Bạn tham khảo chớ ca dao ko lên net tìm ko có đâu
"Con cò bay lả, bay la...", "Con cò bay bổng, bay cao". Những câu ca dao bắt đấu bằng "con cò" đã đi vào tâm hồn con người Việt Nam từ bao đời nay. "Con cò" thật là gần gũi thân quen với người nông dân.
Nó trở thành hình tượng đẹp trong ca dao. Và mỗi khi nhắc đến "con cò" với những phẩm chất của nó gợi ta liên tưởng đếnhình ảnh của người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, tận tụy suốt đời vì chồng vì con.
Người nông dân Việt Nam rất gần gũi và gắn bó với "con cò". Họ đã từng xem cò như Ịà bạn. Nhìn đàn cò trắng bay bổng trên cánh đồng bát ngát lòng người cảm thấy phơi phới lạ thường, quên hết nỗi nhọc nhằn sau một ngày làm việc. Dáng cò mảnh khảnh, thân cò gầy gầy, bộ lông cò trắng muốt. Cò mang một vẻ đẹp thanh thoát làm sao ! Nhìn cò đứng trên bờ ruộng rỉa lông, cò chao liệng trên bầu trời lộng gió ta chợt liên tưởng đến dáng vẻ của người phụ nữ. Cũng cái mảnh dẻ ấy, cũng cái thân gầy gầy ấy, ta bắt gặp ở người phụ nữ nông dận Việt Nam, người mẹ, người vợ của nông thôn ngày xưa nét dịu hiền đằm thắm, thanh thoát nhẹ nhàng như thế đấy!
Cái cò bay bổng bay cao
Bay qua cửa phủ, bay vào Đồng Đăng
Thật đẹp làm sao, qua lời ca dao ta lại mường tượng ra dáng vẻ của có mang bóng dáng người phụ nữ Việt Nam đáng yêu!
Nét nổi bật đáng quí ở "con cò" là đức tính chịu thương, chịu khó, chăm chỉ, cần cù : Thân cò rất vất vả, lặn lội quanh năm kiếm sống.
Trời mưa quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đá
Con cò kiếm ăn.
Đọc lời ca dao ta lại càng thấm thía. Bài ca dao không chỉ nói lên hình ảnh của người nông dân cần cù chịu đựng gian khổ mà còn thể hiện rõ nỗi khổ nhọc của những người mẹ Việt Nam suốt đời tần tảo. Vì đàn con thơ, mẹ phải "thân cò" kiếm ăn trong mưa bão. Mẹ không thể ngồi nghỉ một ngày nào. Cuộc sống cơ hàn vất vả có bà mẹ nào đành lòng để con đói rét lầm than.Nên mặc cho "con ốc nằm co", "con tôm đánh đáo" thi "con cò" vẫn phải "kiếm ăn".
Sống cuộc đời nghèo trong những ngày xưa cũ, người nông dân hay lam hay làm có bao giờ được một ngày sung sướng. Trong đó người phụ nữ lại càng vất vả trăm đường. Đọc lời ca dao:
Cái cò là cái cò con
Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà
Ta càng cảm nhận được rõ hơn cuộc sống khó khăn thiếu thốn ấy. Sống trong xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công thối nát, người phụ nữ cũng như thân cò nhỏ bé phải đương đầu với bao nỗi đắng cay. Thật tội nghiệp làm sao!
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
Bài ca dao không hẳn nói về người phụ nữ mà là nói lên số phận, nỗi chua xót tủi nhục của người nông dân nghèo thời ấy. Nhưng cái hình ảnh "thân cò" lên thác xuống ghềnh kia vẫn gợi lên trong ta hình ảnh của người phụ nữ bởi cái "lận đận một mình", bởi cái "thân cò" "đáng thương" ấy ! Nỗi khổ nhục kia lại được nâng cao hơn trong cảnh chiến tranh chết chóc. Chiến tranh đã đem lại bao mất mát cho con người. Bao cảnh tang thương chia cắt: con xa cha, vợ xa chồng. Chiến tranh đã đem lại nỗi đau thương, khốn khổ cho người phụ nữ, thân cò lại phải lận đận lao đao.
