Tập làm văn lớp 6

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Nguyễn Quỳnh Trang

Kể một câu chuyện (hoặc sáng tác một câu chuyện) nói về một lần nông nổi, dại dột hoặc "nhẹ dạ", cả tin nghe lũ bạn xúi bậy được bài học nhớ đời.

Phạm Ngân Hà
19 tháng 7 2017 lúc 15:57

Tôi cầm chiếc đèn pin đã gần hết năng lượng trên tay, dò dẫm đi qua con đường dẫn ra cánh đồng làng. Chỉ còn chưa đầy mười mét nữa, tôi sẽ đi tới khu nghĩa địa. Đêm nay, tôi phải băng qua nghĩa địa ấy, đến một ngôi nhà lúc nào cũng có sẵn ít nhất 3 cái quan tài sau đó đi ngược lại, trở về nhà. Vừa đi, tôi vừa nhớ lại điều gì đã đẩy mình vào hành trình đáng sợ này!

Gần đây, bọn con gái trong lớp thi nhau kể chuyện ma. Sau một hồi thử thách thần kinh của tụi bạn bằng đủ loại chuyện cóp nhặt, Hòa bắt đầu kể về bãi nghĩa địa gần nhà nó. Nhà Hòa mấy đời buôn bán quan tài và các đồ phục vụ đám tang. Tôi đồ rằng, ngoài bạn bè trên lớp, nó phải có hàng tá hồn ma bầu bạn! Cái Hòa thường bắt đầu chuyện của nó bằng câu: “Ở bãi tha ma gần nhà tao...”. Thật lạ, con bé làm chuyện gì cũng vụng nhưng kể chuyện ma thì đúng là bậc thầy. Cái giọng nó lúc to, khi nhỏ, lúc trầm bổng đưa người nghe vào không gian rùng rợn. Rồi sau đó Hòa nhẹ nhàng vỗ mạnh vào một đứa bất kỳ khiến kẻ xấu số co rúm vì sợ. Mấy lần chứng kiến cảnh tụi con gái vừa kêu ré lên vừa sợ tái mặt, tôi bực quá liền nói:

- Đúng là con gái, có vậy mà cũng ầm ĩ cả lên. Ma có thật quái đâu mà sợ!

- Thế mày không sợ ma chắc? – Ai đó hỏi lại.

- Dĩ nhiên là không rồi. Nhớ lại năm xưa...

Tôi có cái tật, mỗi khi nói khoác cái gì cũng đều có cụm từ “nhớ lại năm xưa...” đính kèm. Hòa thấy thế ngay lập tức đập bàn tuyên bố:

- Được, vậy thì để chứng minh cho câu nói không sợ ma của mình, tám giờ tối nay, thằng Long sẽ đi qua bãi tha ma đến nhà tao lấy quyển sách hôm trước tao mượn. Sau khi Long hoàn thành nhiệm vụ, đứa nào còn bảo nó sợ ma thì coi chừng tao đấy!

Vậy là tôi cứng họng!

***

Chỉ còn mấy mét nữa là tới nghĩa địa, chân tôi càng ngày càng nhũn ra, thần kinh căng như dây đàn. Mấy câu chuyện ma bọn con gái kể với nhau ban ngày mà tôi cho là bình thường, giờ bỗng hiện lên sống động. Càng về đêm, không khí càng lạnh, cái áo mưa mỏng tang tôi mặc trên người không đủ để làm cơ thể ấm hơn. Gió bắt đầu rít bên tai. Còn một mét nữa, tôi không đủ can đảm để đi qua những ngôi mộ lớn nhỏ nên đành nhắm mắt liều bước đi. Dò dẫm đi trong đêm như vậy, sau vài bước, tôi vấp vào thứ gì đó ngã nhào.

Đúng lúc đó, tôi bỗng nghe phía sau mình như có tiếng bước chân. Tôi quay người lại. Con chim lợn đậu ở đâu đó đang kêu từng hồi eng éc. Tôi vùng đứng dậy nhưng không được, vạt áo mưa của tôi đã bị thứ gì đó níu lấy. Như một phản xạ tự nhiên, tôi ngã xuống, hét lên kinh hãi:

Ma... ma...

