Khái quát lịch sử thế giới trung đại

Khánh Ngân

Kể tên một số nhà phát kiến địa lí và văn hóa phục hưng.

Nguyễn Trần Thành Đạt
21 tháng 12 2016 lúc 23:12

Nguyên nhân của những cuộc phát kiến địa lý: Thế kỉ XV, kinh tế hàng hoá ở Tây Âu đã khá phát triển, nhu cầu về thị trường tăng cao. Giai cấp tư sản Tây Âu muốn mở rộng thị trường sang phương Đông, mơ ước tới những nguồn vàng bạc từ phương Đông. Tại Tây Âu, tầng lớp giàu có cũng tăng lên do đó nhu cầu về các mặt hàng đặc sản, cao cấp có nguồn gốc từ phương Đông như tiêu, quế, trầm hương, lụa tơ tằm, ngà voi... tăng vọt hẳn lên. Trong khi đó, con đường tơ lụa mà người phương Tây đã biết từ thời cổ đại lúc đó lại đang bị đế quốc Thổ Nhĩ Kì theo đạo Hồi chiếm giữ, đi qua chỉ có mất mạng, vì vậy chỉ có cách tìm một con đường đi mới trên biển. Lúc đó người Tây Âu đã có nhiều người tin vào giả thuyết Trái đất hình cầu. Họ cũng đã đóng được những con tàu buồm đáy nhọn, thành cao, có khả năng vượt đại dương, mỗi tàu lại đều có la bàn và thước phương vị, điều đó đã tăng thêm sự quyết tâm cho những thuỷ thủ dũng cảm.

 

Những cuộc phát kiến địa lý lớn: Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai nước đi đầu trong phong trào phát kiến địa lí. Năm 1415 một trường hàng hải do hoàng tử Henri của Bồ Đào Nha sáng lập và bảo trợ. Từ đó, hàng năm người Bồ Đào Nha tổ chức những cuộc thám hiểm men theo bờ biển phía tây Châu Phi.

 

Năm 1486, đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha do B. Dias chỉ huy đã tới được cực nam Châu Phi, họ đặt tên mũi đất này là mũi Hy Vọng . Năm 1497, Vascô đơ Gama (Vasco de Gama ) đã cầm đầu đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha tới được Ấn Độ. Người Tây Ban Nha lại đi tìm Ấn Độ theo hướng Mặt trời lặn.

 

Năm 1492, một đoàn thám hiểm do C. Côlông ( C. Colombus) chỉ huy đã tới được quần đảo miền trung Châu Mĩ, nhưng ông lại tưởng là đã tới được Ấn Độ. Ông gọi những người thổ dân ở đây là Indians. Sau này, một nhà hàng hải người Ý là Amerigo Vespucci mới phát hiện ra Ấn Độ của Côlông không phải là Ấn Độ mà là một vùng đất hoàn toàn mới đối với người Châu Âu. Amerigo đã viết một cuốn sách để chứng minh điều đó. Vùng đất mới đó sau này mang tên America. Thật đáng tiếc cho C. Côlông.

 

Năm 1519 - 1522, F. Magienlan đã cầm đầu đoàn thám hiểm Tây Ban Nha lần đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Một hạm đội gồm 5 tàu với 265 người đã vượt Đại Tây Dương tới bờ biển phía đông của Nam Mĩ. Họ đã đi theo một eo biển hẹp gần cực nam Châu Mĩ và sang được một đại dương mênh mông ở phía bên kia. Suốt quá trình vượt đại dương mênh mông đó, đoàn tàu buồm của Magienlan hầu như không gặp một cơn bão đáng kể nào. Ông đặt tên cho đại dương mới đó là Thái Bình Dương. F.Magienlan đã bỏ mạng ở Philippin do trúng tên độc của thổ dân. Đoàn thám hiểm của ông cũng chỉ có 18 người sống sót trở về được tới quê hương. 247 người bỏ mạng trên tất cả các vùng biển và các hòn đảo trên thế giới vì những nguyên nhân khác nhau. Nhưng thành công lớn nhất mà chuyến đi đạt được là lần đầu tiên con người đã đi vòng quanh thế giới.

