Yêu nước, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của đất nước vốn là một truyền thống quí báu của dân tộc ta. Điều đó đã được ghi lại qua nhiều bài thơ trữ tình trung đại Việt nam mà tiêu biểu hơn cả là bài thơ: “ Sông núi nước Nam”- Bài thơ từng được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Đọc bài thơ em vô cùng khâm phục và tự hào về ý chí quyết tâm bảo về chủ quyền đất nước của dân tộc ta trước sự xâm lược của kẻ thù
Đọc hai câu thơ đầu, em hết sức tự hào vì lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc được cất lên thật dõng dạc, đanh thép :
“ Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
Dịch thơ:
“ Sông núi nước Nam , vua Nam ở
Vằng vặc sách trời , chia xứ sở ”
Câu thơ bảy chữ với ý thơ rành mạch, rắn rỏi khẳng định một hiện thực không thể phủ nhận: Nước Nam là của vua Nam. Câu thơ vang lên hào sảng giúp em cảm nhận được niềm tự hào của ông cha ta khi khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Trước đây trong tư tưởng của bọn cầm quyền phương Bắc chỉ có “Bắc đế” mới là vua nước lớn còn người phương Nam thuộc nước chư hầu nên chỉ được xưng “vương”. Từ“đế” sử dụng thật hay và giàu ý nghĩa đã đập tan tư tưởng ngạo mạn của bọn cầm quyền phương Bắc,thể hiện thái độ tự tin, bình đẳng, ngang hàng của nước Nam, vua Nam với vua phương Bắc. Đó cũng là cách bày tỏ lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí tự cường của nước Nam ta.. Vua nước Nam ta có vị thế uy quyền không kém gì các hoàng đế Trung Quốc. Câu thơ này đã làm em nhớ lại một đoạn trong bài :“Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi :
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nước sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam đã khác”
Em thật xúc động biết bao trước niềm tự hào dân tộc ấy của ông cha ta. Câu thơ với lập luận vững chắc đã nêu cao chân lí lớn lao, thiêng liêng nhất “đất Nam của người Nam”, đây là một sự thật không gì thay đổi được. Sự khẳng định chân lý ấy càng thêm mạnh mẽ và thuyết phục ở câu thơ sau:
“Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
Dịch thơ: “Vằng vặc sách trời chia xứ sở”
Từ buổi lập quốc, sự phân định ranh giới núi sông rất cụ thể, rõ ràng, không thể phủ định. Bờ cõi, đất đai được hình thành từ cả một quá trình khai phá, xây dựng lâu dài của một dân tộc.. Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam và Trung Quốc, Trời là quyền lực tối thượng, linh thiêng đã sắp đặt và định đoạt tất cả mọi việc ở trần gian. Cương vực lãnh thổ của vua Nam, của người Nam đã được định phận tại “sách trời” – nghĩa là không ai được phép đi ngược lại điều ấy. Câu thơ sử dụng bốn thanh trắc, trong đó có ba thanh trắc đứng liền nhau ( định, phận, tại) tạo cho câu thơ âm điệu rắn rỏi, hùng hồn, dứt khoát nhằm khẳng định dứt khoát, kiên quyết về chủ quyền của đất nước. Lời thơ đã khơi dậy trong em niềm tự hào vì nước ta tuy nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước bọn giặc phương Bắc lớn mạnh.
Bên cạnh đó em cũng vô cùng xúc động và tự hào trước ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền được thể hiện trong hai câu cuối của bài thơ:
“ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Dịch thơ: Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.”
Nếu như ở đầu bài thơ là lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền đất nước:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở”
Thì hai câu thơ cuối lại là lời cảnh báo đanh thép đối với kẻ thù nếu chúng xâm phạm chủ quyền đất nước. Cách gọi giặc Tống xâm lược là “ nghịch lỗ”, “ nhữ đẳng”thể hiện thái độ khinh bỉ, căm ghét tột cùng trước hành động phi nghĩa, dám làm trái đạo lí của bọn chúng. Câu hỏi tu từ: “ Như hà…” như một lời chất vấn, tố cáo vạch bộ mặt xấu xa, hành động bạo ngược, liều lĩnh của chúng. Kết thúc bài thơ là lời khẳng định về sự thất bại tất yếu của giặc. Câu thơ rắn rỏi, dõng dạc, chắc nịch đã khẳng định đanh thép giặc sẽ phải tự chuốc lấy thất bại một cách nhục nhã đồng thời còn thể hiện ý chí, sự quyết tâm sắt đá bảo về chủ quyền đất nước của nhân dân ta. Đọc đến đây, lòng em không khỏi rưng rưng xúc động.. Thật là một khí phách kiên cường! Câu thơ như một làn roi quất thẳng vào mặt kẻ xâm lược. Vừa là lời tố cáo hành động ngang ngược, tham tàn của chúng vừa bộc lộ ý chí, tinh thần bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt.Chính điều này đã tạo nên niềm tin, sự phấn khích cho quân và dân ta làm nên chiến thắng ở phòng tuyến sông Như Nguyệt chống quân Tống ngày nào.. Dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc chính là biểu hiện tập trung nhất, cao độ nhất của lòng yêu nước của ông cha ta trong hoàn cảnh lịch sử ấy.
Càng tự hào xúc động về nội dung bài thơ bao nhiêu em càng yêu thích nét nghệ thuật đặc sắc của bài thơ bấy nhiêu. Bài thơ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ dõng dạc, đanh thép, kết hợp hài hòa giữa biểu ý và biểu cảm. Tình cảm được nén kín vào bên trong ý tưởng . Những nét nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp người đọc sống lại khí phách hào hùng của dân tộc ta trong thời đại Lí Trần, đồng thời khơi gợi tình yêu, lòng tự hào dân tộc ở mỗi con người.
Bài thơ “Sông núi nước Nam” đã khép song âm vang hào khí chiến đấu của cha ông vẫn còn vang vọng đến ngày hôm nay. Càng đọc bài thơ em càng xúc động trước tình yêu đất nước, ý thức tự cường, lòng tự hào dân tộc của ông cha ta. Em sẽ kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông, quyết tâm học tập thật giỏi để góp phần bảo vệ, xây dựng nước nhà.