Khi nói về vẻ đẹp của Thúy Kiều , Nguyễn Du đã dự báo trước cuộc đời và số phận của nàng , nói như vậy là đúng :
- Kiều có những gì Thúy Vân có nhưng ở mức độ sắc sảo hơn, mặn mà hơn, khi Kiều xuất hiện, đến hoa kia, liễu nọ cũng phải ghen hờn.
- Tả Kiều, Nguyễn Du không liệt kê nhiều chi tiết như khi tả Thúy Vân mà chỉ tập trung nhiều ở đôi mắt - cửa sổ tâm hồn. Từ cửa sổ tâm hồn ấy: “Tinh anh phát tiết ra ngoài; ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa”.
- Kiều còn có vẻ đẹp của tài năng, nó đạt đến mức toàn diện, chuẩn mực của bậc tài hoa theo quan niệm thẩm mĩ của xã hội phong kiến, giỏi cả “cầm, kì, thi, họa”. Đặc biệt là tài đàn.
- Nhan sắc ở Kiều độc đáo, kì lạ vượt lên trên sự bình thường. Đó là loại nhan sắc hiếm có trên đời, thường được tôn sùng và cũng thường bị đố kị lúc nào cũng gây ra sóng gió cho mình.
- Tài của Kiều là cái tài toàn diện: cầm, kì, thi, họa mà tài nào cũng ở mức tuyệt đỉnh, trọn vẹn sắc đã hiếm có, tài lại hiếm có hơn. Thúy Kiều đúng là người hiếm có ở đời.
=> Ở Kiều là sự kết hợp giữa tài - sắc - tình - mệnh. Từ bức chân dung ấy, người ta có thể cảm nhận được kiếp đời chẳng mấy êm đềm của nàng. Vì như Nguyễn Du đã khéo léo mượn hai hình tượng đẹp nhất của thiên nhiên là hoa và liễu đặt bên đời Thúy Kiều với tình cảm hờn ghen. Tạo hóa trêu ngươi để đưa Thúy Kiều vào những trái ngang, đau khổ.
Khi tả tài sắc Thúy Kiều, thi hào không chỉ nói lên cái tuyệt vời của hiện tại mà còn hàm ý dự báo về tương lai của nàng, sắc đẹp kiều diễm "hoa ghen… liễu hờn…” với bản đàn "Bạc mệnh" mà nàng sáng tác ra "lại càng não nhân" như gợi ra trong tâm hồn chúng ta một ám ảnh "định mệnh" mà nhà thơ đã khẳng định: "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen",… "Chữ tài liền với chữ tai một vần",… Gần hai thế kỉ nay, bức chân dung giai nhân này qua đoạn thơ Chị em Thúy Kiều đã để lại trong trái tim hàng triệu con người Việt Nam một sự cảm mến nồng hậu, một sự phấp phỏng lo âu đối với người con gái đầu lòng của Vương ông. Đó là tài năng đích thực của Nguyễn Du về nghệ thuật tả người.
Giá trị nội dung và nghệ thuật:
* Giá trị nhân đạo: Giá trị chính của “Truyện Kiều” là giá trị nhân đạo. Giá trị này được thể hiện ở hai phương diện sau:
- “Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người:
+ Viết “Truyện Kiều” ,Nguyễn Du đã thể hiện ước mơ đẹp đẽ của mình về một tình yêu tự do, trong sáng,chung thủy trong xã hội mà quan niệm hôn nhân phong kiến còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim – Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc.
+ Viết “Truyện Kiều” ,Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng đầy ức chế, tàn bạo. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Từ Hải –người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả cái xã hội bạo tàn ấy. Từ Hải là khát vọng của công lí, là biểu tượng cho tự do dân chủ.
+ Viết “Truyện Kiều”,Nguyễn Du còn ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người: vẻ đẹp tài sắc, trí tuệ thông minh,lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, ý thức vị tha, đức thủy chung. - “Truyện Kiều” còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo,chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực tàn bạo đó, khi là bộ mặt bọn quan lại tham lam, đê tiện, bỉ ổi – đầu mối của mọi xấu xa trong xã hội ( Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà…), có khi lại là sự tàn phá, hủy diệt hung hiểm của đồng tiền trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ,trong tay bọn người bất lương tàn bạo đã phát huy tất cả sức mạnh của nó, đổi trắng thay đen, biến con người thành thứ hàng hóa để mua bán.
* Giá trị hiện thực:
- Phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công, tàn bạo.
- Phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ.
* Về nghệ thuật:
- Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại.
- Với “Truyện Kiều”,ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ.
- Với “Truyện Kiều”,nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí con người.
=> Từ tất cả những giá trị nội dung và nghệ thuật của “Truyện Kiều”, chúng ta có thể khẳng định:
“Truyện Kiều” chính là một kiệt tác trong văn học trung đại nói riêng và văn học dân tộc nói chung.
* Nhận xét về “Truyện Kiều”, Mộng Liên Đường chủ nhân có nói:
“…Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy…”