Bài 20 : Từ sau Trưng Vương đến trước Lý Nam Đế (giữa thế kỉ I - giữa thế kỉ VI) (tiếp)

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Trân Tường

Lịch sử lớp 6

Câu hỏi: Tổ chức xã hội nước ta dưới thời Bắc thuộc như thế nào?

Bạn nào đúng và nhanh thì mình sẽ tick nhá!!!! :P

Trần Tiến Đạt
2 tháng 5 2017 lúc 18:05

1.Về kinh tế
- Nông nghiệp: Công cụ bằng sắt ngày càng phổ biến thay thế công cụ sản xuất bằng đồng. Từ thời Âu Lạc, người Việt cổ đã nắm được kĩ thuật luyện sắt để chế tạo công cụ sản xuất, song đồ sắt thuở ấy còn ít, chưa được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống xã hội.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, mặc dù chính quyền đô hộ nắm độc quyền về sắt, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế tạo và mua bán đồ sắt, nhưng nhân dân ta vẫn rèn đúc, chế tạo được nhiều công cụ bằng sắt phục vụ cho nhu cầu sản xuất và cuộc sống. Đồ sắt được sử dụng ngày càng nhiều vào sản xuất, lấn dần các nông cụ bằng đồng, mặc dù công nghệ đúc đồng vẫn tiếp tục tồn tại và giữ một vị trí nhất định trong việc chế tạo đồ dùng trong sinh hoạt. Trong các mộ cổ thuộc thời kỳ Bắc thuộc có rất ít vũ khí, công cụ bằng đồng . Nhiều vật dụng trong gia đình cũng được chế tạo bằng sắt (kiềng nấu bếp, đèn, đỉnh). Việc nhà Hán đặt chức thiết quan trông coi việc thu thuế sắt đã chứng tỏ từ đầu Công nguyên trở về sau, cư dân Việt cổ đã bước vào thời đại đồ sắt phát triển.
Quá trình giao lưu và ảnh hưởng kinh tế, văn hoá xã hội ngày càng được mở rộng trong thời kỳ Bắc thuộc với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc, Ấn Độ, đã góp phần thúc đẩy kỹ thuật luyện sắt và chế tạo đồ sắt ngày càng tiến triển.
Cùng với việc sử dụng rộng rãi các công cụ sản xuất bằng sắt, kỹ thuật dùng trâu bò làm sức kéo trong nông nghiệp cũng ngày càng phổ biến, nhờ thế mà diện tích đất trồng trọt được mở rộng dần, các công trình thuỷ lợi có điều kiện phát triển. Dọc những con sông lớn như sông Hồng, sông Mã đã có đê phòng lụt. Nhiều kênh, ngòi, mương, máng được đào thêm hay nạo vét hàng năm. Giao Châu kí có ghi chép sự việc huyện Phong Khê (trung tâm Cổ Loa) có đê phòng lụt. Sách Nam Việt chí phản ánh việc Mã Viện “chất đá làm thành đê ngăn sóng biển” ở vùng Tạc Khẩu (Tam Điệp, Ninh Bình). Hậu Hán thư ghi lại sự việc Mã Viện “sửa sang kênh ngòi”. Biện pháp dùng các loại phân để bón ruộng (có thể cả phân bắc) cũng được thực hiện trong nông nghiệp.
Tất cả những biện pháp kỹ thuật nói trên được đưa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần rất quan trọng vào việc tăng năng suất lúa. Theo một số tài liệu cũ thì “lúa mỗi năm trồng hai lần về mùa hè và mùa đông, sản xuất từ Giao Chỉ, lúa Giao Chỉ chín hai mùa”.
Đầu thời Bắc thuộc, triều Tây Hán phải chở thóc gạo vào Giao Chỉ để cung cấp cho bọn quan lại đô hộ và quân lính chiếm đóng, thì đến thời Đông Hán, số thóc thuế mà chính quyền đô hộ đã vơ vét của nhân dân Giao Chỉ lên tới 13.600.000 hộc, tương đương 272.000 tấn thóc.
