Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản được xem là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta và đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá đất nước. Vậy các nhân tố ảnh hưởng và sự phát triển, phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ở nước ta như thế nào? Ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp xanh là gì?
a. Nhân tố ảnh hưởng và sự phát triển, phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ở nước ta
- Yếu tố tự nhiên:
+ Địa hình, đất: Nước ta có 3/4 diện tích là đồi núi, chủ yếu là đồi núi thấp. Đất ở khu vực đồi núi phần lớn là đất fe-ra-lit. Một số khu vực ở Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc Bộ có các cao nguyên rộng lớn với nhiều đồng cỏ. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc. Đồng bằng chiếm 1/4 diện tích, có hai đồng bằng lớn (đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng) và dải đồng bằng ven biển miền Trung với đất phù sa là chủ yếu, thuận lợi cho sản xuất lương thực, thực phẩm.
+ Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa, tạo điều kiện cho nước ta phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới với năng suất cao, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế lớn. Khí hậu có sự phân hoá, cho phép đa dạng hoá cây trồng và sản phẩm nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh với các điều kiện sinh thái nông nghiệp khác nhau.
+ Nguồn nước: Mạng lưới sông, hồ dây đặc, nguồn nước ngầm khá dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp. Các hệ thống sông cung cấp phù sa cho đồng ruộng.
+ Sinh vật phong phú, có nhiều giống cây trồng, vật nuôi tốt là cơ sở để phát triển ngành trồng trọt, nhiều đồng có thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc lớn.
- Các nhân tố kinh tế - xã hội
+ Nguồn lao động đông (số người trong độ tuổi lao động chiếm 51,3% tổng số dân, năm 2021), có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, trình độ người lao động ngày càng được nâng cao. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
+ Khoa học - công nghệ phát triển, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước,... và bảo vệ môi trường
+ Cơ sở vật chất, kĩ thuật trong nông nghiệp ngày càng hoàn thiện, công nghiệp chế biển được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng suất, giá trị nông sản, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
+ Chính sách phát triển nông nghiệp như: chính sách đất đai, ứng dụng công nghệ, liên kết trong sản xuất, khuyến khích phát triển hợp tác... đã thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết và phát triển các chuỗi giá trị nông sản, thu hút vốn đầu tư.....
+ Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hoá,... Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
b. Ý nghĩa phát triển nông nghiệp xanh
- Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ, sử dụng hợp lí, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Phát triển nông nghiệp xanh đang được đẩy mạnh và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững ở nước ta.
- Phát triển nông nghiệp xanh nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, phát triển công nghệ xử lí và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, giảm phát thải và sử dụng hoá chất; bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp; đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; góp phần phát triển kinh tế xanh.