Bình luận (0)
Nguyễn Trần Thành Đạt
21 tháng 12 2016 lúc 23:12

Vai trò và ý nghĩa của những cuộc phát kiến địa lý: Các nhà thám hiểm bằng những chuyến đi thực tế đầy dũng cảm của mình đã chứng minh cho giả thuyết Trái đất hình cầu. Họ còn cung cấp cho các nhà khoa học rất nhiều hiểu biết mới về địa lí, thiên văn, hàng hải, sinh vật học... Sau những cuộc phát kiến này, một sự tiếp xúc giữa các nền văn hoá trên thế giới diễn ra do các cá nhân có nguôn gốc văn hoá khác nhau như các giáo sĩ, nhà buôn, những người khai phá vùng đất mới, những quân nhân... Một làn sóng di chuyển dân cư lớn trên thế giới trong thế kỉ XVI-XVIII với những dòng người Châu Âu di chuyển sang Châu Mĩ, Châu Úc. Nhiều nô lệ da đen cũng bị cưỡng bức rời khỏi quê hương xứ sở sang Châu Mĩ . Hoạt đông buôn bán trên thế giới trở nên sôi nổi, nhiều công ti buôn bán tầm cỡ quốc tế được thành lập. Những cuộc phát kiến địa lí này cũng gây ra không ít hậu quả tiêu cực như nạn cướp bóc thuộc địa, buôn bán nô lệ da đen và sau này là chế độ thực dân.

 

Phát kiến địa lí được coi như một “cuộc cách mạng thực sự” trong lĩnh vực giao thông và tri thức: lần đầu tiên con người hình dung được hình ảnh chính xác về hành tinh, về bề rộng và hình thái Trái Đất. Nó có đóng góp quyết định về lí luận cũng như thực tiễn cho sự phát hiện ra loài người ở mọi nơi trên thế giới đều giống nhau. Như thế, phát kiến địa lí đã đem lại cho loài người những hiểu biết về những con đường mới, những vùng đất mới, những dân tộc mới. Một nền văn hoá thế giới bắt đầu hình thành do việc xuất bản và truyền bá của các loại sách, các tập du kí và bản đồ địa lí giữa các châu lục. Đó là sự tiếp xúc giữa nhiều nền văn hoá và văn minh khác nhau. Phát kiến địa lí còn đem về cho tầng lớp thương nhân châu Âu những nguyên liệu quý giá vô tận, những kho vàng bạc, châu báu khổng lồ mà chúng cướp được ở châu Mĩ, châu Á và châu Phi. Nó cũng thúc đẩy nền thương nghiệp ở châu Âu phát triển, làm cho đời sống thành thị ở khu vực này trở nên phồn vinh.Tuy nhiên, các cuộc phát kiến địa lí còn dẫn đến nạn buôn bán nô lệ và chế độ thực dân, gây nhiều đau khổ cho nhân dân các nước thuộc địa.

Bình luận (0)
Nguyễn Trần Thành Đạt
21 tháng 12 2016 lúc 23:13

Văn hoá phục hưng

Thế kỷ XIV và XV, châu Âu vẫn nằm dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Giáo hội Thiên chúa La Mã. Bất kể ai, chỉ cần hoài nghi Thượng đế, chỉ trích Giáo hoàng hoặc trong tác phẩm có ý trái với “Kinh Thánh”, đều bị coi là “dị đoan”, và bị bắt và chịu sự tra khảo nhục hình và bị đưa ra toà phán xử bị giam, trục xuất, bị thiêu. Một số người chống lại chế độ chuyên chế phong kiến vạch trần những chuyện đen tối trong Giáo hội kể cả một số nhà khoa học tiến bộ thời đó, đều bị toà án dị đoan kết tội, phải chịu những nhục hình tàn bạo. Rất nhiều cuốn sách và những công trình tiến bộ đã bị thiêu huỷ, cấm đoán. Sự tiến bộ của xã hội bị trở ngại nghiêm trọng.

Nhưng cũng thời kỳ này, phương thức sản xuất tư bản cũng đã bắt đầu hình thành và phát triển, nhất là ở các thành phố Bắc Italia giáp Địa Trung Hải như Vơ-ni-dơ, Flo-ren-xơ, là những thành phố công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng phát triển. Giai cấp tư sản mới nổi, để bảo vệ quyền lợi chính trị và kinh tế của họ, đã tiến hành đấu tranh với Giáo hội. Các nhà tư tưởng tư sản chống thần học Thiên chúa giáo, giam cầm lòng người hàng ngàn năm nay, họ phất cao ngọn cờ “Phục hưng” văn hoá cổ điển, nêu lên tư tưởng “nhân văn” tư sản.

Đi tiên phong là phong trào văn nghệ “Phục hưng” được một số văn nghệ sỹ theo chủ nghĩa nhân văn đề xướng ra. Tác phẩm của họ có đặc điểm dân tộc chống phong kiến, chống thần học. Đan-tê, người được coi là “Đại thi hào đầu tiên của thời đại mới”. Trong thi phẩm nổi tiếng “Thần khúc”, biểu hiện trào lưu tư tưởng nhân văn sớm nhất. Ông đã đề xướng rằng “con người” là gốc của thế giới, lên án Giáo hoàng và các thầy tu. Đan-tê đã bị Giáo hội trục xuất, sống cuộc đời lưu vong nơi đất khách. Nhưng ông vẫn kiên trì đấu tranh không mệt mỏi đối với Giáo hội và Giáo hoàng. Sau Đan-tê còn có rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã đứng lên đả kích sự hủ bại của triều đình Giáo hội và sự sa đoạ của các thầy tu. Dưới sự nỗ lực của nhiều nhà văn hoá, văn học nghệ thuật cận đại châu Âu đã có một nền tảng vững chắc.

Trong thời kỳ này, khoa học tự nhiên cận đại cũng ra đời, chủ yếu thể hiện trong thiên văn học, toán học và cơ học, trong đó thiên văn học mang một ý nghĩa cạch thời đại.

Sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời và phát triển đã thúc đẩy sự tiến bộ cả khoa học tự nhiên. Khoa học tự nhiên phát triển lại tăng thêm sức mạnh để tấn công vào hệ thống thần học của đạo Thiên chúa.

Cô-pec-ních là nhà khoa học Ba Lan, khi còn trẻ chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhân văn. Trên cơ sở nghiên cứu nhiều năm về thiên văn học, quan sát các thiên thể, ông đã viết “Thuyết vận hành các thiên thể”. Trong cuốn sách này, ông nêu ra “Thuyết mặt trời trung tâm”, phủ định luận điệu trong “Kinh thánh” rằng: “Thượng Đế đã tạo ra Mặt trời, Mặt trăng, bắt chúng chạy quanh Trái đất”, phủ định thuyết Trái đất là trung tâm, lay đổ tận gốc vũ trụ quan thần học của Thiên chúa giáo. Từ đó bắt đầu cuộc cách mạng trong thiên văn học, thay đổi về căn bản cách nhìn của loài người đối với vũ trụ.

Nửa thế kỷ sau, triết gia người Ý, Brunô vì bảo vệ học thuyết của Cô-pec-nich đã bị Giáo hội giam vào ngục tối 7 năm trời. Brunô kiên định lòng tin vào học thuyết đó, từ chối thừa nhận sai lầm, ngày 8-2-1600, ông đã bị toà án dị đoan tuyên án tử hình và thủ tiêu toàn bộ những tác phẩm của ông.

Sau khi Bruno chết dược 30 năm, tháng 2 năm 1633, Ga-li-lê_nhà khoa học người Italia lại bị Giáo hội giam vào ngục tối. Ông đã tạo ra kính thiên văn để quan sát vũ trụ và các thiên thể, và một lần nữa lại phủ định vũ trụ quan thần học. Ông còn có những phát minh về toán học, vật lý khiến cho nhân loại có nhận thức hoàn toàn mới về vũ trụ. Ông đã bị Giáo hội kết tội, bắt giam và tra tấn.

Trải qua mấy thế hệ đấu tranh và phải trả giá nặng nề, cuối cùng khoa học tự nhiên đã thoát ra khỏi thần học, mạnh bước trên con đường tiến bộ.

Từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII đã xảy ra phong trào văn nghệ phục hưng ở nhiều nước Tây Âu, đó là phong trào văn hoá của giai cấp tư sản, họ đã dùng sức mạnh không gì lay chuyển nổi, phá vỡ những ràng buộc của sự chuyên chế về văn hoá thời kỳ Trung cổ, làm tan rã nhanh chóng chế độ phong kiến đồi bại, mở ra một thời kỳ mới giải phóng tư tưởng, phát triển văn nghệ và khoa học.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
Trần Trà Giang
Xem chi tiết
Luna_FAN_O.P
Xem chi tiết
Kiên Mạnh
Xem chi tiết
SHIZUKA
Xem chi tiết
Harune Aira
Xem chi tiết
Nguyễn Trúc Mai
Xem chi tiết
nguyễn Mỹ Hạnh
Xem chi tiết
Huỳnh Yến
Xem chi tiết
Phan Mai Hoa
Xem chi tiết