Ngoài lúa, nhân dân ta còn trồng nhiều loại hoa màu và các loại cây có củ như khoai, đậu, sắn, ngô. Sử cũ có ghi một loại củ khoai gọi là “cam chư”, củ trắng như trứng vịt, trứng gà, vỏ tía, thịt trắng thường được dùng làm quà để tiếp khách. Nhiều loại rau cải, cà cúng được trồng phổ biến trong nhân dân. Người ta còn biết trồng rau muống trên các bè thả trên các mặt ao, hồ.
Ở mỗi vùng đất, tuỳ theo khí hậu, thổ nhưỡng, nhân dân ta trồng nhiều loại cây ăn quả như nhãn, vải, chuối, cam, quýt, mơ, mận, táo, trầu, cau, khế v v... Trồng trầu, cau rất phổ biến trong các vùng. Nhân dân ta vẫn có tục cưới xin, tiếp khách, gặp gỡ nhau thì dùng trầu, cau “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Cây công nhiệp thì có bong, mía, dâu. Việc trồng dâu nuôi tằm gắn liền với nghề nông nghiệp truyền thống lâu đời và nghề ươm tơ dệt lụa. Nhân dân ta bấy giờ còn biết trồng trọt và khai thác một số loại cây để làm thuốc (đậu khấu, ý dĩ, quế, gừng gió), cây lấy gỗ, làm các vật dụng trong đời sống, chăn nuôi trâu bò, chó, lợn, gà, vịt, voi, ngựa. Bên cạnh nghề làm ruộng là nghề làm vườn cũng khá phổ biến trong nhân dân.
Mặc dù nền kinh tế nông nghiệp có bước chuyển biến rõ rệt, nhưng do chính sách bóc lột nặng nề, phiền nhiễu, vơ vét triệt để của chính quyền đô hộ và bộ máy quan lại ngoại tộc đông đảo đã làm cho đời sống nhân dân dưới thời Bắc thuộc hết sức khốn đốn.
Thủ công nghiệp: Kỹ thuật rèn sắt phát triển hơn trước công nguyên. Công cụ bằng sắt có nhiều loại đa dạng như rìu, mai, cuốc, dao, vũ khí, đèn, đinh và một số đồ dùng trong sinh hoạt gia đình. Nghề đúc đồng vẫn tiếp tục nhưng chủ yếu chế tạo các đồ dùng phục vụ trong sinh hoạt hang ngày của nhân dân (nồi niêu, lư hương, đồ trang sức). Nghề làm đồ gốm phát triển mạnh, nhiều loại đồ dung trong nhà như nồi đất, vò, bình, bát, đĩa, đèn… được sản xuất ngày càng nhiều. Bên cạnh loại gốm trơn (thường) còn có loại gốm tráng men. Gạch ngói cũng có nhiều loại khác nhau (gạch thường, gạch hình múi bưởi để xây vòm cuốn, ngói bản, ngói ống…). Nghề dệt vải, lụa, là những nghề thủ công gia đình phổ biến ở nhiều địa phương; các nghề mộc, đan lát, xây dựng nhà cửa cũng có bước phát triển đáng kể.
Việc khai thác vàng, bạc, châu ngọc trong nhân dân cũng được đẩy mạnh, nhiều kiểu, loại đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc được gia công tinh tế (vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai v.v...) chủ yếu nhằm phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp thống trị và quý tộc.
Trong quá trình giao lưu văn hóa, kinh tế với nước ngoài, nhân dân ta đã biết tiếp thu một số kỹ thuật công nghệ của các nước, đã làm nảy sinh thêm một số nghề thủ công mới như nghề làm giấy từ các nguyên liệu như rêu biển, vỏ cây, lá cây, nhất là sản xuất được giấy trầm hương có vân rất đẹp và có giá trị. Lái buôn Trung Quốc đã mua giấy trầm hương ở nước ta đem về Trung Quốc, vua nhà Tấn (cuối thế kỷ III) đã sai các quan lại Trung Quốc dùng giấy này để chép lại các sách Xuân thu và Kinh truyện để dâng vua. Từ thế kỷ IV, trên cơ sở tiếp thu kỹ thuật chế tạo thuỷ tinh của Ấn Độ và một số nước, người Việt đã thổi được những bình, bát bằng thuỷ tinh nhiều màu sắc xanh, tía. Các nghề thủ công khác như mộc, sơn the, thuộc da, nấu rượu, làm cối, khánh đá cũng khá phát triển trong nhân dân.
Nghề mộc, đóng thuyền, nghề xây dựng chùa chiền, đền đài, lăng mộ cũng khá phát triển. Người thợ thủ công nước ta bấy giờ đã thể hiện là những người thợ có trình độ mỹ thuật cao và rất khéo tay. Dưới thời nhà Ngô đô hộ nước ta, hàng nghìn thợ thủ công đã bị bắt đưa sang Trung Quốc để xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp, nhiều thợ thủ công bị trưng tập vào lao động trong các xưởng thủ công của chính quyền đô hộ. Đây là nguyên nhân làm chậm bước chuyên môn hoá để hình thành các làng và phường thủ công chuyên nghiệp, mặc dù đã có sự tách rời ít nhiều của một bộ phận lao động thủ công khỏi nông nghiệp.
- Về thương nghiệp: Sự chuyển biến trong nền kinh tế (nông nghiệp và thủ công nghiệp) đã góp phần quan trọng thúc đẩy thương nghiệp phát triển hơn trước. Mặt khác, sự phong phú về tài nguyên và nhiều đặc sản của vùng nhiệt đới đã thu hút nhiều lái buôn nước ngoài đến nước ta, làm cho việc buôn bán ở Việt Nam thời Bắc thuộc thêm phần phát triển. Nhu cầu của việc vận chuyển vật cống, thuế khoá thu được ở nước ta về Trung Quốc cũng đã thúc đẩy chính quyền đô hộ chăm lo đến việc sửa chữa, xây đắp đường sá, dẫn đến sự thông thương giữa các quận trong nước và giữa nước ta với Trung Quốc. Cuối thế kỷ I, con đường dọc sông Thương sang Trung Quốc được xây đắp. Từ trung tâm Luy Lâu, Long Biên có đường thuỷ ngược xuôi các ngả nối liền các vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nhiều con đường bộ liên vùng theo các hướng Tây-Tây Nam-Đông Bắc và Nam-Tây Nam-Bắc-Đông Bắc gặp nhau ở trung tâm Luy Lâu và nhiều đường bộ khác trong 3 quận, cùng với đường biển được mở mang càng làm cho việc buôn bán trong nước và với nước ngoài, nhất là với Trung Quốc khá phát triển. Hàng hoá bán ra các nước chủ yếu là hương liệu, lâm sản quý, vải, gấm, giấy bản, đường. Hàng hoá nhập vào gồm nhiều chủng loại nhưng đại bộ phận là các hàng xa xỉ phẩm, phục vụ cho bọn quan lại đô hộ và tầng lớp quý tộc giàu có.
Tuy nhiên, chính quyền đô hộ và bọn lái buôn người nước ngoài đã lũng đoạn nền thương mại ở nước ta thời bấy giờ. Sự phát triển ngoại thương càng làm giàu thêm cho bọn đô hộ, nhân dân bản địa phải chịu thêm ách lao dịch, bóc lột nặng nề.
Dù là vậy, việc đẩy mạnh quan hệ giao lưu kinh tế giữa các khu vực trong nước (ở Châu Giao) và giữa Châu Giao với các nước quanh vùng cũng đã có tác dụng nhất định trong việc kích thích nền kinh tế ở Châu Giao phát triển.

2. Những biến chuyển về xã hội
Trước khi bị các triều đại phương Bắc xâm lược và đô hộ, xã hội Âu Lạc đã có sự phân hóa đẳng cấp giữa tầng lớp quý tộc và nhân dân công xã, đã có sự phân biệt giữa người giàu kẻ nghèo, là một trong những cơ sở kinh tế-xã hội đưa đến sự ra đời của nhà nước, nhà nước Văn Lang-Âu Lạc vào khoảng thế kỷ VI- thế kỷ III tr.CN. Từ khi bị Triệu Đà và tiếp theo là các triều đại khác ở phương Bắc xâm lược và đô hộ, đất nước Văn Lang-Âu Lạc đã bị nô dịch, biến thành quận huyện của phong kiến Trung Quốc, nhà nước Việt cổ với thiết chế xã hội là chế độ lạc tướng đã bị xoá bỏ.
