

Nhà cửa và con người đã xuất hiện trong thơ, nhưng điều đó không làm cho cảnh vật Đèo Ngang bớt đi cái cảm giác buồn cô liêu hoang vắng. Con người chỉ là vài chú tiều đang lom khom đi dưới núi, nhà cửa chỉ có mấy căn nhà chợ rải rác bên sông. Các từ gợi tả “lom khom” “lác đác” được đảo ra đầu câu như muốn khắc họa sự bé nhỏ thưa thớt của đối tượng miêu tả. Tất cả như hòa lẫn, mất hút trong cái mênh mông lặng lẽ ở Đèo Ngang. Hình ảnh trong thơ đẹp như một bức tranh thủy mặc nhưng sao ta vẫn cảm thấy ẩn chứa trong đó một nỗi buồn mang mác.

Nỗi buồn khó tả trong câu thơ được tăng lên gấp bội khi bức tranh tả cảnh Đèo Ngang được điểm tô thêm bởi tiếng kêu khắc khoải của chim rừng:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

Nhà thơ chuyển đổi cảm nhận từ thị giác sang thính giác để lắng nghe giữa muôn ngàn âm thanh của rừng núi tiếng kêu da diết của con chim quốc quốc, chim gia gia. Hòan tòan không phải là một sự ngẫu nhiên. Con chim quốc gợi nhớ về một điển tích xa xưa, vua nước Thục mất nước hóa thành chim, mãi kêu gào về một đất nước đã không còn. Còn chim gia gia, tiếng kêu thương về nỗi niềm xa cách quê nhà. Tiếng kêu thiết tha của chim hay chính là tiếng lòng của tác giả, một nữ sĩ tài hoa, một người lữ khách rời xa quê hương với Thăng Long huy hòang trong quá khứ, rời xa gia đình để vào kinh đô Huế nhận một chức nữ quan.Nghệ thuật chơi chữ đồng âm độc đáo cùng phép tu tư nhân hóa, đảo ngữ đã diễn tả một cách sống động ngoại cảnh và tâm cảnh.

Từ nhìn thấy, đến nghe thấy rồi cảm thấy. Tâm sự của nhà thơ được cô đọng lại ở hai câu Kết chính là:

“ Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta”

Câu thơ khái quát cảnh và tình của cả bài thơ. Trước mắt nhà thơ là khỏang không gian mênh mang rộng lớn ở Đèo Ngang. Và đứng trước cái bao la vô cùng vô tận ấy, con người bỗng trở nên nhỏ bé cô đơn đến lạ lùng. “Một mảnh tình riêng” không ai chia xe, chỉ một mình nhà thơ đối diện với chính mình. Cụm từ “ta với ta” cực tả cái cảm giác cô đơn của người lữ khách trên Cảnh càng mênh mông, tâm hồn càng trở nên trống trải. Hai chi tiết tương phản nhau khắc họa đậm nét nỗi niềm của tác giả

Tóm lại, đọc bài thơ “Qua Đèo Ngang”, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ nhưng hùng vĩ của “đệ nhất hùng quan” đất nước. Vẻ đẹp ấy được tô điểm bởi bàn tay tài hoa của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Phải thật sự yêu thiên nhiên, hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên cuộc sống, nhà thơ mới có những vần thơ hay và trang nhã đến thế. Có thể nói, Bà Huyện Thanh Quan đã gửi hết tâm tư tình cảm, nỗi lòng cua mình vào trong từng nét bút vần thơ. Để rồi, trong mỗi nét đẹp của thiên nhiên đều ẩn chứa tâm sự buồn thương của tác giả. Đúng như lời thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du :

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Minh Thư (BKTT)
24 tháng 10 2016 lúc 21:32

1) Cảnh Đèo Ngang:

-Giới thiệu không gian: Đèo Ngang.

- Điệp ngữ, nhân hóa: " chen", liệt kê: " cỏ, cây, hoa, lá,...": cảnh thiên nhiên um tùm, hoang vắng.

- Từ láy, đảo ngữ, điẹp cấu trúc câu, phép đối: con người nhỏ bé, ít ỏi, nhà cửa thưa thớt càng tăng sự hoang vắng của cảnh vật.

- Nhân hóa, phép đối,..: miêu tả âm thanh của chim quốc quốc, cái gia gia vọng lên khắc khoải.

