Ngục tối trái tim càng cháy lửa
Xích xiềng không khóa nổi lời ca
Trăm sông ngàn núi chân không ngã
Yêu nước , yêu người yêu cỏ hoa
( Đọc thơ Bác – Hoàng Trung Thông )
Hơn một trăm bài thơ được vút lên từ chốn ngục tù tăm tối ấy lúc nào cũng rực sáng ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, ngọn lửa của lòng yêu nước ,thương dân, đau nỗi đau của dân tộc và nhân loại, thiết tha với tạo vật…Ngọn lửa ấy chính là vẻ đẹp tâm hồn Bác.Về phương diện này có thể xem “ Nhật kí trong tù” như là bức chân dung tự họa con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh : Vừa kiên cường bất khuất “Thân thể ở trong lao – Tinh thần ở ngoài lao”, vừa mềm mại tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi biến thái của thiên nhiên và lòng người, vừa ung dung tự tại , hết sức thoải mái như bay lượn ở ngoài nhà tù, vừa nóng lòng sốt ruột như lử đốt, khắc khoải ngóng trời tự do, mòn mắt nhìn về Tổ quốc, vừa đầy lạc quan tin tưởng, luôn hướng về bình minh và mặt trời hồng, vừa trằn trọc lo âu không bao giờ nguôi nỗi đau lớn của dân tộc và nhân loại, nhiều đêm một mình đối diện đàm tâm với vầng trăng lạnh.
1,Vẻ đẹp kiên cường bất khuất…:
Với người chiến sĩ cách mạng thì vẻ đẹp kiên cường bất khuất chính là yếu tố đầu tiên, then chốt nhất để làm nên chiến thắng. Với Bác, vẻ đẹp ấy chính là:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Song sắt của nhà tù chỉ có thể giam hãm thân thể Bác chứ không bao giờ có thể trói buộc được tinh thần của Bác.Tinh thần của người chiến sĩ cách mạng luôn vượt lên trên cảnh tù đày.Đó chính là tinh thần thép – Một thứ thép được tôi luyện qua thử thách đã trở thành sức mạnh tinh thần bên trong, thành máu thịt, tình yêu, thành cảm hứng thơ tự do bay bổng vượt lên cảnh tù đày.
Cả tập thơ “Nhật kí trong tù” chỉ có duy nhất một chữ “thép” trong bài “ Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
Nhưng bài nào, câu nào cũng bàng bạc một tinh thần thép.
Có những bài thơ, tinh thần ấy được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể:
Bài thơ đề từ, mở đầu tập nhật kí, Bác đã viết :
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao
Từ những vần thơ đầu tiên ấy, Bác đã đặt ra cho mình một quyết tâm rèn luyện “ Tinh thần càng phải cao”, phải có một bản lĩnh “bất biến” để có thể chế ngự “vạn biến”.
Nhiều khi tinh thần ấy hiện ra trong lời tự động viên mình, bởi hoàn cảnh tù đày có biết bao khó khăn gian khổ, bao hiểm nguy bất trắc:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Ngẫm mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng
Vậy là những tai ương của cảnh tù đày, Người lại xem như là môi trường để tự rèn luyện mình.Vì thế, dù phải sống trong cảnh ngộ “ sống khác loài người”, cơ thể tiều tụy…nhưng người tù Hồ Chí Minh vẫn:
Kiên trì và nhẫn nại
Không chịu lùi một phân
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần
Song những bài thơ như thế không nhiều. Vẻ đẹp tinh thần thép của Bác thường được bộc lộ một cách gián tiếp trong tình yêu thiên nhiên, tạo vật, yêu đất nước, con người…
Có lần Người bị giải đi đến tận chiều tối vẫn chưa được dừng chân, đằng sau là cả một ngày đi đường vất vả, phía trước rất có thể là lại một xó nhà lao ẩm ướt hay một đống rạ bẩn…vậy mà Người vẫn ngảng đầu lưu luyến dõi theo một cánh chim, một chòm mây….Trong bài thơ không hề có một câu, một chữ nào than vãn về cảnh tù đày, chỉ có một bức tranh thiên nhiên bát ngát, cao trong, chỉ có một bức tranh sinh hoạt ấm nóng trên mặt đất, chỉ có một hồn thơ thư thái , ung dung vượt lên trên cảnh tù đày:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng
Cứ như thế cho dến khi Người được trả tự do thì những vần thơ cuối của tập thơ đã được xem như là khúc ca khải hoàn của tinh thần con người sau một hành trình dài qua địa ngục:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa
“Lòng sông gương sáng bụi không mờ”- Câu thơ miêu tả vẻ đẹp của một lòng sông phản chiếu ánh trời được hiểu như một ẩn dụ nghệ thuật diễn tả vẻ đẹp tâm hồn Bác. Tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng trong suốt mười bốn tháng tù đày vẫn trong sáng như gương không nhuốm bụi.
2.Vẻ đẹp của một tâm hồn thi sĩ...
Người tù Hồ Chí Minh vừa là một chiến sĩ cách mạng, vừa là một nhà thơ. Vì thế, bên cạnh vẻ đẹp của một tinh thần "thép", Người còn có vẻ đẹp của một tâm hồn thi sĩ " mềm mại, tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi biến thái của thiên nhiên và của lòng người".
a. Người rất giàu tình cảm với thiên nhiên. Trong "Nhật kí trong tù", thiên nhiên luôn " chiếm một địa vị rất danh dự" (Đặng Thai Mai).Ở bất cứ cảnh ngộ nào của cảnh tù đày, Người đều đến với thiên nhiên.
Có những khi bị giải đi từ sáng sớm, từ lúc "Gà gáy một lần đêm chửa tan" , trong bóng tối còn trơ lì, dày đặc với biết bao hiểm nguy rình rập..., vậy mà tâm hồn Người đã vút lên cùng với trăng , sao quấn quýt "Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn" .Sức sống của một hồn thơ giàu tình cảm với thiên nhiên đã giúp Bác vượt lên bên trên cảnh tù đày.
Lại có những khi bị giải đi đến tận chiều tối vẫn chưa được dừng chân... nhưng Người vẫn lưu luyến dõi theo một cánh chim, một chòm mây:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
( Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không)
Trong ánh mắt ấy đâu chỉ có cái nhìn thưởng thức thẩm mỹ của người nghệ sĩ mà nhiều hơn là bằng cả một tấm lòng yêu thương và cảm thông vô hạn với mọi biểu hiện của sự sống. Hồn thơ mềm mại , tinh tế , hết sức nhạy cảm của Người đã cảm thông với nỗi mệt mỏi của cánh chim sau một ngày vất vả kiếm sống, đã chia sẻ với nỗi cô đơn của chòm mây khi cánh chim kia đã tìm về tổ ấm. Sự chia lìa của tạo vật đã làm xao động tâm hòn Bác!
Còn những khi bị giam giữ trong ngục tối, dù "chẳng được tự do mà thưởng nguyệt" thì lòng vẫn "theo vời vợi mảnh trăng thu". Trước vẻ đẹp tâm hồn Bác, song sắt của nhà tù Tưởng Giới Thạch bỗng trở nên vô nghĩa. Thi sĩ đã có những cuộc vượt ngục bằng tâm hồn :
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
( Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia )
Với thiên nhiên đã vậy, với lòng người lại càng mềm mại tinh tế hơn .
Có lần trong nhà ngục bỗng nổi lên một tiếng sáo, Bác đoán biết ngay được nỗi lòng người thổi sáo đang nhớ quê vời vợi :
Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau
( Ngục trung hốt thính tư hương khúc
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu
Thiên lí quan hà vô hạn cảm
Khuê nhân cánh thướng nhất tằng lâu )
Tiếng sáo vút lên lay động cả thiên lí quan hà , tưởng như cả ngàn dặm núi sông cũng đang bồi hồi vì tiếng sáo , vọng đến tận chốn quê nhà ... vợ người bạn tù đang bước lên thêm một tầng lầu hướng về nơi tiếng sáo .