Ngày 20/09/2014, chỉ thị của UBND thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường việc quản lý và sử dụng túi nilon trên địa bàn đã chính thức có hiệu lực.
Theo đó, thói quen dùng túi nilon của người dân và các thương lái sẽ được siết chặt quản lý, các hành vi vứt bừa bãi, tự ý đốt hay chôn lấp loại túi này trái quy định đều bị xử phạt nặng.
Quyết định trên được đưa ra với mong muốn cải thiện ý thức người dân, hướng tới một xã hội tương lai tốt đẹp, trong lành hơn khi không có túi nilon.
Đã bao giờ bạn thử tưởng tượng xem, Trái đất sẽ ra sao nếu con người không còn sử dụng loại túi độc hại này? Hãy cùng đi tìm lời giải dưới đây.
Nhiều người thường băn khoăn rằng, liệu con người có tồn tại được nếu không có túi nilon. Nhưng điều này là hoàn toàn có thể, bởi lẽ túi nilon được sử dụng chính thức khoảng năm 1957, sau đó mới phát triển và bùng nổ.
Trước đó, loài người vẫn sống mà không hề biết tới loại túi độc hại - mất tới 500 - 1.000 năm mới phân hủy này. Do vậy, một tương lai không túi nilon là điều hoàn toàn có thể hiện thực hóa.
Việc loại bỏ túi nilon khỏi cuộc sống của chúng ta là một cách hữu hiệu để kéo dài nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt trên Trái đất.
Bạn có biết, theo ước tính, tiết kiệm 8 chiếc túi nilon có thể đủ năng lượng cho một chiếc xe ô tô chạy trong 1km. Vậy mà cả thế giới lại đang lãng phí tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ để sản xuất túi nilon?
Chúng ta biết rằng, 3/4 Trái đất bao phủ bởi nước. Nhưng theo ước tính của các chuyên gia, cứ 1km vuông đại dương lại có khoảng 17.692 mẩu rác (gồm túi nilon và các phế phẩm từ nhựa).
Chỉ tính riêng dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương trong hơn 40 năm qua lượng túi nilon thải ra đây đã gia tăng tới 100 lần. Nếu con người xóa sổ loại chất thải này, đại dương sẽ được trả lại sự trong sạch và tươi đẹp.
Chúng ta có thể phân biệt được đâu là rác...
... nhưng rùa biển thì không.
Việc ngừng sử dụng túi nilon trong tương lai sẽ tạo điều kiện cho chúng ta bảo tồn được nhiều loài sinh vật biển hơn hiện nay.
Nguyên nhân là bởi trong đại dương, túi nilon lơ lửng và có hình dạng giống loài sứa. Theo các chuyên gia sinh vật học, túi nilon là thủ phạm gây ra cái chết của rùa biển vì chúng không phân biệt được đâu là túi rác, đâu là con mồi thật sự.
Trong bối cảnh Trái đất đang ngày một lâm nguy vì biến đổi khí hậu, nói “KHÔNG” với túi nilon sẽ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường rất tốt.
Bởi lẽ việc sản xuất loại túi này sẽ thải ra môi trường rất nhiều CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Thêm nữa, túi nilon khi bị đốt cháy sinh ra dioxin và lưu huỳnh, gặp hơi nước sẽ gây nên mưa axit cực kì độc hại. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu chúng ta ngừng sử dụng loại túi nguy hiểm này.
Túi nilon dùng để đựng đồ ăn...
... nhất là đồ ăn nóng sẽ dễ phôi nhiễm các chất độc hại như chì, cadimi...
Từ khía cạnh xã hội, việc loại bỏ túi nilon giúp con người hạn chế những cái chết đáng tiếc có thể xảy ra. Ở Mỹ, mỗi năm có 25 trẻ sơ sinh qua đời vì bị túi nilon bịt kín gây ngạt thở.
Chưa hết, vì sự tiên lợi mà không ít người sử dụng túi nilon để đựng đồ ăn nóng. Họ không hề biết rằng, túi nilon khi gặp nhiệt độ nóng sẽ sinh ra các kim loại nặng như cadimi, chì gây ung thư não, phổi hoặc biến đổi giới tính người sử dụng.
Theo thống kê của trang Clean Air, cứ mỗi phút lại có một triệu túi nilon được sử dụng và chỉ có 1% trong số đó sẽ được tái chế.
Như vậy, với giá trị khoảng 200 đồng/túi nilon, xã hội đã lãng phí tới 288 tỷ đồng/ngày vì sản phẩm độc hại này. Nếu không có túi nilon, số tiền đó hoàn toàn đem lại cuộc sống mới cho khoảng 1 tỷ người thiếu lương thực kinh niên trên toàn cầu.
Thói quen sử dụng túi nilon của các bà nội trợ hẳn sẽ còn rất lâu mới thay đổi được.
Tại Việt Nam, bất chấp hiểu rõ sự nguy hiểm của túi nilon, mỗi ngày người Việt ta vẫn thải ra ngoài 2.500 tấn rác nhựa (chủ yếu là túi nilon).
Điều đó tương đương với việc cứ mỗi mét vuông đất trên nước ta lại chứa khoảng 9 “quả bom nổ chậm”. Do vậy, một tương lai không túi nilon sẽ không thể đạt được ngay lập tức. Thay vào đó, cách tốt nhất là hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng một cách bừa bãi túi nilon.