* Từ láy, điệp ngữ, nhân hóa, điệp cấu trúc câu, phép đối, đảo ngữ,..: cảnh thiên rất hoang sơ, vắng lặng, heo hút của miền sơn cước.

2) Tâm trạng của nhà thơ:

- Hoài cổ: nhớ nước, thương nhà.

- Cô đơn, lẻ loi\(\Rightarrow\) buồn.

-Nghệ thuật: Tương phản.

- Cum từ "ta với ta": Là một mình nhà thơ đối diện với sự thật, bộc lộ sự cô đơn, lẻ loi, không người đồng cảm, sẻ chia của tác giả.

Chúc bạn học tốt!

Linh Phương
25 tháng 10 2016 lúc 12:25
Ai đã từng một lần đi trên con đường xuyên Việt, hẳn đều biết đến đèo Ngang. Đây là một đèo khá dài và khá cao, nằm vắt ngang sườn núi cheo leo, hiểm trở của khúc cuối dãy Hoành Sơn, trước khi đâm ra biển. Lên đến đỉnh đèo, du khách sẽ được thưởng thức cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên hùng vĩ: núi non trùng điệp, đại dương bao la, trời cao thăm thẳm. Đèo Ngang là ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thuở xưa, bao người vào kinh đô Huế để thi cử hay làm việc cho triều đình phong kiến đã đi qua đèo này rồi lâng lâng xúc cảm trước vẻ đẹp của nó mà làm thơ ca ngợi. Bà Huyện Thanh Quan nhân dịp từ Thăng Long vào Huế nhậm chức Cung trung giáo tập (dạy dỗ các cung nữ trong cung) đã sáng tác bài Qua đèo Ngang. Đằng sau bức tranh phong cảnh thiên nhiên là tâm trạng của nữ sĩ: cô đơn, nhớ nhà và hoài niệm về một thời đại huy hoàng đã qua. Có thể coi đây là bài thơ hay nhất trong những bài thơ sáng tác về thắng cảnh này. Câu phá đề đơn giản chỉ là lời giới thiệu về thời điểm tác giả đặt chân đến đèo Ngang: Bước tới đèo Ngang bóng xế tà, 

Đó là lúc mặt trời đang lặn, phía tây chỉ còn chút nắng hắt những tia sáng yếu ớt lên nền trời đang sẫm dần. Thời điểm này rất dễ gợi buồn trong lòng người, nhất là đối với kẻ lữ thứ tha hương.

Tuy vậy, trời vẫn còn đủ sáng để nhà thơ nhận ra thiên nhiên nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc: Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Cỏ cây, hoa lá chen nhau mọc bên đá núi. Có cái gì đó như linh hồn của tạo vật thấp thoáng sau từng chữ. Điệp từ chen, các vế đối: cây chen đá, lá chen hoa miêu tả sức sống mãnh liệt của một vùng rừng núi hoang vu. Cảnh đẹp thì có đẹp nhưng nhuốm màu buồn bã, quạnh hiu, thiếu hơi ấm con người. Những bông hoa rừng đây đó không đủ làm sáng, làm vui bức tranh núi non lúc ngày tàn, đêm xuống. Trên bối cảnh thiên nhiên bao la ấy thấp thoáng bóng dáng con người và hơi hướng cuộc sống nhưng cũng chỉ ít ỏi, mờ nhạt, xa vời: Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Con mắt tinh tế của nhà thơ phát hiện ra nét đặc trưng của người và cảnh trước tiên nên bà đã dùng nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh đặc trưng ấy. Dáng vẻ lom khom của mấy chú tiều hái củi sườn non làm cho con người vốn đã nhỏ bé lại càng thêm nhỏ bé trước thiên nhiên cao rộng. Cái chợ là nơi biểu hiện sức sống của một cộng đồng làng xã, lẽ ra tấp nập đông vui, nhưng ở đây nó chỉ là mấy túp lều xơ xác bên sông… Bao trùm lên cảnh vật là một nỗi buồn tê tái và nỗi buồn ấy thấm sâu vào lòng người: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Giữa không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đôi ấy bỗng vẳng lên tiếng chim quốc khắc khoải, tiếng chim đa đa não nuột. Đó là những âm thanh có thật mà cũng có thể là tiếng vọng từ tâm trạng chất chứa nỗi buồn thời cuộc của nhà thơ. Mượn bút pháp ước lệ và nghệ thuật chơi chữ (từ đồng âm khác nghĩa) để nói lên lòng mình trước cảnh, đó là tài hoa của nữ sĩ. Tiếng chim kêu không làm cho cảnh vui lên thêm chút nào mà lại làm tăng phần quạnh quẽ, cô liêu. Phải chăng tiếng chim chính là tiếng lòng của kẻ đang mang nặng tâm trạng u buồn, hoài vọng, nhớ nước thương nhà?! Hồn cảnh, hồn người như có nét tương đồng, cho dù về hình thức hoàn toàn tương phản. Cái bao la, vô tận của non nước tô đậm cái cô đơn, chơ vơ của con người và ngược lại. Vì vậy nên nỗi buồn càng lắng đọng: Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta. 

