Năm 1836, trên một góc nền thành Phiên An cũ, vua Minh Mạng cho xây dựng thành Gia Định (còn gọi là thành Phụng) với chu vi gần 2 000 mét. Ngày 17-2-1859, liên quân Pháp - Tây Ba Nha nổ súng tấn công và chiếm được thành Gia Định. Đây là tòa thành đầu tiên bị thất thủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam ở nửa sau thế kỉ XIX.
Vậy quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam diễn ra như thế nào? Nhân dân Việt Nam đã kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ra sao? Các tầng lớp quan lại, sĩ phu đã đưa ra kế sách gì để giúp đất nước thoát khỏi hoạ xâm lăng? Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương và khởi nghĩa Yên Thế đã diễn ra như thế nào?
Tham khảo
- Trong những năm 1858 - 1884, thông qua nhiều thủ đoạn chính trị, quân sự và ngoại giao, thực dân Pháp đã từng bước hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam.
- Trước hành động xâm lược của tư bản Pháp, nhà Nguyễn đã thiếu quyết tâm kháng chiến, phạm phải nhiều sai lầm trong chỉ đạo đấu tranh, dẫn đến hậu quả Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.
- Đối lập với thái độ của triều đình, nhân dân Việt Nam đã kiên quyết đứng lên đấu tranh ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, mặt khác, quá trình đấu tranh của nhân dân cũng có sự chuyển biến: từ đấu tranh chống Pháp xâm lược sang kết hợp giữa đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến đầu hàng.
- Để giúp đất nước thoát khỏi họa xâm lăng, nhiều sĩ phu nho học thức thời đã mạnh dạn gửi lên triều đình Huế những bản điều trần, đề nghị cải cách. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các đề nghị cải cách này đã không được thực hiện, hoặc chỉ được thực hiện một cách nửa vời.
- Trong những năm cuối thế kỉ XIX, ở Việt Nam đã diễn ra phong trào Cần vương và khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Tuy thất bại, nhưng các cuộc đấu tranh yêu nước này đã gây cho Pháp nhiều tổn thất, góp phần làm chậm quá trình bình định Việt Nam của thực dân Pháp và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào đấu tranh sau này.