Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!
Hiện nay, nhân loại chúng ta đang phải đối mặt với biết bao tai họa là hệ quả của việc biến đổi khí hậu. Vừa qua, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã chỉ ra những tác động tiêu cực của việc biến đổi khí hậu: Khí thải nhà kính làm Trái Đất của chúng ta ấm dần lên, hiện đã vượt quá nồng độ cao nhất được ghi nhận trong các lõi băng trong vòng 800.000 năm qua.
Bên cạnh đó, mức độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã tăng 40% kể từ thời tiền công nghiệp hóa, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đốt các nguyên liệu hóa thạch.
Những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của con người trên thế giới. Chắc hẳn ngài vẫn chưa thể quên được trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 12/1/2010 tại nước Cộng hòa Haiti đã cướp đi mạng sống của 250.000 người chỉ trong nháy mắt. Với rung chấn mạnh 7 độ Richter nó là trận động đất mạnh nhất kể từ năm 1887 của lịch sử nước này.
Chỉ trong chưa đầy 1 tháng sau trận động đất ở Haili thì ở Chile tiếp tục xảy ra trận động đất kinh hoàng 8,8 độ Richter đã gây dư chấn mạnh lan khắp Nam Mỹ và trở thành một trong những trận động đất dữ dội nhất trong lịch sử thế giới. Trận động đất này đã khiến ngành bảo hiểm phải chi trả số tiền lên tới 8 tỷ USD, trong khi thiệt hại kinh tế cho Chile sau thảm họa này là khoảng 30 tỷ USD.
Riêng với bản thân tôi, tôi vẫn nhớ như in về trận lụt dữ dội nhất trong lịch sử Pakistan hồi tháng 8/2010 đã tàn phá từ vùng Tây Bắc đến miền Nam và cướp đi sinh mạng của 1.600 người, ảnh hưởng tới 20 triệu người, gây thiệt hại vật chất ít nhất 43 tỷ USD, châm ngòi cho dịch bệnh-bạo lực bùng phát ở đất nước này.
Hình ảnh những con người lang thang với khuôn mặt đầy mệt mỏi xin ăn từng miếng, những đứa trẻ bị cuốn đi trong nước lũ chỉ trong vài giây và khuôn mặt hốc hác của người mẹ tìm con sau trận lũ vẫn ám ảnh tôi tới tận bây giờ.
Biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người khi tầng ozon bị thủng và tia cực tím chiếu thẳng xuống mặt đất gây nên những đại dịch về da. Đó chính là lí do tại sao tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng mạnh. Chắc Ngài António Guterres cũng nhớ vào năm 2014 dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người và ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 20.000 người khi dịch bệnh này được liệt vào danh sách những bệnh có nguy cơ lây lan khủng khiếp nhất từ trước đến nay.
Hơn thế, một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới dự đoán rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp và đồng thơi đe dọa an ninh lương thực cho hàng triệu người.
Theo dự đoán, đến năm 2050, sản lượng cây trồng ở châu Á dự kiến sẽ giảm 50% đối với lúa mì, 17% đối với gạo và điều này sẽ đe dọa hàng tỷ người sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người tiền nhiệm của Ngài từng xem vấn đề thay đổi khí hậu là một nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ của mình, đã kêu gọi các nước cải thiện những hệ thống cảnh báo thiên tai sớm, đồng thời tăng cường giáo dục để giảm thiểu tác hại của các thảm họa.
Có thể thấy cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu là một cuộc chiến chung, đòi hỏi mọi người, mọi quốc gia chung sức, đồng lòng. Vậy, tôi rất mong ngài António Guterres với vai trò là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2017 sẽ nhìn nhận những gì tôi đã phân tích và có những động thái quyết liệt để chúng ta cùng nhau chung tay chống lại biến đổi khí hậu vì một thế giới yên bình hơn.
Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!
Chắc hẳn Ngài cũng biết tình hình thế giới của chúng ta trong những năm gần đây đang có những biến động đáng kể: Sự liều lĩnh của các tổ chức khủng bố, căng thẳng trên Biển Đông, sự leo thang của các chiến dịch quân sự và các bệnh dịch, thiên tai đang kéo đến với những tần suất liên tục khiến con người chúng ta phải đối mặt với bao hệ lụy.