Quả là một nỗi buồn lớn lao, thấm thía, khó san sẻ, giãi bày. Nó như kết thành hình, thành khối, thành mảnh tình riêng khiến nhà thơ phải thốt lên chua xót: ta với ta. Chỉ có ta hiểu lòng ta mà thôi! Vì thế nên sự cô đơn càng tăng lên gấp bội.

Thảo Phương
25 tháng 10 2016 lúc 17:27

Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng trong thời kỳ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bà sáng tác thơ rất ít nhưng hầu hết những tác phẩm của bà đều có giá trị to lớn. Đặc biệt qua hai bài thơ Qua đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà, bà đã bộc lộ tài năng độc đáo của mình: sâu lắng, hoài cổ, buồn nhớ trong nỗi niềm tâm sự cùng với nghệ thuật đặc sắc "tức cảnh sinh tình" thật trang nhã, đầy hình tượng.

Trước hết, điểm nổi bật trong thơ Bà Huyện Thanh Quan là nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình" với ngôn ngữ thật quý phái mà đượm buồn. Ở cả hai bài thơ, ta đều bắt gặp một quang cảnh buồn, hoang vắng, cô tịch. Đó là cảnh buổi hoàng hôn tím sẫm, cái khoảng không gian và thời gian buồn, gợi nhớ nhất trong một ngày. Cảnh đèo Ngang bóng xế tà tịch mịch, rồi cảnh trời bảng lảng bóng hoàng hôn. Nếu chứng kiến cảnh hoàng hôn ấy, có lẽ ai cũng có tâm trạng buồn, cảm nhận cái buồn chứ không riêng gì với nhà thơ nữ nhạy cảm như Bà Huyện Thanh Quan. Ở đây, sự vật lại quá vắng vẻ, hoang lạnh, cô đơn. Nếu ở Đèo Ngang, tác giả chỉ thấy:

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

thì ở cái buổi chiều hôm nhớ nhà ấy cũng vẫn hoang vắng đến lạnh lùng:

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn

Đó là âm thanh duy nhất gợi cho ta cảm giác rõ rệt về âm thanh. Ta nghe thấy tiếng ốc nhưng nó lại quá xa xôi: xa đưa, lúc nhặt lúc khoan nghe càng buồn tẻ. Cái âm thanh đó chỉ làm sâu thêm nỗi lạnh lẽo của bà Huyện. Ở cả hai bài thơ, ta cùng bà Huyện chỉ thấy, chỉ nghe được cái quang cảnh buồn vắng ấy, cái âm thanh mơ hồ ấy, gợi một nỗi u hoài mênh mang.

Cả hai bài thơ đều có hình ảnh con người nhưng chỉ thoáng bóng thôi, và quang cảnh chỉ có thế. Đó là những người dân lao động nghèo, vất vả làm ăn, sinh hoạt của họ thật tẻ nhạt, thiếu sinh động:

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

(Qua đèo ngang)

Và:

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gò sững mục tử lại cô thôn

(Chiều hôm nhớ nhà)

Bà Huyện đã sử dụng biện pháp đảo ngữ ở mức cao nhất nhằm làm nổi bật bóng dáng con người trong cảnh, nhưng cảnh vẫn buồn, vẫn cô tịch, vẫn đìu hiu. Bởi vì buổi hoàng hôn là lúc mọi hoạt động của con người đã lắng xuống, không còn sôi động như mọi thời điểm khác. Vả lại, ở đây vắng vẻ quá, chỉ có tiều vài chú, chợ mấy nhà; ngư ông lại ở mãi tận "phố xa"… Vì thế Bà Huyện Thanh Quan không thể vui vẻ, không thể hững hờ trước cảnh được. Mà vì "tức cảnh" bà đã bộc lộ nỗi niềm mãnh liệt nhất và sâu kín nhất trong tâm hồn bà.

 

Nhưng nỗi niềm tâm sự đó là gì? Đó là nỗi u hoài, nỗi nhớ sâu lắng ẩn trong tâm hồn bà. Bà nhớ về thời xa xưa, thời kỳ vàng son của chế độ phong kiến, thời kỳ mà bà cho là tốt đẹp. Bà luôn hoài cổ để chối bỏ thực tại và bày tỏ sự chán ghét thực tại. Đó là nỗi nhớ nước, nhớ nhà bà luôn giấu kín trong lòng. Trước cảnh vật quá phù hợp với tâm trạng mình, bà bộc lộ:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỗi miệng cái gia gia

(Qua đèo Ngang)

Bước qua đèo Ngang, vào buổi chiều tịch mịch, bà nghe được tiếng chim quốc kêu và cảm nhận nó ứng với tâm trạng mình. Tâm trạng của người mất nước, luôn níu giữ những hoài niệm xưa? Tiếng cuốc kêu như cũng ứng với tiếng gọi tha thiết, mãnh liệt nhất trong tâm tư tình cảm của bà, tiếng gọi gửi về đất nước? Còn tiếng gia gia như gợi nhớ niềm thương gửi về cố hương xa xôi. Nhất là trước cảnh chiều tả gợi nhớ này.

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

(Chiều hôm nhớ nhà)

Chiều xế bóng, mặt trời sắp từ giã trời xanh, ngay cả những chú chim cũng mỏi cánh, bay về tổ, những người đi đường vội vã về nhà. Chí có Bà Huyện Thanh Quan nhớ lắm, thương lắm, muốn gặp lại cố hương nhưng đành bất lực, bởi vì:

Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

(Chiều hôm nhớ nhà)

Bà xa cách với quê hương quá, cũng như xa cách với thời đại ngày xưa. Thế nên khi dừng chân lại ngắm cảnh đèo Ngang, bà đã thổ lộ:

Một mảnh tình riêng ta với ta

Mảnh tình riêng đó chỉ riêng bà và cảnh biết thôi. Bà và cảnh tuy hai mà một bởi vì có chung một tâm trạng. Trước cảnh, bà bộc lộ được niềm tâm sự của mình, một tâm sự hoài cổ, đầy nuối tiếc, muốn níu giữ những kỷ niệm xa xưa. Chính nét đặc sắc đó về nội dung cũng như nghệ thuật "tức cảnh sinh tình" trong thơ bà đã nâng bà vượt lên, có một phong cách riêng, không thể lẫn vào đâu được với những Hồ Xuân Hương đầy trần tục mà rất Việt Nam, Nguyễn Du mang tư tưởng định mệnh… Tóm lại bà có một phong cách thơ rất đặc biệt.

Qua hai tác phẩm Qua đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà Bà Huyện Thanh Quan đã khẳng định tài hoa thơ phú của mình. Hai bài thơ chứa một niềm tâm sự hoài cổ, nuối tiếc thời xưa được thể hiện qua nghệ thuật miêu tả cảnh để bộc lộ tình của tác giả. Cả hai mặt nội dung và nghệ thuật hoà quyện vào nhau thật nhuần nhuyễn, điêu luyện, mang một sắc thái riêng biệt, đặc sắc. Điều đó đã giải thích vì sao tuy chỉ có một số ít tác phẩm để lại, bà vẫn được xếp vào hàng ngũ những nữ thi sĩ tài hoa nhất thời đại phong kiến, và cho đến nay, thơ bà vẫn lắng đọng mãi trong lòng người đọc



 


Các câu hỏi tương tự
Alone
Xem chi tiết
Miko
Xem chi tiết
Miko
Xem chi tiết
Miko
Xem chi tiết
Nguyễn Hoàng Minh
Xem chi tiết
Minh Tuan Nguyen
Xem chi tiết
Minh Tuan Nguyen
Xem chi tiết
Minh Tuan Nguyen
Xem chi tiết
Khoi My Tran
Xem chi tiết