Để bảo vệ các loài trước nguy cơ tuyệt chủng, Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển giai đoạn 2016 -2025 nhằm có cơ sở dữ liệu về rùa biển ở Việt Nam; tuyên truyền và nâng cao ý thức của cộng đồng và xây dựng cơ chế pháp lý cho các khu bảo tồn biển trong công tác bảo vệ rùa biển.
Từ những năm 1990, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tại Vườn Quốc gia Côn Đảo đã hình thành các khu vực bảo tồn rùa biển và bãi đẻ của rùa. Tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp với Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo triển khai hệ thống gắn thiết bị vệ tinh theo dõi đường di cư của rùa biển. Nơi đây hiện đã hình thành 16 khu vực để rùa đẻ trứng, với hơn 2.400 tổ, số rùa nở đã được kiểm soát và thả về biển hơn 197.000 con. Qua thống kê cho thấy, số lượng rùa mẹ lên bãi đẻ trứng, số tổ trứng và số rùa con thả về biển tăng dần dần qua các năm.
Cùng với Côn Đảo, nhiều địa phương cũng đã hình thành khu bảo tồn biển, trong đó có việc bảo tồn và phát triển các cá thể rùa biển như: Khu Bảo tồn biển Vườn Quốc gia Núi Chúa ở tỉnh Ninh Thuận, với tổng diện tích hơn 7.300 héc ta. Hằng năm có 3 loài rùa biển đến sinh sản gồm: Rùa xanh, Đồi mồi và Đồi mồi dứa. Tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã lập Trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại khu vực, giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển, cũng là nơi đầu tiên thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển.