Vào ngày 31/12 tới, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp và tạo nên một thị trường đơn nhất với 5 yếu tố được lưu chuyển tự do giữa 10 nước bao gồm vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Cụ thể là các nước ASEAN mới cho phép lao động thuộc 8 ngành (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều tra viên và du lịch) được quyền di chuyển tìm việc làm sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành, thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Sự dịch chuyển “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức rất lớn (đối với lao động thiếu kỹ năng) khi một lượng lớn lao động các nước ASEAN vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn lao động, Việt Nam cần có chiến lược đào tạo vững chắc về chuyên môn (chú trọng đến thực tiễn), kỹ năng mềm (cách giao tiếp ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm hay độc lập, cách xử lý tình huống,…) và quan trọng hơn hết là phải đáp ứng được trình độ Anh ngữ. Đó cũng chính là những rào cản mà thế hệ sinh viên Việt Nam phải nhận thức được tầm quan trọng của việc gia nhập cộng đồng kinh tế Asean và từ đó phải có kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để thúc đẩy bản thân, tạo ra sức mạnh (sức mạnh trí tuệ và thể lực) đáp ứng được sự canh tranh với các nguồn nhân lực trong khu vực.
Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, lao động Việt Nam cần trang bị những gì để không chỉ hòa nhập, mà còn thâm nhập được thị trường lao động AEC?
Lâu nay lao động của chúng ta luôn được “dán nhãn” cần cù, chịu khó, giá rẻ… và coi đó là một lợi thế. Tuy nhiên, quan niệm này cần được thay đổi bởi khi tham gia Cộng đồng chung ASEAN, lao động ngoài việc giỏi chuyên môn, tay nghề còn cần có thông thạo ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh, kĩ năng làm việc để có thể đủ sức cạnh tranh với sinh viên các nước khác trong khu vực.
Thời gian không còn nhiều và mọi việc cũng hết sức khó khăn nhưng chuẩn bị hội nhập là việc phải làm và không thể chậm trễ để chuẩn bị sẵn sàng cho cơn sóng 'dịch chuyển lao động' giữa các quốc gia.
Cùng với cả nước, thế hệ sinh viên - những người đang được học tập, rèn luyện để gánh vác sứ mệnh đưa đất nước phát triển ở một tầm cao mới - cần trang bị cho mình những hành trang cần thiết trên một cách kĩ lưỡng để đầy đủ tự tin vững bước trong con đường hội nhập ASEAN cụ thể như sau:
Một là, tập trung vào chuyên môn đã chọn của chương trình đại học hoặc cao đẳng.
Hai là, phải hiểu ngoại ngữ là công cụ bắt buộc thời hội nhập.
Ba là, nhận thức đúng về thế mạnh của công nghệ thông tin - công cụ kết nối thế giới và cũng chính là trợ thủ đắc lực để giải quyết những vấn đề chuyên sâu, những bài toán kinh tế.
Bốn là, rèn luyện kỹ năng mềm, đọc và thực hành nhiều hơn để trau dồi năng lực giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng xử lý tình huống,…
Đó là những “nền tảng của quá trình phát triển” nhưng để thành công thì sinh viên phải có mục tiêu, quyết tâm và sự siêng năng kết hợp với việc phải "luôn thực hành và cải tiến liên tục".
Chúc bạn học tốt!