Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người, nó có thể được xây dựng chỉ dựa trên cơ sở quan niệm ấy. Ý nghĩa của nhân vật văn học chỉ có được trong hệ thống một tác phẩm cụ thể. Vai trò và đặc trưng của nhân vật văn học bộc lộ rõ nhất trong phạm vi vấn đề "nhân vật và tác giả". Theo Bakhtin, tương quan "nhân vật - tác giả" tuỳ thuộc hai nhân tố: 1. lập trường (công nhiên hoặc che giấu) của tác giả trong quan hệ với nhân vật (lập trường đó có thể là: anh hùng hoá, mỉa mai, chế nhạo, đồng cảm, v.v...); 2. bản chất thể loại của tác phẩm (ví dụ trong văn trào phúng sẽ có kiểu quan hệ của tác giả đối với nhân vật khác với trong văn xuôi tâm lí). Tuỳ thuộc hệ thống nghệ thuật của nhà văn, có những mức độ tự do khác nhau của nhân vật với tác giả: mức tối đa - nhân vật đối lập và đối thoại với tác giả, tính "tự trị" của nó là đáng kể (đây là cơ sở để nói đến "lôgic nội tại" của nhân vật); mức tối thiểu - nhân vật và tác giả mang các nét chung về tư tưởng, tác phẩm trở thành tấm gương soi những tìm tòi về tinh thần của nhân vật, cũng là những bước đường tư tưởng của nhà văn.