Biết bao nhiêu người mất nhà, mất cửa, phải di cư; biết bao trẻ em tị nạn hàng ngày sống “vật vờ” quanh các bến xe, các khu chợ chỉ để chờ “bố thí” một miếng ăn. Điều ấy báo động sự bùng nổ của các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Ngài có biết, ở Nam Sudan kể từ tháng 12/2013, hơn 2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ. Khoảng 1,6 triệu người đã phải đi lánh nạn ở trong nước, trong khi có hơn 900.000 người đã phải đi tị nạn tại các quốc gia láng giềng.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn kể từ khi xảy ra các vụ đụng độ hôm 7/7 tại Juba, giữa các lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir và các lực lượng ủng hộ ông Riek Machar. Chỉ riêng trong tháng 7/2016, khoảng 70.000 người Nam Sudan đã vượt qua biên giới để sang Uganda xin tị nạn.
Trong khi đó, khoảng 4,8 triệu người trên khắp cả nước vẫn đang phải đối mặt với an ninh lương thực trầm trọng và có tới 250.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Bên cạnh đó, Nam Sudan cũng phải đang chống chọi với sự bùng phát của dịch tả. Chính những điều này đã khiến cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan ngày càng trầm trọng hơn.
Hiện nay, các chiến dịch quân sự và các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố khiến cho nguy cơ khủng hoảng nhân đạo xảy ra ngày càng cao. Ngày 17/10 Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc tổng tấn công của các lực lượng Chính phủ Iraq nhằm giành lại thành phố Mosul từ Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trong khi trước đó, 1,5 triệu người vẫn đang mắc kẹt tại Mosul và giao tranh có thể khiến 1 triệu người phải đi sơ tán. Đó là chưa kể, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính khoảng 100.000 người Iraq sẽ tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để tránh các cuộc giao tranh tại thành phố Mosul.
Một trong những hệ quả rõ ràng nhất từ các cuộc xung đột trên thế giới là số lượng người dân tại các nước bất ổn buộc phải liều mạng vượt biển đang tăng cao. Ít nhất 2.000 người thiệt mạng khi tìm cách vượt qua Địa Trung Hải để tới các nước châu Âu trong năm 2015.
Nếu đến những vùng tôi kể trên hay bất cứ nơi nào đang có giao tranh về quân sự trên thế giới, Ngài sẽ chẳng khó khăn gì để nhìn thấy những đoàn người lê từng bước mệt mỏi, trên tay cầm tất cả những gì quý giá nhất với họ. Có thể, chỉ là một cái bánh hay vài bộ quần áo. Và đương nhiên, trong con đường đi tị nạn ấy cũng chẳng thiếu gì người già hay trẻ nhỏ.
Để tìm kiếm sự sống họ sẵn sàng liều mình vượt biển, vượt đại dương nhưng lại chẳng thể nào biết được cuộc đời mình sẽ về đâu trong những ngày tháng tiếp theo.
Họ ngủ giữa đường cao tốc, gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào khi lênh đênh trên xuồng quá tải và kiệt sức khi tới bờ là vấn đề mà bất cứ người tị nạn vượt biển nào cũng phải đối mặt. Có thể đất nước mà họ đã phải vất vả đi hàng trăm kilomet để tới nó cũng chẳng sáng sủa gì với cái nơi mà họ đã rời đi để bảo vệ sự sống.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh một ông bố Syria bế con cố bơi về đảo Lesbos khi xuồng của họ hỏng động cơ lúc vượt qua biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/9. Khi đưa con vào bờ thành công, dù sự lo lắng và mệt mỏi thể hiện rõ trên khuôn mặt nhưng ông bố ấy đã nói một câu khiến tôi ám ảnh mãi cho tới tận giờ: "Bạn không cần quá nhiều để có thể cảm thấy hạnh phúc. Đôi khi, những điều giản đơn nhất lại đem đến niềm hạnh phúc lớn hơn cả".
Có thể với những người như tôi, như Ngài thì sự giàu sang phú quý, có con đường danh vọng xán lạn, có nhiều người nể phục là hạnh phúc. Nhưng với những người tị nạn, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ bùng nổ cao hơn thì được sống mới là hạnh phúc của họ.
Tôi hi vọng rằng với sự sáng suốt của ngài Tổng thư ký LHQ António Guterres ngài sẽ tìm cách để cộng đồng thế giới cần phải thay đổi hẳn tư duy về công tác cứu trợ để giải quyết tận gốc sự khủng hoảng nhân đạo.
Bên cạnh đó quyết tâm chính trị phải đi kèm với hành động cụ thể. Trong đó, những quốc gia phát triển giàu có thể hiện hành động cụ thể đối với vấn đề nhân đạo.
Tôi tin rằng, với sự quyết liệt của Ngài trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân đạo thì một tương lai không xa, thế giới của chúng ta sẽ được mang tên “Thế giới hạnh phúc”.