Tôi cố đứng dậy nhưng nỗi sợ hãi đã rút cạn sức lực. Bị va đập mạnh, cái đèn pin văng xuống đất, tắt ngóm. Tôi mò mẫm tìm. Giờ tôi không còn kỳ thị nó như trước nữa. Dù ngắc ngoải, ánh sáng của nó vẫn khiến tâm trí tôi được an ủi phần nào. Trong lúc sờ soạng, tôi vớ được một cây gậy, khá nhiều gai nhưng vừa tay. Ít nhất, nó có thể dùng làm vũ khí chống lại thứ khủng khiếp đang phải đối mặt.

Mới lết được hai bước, tôi đã thấy tim mình cứng ngắc vì sau lưng đang có bàn tay lạnh ngắt ngắt áp vào. Đứng chôn chân tại chỗ, tôi không dám quay lại, đến thở cũng nhỏ giọt. Tiếng bước chân ai đó lẹ làng lướt qua. Rồi có thứ gì gõ trên vai tôi lúc chậm, lúc nhanh, đều đặn, nhịp nhàng giống kiểu ai đó đang chơi piano vậy. Tôi như bị thôi miên, từ từ quay lại...

Chẳng khác nào một cú đấm, hình ảnh đôi mắt đỏ lòm và cái mồm lởm khởm đầy răng nằm dưới mái tóc rũ rượi đột ngột đập vào mắt tôi. Mùi hôi thối bốc lên ngột ngạt. Tôi vừa khua khoắng cái gậy, vừa kêu lên thảm thiết:

- Ma... mẹ ơi, cứu con với, có ma!

- Long, Long, dậy đi mày!

Bị hưởng hai cái tát, tôi mở mắt. Chưa bao giờ tôi lại thấy mừng khi gặp hai anh em cái Hòa như lúc này. May quá, hóa ra vừa rồi chỉ là một giấc mơ. Nhưng nhìn thấy con bé cứ dứ dứ cái điện thoại trước mặt mình thì tôi lại ngửi thấy mùi nguy hiểm ngay gần đây.

- Mày quay cái gì thế?

Cái Hòa cố nhịn cười:

- Có gì đâu. Chỉ là quay một số khoảnh khắc đáng nhớ thôi, ví dụ như lúc mày ngất vì sợ ma này, lúc mày vừa gọi mẹ vừa la hét này...

Tôi nhỏm dậy, định cướp lấy cái điện thoại nhưng không được. Cuối cùng, tôi đành chống chế một cách yếu ớt:

- Ai... ai bảo tao ngất vì sợ? Nhớ năm xưa...

- Thôi đi ông tướng! – Con bé bĩu môi dài cả mét – Thế vì sao mày lại nằm đây, nói đi!

Tôi há miệng, định bịa thêm lí do nhưng rốt cuộc chả nghĩ được cái gì. Lúc này, Vinh – anh trai cái Hòa mới lên tiếng:

- Đã yếu thì đừng có ra gió, nhớ chưa ông tướng! Lúc mày ngã, chính cái Hòa đã bỏ viên gạch vào vạt áo mưa của mày đó. Tưởng chơi chơi thôi, ai dè, mày xỉu luôn, báo hại anh phải cõng mày về.

Tôi lí nhí cảm ơn anh Vinh rồi quay sang hỏi cái Hòa:

- Tao tưởng mày sợ ma lắm mà?

Con bé lúc lắc hai bím tóc:

- Ờ! Nhưng không hiểu sao hôm nay, tao lại thấy dũng cảm lạ kỳ. Chắc là nhờ có mày ở đó.

Hoặc là đất thương tình nứt cho tôi một kẽ hở hoặc là tôi có thể chọc thủng mái nhà mà bay lên hay đủ can đảm để chạy ra bên ngoài thì tốt biết bao. Nhưng vì những thứ đó đều không xảy ra nên tôi vẫn phải ở trong nhà cái Hòa với nỗi xấu hổ không để đâu cho hết. Im lặng một lát, tôi ngập ngừng:

- Mày... sẽ không mang đoạn video vừa rồi cho bọn lớp mình xem chứ?