Những chính sách đô hộ tàn bạo của các đế chế phương Bắc đã làm kìm hãm nghiêm trọng đến sự phát triển của kinh tế-xã hội, văn hóa nước ta. Nhân dân Âu Lạc từ địa vị làm chủ đất nước của mình đã trở thành kẻ nô lệ của ngoại bang. Quan hệ xã hội bao trùm trong suốt thời Bắc thuộc ở nước Âu Lạc cũ là quan hệ giữa kẻ thống trị ngoại tộc (chính quyền đô hộ) và toàn thể nhân dân lao động nước ta (nông dân, thợ thủ công và các tầng lớp lao động khác). Về danh nghĩa, tất cả ruộng đất của nước Âu Lạc đều thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà nước đô hộ. Người nông dân Âu Lạc phải nộp tô thuế, đi lao dịch cho chính quyền ngoại bang. Chính sách bóc lột nặng nề của chính quyền và bọn quan lại đô hộ đã làm cho nhân dân ta nhiều nơi bị phá sản, nghèo đói. Chính quyền đô hộ còn đẩy mạnh chính sách đồn điền, xâm chiếm ruộng đất của các làng xã, bắt nhân dân ta cày cấy, nộp tô. Một thực trạng xã hội dưới thời Bắc thuộc rất đáng chú ý là sự di dân từ phương Bắc vào đất nước ta ngày càng nhiều.
Ngoài bộ máy quan lại phong kiến phương Bắc từ cấp bộ, quận xuống đến huyện ngày càng được bổ sung, tăng cường hết sức đông đảo, còn có cả gia đình, họ hàng, bà con của bọn quan lại đô hộ đã sang lập nghiệp lâu dài ở Âu Lạc cũ. Từ cuối đời Đông Hán, đầu đời Tam quốc rồi cuối đời Tây Tấn, do loạn lạc ở Trung Quốc, nhiều người Hán đã vượt biên giới sang nước ta làm ăn sinh sống. Dựa vào thế lực của chính quyền đô hộ, một số người đã lấn chiếm ruộng đất của các làng xã, gia nhập hàng ngũ giai cấp bóc lột và thống trị. Nhiều nông dân công xã tự do bị phá sản trở thành nông dân tá điền lệ thuộc các địa chủ Hán tộc. Tuy nhiên, do sinh sống lâu dài, trải qua nhiều thế hệ, nhiều quý tộc, quan lại, dân Hán lập nghiệp ở nước ta đã bị Việt hoá. Người Hán Việt hóa ngày càng đông đảo, trở thành một bộ phận của tầng lớp phong kiến bản địa sau này.
Tầng lớp hào trưởng địa phương người Việt hình thành từ sự phân hóa xã hội thời Văn Lang-Âu Lạc tiếp tục tồn tại và ngày càng mở rộng thế lực kinh tế dù bị chính quyền đô hộ chèn ép, khống chế. Do sự bất lực của chính quyền đô hộ trong việc kiểm soát các làng xã người Việt, họ vẫn giữ vai trò quan trọng ở địa phương và có uy tín trong nhân dân người Việt. Đây cũng là tầng lớp quý tộc bản địa có nhiều mâu thuẫn với bọn quan lại và chính quyền đô hộ phương Bắc, có tinh thần dân tộc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào đấu tranh liên tục của nhân dân chống chính quyền đô hộ. Bởi vậy, đây chính là tầng lớp đã đảm nhận và hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta, đánh đổ nền đô hộ hơn một nghìn năm, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ của dân tộc ở thế kỷ X.
Sự chuyển biến xã hội và kết cấu giai cấp của Âu Lạc cũ sau hơn một nghìn năm đô hộ còn do tác động bởi chính sách của các triều đại phương Bắc, chi phối ngày càng sâu hơn vào tổ chức của xã hội cổ truyền người Việt. Gần 3 thế kỷ đô hộ Giao Châu, nhà Đường đã thực hiện nhiều biện pháp như tổ chức lại các đơn vị hành chính theo phương Bắc, chia huyện làm tiểu hương, đại hương, xã lớn, xã nhỏ, sau đó lại bỏ tiểu hương, đại hương mà gọi chung là hương, tất cả có 159 hương. Nhà Đường lại cho kê khai sổ hộ, định thuế các loại tô, dung, điệu và sau đó đổi lại là phép lưỡng thuế, cho phép các chính quyền đô hộ cướp đoạt ruộng đất của nhân dân ta làm ruộng công do chính quyền đô hộ quản lý, ban cấp ruộng đất, chức phận cho bọn quan lại cao cấp. Những chính sách và biện pháp nói trên thực hiện trong nhiều thế kỷ, rõ ràng đã có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân hóa xã hội người Việt.
Như vậy là, dưới thời Bắc thuộc, xã hội Việt Nam đã có một sự chuyển biến, đã hình thành một tầng lớp địa chủ ít nhiều có thế lực ở địa phương thuộc nhiều nguồn gốc và xu hướng chính trị khác nhau.
Tuy nhiên, đại bộ phận cư dân là nông dân sống trong các làng xã cổ truyền mang tính tự trị. Một bộ phận khác rơi xuống địa vị lệ thuộc hoặc là nông dân lệ thuộc cày ruộng nộp tô thuế cho bọn quan lại, hào trưởng địa phương hoặc biến thành nông nô.

3. Những chuyển biến về văn hóa
Trên cơ sở một nền văn hóa bản địa vững chắc kết tinh bản lĩnh, cá tính, lối sống và truyền thống của người Việt cổ với ý thức hệ cốt lõi là ý thức độc lập, tự chủ và tinh thần yêu quý, gắn bó với quê hương, đất nước, tổ tông mà các thời kỳ Văn Lang- Âu Lạc đã xây dựng nên, bởi vậy, dù cho các triều đại phương Bắc ra sức đồng hoá dân tộc ta, nhằm thủ tiêu nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, nhưng kết cục, trước cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đó vẫn giữ được vị trí chủ thể và có tác dụng Việt hoá những yếu tố văn hóa ngoại nhập. Những nét văn hóa ngoại lai đều thông qua chủ thể văn hóa Việt Nam mà phát huy tác dụng và làm phong phú thêm nền văn hóa truyền thống.
Mặt khác, trên cơ sở của sự chuyển biến và phát triển (mặc dù chậm chạp) nền kinh tế và sự giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng hơn với các nước quanh vùng, mà văn hóa nước ta trong thời Bắc thuộc cũng có bước chuyển biến.
- Ngay từ thời Tây Hán, Nho giáo đã được du nhập vào xã hội Âu Lạc cũ để làm công cụ nô dịch và đồng hóa nhân dân ta về tư tưởng và tinh thần. Nho giáo là sự tổng hợp những tư tưởng, triết lý, luân lý, đạo đức và thể chế cai trị ở Trung Quốc có từ những thế kỷ VI-V tr.CN do Khổng tử và các học trò của ông xây dựng và về sau được phát triển, ổn định trong tứ thư (Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh tử), ngũ Kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu).
Từ thời nhà Hán thống trị ở Trung Quốc, Nho giáo đã trở thành ý thức tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị.
Với tam cương (đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo vợ chồng) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), Nho giáo chủ trương tôn trọng và bảo vệ chế độ đẳng cấp, trật tự xã hội bóc lột, trung thành tuyệt đối với nhà Vua- Hoàng đế Trung Hoa.
Nhà Hán vào buổi đầu Công nguyên thông qua chính quyền đô hộ đã thực hiện một số biện pháp để truyền bá Nho giáo và chữ Hán vào nước ta như mở trường dạy chữ Hán, đào tạo một số nho sĩ người bản địa. Bên cạnh đó, hàng loạt người phương Bắc từ nhiều nguồn (trong đó có nhiều gia đình quý tộc Hán chạy loạn sang Giao Chỉ ngày càng nhiều, nhất là từ thời Tam quốc, Lục triều về sau, nhiều người bị tù tội hoặc đày sang v.v...). Số người này đã mang theo phương thức sinh hoạt, văn hóa, chữ Hán và một số phong tục tập quán Hán du nhập vào nước ta.