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Ở đây hình ảnh "con cò" lại được đem tượng trưng cho người phụ nữ. Người vợ lại phải "lặn lội" thân cò, gánh gạo đưa chồng trong tiếng khóc nỉ non ai oán. Nhưng rồi họ vẫn cam chịu, vẫn phải chấp nhận sự hi sinh. Một thân một mình vât vả nuôi mẹ, nuôi con cho chồng ra chiến trận. Nếu không có một tấm lòng yêu thương tha thiết, đức tính cần cù, nhẫn nhục hi sinh thì làm sao những người phụ nữ bé nhỏ yếu đuối kia lại có thể đem "thân cò" của mình mà gánh vác hết mọi nỗi vất vả gian lao.
Sống trong xã hội tối tăm đầy cạm bẫy, người phụ nữ bé nhỏ cũng như con cò phải đương đầu với biết bao trở ngại. Nhưng dù cuộc sống có tối tăm thế nào, dù phải gặp hoàn cảnh trái ngang hiểm nghèo đến đâu thì tâm hồn của người phụ nữ vẫn sáng trong, vẫn luôn tinh khiết như "con cò" trong lời ca dao:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi! ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Từ hình ảnh con cò lặn lội dưới sông tìm kiếm miếng ăn cho đàn cò con bé bỏng, nhân dân ta đã so sánh ngầm với sự tần tảo đảm đang của người phụ nữ. Đọc đến bài ca dao trước mắt ta như hiện lên hình ảnh những người vợ, người mẹ phải tất tả giữa dòng đời ngược xuôi để lo cho cuộc sống gia đình với đàn con nheo nhóc, kiếm ăn ban ngày không đủ cò phải đi kiếm ăn cả ban đêm. Vì tối trời, cò đậu phải cành mềm cho nên gặp nạn "lộn cổ xuống ao". Người mẹ đã gặp nguy hiểm, đã sa chân vào cạm bẫy. Đứng trước hiểm nguy như ngàn cân treo sợi tóc, cái chết đã kế bên, người mẹ ấy chợi nghĩ đến đàn con của mình nên cất lời van xin kêu cứu. Nhưng thật lạ. Một sức mạnh tiềm ẩn trong lòng mẹ chợt trỗi dậy. Bà mẹ cảm nhận rằng minh không thể chết trong nhục nhã, không thể để đàn con phải xấu hổ vì mình. "Con cò" mẹ ấy lại cất tiếng van xin một lần nữa. Nhưng không phải xin được sống mà là xin được chết trong sạch. Đọc lời ca dao ta cảm phục vô ngần.
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Ta thấy được phẩm chất đáng quý ở người phụ nữ hiện lên trong bài ca. Xin được chết trong vì sợ phải "đau lòng cò con". Tấm lồng ấy thật cao quý làm sao ! Trước cái chết vẫn nghĩ đến phẩm giá trong sạch của mình. Một tấm lòng kiên định bất khuất tiềm ẩn từ bao đời nay đã được lưu truyền trong huyết quản của người phụ nữ. Người mẹ ấy không muốn đàn con phải xấu hổ tủi nhục vì mẹ nó. Bà mẹ nghèo vất vả không có gì để lại cho con. Có lẽ chỉ có tấm lòng trong sạch thanh cao, là gia tài quý nhất để đàn con sau này luôn tự hào về mẹ nó mà sống tốt đẹp hơn. Bài ca dao làm xúc động lòng người.
Những lời ca dao ngọt ngào ấy cứ thấm vào lòng mỗi chúng ta. Ta yêu sao những lời ca tiếng hát cùng hình ảnh "con cò" chịu thương, chiu khó ấy. Càng đọc, càng thấm ta càng thấu hiểu hơn nỗi khó khăn nhọc nhằn của mẹ mình. Người đã vất vả cả đời vì chồng con không một lời than oán. Mẹ ta đã đang "lặn lội thân còi" để cho ta được ăn ngon mặc đẹp. Còn thân mẹ, mẹ có kể gi đâu. Ta chợt nhớ đến câu thơ của Tú Xương khi viết về bà Tú:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.