- Dĩ nhiên là... có rồi!

Cái Hòa cố tình kéo dài chữ “có” như muốn trêu tức tôi. Trong lúc mặt nó đang dương dương với chiến lợi phẩm, anh Vinh chộp luôn cái điện thoại, kịp ấn ấn vài nút. Tôi biết anh đã xóa đoạn băng quái quỷ kia bởi ngay sau đó, con bé nổi khùng lên:

- Sao anh lại xóa nó? Khó khăn lắm em mới quay được đấy!

Anh Vinh xua tay:

- Đồ trẻ con, nó sợ ma thật thì có làm sao chứ? Ở nhà mày sợ con gián còn hơn sợ anh mày, vậy mà tới lớp cũng oai như cóc. Thôi, không còn sớm nữa, thằng Long mặc áo mưa vào đi, anh đèo về.

Để xua bớt cơn xấu hổ hãy còn vất vưởng, tôi lắc đầu:

- Không cần đâu anh, để em tự về cũng được. Em...

- Tiện đường thì anh chở đi thôi. Anh cũng cần gặp anh của mày lấy lại quyển sách Toán.

Tôi ngoan ngoãn tin lời anh mặc áo mưa, lòng cảm thấy may mắn vì có người đi cùng. Cứ nghĩ phải một mình đi qua “giang sơn” của người chết lúc này, tôi không dám chắc mình có xỉu thêm lần nữa không. Ở nhà, ngồi dưới đèn điện sáng trưng, tôi cứ ngỡ hành trình sẽ suôn sẻ với vẻ mặt đắc thắng và dáng đi hùng dũng khi bước vào nhà cái Hòa. Ai ngờ, thực tế lại phũ phàng thế. Nhưng, lúc này, có đứa còn thảm hơn tôi. Nghe việc anh Vinh sang nhà tôi, mặt cái Hòa bỗng chuyển sắc, xanh hơn đít nhái. Nó run run:

- Anh với thằng Long đi rồi, bố mẹ lại chưa về, em... em phải ở nhà một mình à?

Tôi nhìn quanh quất. Phải ở một mình trong gian nhà đầy vàng mã, hương nhang và ba cái quan tài chưa sơn ngay cạnh bãi nghĩa địa thì đúng là một thử thách không nhỏ. Anh Vinh vừa dắt xe ra vừa nói:

- Mày ở lại trông nhà chứ còn gì nữa. Yên tâm, chả trộm nào dám vào nhà mình đâu.

Con bé giãy nảy:

- Em không biết! Anh đi đâu em đi đó. Em không ở nhà một mình đâu!

Anh Vinh gắt:

- Mày tuổi gì rồi mà còn mè nheo như trẻ con thế? Ai bảo mày đùa ác làm gì để anh mày phải...

Biết mình nói hớ, anh Vinh cứ thế dông thằng xe ra ngoài, mặc kệ con bé nước mắt nước mũi giàn giụa chạy theo. Dù có chút hả hê vì bị chơi xỏ nhưng nhìn nó tôi thấy cũng tồi tội.

Cuối cùng, trên chiếc xe đạp cà tàng, anh Vinh phải gò lưng đèo hai đứa “đồ trẻ con” (như lời anh nói) đi về trong cơn mưa lất phất.

Bị nắm thóp về vụ con gián và cũng sợ ma sáng hôm sau, cái Hòa đành nói dối bạn bè rằng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Song, tôi cũng không dám huênh hoang gì thêm. Một lần là đủ nhớ tới già rồi!


Các câu hỏi tương tự
Dung Nguyen
Xem chi tiết
Trần Thuỳ Dung
Xem chi tiết
Tiểu thư Quỳnh Liên
Xem chi tiết
Nguyễn Võ Anh Thư
Xem chi tiết
Tô Minh Ánh
Xem chi tiết
Công Tử Thiên Bình
Xem chi tiết
Trần Kim Yến
Xem chi tiết
Tiểu Thư Họ Phạm
Xem chi tiết
Nguyễn Phương Mai
Xem chi tiết