Do nhu cầu của công cuộc đô hộ và đồng hóa dân tộc ta ngày càng thôi thúc, bọn đô hộ đẩy mạnh việc phổ biến chữ Hán và đạo Nho trên đất nước ta. Tuy vậy, đạo Nho và chữ Hán chỉ được truyền bá và phát triển trong “bộ phận quan lại đô hộ và tầng lớp trên của xã hội. Trong một chừng mực nào đó, Nho giáo ít nhiều cũng đã thâm nhập vào xã hội nước ta. Nhưng đại bộ phận nhân dân sống trong các làng xã cổ truyền ít có điều kiện để tiếp thu chữ Hán và đạo Nho. Bởi vậy, nhìn chung, về cơ bản những phong tục, tập quán cổ truyền của dân tộc vốn được hình thành từ buổi đầu dựng nước và giữ nước vẫn được giữ gìn lâu dài suốt thời bị đô hộ.
- Sự truyền bá Đạo giáo và Phật giáo
Đạo giáo là một tôn giáo tín ngưỡng ở Trung Quốc là một hỗn hợp nhiều thứ mê tín dị đoan và phương thuật (dân gian và cung đình như đoán mộng, xem sao, đồng cốt, chữa bệnh bằng phù phép, bói toán v.v...) được hệ thống hoá bởi một hệ thống thần điện, đạo tạng (kinh điển), đền miếu. Đạo giáo phát triển trong xã hội Trung Quốc vào thời Lục triều và thời Đường. Nhưng khi mới du nhập vào nước ta, Đạo giáo không được phổ biến rộng rãi trong nhân dân mà chủ yếu chỉ dừng lại ở tầng lớp trên, còn đối với quảng đại quần chúng, nó được quyện hoà với tín ngưỡng dân gian Việt cổ.
Phật giáo được truyền bá vào nước ta từ rất sớm. Đạo Phật ra đời từ thế kỷ VI tr.CN ở Ấn Độ do Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Lúc mới ra đời, đạo Phật có nội dung tích cực trong cuộc đấu tranh chống chế độ đẳng cấp khắc nghiệt ở Ấn Độ, được đông đảo nhân dân bị trị hưởng ứng. Về sau đạo Phật bị giai cấp thống trị lợi dụng và biến nó thành một tôn giáo chính thống của nhà nước. Những mặt tích cực của Phật giáo như chủ trương bình đẳng, bác ái, vị tha, làm điều lành, chống điều ác v.v... bị giai cấp thống trị cắt xén, xuyên tạc, phát triển mặt tiêu cực để làm công cụ đàn áp thống trị nhân dân lao động. Tín ngưỡng dân gian của người Việt có những nét phù hợp với học thuyết của đạo Phật như kêu gọi mọi người làm điều nghĩa, có lòng nhân ái vị tha, thuyết nhân quả nghiệp báo, nên được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Từ thời Hán, trên đất nước ta đã có trung tâm Phật giáo là Luy Lâu, bên cạnh đó còn có nhiều chùa tháp thờ Phật, nhiều đền thờ khác của tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, khi truyền bá vào nước ta, những yếu tố tiêu cực của Phật giáo trong việc ru ngủ nhân dân, từ bỏ đấu tranh để giành lại độc lập dân tộc không thể phát huy được. Nhân dân dù là theo Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo vẫn tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh lật đổ nền đô hộ của phong kiến Trung Quốc.


Các câu hỏi tương tự
Lê Nguyễn Uyên Nhi
Xem chi tiết
Lê Nguyễn Uyên Nhi
Xem chi tiết
Nguyễn Đình Anh Hào
Xem chi tiết
hello hello
Xem chi tiết
pham thi phuong linh
Xem chi tiết
Lương Nữ Thiên Trúc
Xem chi tiết
Hiếu Trần
Xem chi tiết
Phan Đăng Tùng
Xem chi tiết
Nguyễn Diệu Thiện
Xem chi tiết