Tham Khảo
Từ bao đời nay, hổ được mệnh danh là Vị chúa sơn lâm. Thế nhưng, giờ đây, nó lại bị nhốt trong vườn bách thú, trong một cái lồng sắt. Vì thế, nó vô cùng phẫn uất. Câu thơ "gậm một khối căm hờn trong cũi sắt" với cách sử dụng động từ "gậm" - động từ mạnh, không phải là nhai ngấu nghiến mà nghiến từ từ cho đến lúc nát ra. Câu thơ chủ yếu vần trắc, thể hiện được nỗi căm phẫn, uất hận, căm tức của con hổ khi nó bị nhốt ở trong vườn bách thú. Con hổ như đang muốn phá tan tất cả mọi thứ vì nỗi căm tức đang dâng trào trong lòng nó. Câu thơ tiếp theo, khi niềm căm phẫn dâng lên cao độ đã chuyển thành nỗi chán chường: "Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua". Câu thơ 8 chữ nhưng có đến 7 chữ là vần bằng, thể hiện nỗi chán ngán, buông xuôi, bất lực của chúa tể rừng xanh. Với vị trí là chúa tể của muôn loài, nay bị "sa cơ" vào vòng "tù hãm", hơn nữa còn trở thành một "trò lạ mắt", "thứ đồ chơi" và còn bị nhốt chung với những con vật thấp hèn như "bọn gấu dở hơi", với cặp báo "vô tư lự", hổ ta cảm thấy nhục nhã, ê chề biết bao nhiêu. Như vậy, chỉ với một đoạn thơ ngắn, Thế Lữ đã khéo léo bộc lộ được tâm trạng chán chường, tủi nhục của Vị chúa tể sơn lâm, hay đó cũng chính là ẩn dụ cho tình cảnh của nhân dân ta lúc bấy giờ.